Vietnamese English
Điểm tin môi trường tháng 5

6/3/2016 8:46:00 AM

120 triệu USD cấp nước sạch và vệ sinh môi trường Việt Nam; Trái Đất trải qua 12 tháng liên tiếp nóng nhất trong lịch sử; Nồng độ CO2 trong không khí tăng lên mức cao kỷ lục; Thiên tai khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại 300 tỷ USD mỗi năm; … là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý trong tháng 5.

VIỆT NAM

120 triệu USD cấp nước sạch và vệ sinh môi trường Việt Nam


Ban Giám đốc Điều hành của Ngân hàng Thế giới (WB) đã duyệt khoản tài chính bổ sung trị giá 119 triệu USD cho một dự án đang được triển khai nhằm ứng phó với những thách thức lớn trong phát triển đô thị, với trọng tâm là đảm bảo đáp ứng nhu cầu nước sạch và xử lý nước thải tại một số khu đô thị ở Việt Nam. Dự án ban đầu được Ban Giám đốc Điều hành của Ngân hàng Thế giới phê duyệt vào tháng 5/2011 và đã tài trợ cho 7 tiểu dự án cấp nước, xử lý nước thải ở 10 tỉnh, với quy mô dân số trung bình là 100.000 người ở các trung tâm đô thị.– theo VietnamPlus.


Từ tài trợ này, sẽ có thêm 65.872 gia đình được đấu nối với nguồn nước sạch và có tới 312.051 cư dân thành thị được hưởng lợi nhờ điều kiện vệ sinh môi trường được cải thiện. Khoản tài trợ bổ sung bao gồm một khoản tín dụng trị giá 50 triệu USD từ nguồn IDA (Hiệp hội Phát triển Quốc tế) – nguồn vốn ưu đãi của Nhóm các Tổ chức thuộc Ngân hàng Thế giới dành cho các nước có thu nhập thấp và một khoản vay trị giá 69 triệu USD từ nguồn IBRD (Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế) – tức là nguồn vốn vay của Nhóm các Tổ chức thuộc Ngân hàng Thế giới dành cho các nước có thu nhập trung bình.

Nhiều sản phẩm, công nghệ môi trường tại ENTECH HANOI 2016

Các công ty của Việt Nam và nước ngoài đã trưng bày, giới thiệu nhiều sản phẩm, công nghệ, thiết bị xử lý môi trường tại Hội chợ Triển lãm Quốc tế Năng lượng Hiệu quả & Môi trường Hà Nội (ENTECH HANOI 2016) diễn ra từ ngày 18 đến 20/5 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế (I.C.E) 91 phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

ENTECH HANOI 2016 có quy mô gần 200 gian hàng trưng bày của 130 tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến từ Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Cộng hòa Séc. Đặc biệt, với sự hợp tác truyền thống của Đoàn Thành phố Bu San (Hàn Quốc) tham gia ENTECH HANOI 2016 với 65 doanh nghiệp trưng bày 96 gian hàng, đoàn đã giới thiệu những công nghệ mới nhất về công nghệ nguồn, công nghệ sử dụng hiệu quả năng lượng - môi trường phù hợp với nhu cầu chuyển giao công nghệ nhằm tăng năng suất, chất lượng các doanh nghiệp Việt Nam.

Phát động tháng hành động vì môi trường

Để hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới năm 2016, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã ban hành Công văn số 1628/BTNMT-TCMT, đề nghị các Bộ, ban ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương đồng loạt tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới tạo thành chuỗi hoạt động thuộc “Tháng hành động vì môi trường” trên phạm vi cả nước. Theo đó, từ tháng Năm đến hết tháng Sáu, các các Bộ, ban ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương sẽ tổ chức các hoạt động trọng tâm hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới như: Tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới; treo băng rôn, khẩu hiệu chủ đề môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, chống buôn bán động vật hoang dã ở nơi công cộng, đường phố chính, trụ sở cơ quan làm việc, nơi đông người qua lại nhằm khuyến khích mọi người cùng hành động bảo vệ môi trường…

Năm nay, các hoạt động quốc gia hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) năm 2016 sẽ được tổ chức tại tỉnh Lào Cai - địa phương có nhiều hoạt động trọng tâm về công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường; phù hợp với dự kiến chủ đề Ngày Môi trường thế giới 2016 và đã có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các sự kiện chính trị quan trọng. Đặc biệt, việc tổ chức Ngày Môi trường thế giới năm 2016 tại Lào Cai sẽ là hoạt động ý nghĩa, thiết thực đối với Lào Cai nhân kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh và năm du lịch quốc gia 2017 tại tỉnh vùng cao biên giới thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc – theo VietnamPlus.

Lập hội đồng thẩm định quy hoạch khai thác nguồn nước sông Hồng

Tin từ Bộ Tài nguyên & Môi trường tối 23/5 cho biết, Bộ trưởng Trần Hồng Hà vừa ký ban hành quyết định thành lập Hội đồng thẩm định đề cương đồ án “Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng-Thái Bình” nhằm đưa ra những đánh giá tổng thể về hiện trạng dòng chảy, để khai thác tài nguyên nước sông Hồng. Theo Quyết định số 1130/QĐ-BTNMT vừa được Bộ trưởng Trần Hồng Hà ký ban hành, Hội đội thẩm định đề cương đồ án “Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng-Thái Bình” do ông Chu Phạm Ngọc Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường làm chủ tịch. Hội đồng có 29 thành viên, bao gồm đại diện Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, Hội Thủy lợi Việt Nam, Hội Đập lớn và các cơ quan quản lý, trung tâm, viện nghiên cứu thuộc các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông Thôn, Giao thông vận tải…

VietnamPlus cho biết trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã thành lập 4 nhóm chuyên gia để tập trung nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, diễn biến tài nguyên nước và đề xuất phương án quy hoạch; đánh giá tác động của các công trình mới đến dòng chảy, hoạt động khai thác, sử dụng nước ở dưới hạ du, thoát lũ…

Việt Nam-Hoa Kỳ ra Tuyên bố chung về chống biến đổi khí hậu

Ngày 22/5, tại thủ đô Washington (sáng 23/5 theo giờ Hà Nội), Hoa Kỳ và Việt Nam đã ra Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác chống biến đổi khí hậu. Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đại diện cho chính phủ nước này và Bộ Tài nguyên và Môi trường đại diện cho Chính phủ Việt Nam đã thông qua Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác chống biến đổi khí hậu, trong đó nhất trí về sự cần thiết phải ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu, một trong những thách thức lớn nhất mà nhân loại đang phải đối mặt.

Tuyên bố nhấn mạnh Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ phối hợp cùng nhau để thực thi Thỏa thuận Paris như một phần trong nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế về chống biến đổi khí hậu. Hai bên thừa nhận tầm quan trọng của các quyết định đầu tư trong vòng 5 năm tới, đặc biệt trong các lĩnh vực như năng lượng và sử dụng tài nguyên đất, trong đó có đất canh tác, để chuyển đổi sang một nền kinh tế phát thải khí thải thấp nhằm đáp ứng các mục tiêu được đề ra trong Thỏa thuận Paris, đồng thời vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế.

THẾ GIỚI

Trái Đất trải qua 12 tháng liên tiếp nóng nhất trong lịch sử


Hiệu ứng cộng hưởng của hiện tượng Trái Đất ấm lên và El Nino đã khiến tháng 4/2016 trở thành tháng Tư nóng nhất trong lịch sử và là tháng thứ 12 liên tiếp lập kỷ lục về nền nhiệt độ cao. Báo cáo hàng tháng công bố ngày 18/5 của Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia (NOAA) cho biết nhiệt độ trung bình của Trái Đất trong tháng trước là 13,7 độ C, cao hơn 1,1 độ C so với mức trung bình của thế kỷ 20 – theo VietnamPlus.

Ở Nam Bán cầu, châu Phi, Nam Mỹ và châu Á đều ghi nhận mức nhiệt kỷ lục trong tháng 4. Tháng 4/2015 là lần gần đây nhất không có mức nhiệt phá kỷ lục. Trong khi đó, lần cuối cùng Trái Đất có mức nhiệt không vượt mức trung bình thế kỷ 20 là tháng 12/1984 và lần cuối cùng có nhiệt độ lạnh kỷ lục là gần 100 năm trước, vào tháng 12/1916. Năm 2015 là năm nóng nhất trong lịch sử, đánh bật kỷ lục trước đó của năm 2014. Tuy nhiên, những tháng đầu năm của 2016 đang cho thấy những con số "chưa từng có," ấm hơn 0,5 độ C so với trung bình cùng kỳ 2015.

Hơn 80% cư dân đô thị đang phải hít thở không khí ô nhiễm

VietnamPlus đưa tin ngày 12/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố báo cáo mới, cảnh báo hơn 80% dân số thành thị trên toàn cầu đang hít thở bầu không khí kém trong lành và điều này đang làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư cũng như các bệnh khác đe dọa tới tính mạng. Dựa trên số liệu thu thập được về tình trạng không khí ngoài trời của 795 thành phố tại 67 quốc gia trong giai đoạn 2008-2013, báo cáo đã khắc họa được một bức tranh toàn cảnh về sự suy giảm chất lượng không khí tại các thành phố trên thế giới, đồng thời cho thấy cư dân thành thị tại các quốc gia nghèo là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi vấn đề nói trên.

Đáng chú ý, 98% các thành phố thuộc các quốc gia thu nhập thấp và trung bình có mức độ không khí không đáp ứng được các tiêu chuẩn do WHO đề ra. Trong khi đó, tại các quốc gia thịnh vượng hơn, con số này chỉ là 56%. Báo cáo trên cũng dẫn ra những số liệu cho thấy việc gia tăng nguy cơ về các yếu tố đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe, trong đó có nguy cơ dẫn tới đột quỵ và bệnh hen suyễn. Đặc biệt, có trên 3 triệu ca chết yểu mỗi năm vì các chất gây ô nhiễm bầu không khí ngoài trời.

Nồng độ CO2 trong không khí tăng lên mức cao kỷ lục

Theo số liệu từ Trạm quan sát Mauna Loa thuộc Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) đặt tại Hawaii, nồng độ CO2 trong không khí đo được trong tháng 4 là 407,42 phần triệu (ppm, đơn vị đo nồng độ của một chất trong hỗn hợp chứa chất đó), tăng 4,16 ppm so với cùng kỳ năm ngoái và 2,59 ppm so với tháng Ba. Giám đốc giám sát khí quyển toàn cầu của NOAA Jim Butler cho biết đây là mức tăng "cao nhất từng được ghi nhận" và một phần nguyên nhân là do tác động từ hiện tượng El Nino.

Đây là hiện tượng thời tiết cực đoan làm tăng nhiệt độ các vùng biển phía Đông Thái Bình Dương và kéo theo đó là nhiệt độ không khí ấm hơn trên toàn cầu. Tại một số nơi, El Nino làm gia tăng tình trạng hạn hán và cháy rừng, dẫn tới thải CO2 ra không khí và làm giảm lượng CO2 mà cây xanh hấp thụ. Tuy nhiên, ông Butler cho biết các nhà khoa học cần theo dõi sát sao hơn trong thời gian tới để xác định cụ thể mức độ tác động của El Nino. Nồng độ CO2 trong không khí thay đổi theo chu kỳ, thông thường đạt mức cao nhất vào tháng Năm và sau đó giảm dần cho tới mùa Thu – theo VietnamPlus.

Thiên tai khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại 300 tỷ USD mỗi năm

"Sự tàn phá của thiên tai làm nền kinh tế toàn cầu tổn hại đến 300 tỷ USD mỗi năm", Tổng thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-moon cho biết. Theo Sputnik, phát biểu tại phiên họp về các thảm họa thiên nhiên và biến đổi khí hậu tại Hội nghị nhân đạo quốc tế cấp cao ở Istanbul, Tổng Thư ký LHQ đã cho biết như vậy và ghi nhận sự thiệt hại đã có phần giảm sút.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng "dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đô thị hóa và những yếu tố khác, tần suất và cường độ của thảm họa tự nhiên sẽ tăng thêm… Chúng ta chỉ có thể giảm thiểu rủi ro, chứ không bao giờ loại bỏ được chúng", ông nói. "Trong hơn hai thập kỷ qua, mỗi năm có khoảng 218 triệu người bị ảnh hưởng bởi  thảm họa tự nhiên, hậu quả của điều này mang lại tổn thất kinh tế trong khoảng 250-300 tỷ USD mỗi năm", — ông Ban Ki-moon tuyên bố.

1,2 tỷ người bị đe dọa bởi nước biển dâng

Theo báo cáo nghiên cứu của Nhóm chuyên gia liên chính phủ về sự biến đổi khí hậu (GIEC) vừa được công bố, từ nay tới năm 2060, dự kiến sẽ có khoảng 1,2 tỷ người bị đe dọa bởi tình trạng nước biển dâng lên do biến đổi khí hậu gây ra. Trước đó, một báo cáo của Liên hợp quốc cho biết nếu năm 2008 mới có một nửa dân số thế giới sinh sống tại các thành phố thì tới năm 2060 sẽ có 6,4 tỷ người dân thành thị, chiếm tới 75% dân số toàn cầu. Do vậy, số người sinh sống ở đô thị có thể lên tới 9 tỷ người. Báo cáo trên còn cho biết ước tính thiệt hại kinh tế do tình trạng nước biển dâng tại các thành phố ven biển có thể lên tới hơn 1.000 tỷ USD vào năm 2060.

Đặc biệt, châu Á là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong đó 5 nước chịu tác động nhiều nhất là Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia và Việt Nam. Những khu đô thị và dân cư ven biển bị tác động nhiều nhất là Calcutta (Ấn Độ) có thể sẽ có 14 triệu người bị tác động vào năm 2060, tiếp sau là Mumbai (Ấn Độ - 11,4 triệu người), Dhakar (Bangladesh - 11,1 triệu người), Quảng Châu (Trung Quốc - 10,3 triệu người), tiếp đến Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam - 9,2 triệu người), Thượng Hải (Trung Quốc - 5,4 triệu người), Bangkok (Thái Lan - 5,1 triệu người), Yangon (Myanmar - 4,9 triệu người).

Theo Minh Cường (moitruong.com.vn)

Lượt xem : 1904