Vietnamese English
Điểm tin môi trường tháng 5

6/4/2018 8:22:00 AM

Thu trên 888 tỷ đồng dịch vụ môi trường rừng; GEF tài trợ trên 457 triệu USD thực hiện 107 dự án về môi trường; Kiến nghị giãn lộ trình tăng thuế bảo vệ môi trường; 6 nước châu Âu bị đưa ra Toà vì ô nhiễm không khí; Người Hàn Quốc sợ bụi hơn mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên; Thông qua nghị quyết tiến tới công ước môi trường toàn cầu; ... là trong số những thông tin sự kiện môi trường nổi bật trong tháng 5/2018.

VIỆT NAM
 

Thu trên 888 tỷ đồng dịch vụ môi trường rừng

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến cuối tháng 4/2018, cả nước đã thu được trên 888 tỷ đồng dịch vụ môi trường rừng, đạt trên 38% kế hoạch năm và tăng 68% so với cùng kỳ năm 2017 (thu tăng so với cùng kỳ 361 tỷ đồng); trong đó, Quỹ Trung ương thu được trên 713 tỷ đồng; quỹ tỉnh thu được gần 175 tỷ đồng. Thu dịch vụ môi trường rừng tăng mạnh bởi thực hiện theo Quyết định 147/2016/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2010/NĐ-CP về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.


Theo đó, mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng áp dụng đối với các cơ sở sản xuất thủy điện từ 20 đồng/kWh lên 36 đồng/kWh. Bên cạnh đó, năm nay, quỹ dịch vụ môi trường rừng cũng đòi nợ được gốc (các doanh nghiệp trả hết nợ); thời tiết thuận lợi, mưa nhiều nên lượng điện phát ra tăng. Dịch vụ môi trường rừng trở thành nguồn tài chính quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng, tăng thu nhập cho chủ rừng, giảm áp lực chi ngân sách, chi trả cho trên 5,4 triệu ha rừng. Đây chính là nguồn kinh phí để hỗ trợ người trồng rừng và bảo vệ rừng, từ đó sẽ giúp người dân sống bằng nghề rừng ổn định hơn và gắn bó với rừng hơn. Theo Tổng cục Lâm nghiệp, lũy kế chi tiền dịch vụ môi trường rừng của 2017 đến cuối tháng 4/2018 đạt gần 1.028 tỷ đồng/1.452 tỷ đồng trả cho chủ rừng, đạt xấp xỉ 71% số phải chi trả - theo TTXVN.
 
GEF tài trợ trên 457 triệu USD thực hiện 107 dự án về môi trường

Sáng 30/05, Hội nghị Đối thoại quốc gia về Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) chu kỳ 7 được tổ chức tại Hà Nội. Kể từ khi hoạt động đến nay, GEF đã viện trợ 14,5 tỷ USD và huy động thêm 75,4 tỷ USD cho gần 4.000 dự án trong lĩnh vực môi trường. Việt Nam là thành viên của GEF từ những ngày đầu. Tính đến nay, Việt Nam đã được GEF tài trợ 457,18 triệu USD để thực hiện 107 dự án về môi trường trong nhiều ngành, lĩnh vực tại nhiều địa phương góp phần quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề môi trường tại Việt Nam.
 
WB sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện những dự án về môi trường, và ưu tiên lồng ghép trong 4 lĩnh vực quan trọng đó là đa dạng sinh thái, bảo vệ nguồn nước, chống xói mòn đất và chống biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, xây dựng định hướng quốc gia của Việt Nam trong chu kỳ 7 của GEF nhằm thực hiện cam kết quốc tế trong 7 lĩnh vực: đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, hóa chất và chất thải, các vùng nước quốc tế, suy thoái đất, quản lý rừng bền vững và tiếp cận tổng hợp đa lĩnh vực.

Trao giải cuộc thi phim và phóng sự ngắn về thiên tai

Nhân dịp kỉ niệm 72 năm ngày truyền thống phòng chống thiên tai Việt Nam, ngày 22/05 tại Hà Nội, Tổng cục phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) công bố 9 tác phẩm đạt giải trong cuộc thi phim và phóng sự ngắn lần đầu tiên được tổ chức mang tên “Những sự kiện thiên tai cực đoan – Bài học quá khứ và Hành động tương lai”. Cuộc thi nhằm nâng cao nhận thức, thúc đẩy công tác truyền thông về phòng chống thiên tai để từ đó cộng đồng hiểu hơn về tác động của thiên tai và chủ động tham gia ứng phó. Cuộc thi cũng hỗ trợ việc đạt được các mục tiêu của Khung Sendai và các Mục tiêu phát triển bền vững nhằm giải thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Sau bốn tháng công bố cuộc thi từ ngày 15/11/2017, Ban tổ chức đã nhận được hơn 78 tác phẩm từ các tác giả trên khắp mọi miền. Hầu hết các tác phẩm phản ánh các tác động nghiêm trọng của thiên tai, khó khăn, những mất mất và thiệt hại của người dân sinh sống trong khu vực hay xảy ra thiên tai, đồng thời đưa ra các giải pháp thực tế cho chính phủ và cộng đồng. Nhiều tác phẩm để lại dấu ấn trong lòng người xem. Giải nhất được trao cho tác phẩm “Đừng đùa với thiên tai” của Đài phát thanh và truyền hình tỉnh Khánh Hòa. Giải nhì thuộc về tác phẩm “Lũ quét Mù Cang Chải – nguyên nhân hình thành và một số giải pháp” do Trung tâm Truyền hình Thời tiết và Cảnh báo thiên tai, Đài truyền hình Việt Nam; và tác phẩm “Chuyện cái ao” của tác giả Nguyễn Văn Hòa, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh Sóc Trăng. Ngoài ra, còn có ba tác phẩm đạt giải ba.

Cần Thơ trở thành địa phương không còn gấu nuôi nhốt

Ngày 29/5, cơ quan chức năng tỉnh Cần Thơ đã tiến hành chuyển giao một cá thể gấu ngựa đển Trạm Cứu hộ gấu thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên (của tổ chức Free the Bears). Đây cũng là cá thể gấu nuôi nhốt cuối cùng trên địa bàn, chính thức đưa Cần Thơ trở thành địa phương thứ 22 trong cả nước không có gấu nuôi nhốt. Đây là cuộc chuyển giao gấu thứ ba diễn ra trong năm nay, nhờ những nỗ lực của chính phủ và các tổ chức đối tác trong việc thúc đẩy chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu tại Việt Nam.

Việc chuyển giao gấu lần này cũng đánh dấu một bước tiến lớn trong nỗ lực của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) và các đối tác: Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới, Tổ chức Four Paws cũng như chính phủ Việt Nam nhằm khuyến khích mô hình địa phương không còn gấu nuôi nhốt theo đúng cam kết trong lộ trình được đưa ra vào năm 2017 nhằm chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu tại Việt Nam.
 
Kiến nghị giãn lộ trình tăng thuế bảo vệ môi trường

Theo thông tin trên SGGP, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM cho biết, vừa hoàn tất kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng xem xét có lộ trình và cân nhắc thận trọng đề xuất của Bộ Tài chính về việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên mức kịch trần. Nguyên nhân là vì giá xăng dầu tăng lên kịch trần trong thời điểm hiện nay sẽ ảnh hưởng nhiều đến giá cả chung của thị trường, đặc biệt là việc sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Chưa kể, đề xuất tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu cùng với giá dầu thế giới đang tăng nhanh từ đầu năm tới nay có thể tạo ra tác động kép cho người dân và doanh nghiệp.
 
Bởi theo công bố của Bộ Công thương trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 8-5 cho thấy, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore của 15 ngày trước kỳ điều hành với mặt hàng RON 92 là 80,8 USD/thùng; RON 95 là 86 USD/thùng và diesel là 97,4 USD/thùng. Thực tế này khiến giá xăng hiện tại so với thời điểm ngày 1-1 đã tăng khoảng 840 đồng/lít với E5 RON 92; tăng hơn 2.000 đồng/lít với RON 95 và gần 1.600 đồng/lít với dầu diesel. Do đó, nếu đề xuất của Bộ Tài chính, thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu sẽ tăng lên kịch khung với thời hạn áp dụng từ ngày 1-7, sẽ gia tăng áp lực gia tăng mạnh chi phí cho nền kinh tế. Trước đó, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Công thương trong góp ý về đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu cũng cho rằng, cần có lộ trình điều chỉnh một cách hợp lý và nghiên cứu kỹ tác động về mặt kinh tế của chính sách này bởi đây là mặt hàng thiết yếu và là nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bởi theo tính toán, nếu giá xăng, dầu tăng thêm 1.000 đồng/lít thì nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp cũng tăng. Từ đó, người tiêu dùng cũng phải chấp nhận mua sản phẩm với mức giá bị điều chỉnh từ phía doanh nghiệp.
 
THẾ GIỚI

6 nước châu Âu bị đưa ra Toà vì ô nhiễm không khí
 
VOV đưa tin: Ngày 17/5, Uỷ ban châu Âu ra quyết định kiện 6 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ra Toà công lý của Liên minh châu Âu vì không tuân thủ các tiêu chuẩn về chất lượng không khí. Trong quyết định đưa ra sáng 17/5, tại Brussels, Uỷ ban châu Âu thông báo sẽ kiện ra Toà Công lý của Liên minh châu Âu 6 quốc gia thành viên là Pháp, Đức, Anh, Italy, Hungary và Romania vì các nước này đã nhiều năm không tuân thủ các tiêu chuẩn về chất lượng không khí. Trước đó, danh sách này gồm 9 nước nhưng vào phút chót 3 nước là Tây Ban Nha, CH Séc và Slovakia được tạm thời đưa ra khỏi danh sách trừng phạt nhưng vẫn tiếp tục bị theo dõi.

Các tiêu chuẩn về chất lượng không khí hiện tại được Liên minh châu Âu đưa ra từ năm 2008, trong đó quy định các quốc gia thành viên phải có các biện pháp nhằm giảm lượng N2O cũng như các phân tử khí bụi PM10 trong không khí. Báo cáo mới đưa ra đầu tháng này của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, ô nhiễm không khí đã cướp đi sinh mạng của khoảng 500.000 công dân châu Âu mỗi năm. Tại châu Âu, tình trạng ô nhiễm không khí nặng nhất là ở Italy và Ba Lan. Các quốc gia Liên minh châu Âu bị phạt vì ô nhiễm không khí sẽ phải nộp phạt ít nhất 11 triệu euro, cộng thêm 240.000 euro mỗi ngày cho đến khi chất lượng không khí đạt tiêu chuẩn cho phép. Trong những năm gần đây, đã có hai quốc gia thành viên Liên minh châu Âu bị phạt là Ba Lan và Bulgaria.

Người Hàn Quốc sợ bụi hơn mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên
 
Tờ The Korea Times ngày 16/5 dẫn khảo sát của Viện Sức khỏe và các vấn đề xã hội Hàn Quốc cho thấy vấn đề người dân Hàn Quốc lo ngại nhất là ô nhiễm bụi chứ không phải mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Khảo sát với sự tham gia của 3,839 người đưa ra câu hỏi về các mối lo ngại của người dân khi sinh sống tại Hàn Quốc. Theo đó, họ lo ngại nhất là bụi mịn, những hạt bụi li ti chủ yếu sinh ra từ khí thải của ô tô, xe máy.

Khảo sát đề nghị người tham gia chấm điểm từ 1-5 cho các vấn đề họ lo ngại. Ô nhiễm không khí có số điểm trung bình là 3,46 chiếm vị trí thứ nhất. Tiếp theo là các vấn đề kinh tế phát triển chậm, sự già hóa dân số, ô nhiễm nước và vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Trong khi đó, mối lo ngại ít nhất bao gồm các vấn đề như lũ lụt, bão, động đất và sóng thần. Nhìn chung, các vấn đề về môi trường gây lo ngại hơn thiên tai. Theo các nhà nghiên cứu, khảo sát được thực hiện giữa bối cảnh nhiều người lo ngại về bụi mịn gây ô nhiễm không khí ở Hàn Quốc.

Dự án thành phố không ô nhiễm trị giá 14 tỷ USD của Philippines
 
Dự án  khu đô thị 14 tỉ USD của Philippines sẽ lớn hơn cả Manhattan ở Mỹ. Thành phố mới sẽ tận dụng máy bay không người lái, xe hơi không người lái, công nghệ để giảm lượng nước và năng lượng được sử dụng cho các tòa nhà, xây dựng các khu phức hợp thể thao khổng lồ với nhiều không gian xanh. Manila - thủ đô của Philippines nổi tiếng là ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Trong một cuộc khảo sát năm 2016 Manila còn bị xếp vào danh sách "nơi tồi tệ nhất trên thế giới để lái xe”. Mật độ ô tô đông đúc đã làm trầm trọng thêm vấn đề ô nhiễm không khí. Để giải quyết vấn đề này, chính quyền Manila đang lên kế hoạch xây dựng một thành phố mới, bền vững hơn mang tên New Clark. Thành phố này cách thủ đô Manila khoảng 120 km, sẽ được xây dựng trong 3 thập kỷ tới.

Theo kế hoạch phát triển, thành phố sẽ chiếm gần 100 km2 - một diện tích lớn hơn cả Manhattan (trung tâm kinh tế của New York, Mỹ) - và sẽ là nơi sinh sống của hơn 2 triệu người. New Clark sẽ được chia thành năm quận, mỗi quận có một chức năng cụ thể: chính trị, kinh doanh, giáo dục, nông nghiệp và giải trí. Thiết kế chính xác của New Clark vẫn chưa được công bố, tuy nhiên các nhà phát triển cho hay kế hoạch đô thị sẽ ưu tiên môi trường bền vững và khả năng phục hồi khí hậu. Với độ cao tối thiểu 56 m so với mực nước biển, thành phố có thể sẽ không bị ngập lụt nhiều. Để giảm lượng khí thải carbon, hai phần ba của New Clark sẽ được dành riêng cho đất nông nghiệp, công viên và không gian xanh khác.

Thông qua nghị quyết tiến tới công ước môi trường toàn cầu

TTXVN đưa tin: Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 10/5 đã thông qua một nghị quyết, theo đó đề ra lộ trình hướng tới một Công ước Môi trường Toàn cầu để nối tiếp Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. 143 trên tổng số 193 quốc gia thành viên đã thông qua nghị quyết về công ước do Pháp bảo trợ này. Theo nghị quyết, Liên hợp quốc sẽ lập một nhóm chuyên viên có nhiệm vụ xác định những kẽ hở trong luật môi trường quốc tế và xác định xem liệu có cần một cơ chế quản lý mới hay không. Nhóm này dự kiến sẽ đệ trình các kiến nghị lên Đại hội đồng vào giữa năm 2019 trước thềm một hội nghị liên chính phủ.

Phát biểu tại cuộc bỏ phiếu, Đại sứ Pháp tại Liên hợp quốc Francois Delattre cảnh báo môi trường đang trong tình trạng xuống cấp chưa từng có, "gây ra những hậu quả khốc liệt lên hành tinh, trong đó có tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, tình trạng di cư ồ ạt và xung đột tái phát." Tháng Chín năm ngoái, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hối thúc các quốc gia nhất trí một công ước toàn cầu, và đây sẽ là hiệp ước quốc tế có sự ràng buộc về pháp lý đầu tiên tập hợp tất cả các quyền về môi trường vào trong một văn kiện.

SpaceX đưa hai vệ tinh giám sát mực nước Trái Đất lên vũ trụ

TTXVN đưa tin: Ngày 22/5, Tập đoàn công nghệ thảm hiểm không gian SpaceX đã phóng cặp vệ tinh có kích cỡ bằng những chiếc ôtô thể thao lên vũ trụ để đánh giá sự thay đổi của mực nước biển, tình trạng băng tan và hạn hán trên Trái Đất. Cặp vệ tinh do Mỹ và Đức phối hợp sản xuất đã được tên lửa Falcon 9 đưa lên quỹ đạo từ Căn cứ Không quân Vandenberg tại California vào lúc 2 giờ 47 sáng 23/5 (theo giờ Việt Nam). Với tổng giá trị 521 triệu USD, cặp vệ tinh được đặt tên là GRACE-FO đã được phóng thành công và đi vào quỹ đạo định sẵn cách Trái Đất 500km chỉ 10 phút sau đó. Đây là kết quả của dự án hợp tác giữ Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ và Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Địa chất (GFZ) của Đức. Hai vệ tinh sẽ duy trì khoảng cách 220km khi bay cùng nhau quanh Trái Đất.

GRACE-FO sẽ giám sát mực nước bề mặt, nước đại dương, sông hồ và các tầng băng. Cặp vệ tinh được thiết kế để đo chính xác mực nước trên Trái Đất thay đổi theo thời gian và địa điểm từ đó giúp tại ra một bản đồ nước Trái Đất và cập nhật theo chu kỳ 30 ngày 1 lần. Đây là cặp vệ tinh đầu tiên trong số các vệ tinh kết nối thương mại thuộc sở hữu của công ty Iridium có trụ sở tại Virginia và do SpaceX phóng lên vũ trụ. Dự kiến, SpaceX sẽ tiếp tục phóng thêm 5 vệ tinh khác trong số 75 vệ tinh mà Iridium muốn đưa lên để thay mới hệ thống vệ tinh hiện có của công ty này bên ngoài Trái Đất.

Mai Anh (moitruong.com.vn/TH)

Lượt xem : 1875