Vietnamese English
Điểm tin môi trường tháng 2

3/3/2018 6:19:00 AM

Phát động Giải thưởng Sáng tạo xanh lần thứ II năm 2018; EU hỗ trợ 108 triệu Euro cho Việt Nam phát triển năng lượng; Quảng Bình là địa phương đầu tiên ở Việt Nam cho thuê môi trường rừng; Costa Rica đứng đầu thế giới về sử dụng năng lượng tái tạo; Indonesia trở thành nước châu Á đầu tiên phát hành trái phiếu ''xanh''; Thái Lan sắp đánh thuế môi trường đối với xe máy; … là trong số những sự kiện môi trường nổi bật trong tháng 2/2018.

 Phát động Giải thưởng Sáng tạo xanh lần thứ II năm 2018


TTXVN cho biết từ nay đến ngày 31/8, các tác phẩm liên quan đến ý tưởng, mô hình tiêu biểu về sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, 
bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu có thể gửi tới Ban tổ chức "Giải thưởng Sáng tạo xanh lần thứ II năm 2018." Giải thưởng do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức 2 năm/lần. Giải thưởng được phát động lần đầu vào tháng 9/2015 và đã được trao giải vào tháng 12/2016.


Giải thưởng 
Sáng tạo xanh lần thứ II năm 2018 được chia thành 2 vòng từ ngày 25/2 đến tháng 12/2018 với cơ cấu Giải thưởng gồm: một giải nhất, mỗi giải trị giá 20 triệu đồng; năm giải nhì, mỗi giải 10 triệu đồng; mười giải ba, mỗi giải 7 triệu đồng, 15 giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 3 triệu đồng. Các tác giả có tác phẩm dự thi có thể gửi tới địa chỉ: Trung tâm truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Lô E2-Khu đô thị mới Cầu Giấy, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. (Tầng 4, Tòa nhà Báo Tài nguyên và Môi trường, Đường Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội). Ngoài phong bì thư ghi Giải thưởng Sáng tạo xanh. Hoặc gửi trực tiếp qua địa chỉ thư điện tử: giaithuongsangtaoxanh@gmail.com./.

EU hỗ trợ 108 triệu Euro cho Việt Nam phát triển năng lượng

TTXVN đưa tin sáng 27/2, tại Hà Nội, Ủy ban châu Âu và Bộ Công Thương chính thức ra mắt Hợp phần Hỗ trợ Kỹ thuật Ngành Năng lượng EU – Việt Nam. Đây là một hợp phần hỗ trợ kỹ thuật cho công tác triển khai Chương trình Hỗ trợ Chính sách Ngành Năng lượng trị giá 108 triệu Euro của Liên minh châu Âu (EU). Mục tiêu của chương trình nhằm tăng cường tiếp cận năng lượng bền vững cho khu vực nông thôn của Việt Nam và góp phần xây dựng một ngành năng lượng bền vững hơn qua việc khuyến khích hiệu quả năng lượng, 
năng lượng sạch và tái tạo đến toàn dân.

Chương trình trị giá 108 triệu Euro này sẽ không chỉ giúp Chính phủ Việt Nam đạt được mục tiêu đề ra trong Chương trình Cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 – 2020, nhằm cung cấp nguồn điện đáng tin cậy và bền vững cho 1,2 triệu hộ dân vùng nông thôn, mà còn giúp tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng, tạo điều kiện cho sự chuyển đổi, hướng tới phát triển một ngành 
năng lượng bền vững hơn ở Việt Nam.

Dự kiến giải ngân hơn 15,5 tỷ đồng cho dự án bảo tồn voi

Tin từ Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai (thuộc Sở Nông nghiệp – phát triển nông thôn) cho hay tổng kinh phí dự kiến giải ngân trong năm 2018 của 
dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Đồng Nai (giai đoạn 2014-2020) là hơn 15,5 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn của Trung ương là hơn 10,7 tỷ đồng, nguồn vốn địa phương khoảng 4,8 tỷ đồng.

Theo Báo Đồng Nai, kế hoạch thực hiện dự án trong năm nay tập trung vào nhiều nội dung, trong đó tiếp tục xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn thiên nhiên và 
động vật hoang dã; chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho người dân địa phương sống vùng lân cận khu bảo tồn voi; đảm bảo các biện pháp phòng, tránh xung đột giữa người và voi, thi công một số hạng mục phát sinh của tuyến hàng rào điện…

Quảng Bình là địa phương đầu tiên ở Việt Nam cho thuê môi trường rừng

Tỉnh Quảng Bình vừa đánh giá hiệu quả Dự án “Bảo tồn sinh cảnh trên núi đất thấp, rừng lá rộng thường xanh đa dạng sinh học cao” tại khu vực rừng phòng hộ Khe Nước Trong, Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Dự án này do Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Việt thực hiện đạt hiệu quả bước đầu. Với khoản tiền tài trợ 1,5 triệu đô la Mỹ, tổ chức này thuê 800 héc ta rừng để nghiên cứu sinh cảnh tái tạo thả về rừng. Sau khi thuê môi trường rừng, nghiên cứu môi trường sinh thái, xây dựng chuồng trại, tổ chức 
Bảo tồn thiên nhiên Việt chuẩn bị thả gà lôi lam trắng, một loài đặc hữu gần như tuyệt chủng ngoài tự nhiên. Hiện số gà lôi lam trắng này đang nuôi ở vườn thú Paris, Cộng hòa Pháp để dẫn gien về vườn thú Hà Nội. Từ đây, số động vật đặc hữu này sẽ được bảo tồn ngoại vi, tập tính mới chuyển vào rừng nuôi bán chăn thả.

VOV dẫn lời ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, cho biết Quảng Bình là địa phương đầu tiên ở Việt Nam cho thuê môi trường rừng. Tỉnh Quảng Bình tạo mọi điều kiện về cơ chế chính sách, cơ sở pháp lý, tạo mọi điều kiện về các vấn đề để hỗ trợ tổ chức này sớm triển khai dự án. Mục tiêu của Dự án được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Việt triển khai rất tốt. Và chúng tôi đánh giá cao mục tiêu, nội dung các hoạt động của dự án, góp phần giúp cho Quảng Bình bảo vệ tốt 
rừng phòng hộ.

Mỹ xây nhà máy biến rác thành gạch, nắp cống tại Việt Nam

PL TP HCM đưa tin ngày 26/2, tại TP.HCM đã diễn ra sự kiện ký kết chuyển giao công nghệ sản xuất các sản phẩm từ vật liệu composite tái chế giữa Minh Hưng Group (Việt Nam) và MHE Manufacturing of Texas LLC (Mỹ). Với công nghệ tái chế sợi thủy tinh, 
phế phẩm sẽ được tái chế thành các sản phẩm mới như nắp cống, gạch xây dựng, pallets…với chi phí thấp hơn rất nhiều so với chi phí tái chế truyền thống, và quan trọng là có thể tái chế nhiều lần. Chi phí đầu tư nhà máy công nghệ tái chế sợi thủy tinh tại Việt Nam dự kiến là 50 triệu USD.

Hai đơn vị này sẽ hợp tác thực hiện dự án xây dựng và vận hành nhà máy Sản xuất ván ép từ vật liệu Composite tái chế đầu tiên tại châu Á. Nhà máy được kỳ vọng sẽ mang về cho Việt Nam giải pháp công nghệ cao mới, hiện đại góp phần giải quyết vấn đề 
môi trường, tận dụng nguồn nguyên liệu rác thải và kiến tạo nên các sản phẩm mới, chất lượng cao và thân thiện với môi trường. Đặc biệt với nhiều đặc tính vượt trội như: chống cháy, chống thấm, độ bền lâu, chắc chắn, chúng ta có thể tạo ra nhiều sản phẩm khác phù hợp để thay thế các vật liệu trong ngành xây dựng với đa dạng các hình dạng và kích cỡ như: pallet, kệ để hàng, ngói, gạch…

Tình trạng nước biển dâng đang diễn biến ngày càng nhanh

Tình trạng nước biển dâng đang diễn biến ngày càng nhanh và có thể đạt mức 66cm vào cuối thế kỷ này, đúng như dự báo của Liên hợp quốc và đủ để gây ra vấn đề nghiêm trọng đối với các thành phố ven biển. Đây là kết quả công trình nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ Đại học Nam Florida, Trung tâm Vũ trụ Goddard của NASA, Đại học Old Dominion và Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia được công bố trên tạp chí Học viện Khoa học Quốc gia (PNAS) Mỹ ngày 12/2.

TTXVN dẫn theo Báo cáo cho thấy tốc độ nước biển dâng trước đây là 3mm/ năm có thể tăng gấp 3 lên mức 10mm/năm vào năm 2100. Kết quả này cũng sát với Báo cáo đánh giá thứ 5 (AR5) của Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) dựa trên dữ liệu vệ tinh trong 25 năm. Tác giả nghiên cứu Steve Nerem nêu rõ sự gia tăng tốc độ nước biển dâng này chủ yếu là do băng tan tại Greenland và Nam Cực. Tình trạng này có khả năng làm tăng gấp đôi lượng nước biển dâng vào năm 2100 lên mức 60 cm so với dự báo trước đó là 30 cm, vốn giả định rằng tốc độ tăng là không đổi.

Tòa nhà hoàn toàn sử dụng năng lượng Mặt Trời đầu tiên ở Nhật Bản

TTXVN đưa tin ngày 26/2, tòa nhà văn phòng đầu tiên sử dụng hoàn toàn năng lượng Mặt Trời tại Nhật Bản đã chính thức đi vào hoạt động. Dự án của Công ty Xây dựng Nhà ở Daiwa là một tòa nhà 2 tầng với diện tích mặt bằng 2.400 m2 và đặt tại tỉnh Saga. Tòa nhà này được quảng bá là có thiết kế ứng dụng tối đa năng lượng tái tạo để giảm lượng tiêu thụ năng lượng điện. Chi phí xây dựng tòa nhà trên vào khoảng 900 triệu yen, trong đó có một phần vốn hỗ trợ của chính phủ.

Công trình này được lắp đặt 320 tấm pin năng lượng Mặt Trời trên tầng thượng, nguồn năng lượng từ các tấm pin này sau đó sẽ được chuyển tới lưu trữ trong các tấm pin lithium và chuyển hóa thành điện cung cấp cho tòa nhà. Tòa nhà cũng được trang bị các thiết bị tiết kiệm năng lượng như hệ thống điều hòa sử dụng nhiệt năng từ Mặt Trời và giếng trữ nước, giúp tiết kiệm khoảng 6 triệu yên (56.000 USD) mỗi năm về chi phí năng lượng so với các tòa nhà cùng kích thước.

Indonesia trở thành nước châu Á đầu tiên phát hành trái phiếu ''xanh''

Chính phủ Indonesia ngày 22/2/2018 đã phát hành trái phiếu Sukuk “xanh” kỳ hạn 5 năm, đồng nghĩa với việc loại trái phiếu mới cũng sẽ tuân theo các quy định tài chính của Hồi giáo. Indonesia trở thành quốc gia châu Á đầu tiên phát hành trái phiếu “xanh” ra thị trường quốc tế giữa lúc các nhà đầu tư đang ngày càng quan tâm đến các dự án thân thiện với môi trường. Tại châu Á, các công ty Trung Quốc và Ấn Độ đang ngày càng hứng thú hơn với thị trường trái phiếu "xanh" để tài trợ các dự án thân thiện với môi trường, nhưng chính phủ các nước này hiện vẫn chưa thực sự bước vào "cuộc chơi."

Tính trên toàn thế giới, trong số các quốc gia phát hành trái phiếu "xanh" tương đối lớn phải kể đến Ba Lan và Pháp. Hoạt động phát hành trái phiếu "xanh" tính trên quy mô toàn cầu đã đạt mức cao kỷ lục năm thứ 5 liên tiếp vào năm 2017. Theo số liệu của tổ chức Climate Bonds Initiative có trụ sở tại London (Vương quốc Anh), trong năm vừa qua đã ghi nhận lượng trái phiếu "xanh" trị giá 155,5 tỷ USD được bán ra trên toàn cầu.

Costa Rica đứng đầu thế giới về sử dụng năng lượng tái tạo

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, năm 2017, Costa Rica tiếp tục dẫn đầu thế giới về tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo, theo xếp hạng của Happy Planet Index, và là năm thứ 3 liên tiếp phá kỷ lục về số ngày chỉ sử dụng năng lượng sạch. Theo thống kê công bố ngày 26/2 của Trung tâm kiểm soát năng lượng quốc gia Costa Rica (CNCE), trong năm ngoài, đất nước mang tên “bờ biển giàu đẹp” này đã đạt tròn 300 ngày chỉ sử dụng điện năng từ các nguồn năng lượng tái tạo, vượt hơn mức 299 ngày và 271 ngày tương ứng của 2 năm 2016 và 2015.

Sản lượng điện từ năng lượng tái tạo của Costa Rica trong năm ngoái đã đáp ứng 99,62%, gần như tuyệt đối, nhu cầu điện tiêu thụ trong năm của quốc gia có 4,8 triệu dân này. Trong số này, thủy điện tiếp tục là nguồn năng lượng chủ chốt khi cung cấp 78,26% lượng điện tiêu thụ, tiếp tới là điện gió với 10,29% và địa nhiệt với 10,23%; trong khi điện Mặt Trời và sinh khối đóng góp 0,84%. Riêng nguồn điện gió hay phong điện của Costa Rica cũng đạt sản lượng kỷ lục trong năm 2017 với 1.015 gigawatt giờ.

Thái Lan sắp đánh thuế môi trường đối với xe máy

Cơ quan thuế của Thái Lan cho biết sẽ áp dụng quy định khí thải và thuế môi trường đối với xe máy như xe ô tô. Theo dự kiến xe máy tham gia lưu thông trên đường sẽ bị đánh thuế thêm từ 150-250 baht (100.000-170.000 đồng)/chiếc. Hiện tại, các loại thuế mà mỗi xe máy phải gánh trước khi đưa vào sử dụng từ 750-1.250 baht (500.000-800.000 đồng). Khoảng 80% xe máy đang lưu thông ở Thái Lan là loại dưới 150 phân khối, được bán với giá từ 30.000-50.000 baht (21-35 triệu đồng).

Việc tính thuế môi trường đối với xe máy không chỉ giúp cải thiện môi trường mà còn là động lực để các nhà sản xuất cải tiến kỹ thuật, công nghệ chế tạo xe máy theo hướng thân thiện môi trường hơn. Giới chức môi trường Thái Lan cho hay cùng với ô tô lượng xe máy tham gia giao thông xả khí thải ra với lượng nhiều đáng kể, gây ô nhiễm môi trường. Hằng năm chính phủ Thái phải chi từ ngân sách để làm sạch môi trường vì vậy chủ phương tiện hoặc nhà sản xuất phải chia sẻ trách nhiệm này. Thái Lan bắt đầu đánh thuế môi trường đối với phương tiện giao thông ở nước này từ đầu năm 2016.

Mai Anh (moitruong.com.vn)

Lượt xem : 1926