Vietnamese English
Điểm tin môi trường tháng 4/2018

5/1/2018 5:30:00 AM

Kinh hoàng cà phê tẩm nhuộm chất độc từ viên pin; Công bố sách “Kinh tế Xanh cho phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu” ; Phụ nữ Việt được thế giới vinh danh trong lĩnh vực môi trường; Tỷ phú Bloomberg tài trợ 4,5 triệu USD cho Hiệp định Paris; Cả thế giới hoang mang khi Trung Quốc từ chối làm bãi rác cho toàn cầu; ... là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý trong tháng 4/2018.

 VIỆT NAM

 
Kinh hoàng cà phê tẩm nhuộm chất độc từ viên pin

Chủ cơ sở khai nhận thu mua các loại cà phê thải, phế phẩm vỏ cà phê, cà phê vụn vỡ tại các đại lý rồi dùng chất bột màu đen các cục pin hòa với nước để nhuộm cà phê, mang đi tiêu thụ. Tin từ Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Đắk Nông ngày 17-4, cho biết đơn vị vừa phối hợp cùng các lực lượng chức năng bắt quả tang một cơ sở chế biến cà phê “bẩn” bằng cách nhuộm cà phê với chất bột màu đen của cục pin. Thông tin ban đầu cho biết, vào ngày 16/4, từ nguồn tin báo của người dân, lực lượng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp cùng Thanh tra Sở NN – PTNT tỉnh Đắk Nông đột nhập vào cơ sở chế biến cà phê bột của gia đình bà Nguyễn Thị Loan (ở thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông).


Lực lượng chức năng ập vào kiểm tra cơ sở chế biến cà phê bẩn. Ảnh B.N

Vào thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện trong xưởng chế biến cà phê của bà Loan có hàng chục tấn cà phê “bẩn” đã được trộn lẫn với đất, bột đá. Ngoài ra, tại cơ sở chế biến, lực lượng chức năng cũng đã thu giữ 2 chậu chứa cục pin con ó (khoảng 35 kg) đã được đập vụn, 1 xô chứa nước màu đen (khoảng 10 kg) đã được hòa tan bằng pin, 12 tấn cà phê bột đã được chủ cơ sở cho nhuộm đen bằng pin chuẩn bị đóng gói cùng nhiều máy móc, vật dụng liên quan đến việc sản xuất cà phê “bẩn”. Để có nguồn nguyên liệu, hằng ngày bà Loan cho người đi thu mua lại các loại cà phê thải, phế phẩm vỏ cà phê, cà phê vụn vỡ… tại các đại lý. Sau đó mua các cục pin đập dẹp, dùng chất bột màu đen của pin hòa với nước rồi đem nhuộm với cà phê. Số cà phê sau khi được nhuộm, cơ sở đem rang, xay rồi đóng gói bán ra thị trường nhằm mục đích kiếm lời. Cũng theo bà Loan, từ đầu năm 2018 đến nay, cơ sở của bà đã xuất bán ra thị trường hơn 3 tấn cà phê “bẩn” đã được nhuộm đen bằng pin con ó như trên.
 

Công bố sách “Kinh tế Xanh cho phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu” 
 

Chiều 12/4/2018, tại Hà Nội, Hội BVTN&MT Việt Nam đã tổ chức Lễ công bố Sách “Kinh tế Xanh cho phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu”do tập thể tác giả của Hội biên soạn, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật in và phát hành, trước đông đảo các vị lãnh đạo VUSTA và giới truyền thông. Với gần 700 trang, chia làm hai phần chính, gồm 7 Chương, hơn 60 danh mục và phụ lục thuật ngữ, cuốn sách “Kinh tế Xanh cho phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu” của Hội BVTN&MT Việt Nam đã truyền tải một cách tương đối có hệ thống những vấn đề lý luận và thực tiễn phát triển kinh tế xanh, mà dư luận xã hội đang quan tâm.
 
Không chỉ truyền tải một cách có hệ thống về những vấn đề lý luận, mà các tác giả còn đưa ra những nhận định về chủ trương và định hướng phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam. Trong đó, phần thứ nhất của cuốn sách phân tích sâu về các nội dung xanh hóa sản xuất công nghiệp, xanh hóa nông nghiệp, xanh hóa tiêu dùng và cả xanh hóa lối sống đô thị và nông thôn. Trong đó,  các tác giả đã mạnh dạn trình bày quan điểm của mình về nhiều vấn đề, nhất là việc huy động nguồn lực từ cộng đồng, nhằm phát triển kinh tế xanh ở Việt nam. Phần thứ hai của cuốn sách này là tổng quan các mô hình thực tiễn trên thế giới, trong đó có nước hướng tới kinh tế xanh phát triển bền vững.
Phụ nữ Việt được thế giới vinh danh trong lĩnh vực môi trường

Lần đầu tiên một người Việt Nam được tổ chức môi trường thế giới vinh danh vì những đóng góp trong lĩnh vực này. Quỹ Môi trường Goldman ngày 23/4 công bố bảy người nhận giải thưởng môi trường Goldman - giải thưởng lớn nhất thế giới cho các nhà hoạt động môi trường cơ sở. Lần đầu tiên người Việt Nam có tên trong danh sách này. Đó là bà Ngụy Thị Khanh (41 tuổi), Giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID). Bà đã sử dụng nghiên cứu khoa học để thúc đẩy cơ quan nhà nước tham gia vào các dự án năng lượng dài hạn bền vững, giảm sự lệ thuộc nguồn than ở Việt Nam. Những nỗ lực của bà giúp loại bỏ 115 triệu tấn khí thải carbon dioxide từ Việt Nam mỗi năm.
 
Ngụy Thị Khanh từng dự định trở thành nhà ngoại giao, nhưng bà lại đam mê với lĩnh vực môi trường. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp đại học, bà bắt đầu làm về bảo tồn tài nguyên nước và phát triển cộng đồng cho một tổ chức phi lợi nhuận nhỏ của Việt Nam. Năm 2011, bà Khanh thành lập Trung tâm phát triển sáng tạo xanh nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam, quản lý tốt hơn tài nguyên nước, không khí và phát triển xanh. Bà đồng thời là thành viên sáng lập Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam, một mạng lưới gồm 11 tổ chức Việt Nam và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực môi trường. Bà tập trung làm việc với các chuyên gia và nhà hoạch định chính sách về năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng nhằm giảm sự lệ thuộc vào dạng nhiên liệu hóa thạch và điện than.
 
Người Việt thải gần 18.000 tấn rác thải nhựa mỗi ngày

Đó là một trong những con số đáng báo động được các chuyên gia môi trường đưa ra tại sự kiện Ngày Trái đất ở TP.HCM chiều 19/4. Nếu làm tròn dân số Việt Nam là 100 triệu người thì số lượng rác thải là 120.000 tấn mỗi ngày. Trong số đó 16% là rác thải nhựa, vị chi mỗi ngày sẽ có gần 19.000 tấn rác thải nhựa được thải ra ở Việt Nam. Còn nếu tính dân số Việt Nam là 93,7 triệu người (theo thống kê 2017 của Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình - Bộ Y tế), thì lượng rác thải nhựa thải ra là gần 18.000 tấn – theo Báo Tuổi Trẻ.

Cũng theo bà Xuân, vấn đề hiện nay là số lượng rác thải nhựa được tái chế còn rất thấp, nên số rác nhựa còn lại vẫn tồn tại trong môi trường và đi ra đại dương. Theo nhiều nghiên cứu, nếu không hành động ngay bây giờ thì đến năm 2050, đại dương sẽ nhiều rác hơn là cá. Tại Việt Nam, biển tạo ra sinh kế cho hàng triệu con người, đồng thời cung cấp thức ăn cho cả Việt Nam. Tình trạng ô nhiễm nhựa ở Việt Nam đang rất nghiêm trọng. Nhựa đang gây ra những ‘vùng chết’ trên đại dương, gây tổn hại đến trữ lượng cá - bà Xuân báo động - Ở Việt Nam đã có trường hợp rùa biển bị chết do mắc vào lưới đánh cá hoặc ăn phải rác thải nhựa.

UNESCO công nhận Non nước Cao Bằng là Công viên Địa chất toàn cầu

VOV đưa tin vào 12h56’trưa 12/4 (theo giờ địa phương), Hội đồng Chấp hành UNESCO tại Kỳ họp lần thứ 204 tại Paris, Pháp đã thông qua Nghị quyết công nhận Công viên Địa chất non nước Cao Bằng là Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO. Với danh hiệu này, Công viên Địa chất Toàn cầu non nước Cao Bằng trở thành Công viên Địa chất Toàn cầu thứ hai ở Việt Nam, sau Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Với hơn 3275 km2 trải dài trên địa bàn 9 huyện của tỉnh Cao Bằng, Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng là nơi sinh sống của 250.000 người thuộc 9 dân tộc ít người.

Đến nay, tại Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng, các nhà khoa học đã phát hiện, đánh giá, đề xuất xếp hạng hơn 130 điểm di sản địa chất độc đáo, với các dạng địa hình, cảnh quan đá vôi hết sức phong phú, đa dạng, như các tháp, nón, thung lũng, hang động, hệ thống hồ-sông-hang ngầm liên thông... Cùng với giá trị về địa chất, Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng còn có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như khu du lịch sinh thái Phia Oắc, Phia Đén, Quần thể Hồ Thang Hen, Động Ngườm Ngao…và đặc biệt Thác Bản Giốc, một trong bốn thác vùng biên giới lớn và đẹp nhất trên thế giới. Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng cũng là vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử với hơn 215 di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam.

THẾ GIỚI

Tỷ phú Bloomberg tài trợ 4,5 triệu USD cho Hiệp định Paris

TTXVN đưa tin cựu Thị trưởng thành phố New York, tỷ phú Michael Bloomberg đã cam kết tài trợ 4,5 triệu USD nhằm thực hiện cam kết của Mỹ đối với Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, vốn được thông qua vào cuối năm 2015. Với số tiền này, ông Bloomberg hy vọng sẽ Mỹ trở lại thỏa thuận biến đổi khí hậu được 197 nước thông qua. Theo ông Michael Bloomberg, ông nhận thấy mình có trách nhiệm giúp cải thiện môi trường sau quyết định của Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận này hồi tháng 6/2017, một quyết định bị cộng đồng quốc tế chỉ trích gay gắt.

Trước đó, ngày 5/3, ông Michael Bloomberg đã được bổ nhiệm làm Đặc phái viên về khí hậu của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Theo đó, ông Bloomberg sẽ hậu thuẫn chiến lược khí hậu và những nỗ lực của Tổng thư ký hướng tới Hội nghị cấp cao về khí hậu dự kiến diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố New York trong năm 2019. Được thông qua tại Paris (Pháp) vào cuối năm 2015, Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu toàn cầu quy định một loạt biện pháp để bảo vệ khí hậu nhằm giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong phạm vi 1,5-2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.

Cả thế giới hoang mang khi Trung Quốc từ chối làm bãi rác cho toàn cầu

Trang Tân Hoa xã đưa tin theo một phần của cuộc chiến chống ô nhiễm môi trường, Trung Quốc sẽ cấm nhập khẩu 24 loại chất thải rắn vào nước này. Hơn ba tháng từ khi Trung Hoa đưa ra lệnh cấm, các nhà xuất khẩu rác thế giới vẫn chật vật tìm nơi thay thế. Trung Quốc là nơi thu nhận hơn một nửa lượng rác toàn cầu trước khi lệnh cấm có hiệu lực. Vào lúc cao điểm, nước này nhập khẩu gần 9 triệu tấn phế liệu nhựa trong một năm. Lệnh cấm nhập khẩu rác của Trung Quốc đồng nghĩa với việc cắt đứt nơi loại bỏ chất thải của nhiều quốc gia trên thế giới, khiến họ gặp phải vấn đề bất ngờ chỉ trong một thời gian ngắn. Họ chưa đưa ra được một số giải pháp hiệu quả trong ngắn hạn.

Theo thống kê Mỹ, Anh, EU và Nhật Bản là các nước quốc gia xuất khẩu phần lớn rác thải đến Trung Quốc. Theo nhiều trang báo đưa tin: Liên minh châu Âu (EU) hiện đang cân nhắc thuế lên nhựa đã sử dụng. Trong khi Anh lại tìm cách chuyển hướng một phần rác về Đông Nam Á, và yêu cầu Trung Quốc gỡ bỏ lệnh cấm. Nhiều thông tin cho biết sau khi Trung Quốc quay lưng với nhập khẩu rác, nhiều nước phát triển, đặc biệt là Mỹ, chật vật tìm cách loại bỏ rác thải. Hiện Trung Quốc đã đóng cửa hàng chục nghìn nhà máy để góp phần gây ô nhiễm, đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo môi trường.

WWF đề xuất hiệp định toàn cầu về bảo vệ môi trường biển

Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) – một trong những tổ chức phi chính phủ lớn nhất thế giới về bảo vệ thiên nhiên đã lên tiếng cảnh báo, nếu chúng ta muốn bảo vệ đại dương xanh, bảo vệ động thực vật ở các đại dương không bị đe dọa tuyệt chủng thì phải có ngay các biện pháp ngăn chặn nạn xả chất thải rắn xuống biển, trong đó chất thải nhựa chiếm tỷ lệ vô cùng to lớn. Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Đại dương Thế giới tổ chức tại Playa del Carmen, Mexico vào ngày 11/3 vừa qua, Chủ tịch WWF đã chính thức lên tiếng kêu gọi xây dựng một Hiệp định Đại dương tương tự như Hiệp định biến đổi khí hậu Paris (COP21) về bảo vệ môi trường biển.

Bà Jenna Jambeck, kỹ sư môi trường của Đại học Georgia – trưởng nhóm nghiên cứu của WWF cho hay, hiện có 8 triệu tấn rác thải nhựa trôi ra biển mỗi năm. Bà cũng nhấn mạnh nguy cơ đến năm 2025, sẽ có tới 155 triệu tấn mỗi năm nếu không cải thiện cách thức xử lý rác hiện tại. Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới từ năm 2016 đã kết luận: Với đà tăng của các loại rác thải nhựa trên biển như hiện nay, đến năm 2050, khối lượng các loại rác thải này sẽ ngang bằng với khối lượng của các loài cá trên khắp các đại dương nếu tốc độ gia tăng vẫn “chóng mặt” như hiện nay. Một nghiên cứu mới đây của APEC ước tính, các nước thành viên của tổ chức này hằng năm phải chi trả tới 1,3 tỉ USD để xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường biển.

Ngôi làng ở Nhật Bản không có một cọng rác đầu tiên trên thế giới

Ngôi làng thanh bình này thoạt trông chẳng có gì đặc biệt, thế nhưng khi khám phá, du khách sẽ vô cùng ngạc nhiên khi tất cả rác thải đều được tái sử dụng hoàn toàn. Ngôi làng nhỏ Kamikatsu nằm ở phía Nam của Nhật Bản thường có thói quen đốt rác, nhưng vào năm 2003, tất cả mọi thứ dường như đã thay đổi. Người dân bắt đầu nhận thức được việc làm của mình đang gây hại cho môi trường. Một chiến dịch mở ra nhằm giúp xử lý rác thải hằng ngày hiệu quả, thân thiện với môi trường. Hoạt động này bắt buộc tất cả mọi người phải phân biệt được 34 loại rác khác nhau nhằm phân loại cho chính xác. Tất cả mọi người trong làng Kamikatsu đã mất một thời gian rất lâu để làm quen với mô hình xử lý rác kiểu mới này. Những lon nhôm, lon sắt, giấy tờ, bìa các tông phải được rửa sạch, sắp xếp riêng biệt rồi mới đem đến trung tâm tái chế.

Tại đây, người ta sẽ phân chia rác cụ thể và cho vào đúng các thùng chứa theo quy định. Mọi người không chỉ học cách phân loại rác mà còn phải biết tái chế và tái sử dụng những thứ vứt đi. Người dân địa phương đã tạo ra các vật dụng hữu ích bằng các đồ dùng vứt đi như biến kimono cũ thành gấu bông cho trẻ em. Hiện nay, có đến 80% lượng rác ở Kamikatsu được tái sử dụng. Thị trấn này đã tiết kiệm được 1/3 chi phí cho lò đốt rác. Ngôi làng này hi vọng vào năm 2020 sẽ hoàn toàn không có rác thải. Một điều đặc biệt là làng Kamikatsu không có xe tải chở rác, tất cả mọi người đều phải tự tay làm tất cả quy trình, sau đó mang rác tới trung tâm để xử lý. Ngôi làng này trở nên rất nổi tiếng ở Nhật và trên thế giới, có rất nhiều nơi đã áp dụng và bắt chước mô hình xử lý thân thiện với môi trường này.

Hệ thống tạo mưa lớn nhất thế giới của Trung Quốc

VnExpress đưa tin Trung Quốc đang phát triển hệ thống tạo mưa lớn nhất thế giới với diện tích 1,6 triệu km2, bằng ba lần kích thước của Tây Ban Nha, South China Morning Post hôm 27/3 đưa tin. Hệ thống gồm hàng chục nghìn buồng đốt nhiên liệu được lắp đặt trên cao nguyên Tây Tạng, có thể làm tăng lượng mưa trong khu vực lên tới 10 tỷ mét khối/năm, tương đương 7% tổng lượng nước tiêu thụ ở Trung Quốc. Các buồng đốt nhiên liệu rắn được đặt trên đỉnh núi dốc, đón luồng gió mùa ẩm ướt từ Nam Á. Các nhà khoa học sử dụng chúng để tạo ra hạt bạc iotua, tác nhân tạo mây với cấu trúc tinh thể giống như đá. Gió mùa mang hơi ẩm sẽ kết hợp với hạt bạc iotua do buồng đốt tạo ra, hình thành nên đám mây để gây mưa và tuyết.

Hiện tại, hơn 500 buồng đốt đã được triển khai trên đỉnh núi ở Tây Tạng, Tân Cương và một số khu vực khác để thử nghiệm. Các nhà khoa học đã thiết kế và chế tạo buồng đốt dựa trên công nghệ động cơ tên lửa tiên tiến, cho phép hệ thống có thể đốt hiệu quả nhiên liệu rắn trong môi trường thiếu oxy ở độ cao hơn 5.000 m so với mực nước biển. Sau nhiều cải tiến thiết kế, buồng đốt có thể hoạt động ở môi trường gần chân không trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm mà không cần bảo dưỡng. Chi phí phát triển hệ thống tạo mưa dưới mặt đất tương đối rẻ so với phương pháp tạo mưa bằng máy bay. Chi phí chế tạo và lắp đặt mỗi buồng đốt khoảng 8.000 USD, có thể thấp hơn nếu sản xuất hàng loạt. Trong khi đó, một máy bay tạo mưa có thể tiêu tốn hàng trăm nghìn USD và chỉ trên phạm vi nhỏ.

Mai Anh (moitruong.com.vn)

Lượt xem : 1836