Tính chung 3 tháng đầu năm đã phát hiện 3504 vụ vi phạm quy định về
bảo vệ môi trường trên địa bàn cả nước, trong đó xử lý 1286 vụ với tổng số tiền phạt gần 350 tỷ đồng – theo Tổ Quốc.
20% diện tích đất đai ô nhiễm bom mìn
Theo ước tính, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh khoảng 800.000 tấn, làm
ô nhiễm trên 20% diện tích đất đai toàn quốc. Tất cả 63/63 tỉnh thành phố Việt Nam đều bị ô nhiễm bom mìn. Tính từ năm 1975 đến nay, bom mìn còn sót tại Việt Nam đã làm hơn 40.000 người chết và hơn 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn là người lao động chính trong gia đình và trẻ em. Số bom mìn chưa nổ hiện còn nằm rải rác trên hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhưng tập trung nhiều nhất tại các tỉnh miền Trung.
Chỉ tính riêng ở một số tỉnh miền Trung gồm: Quảng Bình, Bình Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quãng Ngải đã có trên 22.800 người là nạn nhân của bom mìn, đã có 10.540 người chết và 12.260 người bị thương. Ô nhiễm bom mìn đã gây tổn thất nặng nề về tính mạng, tài sản, đời sống của nhân dân và ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế, phát triển ổn định bền vững. Đặc biệt,
ô nhiễm bom mìn đang hạn chế diện tích đất sinh hoạt, đất canh tác khiến nhiều nơi người dân bị đói nghèo – theo VietnamPlus.
50 doanh nghiệp lọt top "Thương hiệu xanh 2015"
Tại Lễ tôn vinh “Thương hiệu xanh 2015” được tổ chức ngày 1/4 tại Hà Nội, 50 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường đã được vinh danh. Chương trình bình chọn Top 50 Thương hiệu Xanh Việt Nam (GreenBrand Award) được thực hiện để hưởng ứng việc triển khai chiến lược quốc gia về
tăng trưởng xanh và tuyên truyền chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu.
Chiến lược phát triển kinh tế -xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã chỉ rõ, đến năm 2020, các cơ sở sản xuất kinh doanh mới thành lập phải áp dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường hoặc trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải. Chiến lược cũng nhấn mạnh phải gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh; thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững; từng bước phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch, tiêu dùng bền vững. Môi trường được xác định là một trong 3 trụ cột của sự phát triển: kinh tế - xã hội - môi trường.
Việt Nam có nhà máy tái chế lốp ô tô phế thải đầu tiên
Theo ước tính, mỗi năm nước ta thải ra khoảng 400.000 tấn cao su phế liệu (tương đương với 30.000 tấn/tháng). Chính vì vậy, việc xử lý rác thải từ lốp cao su luôn là vấn đề nan giải, bởi đặc thù của cao su là rất khó phân huỷ, phải mất vài chục năm thì cao su mới phân hủy được vào đất. Từ trước đến nay, hầu hết các nơi đều xử lý rác thải từ lốp cao su bằng các đốt hoặc ép ra thành dầu đốt, tuy nhiên cả 2 cách này đều khiến
môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng”. Mỗi năm nước ta thải ra khoảng 400.000 tấn cao su phế liệu (tương đương với 30.000 tấn/tháng).
Cũng theo nghiên cứu của nhà máy, hiện nay có tới 50% số lốp rác thải bị vứt trên mặt đất (số lượng này sẽ mất rất lâu để phân huỷ vào đất), 40% lốp rác thải được tiêu huỷ bằng các đốt (số này khiến mỗi trường bị ảnh hưởng rất nhiều) và chỉ có 10% được tái sử dụng bởi các cách phổ thông, thô sơ. Sáng 29/3, một nhà máy sản xuất đồ dùng, thiết bị từ lốp cao su phế thải vừa được khánh thành tại tỉnh Vĩnh Phúc. Sagama Việt Nam là nhà máy đầu tiên của Việt Nam có mô hình tái chế rác thải từ lốp cao su thành đồ dùng thường ngay như thảm cao su, đệm cao su, sân đá bóng cỏ nhân tạo…Với công nghệ sản xuất chủ yếu là xén thật nhỏ các loại rác phế thải từ cao su thành những hạt cao su nhỏ sau đó ép thành các đồ dung thường ngày hoặc làm sân cỏ nhân tạo nên việc ảnh hưởng đến môi trường do đun, đốt là không có – theo Infonet.
108.885 triệu đồng hỗ trợ 10 tỉnh xử lý ô nhiễm môi trường
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định phân bổ 108.885 triệu đồng từ nguồn chi sự nghiệp môi trường đã được bố trí trong dự toán ngân sách trung ương năm 2015 để hỗ trợ 10 tỉnh thực hiện các dự án xử lý ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích. 10 tỉnh được phân bổ gồm: Hà Giang 9.500 triệu đồng; Bắc Kạn 6.460 triệu đồng; Phú Thọ 3.000 triệu đồng; Lạng Sơn 31.112 triệu đồng; Thanh Hóa 23.143 triệu đồng; Nghệ An 15.170 triệu đồng; Quảng Trị 6.000 triệu đồng; Gia Lai 11.000 triệu đồng; Kon Tum 3.500 triệu đồng. Số kinh phí còn lại (19.507 triệu đồng) Bộ Tài chính chuyển vào dự phòng ngân sách Trung ương.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trong việc rà soát, thẩm định thủ tục, hồ sơ và tính chính xác của nội dung, số liệu báo cáo. Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí được phân bổ thực hiện theo đúng quy định hiện hành – theo Chinphu.
THẾ GIỚI
Thế giới thiệt hại 92 tỷ USD do thảm họa trong năm 2015
Công ty tái bảo hiểm Swiss Re của Thụy Sỹ ngày 30/3 công bố báo cáo cho biết,
thiên tai và thảm họa do con người gây ra gây thiệt hại 92 tỷ USD trong năm 2015, so với con số 113 tỷ USD năm 2014. Theo báo cáo trên, số tiền chi trả bảo hiểm trên toàn cầu cho các thảm họa là 37 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 62 tỷ USD của 10 năm qua. Thảm họa nhận được số tiền bảo hiểm lớn nhất trong năm là vụ nổ kép tại cảng Thiên Tân, phía Đông Bắc Trung Quốc, hồi tháng Tám, với ước tính vào khoảng 2,5-3,5 tỷ USD – theo VietnamPlus.
Tiếp đến là bão tuyết ở Mỹ vào tháng Hai, với số tiền mà các hãng bảo hiểm phải bồi thường là 2,1 tỷ USD. Các vụ nổ tại Thiên Tân đã khiến 173 người thiệt mạng, và là thảm họa đứng đầu về số tiền bảo hiểm tại châu Á và đứng thứ ba trên thế giới, trong một danh sách mà đứng đầu là vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ, với số tiền ước tính là 25,2 tỷ USD. Trong số 353 thảm họa trong năm ngoái, 198 thảm họa là thiên tai, con số cao nhất từ trước đến nay. Khoảng 80 tỷ USD trong 92 tỷ USD thiệt hại nói trên là thiệt hại do thiên tai, trong đó dẫn đầu là trận động đất tại Nepal, với 6 tỷ USD, tính cả những thiệt hại gây ra tại Ấn Độ, Trung Quốc và Bangladesh. Đây cũng là thảm họa cướp đi sinh mạng của nhiều người nhất trong năm, với gần 9.000 người.
Có 1/5 đất nông nghiệp Trung Quốc cho ra gạo bẩn
Tăng trưởng quá nóng trong ngành sản xuất cùng với sự thiếu định hướng từ chính phủ Trung Quốc đáng khiến ngành trồng lúa của nước này khốn khổ do hạn hán và ô nhiễm môi trường. Theo hãng International Grains Council (IGC), sản lượng lúa của Trung Quốc sẽ chỉ tăng rất nhẹ khoảng 0,7%, từ mức 144,5 triệu tấn năm 2015 lên 125,6 triệu tấn năm 2016. Những nghiên cứu mới nhất cho thấy, có ít nhất khoảng 12 triệu tấn ngũ cốc của nước này bị nhiễm kim loại nặng mỗi năm. Qua đó khiến quốc gia này chịu thiệt hại hơn 3,2 tỷ cho tất cả các chi phí, từ công sức trồng trọt, thiệt hại về thương mại cho đến tiền bồi thường.
Đặc biệt, năm 2013 ngành lúa gạo Trung Quốc đã bị rúng động khi các sản phẩm lúa gạo của tình Hồ Nam, vựa lúa chính của Trung Quốc bị phát hiện có chứa hàm lượng cao chất Cadmium (Cd), một loại kim loại nặng cực độc với cơ thể người. Cadmium là một loại kim loại nặng trong đất và chỉ với một liều lượng nhỏ cũng có thể gây hại cho cơ thể con người. Loại chất này là 1 trong 3 kim loại được coi là nguy hiểm nhất với cơ thể con người, ngoài chì và thủy ngân. Tồi tệ hơn, Bộ Tài nguyên Môi trường Trung Quốc cũng cho biết khoảng 16,1% đất tại đây năm 2014 đã bị ô nhiễm, trong đó có đến 19,4% đất nông nghiệp đã bị nhiễm hóa chất nặng – theo Trí Thức Trẻ.
Lương thực phung phí tại Mỹ Latinh đủ cứu đói 300 triệu người
Theo thống kê, 348.000 tấn là lượng lương thực, thực phẩm bị bỏ phí mỗi ngày tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe. Số lương thực này đủ để nuôi sống 300 triệu người, tương đương với 37% lượng người đang chịu đói trên toàn thế giới. Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, Văn phòng Mỹ Latinh và Caribe của Tổ chức Lương nông Liên hợp quốc (FAO) ngày 31/3 cho biết con số trên tương đương với mức lãng phí 127 triệu tấn lương thực mỗi năm hay 223kg/người/năm.
FAO cảnh báo nếu không cải thiện tình trạng này, Mỹ Latinh khó có thể hoàn thành Mục tiêu Phát triển bền vững số 12 của Liên hợp quốc, trong đó đề ra việc cắt giảm một nửa lượng thực phẩm bị lãng phí so với mức năm 2015. Những số liệu thống kê cho thấy Mỹ Latinh vẫn còn 180 triệu người nghèo mặc dù khu vực này đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo trong hơn một thập kỷ qua. Khoảng 20% dân số khu vực sống trong tình trạng nghèo đói suốt cuộc đời.
Một tỷ dân châu Á thiếu nước sạch vào năm 2050
Với tình trạng môi trường, dân số và kinh tế như hiện nay, người dân tại các quốc gia châu Á sẽ phải sống trong cảnh thiếu nước sạch trầm trọng vào năm 2050. Đây là kết luận của các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Massachusetts sau nhiều mô phỏng viễn cảnh
khí hậu tương lai tại khu vực này. Nghiên cứu đã được công bố trên ấn phẩm khoa học PLOS One, chỉ ra rằng sự thiếu hụt nguồn nước không chỉ đơn thuần là hệ quả của biến đổi khí hậu và các sức ép đối với môi trường – theo Hà Nội Mới.
Các nhà khoa học cũng nhận thấy sự tăng trưởng và biến đổi khí hậu trong vòng 35 năm tới sẽ khiến ít nhất 1 tỷ người phải đối mặt với tình trạng thiếu nước trầm trọng tại châu Á. Mỗi quốc gia cần có những chiến lược riêng biệt để đương đầu với tình trạng này. Đối với Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng công nghiệp có tác động chính làm suy kiệt các nguồn nước sạch vốn đã rất ít ỏi. Trong khi tại Ấn Độ, tăng trưởng dân số lại là yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất.
Băng tan khiến nước biển có nguy cơ dâng cao thêm 1m vào 2100
Tan băng ở Nam Cực sẽ làm mực nước biển dâng cao thêm 1 mét từ nay đến năm 2100, nếu lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính vẫn giữ tốc độ cao như hiện nay. Đây là kết quả nghiên cứu được công bố ngày 30/3 trên tạp chí khoa họa Nature (Tự nhiên) của Anh. Hinh ảnh 3D của nghiên cứu mô phỏng sự liên kết giữa việc khí quyển nóng lên và hoạt động dịch chuyển, tan băng. Mô hình cũng so sánh với các giai đoạn nắng nóng trước đây như Kỳ gian băng (cách đây 125.000 năm) và Thế thượng tân (cách đây 3 triệu năm). Vào thời kỳ mà nhiệt độ trung bình cao hơn hiện nay, mực nước biển cũng cao hơn.
Ví dụ mực nước biển cao hơn từ 6-9m trong giai đoạn nắng nóng của Kỳ gian băng. Theo nghiên cứu trên, nếu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính giảm, nhiệt độ Trái Đất được giữ ở ngưỡng trên 2 độ C so với thời kỳ cách mạng công nghiệp, thì sẽ không có sự thay đổi đáng kể từ nay đến năm 2100 và mực nước biển chỉ tăng thêm 20 cm vào năm 2500. Hạn chế mức nóng lên toàn cầu ở ngưỡng trên 2 độ C so với thời kỳ cách mạng công nghiệp cũng là mục tiêu của của hiệp định về chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP 21) tại Paris. Còn với tốc độ phát thải khí CO2 như hiện này, tan băng ở Nam Cực sẽ làm mực nước biển sẽ dâng thêm 1 mét vào 2100 và 13 mét vào năm 2500 – theo VietnamPlus.