Vietnamese English
Điểm tin môi trường tháng 2

3/1/2016 8:22:00 AM

Việt Nam có Khu Ramsar thứ 8; Công bố về số lượng tê giác ở Việt Nam; Nhân rộng mô hình nông nghiệp thông minh; Thiên tai năm 2015 khiến gần 99 triệu người bị ảnh hưởng; Thế giới vừa trải qua tháng 1 nóng nhất trong lịch sử hiện đại; … là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý diễn ra trong tháng2.

VIỆT NAM

Việt Nam có Khu Ramsar thứ 8


Tối 22/2, Bộ Tài Nguyên & Môi trường phối hợp cùng UBND tỉnh Kiên Giang và Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam tổ chức Lễ trao bằng công nhận VQG U Minh Thượng là khu Ramsar thứ 8 của Việt Nam và thứ 2228 của thế giới. Với danh hiệu đặc biệt này, VQG U Minh Thượng sẽ có nhiều cơ hội để quảng bá hình ảnh đặc biệt của mình ra cộng đồng thế giới, trở thành điểm đến hấp dẫn cho các du khách trong và ngoài nước trong tương lai – theo MT&ĐS.


Đây cũng là cơ hội để kêu gọi sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong việc nghiên cứu, bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái đầm lầy ngập nước với thảm thực vật thủy sinh, được xem như hệ sinh thái tiêu biểu của vùng đầm lầy đất than bùn vùng U Minh khi xưa, một trong số ít nơi còn tồn tại đất than bùn ở Nam Bộ nói riêng và của Việt Nam nói chung. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang phải chịu tác động của biến đổi khí hậu thì vùng đầm lầy than bùn lại có ý nghĩa lớn trong việc giảm nhẹ nguy cơ này do có khả năng lưu trữ và tích tụ C02 trong đất than bùn cao hơn hẳn các loại đất khác.

Công bố về số lượng tê giác ở Việt Nam

Theo bà Hà Thị Tuyết Nga, Giám đốc Cơ quan quản lý CITES Việt Nam (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp), hiện số lượng cụ thể tê giác tại Việt Nam có 36 cá thể tê giác…Vườn thú Đại Nam (5 con), Thảo cầm viên TP Hồ Chí Minh (2 con), Vườn Xoài (2 con), vườn thú Mường Thanh (4 con), Thiên đường Bảo Sơn (4 con) và vườn thú Mỹ Quỳnh (19 con). Như vậy, hiện Việt Nam đang có 36 cá thể tê giác. Tất cả các cá thể tê giác trên được nhập về Việt Nam từ vài năm trước, hiện sức khỏe đảm bảo và được gắn chip để quản lý, không thể có chuyện tê giác nhập lậu về Việt Nam được.

Trả lời câu hỏi của Nông nghiệp Việt Nam về việc Việt Nam hiện có còn tê giác bản địa hay không, bà Nga cho rằng, nếu nói về tê giác Việt Nam, từ năm 2011 đã phát hiện một cá thể tê giác ở vùng phân bố chết vì già. Do đó, một số thông tin cho rằng tê giác Việt Nam đã tuyệt chủng. “Nhưng về chuyên môn, phải tính chu kỳ một vòng đời của con tê giác (35 – 40 năm) kết thúc mà không phát hiện cá thể tê giác nào sống trong tự nhiên nữa, thì mới được công bố tê giác tuyệt chủng. Từ đó đến nay vẫn chưa có thông tin thêm gì về tê giác Việt Nam và cũng chưa có điều tra toàn diện về vấn đề này”, bà Nga thông tin.

4 tỉnh công bố thiên tai xâm nhập mặn

Tiền Phong cho biết đến ngày 24/2, trong 13 tỉnh và thành phố vùng ĐBSCL, đã có 4 tỉnh công bố thiên tai xâm nhập mặn là Kiên Giang, Bến Tre, Long An và Sóc Trăng. Kiên Giang bị thiệt hại về lúa nặng nhất với gần 40.000 ha, nước mặn còn đe dọa rừng U Minh Thượng. Sóc Trăng có hơn nửa số huyện bị độ mặn 10 g/lít xâm nhập và có diện tích mía lớn nhất vùng đang bị nước mặn làm chậm thời vụ, hàng nghìn héc-ta mía đã xuống giống không phát triển được.

Căng thẳng nhất về nước sinh hoạt là Bến Tre: Bị nước mặn bao trùm toàn bộ diện tích nên nước sinh hoạt của các nhà máy ở đô thị cũng có độ mặn trên 1 g/lít. Long An công bố thiên tai mức độ 2 (mức cao nhất), khi độ mặn trên sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây vào sâu đất liền 72-75 km tính từ cửa sông (quy định mức độ 2 là hơn 50 km). Theo tính toán sơ bộ của một số cơ quan, thiên tai hạn và mặn đã làm ĐBSCL thiệt hại khoảng 150.000 tỷ đồng và chưa dừng lại.

Ra mắt Trung tâm giáo dục và bảo tồn tê tê đầu tiên tại Việt Nam

TTXVN đưa tin nhân kỷ niệm 5 năm Ngày Bảo tồn tê tê thế giới, ngày 20/2, Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn động vật hoang dã (Save Vietnam’s Wildlife) phối hợp với Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) đã tổ chức lễ khai trương Trung tâm giáo dục và bảo tồn tê tê đầu tiên tại Việt Nam.

Qua không gian của Trung tâm giáo dục bảo tồn này, mọi người cũng hiểu được những mối đe dọa mà các loài động vật hoang dã đang phải đối mặt, khuyến khích cộng đồng cùng tham gia bảo vệ các loài vật quý hiếm như tê tê khỏi nguy cơ bị tuyệt chủng.

Nhân rộng mô hình nông nghiệp thông minh

Trung tâm hợp tác nông nghiệp thông minh FPT – Fujitsu giới thiệu kỹ thuật nông nghiệp ứng dụng công nghệ điện toán đám mây vừa khai trương vào ngày 24/2. Dự kiến, sau giai đoạn thử nghiệm, FPT và Fujitsu sẽ thống nhất mô hình phù hợp để triển khai rộng rãi tại Việt Nam. Nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, hệ thống cảm biến sẽ thu thập mọi thông tin về môi trường, nhiệt độ, độ ẩm, CO2, nhiệt độ của dung dịch dinh dưỡng, tốc độ truyền điện…từ đó có những điều chỉnh phù hợp với điều kiện phát triển của cây trồng. Trước mắt, hai mô hình sản xuất “Nhà kính - Green house” và “Nhà máy rau - Vegetable factory” sẽ được áp dụng trên hai loại rau có giá trị gia tăng cao là cà chua cỡ vừa và xà lách ít kali.

Điểm khác biệt của mô hình này là được điều khiển từ xa và hoàn toàn tự động trong môi trường khép kín, tránh sâu bệnh. Những thông tin, hình ảnh về môi trường và khu vực trồng trọt được theo dõi và quản lý không chỉ tại Việt Nam, mà thậm chí tại Nhật Bản cũng có thể theo dõi và đưa ra hướng dẫn trồng trọt từ xa. Nhờ vậy giảm công sức cho người trồng và cho sản phẩm công nghệ vượt trội. Với diện tích hơn 400m2 đặt tại Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội, Trung tâm Hợp tác nông nghiệp thông minh FPT- Fujitsu không chỉ là nơi giới thiệu mô hình kinh doanh (business model) mới của Fujitsu có khả năng liên kết mọi ngành nghề, mọi loại hình doanh nghiệp, tổ chức trong xã hội, mà còn là nơi ứng dụng toàn bộ những kỹ thuật tối tân, những kiến thức và bí quyết dành cho lĩnh vực nông nghiệp mà Fujitsu đã đúc rút được từ trước đến nay.

THẾ GIỚI

Thế giới vừa trải qua tháng 1 nóng nhất trong lịch sử hiện đại


Cơ quan quản lý Khí quyển và Đại dương của Mỹ (NOAA) ngày 17/2 cho biết tháng 1 vừa qua là tháng 1 nóng nhất thời hiện đại, diễn biến được xem là mới nhất trong chuỗi kỷ lục về nhiệt độ đang làm gia tăng mối lo ngại về tốc độ biến đổi khí hậu toàn cầu. Theo NOAA, nhiệt độ trung bình trên đất liền và các bề mặt đại dương trong tháng qua cao hơn 1,87 độ Fahrenheit (1,04 độ C), so với nhiệt độ trung bình của các tháng 1 trong thế kỷ 20. Đây là nhiệt độ trung bình cao nhất của tháng 1 kể từ khi các dữ liệu nhiệt độ bắt đầu được ghi lại hồi năm 1880, cao hơn 0,29 độ F (0,16 độ C) so với mức kỷ lục trước đó được ghi nhận hồi năm 2007 – theo TTXVN.

Đây còn là tháng thứ 9 liên tiếp phá kỷ lục của tháng về nhiệt độ toàn cầu sau khi năm 2015 được ghi nhận là năm nóng kỷ lục. Nhiệt độ trung bình trên bề mặt Trái Đất trong tháng 1 đã tăng 2,81 độ F (1,56 độ C) so với nhiệt độ trung bình tháng này của thế kỷ 20, trong khi nhiệt độ trên bề mặt đại dương cao hơn 1,55 độ F (0,86 độ C) so với nhiệt độ trung bình của thế kỷ 20. Cũng theo NOAA, tháng 1 vừa qua, diện tích băng trung bình bao phủ ở Bắc Băng Dương thấp hơn 7,14% so với mức trung bình trong thời gian từ năm 1981 đến 2010, mức thấp kỷ lục về diện tích băng kể từ năm 1979.

Mỗi năm hơn 5,5 triệu người chết sớm do ô nhiễm

Theo một nghiên cứu vừa công bố, ô nhiễm không khí khiến hơn 5,5 triệu người chết sớm mỗi năm. Trong đó Trung Quốc và Ấn Độ chiếm đến 55% số ca tử vong. Ở hai nước này, các nhà máy điện, nhà máy công nghiệp, khí thải xe, hoạt động đốt than và gỗ... sản sinh vô số hạt bụi nhỏ đi sâu vào phổi gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Theo dữ liệu do dự án "Global Burden of Disease" của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố, năm 2013, Trung Quốc có 1,6 triệu người chết sớm vì ô nhiễm, trong khi con số này ở Ấn Độ là 1,4 triệu người – theo Tuổi Trẻ.

Tại Trung Quốc, đốt than là thủ phạm chính gây ô nhiễm, khiến hơn 366.000 người chết trong năm 2013. Còn tại Ấn Độ, thói quen đốt củi, phân gia súc... để nấu nướng và sưởi ấm khiến hàng triệu gia đình phải thường xuyên tiếp xúc với các hạt bụi nhỏ có hại cho sức khỏe ở nồng độ cao. "Ô nhiễm không khí là yếu tố nguy cơ gây tử vong cao thứ tư trên toàn cầu và hiện là yếu tố gây bệnh tật hàng đầu trong nhóm môi trường", BBC ngày 13/2 dẫn lời giáo sư Michael Brauer tại ĐH British Columbia, Canada và là thành viên nhóm nghiên cứu nói.

Thiên tai năm 2015 khiến gần 99 triệu người bị ảnh hưởng

Những thảm họa thiên tai kinh hoàng đã biến năm 2015 trở thành năm thảm họa đối với nhiều người dân trên thế giới. Theo Văn phòng Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai của Liên Hợp Quốc, trong năm 2015 đã có ít nhất 98,6 triệu người bị ảnh hưởng bởi thiên tai từ hạn hán đến ngập lụt, thiệt hại kinh tế lên tới 66,5 tỷ Đô la Mỹ. Dựa trên số liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ Thiên tai (CRED), một tổ chức phi lợi nhuận của Bỉ, Liên Hợp Quốc đã cho biết có gần 23.000 người đã tử vong trong 346 thảm họa thiên tai trên toàn thế giới năm 2015. Trong đó, chỉ riêng trận động đất tại Nepal đã khiến 9.000 người tử vong – theo MT&ĐS.

Chỉ riêng 32 trận hạn hán ghi nhận trong năm ngoái đã khiến 50 triệu người phải chịu thiệt hại. Con số này hơn gấp đôi con số  15 trận hạn hán trung bình trong 10 năm qua khi thế giới phải hứng chịu hiện tượng El Nino. Điều duy nhất có thể dự đoán được về những thảm họa khí hậu là tính chất biến động đột ngột và… không thể đoán trước. Nhiều quốc gia đang trở nên chủ động hơn trong công tác phòng chống thiên tai và giảm thiểu rủi ro khí hậu. Ấn Độ, Philippin, Malawi và Mexico đã hạn chế số người thiệt mạng xuống còn trên 900 – tương đương gần 1/10 con số trung bình của 10 năm trước (khoảng 9.500 ca tử vong).

2/3 dân số thế giới đang sống trong tình trạng thiếu nước ngọt

Một nghiên cứu vừa được công bố trên Tạp chí Science Advanced của Mỹ cho thấy 4 tỷ người trên hành tinh (tương đương 2/3 nhân loại) đang sống trong tình trạng thiếu nước ngọt và ít nhất một tháng trong năm họ không được đáp ứng đầy đủ nhu cầu về nước sạch. Theo kết quả nghiên cứu trên của hai chuyên gia Mesfin Mekonnen và Arjen Hoekstra thuộc Đại học Twente (Hà Lan), con số 2/3 nhân loại thiếu nước sinh hoạt cao hơn nhiều so với những dự báo trước đây – TTXVN đưa tin.

Đáng quan ngại hơn cả là việc có 500 triệu người trên thế giới đang phải sống trong tình trạng thiếu nước kinh niên. Tại châu Á, ngoài hai nước nhỏ là Bangladesh và Pakistan, Ấn Độ cùng Trung Quốc cũng phải đối diện với thực trạng đáng quan ngại, khi có gần 2 tỷ người không đủ nước sạch để đáp ứng cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Trong khi đó, Mexico và Mỹ là hai quốc gia phải đối mặt với hiện tượng khan hiếm nước lớn nhất tại châu Mỹ. Xét riêng ở Mỹ, hiện tượng này tại các bang Florida, Texas và California thậm chí đang trở nên đáng báo động.

Công suất phát điện gió lần đầu tiên vượt năng lượng nguyên tử

Theo số liệu được các tổ chức công nghiệp toàn cầu vừa công bố, công suất phát điện gió trên toàn thế giới đã lên tới 432,42 gigawatt trong năm 2015, tăng 17% so với năm 2014 và lần đầu tiên cao hơn công suất phát điện nguyên tử. Hiệp hội Hạt nhân thế giới có trụ sở tại London (Anh) cho biết công suất phát điện hạt nhân trên toàn thế giới là 382,55 gigawatt tính tới ngày 1/1/2016. Cả điện gió và điện hạt nhân được coi nguồn thay thế cho điện sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch nhằm làm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Ngày 19/2, Hội đồng Năng lượng Gió toàn cầu có trụ sở tại Brussel (Bỉ) cho biết công suất phát điện của các cối xay gió mới được xây lắp năm 2015 đạt kỷ lục 63,01 gigawatt, tương đương với khoảng 60 lò phản ứng hạt nhân. Trung Quốc đứng đầu các nước trên thế giới về công suất phát điện gió với 145,01 gigawatt, tiếp đó tới Mỹ với 74,47 gigawatt, Đức 44,95 gigawatt, Ấn Độ 25,09 gigawatt và Tây Ban Nha 23,03 gigawatt. Nhật Bản hiện đã sản xuất được 3,04 gigawatt điện gió – theo TTXVN.

Theo Minh Cường (moitruong.com.vn)

Lượt xem : 2043