Vietnamese English
Điểm tin môi trường tháng 3

4/2/2015 10:13:00 AM

Tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng lên 3000 đồng/lít; Xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường; Quốc gia đầu tiên 75 ngày liền chỉ dùng năng lượng tái tạo; … là trong số những thông tin, sự kiện môi trường diễn ra trong tháng 3/2015.

VIỆT NAM

Tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng lên 3000 đồng/lít


Sáng 10/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít) và một số mặt hàng xăng dầu khác... Khi tăng thuế bảo vệ môi trường ở mức trên đây, thì thuế nhập khẩu sẽ giảm từ 35% xuống còn 20%.


Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết đồng tình với đề nghị của Chính phủ. Mức thuế mới sẽ được áp dụng từ 1/5/2015.

Xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường

Sáng 11/3, tại trụ sở Bộ Tài nguyên&Môi trường (TN&MT), thực hiện Chương trình xây dựng văn bản pháp luật năm 2015 được Bộ TN&MT giao, Tổng cục Môi trường (TCMT) tổ chức cuộc họp lấy ý kiến góp ý của các đơn vị trực thuộc Tổng cục Môi trường nhằm xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường (gọi tắt là Thông tư).

Dự thảo số 02 bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung như nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương và địa phương để hỗ trợ công tác tư vấn lựa chọn công nghệ, quan trắc và phân tích môi trường; thống kê, đánh giá tình hình ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường, đánh giá tác động môi trường tổng hợp; xây dựng năng lực cảnh báo, dự báo về môi trường; thẩm định điều kiện xử lý chất thải; thẩm định, đánh giá công trình, thiết bị, công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường; kiểm tra đề án bảo vệ môi trường; các hoạt động đối ứng thực hiện dự án hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường …

1 triệu người Việt Nam bị ảnh hưởng do thiếu nước sạch

VOV đưa tin sáng 26/3, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì buổi làm việc với các bộ, ngành chức năng về tăng cường phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế trong công tác kiểm soát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt. Năm 2014, Bộ Y tế đã tổ chức kiểm tra đột xuất chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng... Kết quả cho thấy, các chỉ tiêu không đạt phổ biến là các chỉ tiêu vi sinh, hàm lượng clo dư thấp, hàm lượng amoni, nitrit, nitrat cao hơn tiêu chuẩn cho phép.

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 250.000 người bị mắc bệnh tiêu chảy cấp phải nhập viện. Tình trạng thiếu nước sạch hàng năm gây ảnh hưởng tới ít nhất 1 triệu người Việt Nam và thống kê trong 4 năm qua, có tới 6 triệu trường hợp mắc bệnh liên quan tới thiếu nước sạch, ước tính chi phí cho y tế là khoảng 20 triệu USD. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên toàn cầu có 4 tỷ ca mắc bệnh tiêu chảy và 1,5 triệu ca tử vong do bệnh tiêu chảy vì nước không an toàn, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân kém.

Đầu tư 6.000 tỷ đồng xây nhà máy điện gió đầu tiên ở Tây Nguyên

Dự án Trang trại Phong điện Tây Nguyên do Công ty Giải pháp năng lượng gió HBRE (HBRE Wind Power Solution) làm chủ đầu tư với tổng công suất thiết kế là 120MW, tổng mức đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng vừa được khởi công xây dựng giai đoạnh một tại xã Đliê-Yang, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk.

Sản lượng điện cung cấp hàng năm lên đến 450 triệu kWh/năm, đủ khả năng cung cấp cho 200.000 hộ gia đình. Dự án này chia làm ba giai đoạn và dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành toàn bộ. Riêng giai đoạn một sẽ hoàn thành và hòa vào điện lưới quốc gia trong quý 2/2016, với công suất là 28MW.

Tổng kết dự án “Xử lý ô nhiễm môi trường tại các vùng ô nhiễm nặng dioxin ở Việt Nam”

Báo Công Lý đưa tin sáng 19/3, Hội thảo tổng kết thực hiện dự án “Xử lý ô nhiễm môi trường tại các vùng ô nhiễm nặng dioxin ở Việt Nam” đã được tổ chức tại Hà Nội. Đây là dự án do Ban chỉ đạo 33 và Chương trình phát triển liên hợp quốc (UNDP) thực hiện, được Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua UNDP.

Dự án “Xử lý ô nhiễm môi trường tại các vùng ô nhiễm nặng dioxin ở Việt Nam” được thực hiện từ năm 2010 với tổng kinh phí là hơn 5 triệu USD, bao gồm gần 5 triệu từ GEF và 76 nghìn từ Cộng hòa Séc, với mục tiêu nhằm giảm thiểu tác hại của Dioxin đối với hệ sinh thái và sức khỏe của con người tại các điểm nóng như sân bay Biên Hòa, Đà Nẵng và sân bay Phù Cát. Những kết quả chính của Dự án được chia sẻ tại Hội nghị là đã chôn lấp, cô lập hơn 7.500 m3 đất ô nhiễm dioxin, bằng kỹ thuật bảo đảm an toàn, theo tiêu chuẩn quốc tế tại sân bay Phù Cát tại Bình Định, đưa sân bay Phù Cát ra khỏi danh sách các điểm nóng dioxin cần xử lý ngay tại Việt Nam.

THẾ GIỚI

Nửa triệu trẻ tử vong mỗi năm vì thiếu nước sạch


Báo cáo của Tổ chức từ thiện về cải thiện điều kiện vệ sinh WaterAid cho biết mỗi năm có nửa triệu trẻ chết trước khi được 1 tháng tuổi vì thiếu nước sạch và các điều kiện vệ sinh an toàn – theo thông tin trên Báo Pháp Luật TP HCM. WaterAid cho biết 1 trong 5 trẻ trong số đó có thể tránh được nguy cơ tử vong nếu được tắm rửa bằng nước sạch và chăm sóc trong môi trường sạch và an toàn bởi những người đã được rửa tay bằng xà phòng.

Báo cáo trên xuất hiện cùng ngày với báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới WHO. WHO cho biết 38% các cơ sở y tế ở 54 nước đang phát triển không được tiếp cận với nguồn nước sạch; gần 1/5 thiếu nhà vệ sinh và hơn 1/3 không có chỗ cho nhân viên y tế hoặc bệnh nhân rửa tay bằng xà phòng. Trẻ em ở các quốc gia Châu Phi nằm ở phía Nam Saharan có nguy cơ chết vì nhiễm trùng trong tháng đầu tiên gấp 30 lần trẻ em ở các nước phát triển. Chẳng hạn, ở nước Cộng hòa Sierra Leone, 1 trong 21 phụ nữ có trẻ chết vì nhiễm trùng tháng đầu tiên, trong khi con số này ở Mỹ chỉ là 1 trên 2.958 phụ nữ.

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng trí nhớ của trẻ

Nhập học ở những trường nằm gần tuyến đường đông đúc hoặc ở các khu vực có mức độ ô nhiễm không khí cao có thể cản trở quá trình phát triển trí tuệ của trẻ - Thanh Niên Online ngày 12/3 cho biết nghiên cứu được đăng trên chuyên san PLoS Medicine.

Đó là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Trung tâm nghiên cứu về dịch tễ học môi trường (CREAL) ở Tây Ban Nha liên quan tới 2.715 học sinh tiểu học ở 39 trường học tại thành phố Barcelona. “Trẻ học ở những trường có mức độ ô nhiễm không khí cao do xe cộ, thường ít có tiến triển hơn trong phát triển nhận thức”, chuyên gia Jordi Sunyer thuộc CREAL lý giải. Cụ thể, khả năng ghi nhớ trong 1 năm cải thiện 11,5% ở những em thuộc nhóm trường thuộc khu vực có mức độ ô nhiễm thấp, trong khi tỷ lệ này ở nhóm trường tiếp xúc với không khí ô nhiễm cao chỉ là 7,4%.

Máy bay đầu tiên bay bằng “dầu ăn bẩn”

Ngày 21/3, báo chí Trung Quốc đưa tin hãng Hainan Airlines của nước này đã trở thành hãng hàng không đầu tiên ở Trung Quốc sử dụng một loại nhiên liệu sinh học được chế xuất từ dầu bẩn thu thập từ các nhà hàng. Chiếc máy bay chở theo 156 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn này đã thực hiện thành công chuyến bay kéo dài 2 tiếng rưỡi và đã đáp xuống sân bay Bắc Kinh an toàn.

Theo Tân Hoa Xã, một chiếc máy bay Boeing 737 của hãng hàng không này đã thực hiện chặng bay từ Thượng Hải tới Bắc Kinh bằng cách sử dụng hỗn hợp 50-50 nhiên liệu thông thường và nhiên liệu chiết xuất từ dầu ăn bẩn do tập đoàn năng lượng Sinopec cung cấp.

Xe buýt chạy bằng chất thải được đưa vào hoạt động

Theo trang tin Afamily.vn, chiếc xe buýt Bio-Bus sẽ sử dụng chất thải từ 32.000 hộ gia đình, biến nó thành khí biomethane để cho xe hoạt động. Mặc dù đã được công bố từ mùa thu năm ngoái nhưng phải đến đầu năm nay, Công ty First West mới chính thức đưa Bio-bus vào hoạt động.

Chiếc xe buýt chạy bằng... chất thải của người và các hộ gia đình sẽ chính thức đưa vào hoạt động tại Anh vào cuối tháng Ba. Chiếc xe Bio-bus sẽ chạy tuyến đường dài gần 25km, sử dụng nhiên liệu được xử lý từ chất thải của hơn 32000 hộ gia đình tại Anh.

Quốc gia đầu tiên 75 ngày liền chỉ dùng năng lượng tái tạo

Báo Tin Tức đưa tin Costa Rica đã đạt được cấp độ sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong 75 ngày liên tục trong năm nay. Đây được xem là bước tiến lớn tại quốc gia Trung Mỹ này, tạo động lực cho việc sử dụng rộng rãi hơn nữa năng lượng thay thế.

Hồi tuần trước, Viện Điện năng Costa Rica (ICE) tuyên bố, nước này hoàn toàn có khả năng chỉ sử dụng nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, năng lượng sinh khối (biomass) và địa nhiệt, không cần đến năng lượng hóa thạch. “Trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 (tổng số 75 ngày), hệ thống phát, truyền tải điện năng quốc gia đã không sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch”, thông báo của ICE nêu rõ.

Theo Minh Cường (MOITRUONG.COM.VN/TH)

Lượt xem : 1988