Vietnamese English
Điểm tin môi trường tháng 2

3/2/2015 10:36:00 AM

36 phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; Lập quy hoạch bảo vệ môi trường theo 2 cấp độ; Hội nghị Geneva thông qua dự thảo chống biến đổi khí hậu mới; … là trong số những sự kiện môi trường nổi bất trong tháng 2/2015.

VIỆT NAM

36 phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất


Quy định danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất có hiệu lực từ ngày 5/2/2015.


Có 36 phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất như thạch cao; xỉ hạt nhỏ (xỉ cát) từ công nghiệp luyện sắt hoặc thép; các nguyên tố hóa học đã được kích tạp dùng trong điện tử, ở dạng đĩa, tấm mỏng, hoặc các dạng tương tự; phế liệu và mẩu vụn của plastic (nhựa) từ polyme etylen (PE) dạng xốp, không cứng; giấy loại hoặc bìa loại thu hồi (phế liệu và vụn thừa): Giấy kraft hoặc bìa kraft hoặc giấy hoặc bìa sóng, chưa tẩy trắng; đồng, nhôm phế liệu và mảnh vụn;...

Lập quy hoạch bảo vệ môi trường theo 2 cấp độ

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 18/2015/NĐ-CP quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.

Trong đó Nghị định quy định, quy hoạch bảo vệ môi trường được lập phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội với kỳ đầu cho giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2040 theo 2 cấp độ là quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia và quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh.

TP HCM: Ra mắt mô hình trường học xanh đầu tiên của Việt Nam

Ngày 4/2, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh và trường Tiểu học Lương Thế Vinh, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh đã ra mắt mô hình trường học xanh tại trường Tiểu học Lương Thế Vinh.

Mô hình trường học xanh tại trường Tiểu học Lương Thế Vinh được ứng dụng công nghệ chiếu sáng bằng đèn LED, hệ thống pin Mặt trời nối lưới điện 2kWp dùng cho một số thiết bị như quạt, điều hòa không khí, tủ lạnh, tivi…

Gần 5 triệu euro bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục Dự án "Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái rừng tại Việt Nam" sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Đức.

Dự án này được thực hiện trong ba năm (2015-2018) với tổng kinh phí thực hiện là 4,95 triệu euro. Mục tiêu dài hạn của Dự án là hỗ trợ thiết lập cần thiết nhằm bảo vệ và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở cấp trung ương và các dịch vụ hệ sinh thái rừng tại Việt Nam, góp phần thực hiện Chiến lược Tăng trưởng Xanh.

Mỹ sẽ mở rộng việc giám sát chất lượng không khí tại Việt Nam

Bộ Ngoại giao và Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA) của Mỹ vừa thông báo sẽ mở rộng chương trình theo dõi, giám sát chất lượng không khí tại các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam.

Mục đích của chương trình này là nhằm giúp công dân Mỹ ở nước ngoài giảm bị phơi nhiễm với không khí độc hại và hỗ trợ các nước phát triển khả năng theo dõi chất lượng không khí thông qua trao đổi và tập huấn với các chuyên gia Mỹ.

THẾ GIỚI

Hội nghị Geneva thông qua dự thảo chống biến đổi khí hậu mới


Các nhà đàm phán Liên hợp quốc tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 14/2 đã thông qua kế hoạch chi tiết về chống biến đổi khí hậu, một bước ngoặt biểu tượng trong quá trình đàm phán đầy đủ của Liên hợp quốc hướng tới việc ký kết một hiệp ước toàn cầu chống biến đổi khí hậu vào tháng 12 năm nay.

Bản dự thảo dài 68 trang với nhiều sáng kiến hạn chế hiện tượng ấm lên toàn cầu đã nhận được sự hoan nghênh từ các bên đàm phán và giới quan sát, được đánh giá là một bước quan trọng nhằm xây dựng lòng tin. Văn bản này được xây dựng hoàn toàn minh bạch, theo đó giúp các nước nhận thức đầy đủ về vị trí của nhau trong kế hoạch toàn cầu. Bản kế hoạch này sẽ là đường hướng cho các cuộc đàm phán trong những tháng tới, tiến đến việc ký kết thỏa thuận toàn cầu về chống biến đổi khí hậu tại Hội nghị khí hậu Liên hợp quốc (COP-21) được tổ chức tại thủ đô Paris, Pháp, vào cuối năm nay. Thỏa thuận mới đang rất được kỳ vọng tại Pháp này sẽ thay thế cho Nghị định thư Kyoto, hết hạn vào năm 2020.

Liên hợp quốc: 2014 là năm nóng kỷ lục trong lịch sử

Ngày 2/2, Cơ quan Khí tượng học thế giới (WMO) của Liên hợp quốc đã công bố bảng xếp hạng cho biết năm 2014 là năm nóng kỷ lục trong lịch sử và xu hướng ấm lên vẫn đang tiếp tục. Phân tích các dữ liệu cho thấy năm 2014 là năm nóng nhất trong lịch sử, mặc dù có rất ít sự khác biệt giữa ba năm nóng nhất ghi được trong các năm 2010, 2005 và 1998.

Nhiệt độ trung bình trên đất liền và trên biển trng năm qua cao hơn khoảng 0,57 độ C so với mức trung bình 14 độ C trong giai đoạn 1961-1990. 14 trong 15 năm nóng nhất đều diễn ra trong thế kỷ này và xu hướng ấm lên toàn cầu vẫn tiếp tục do lượng khí thải nhà kính gia tăng trong khí quyển và nhiệt độ tại các đại dương cũng ngày càng cao.

Gần 90% các thành phố lớn Trung Quốc bị ô nhiễm không khí

Gần 90% các thành phố lớn ở Trung Quốc đều không đạt chuẩn về chất lượng không khí trong năm 2014, nhưng đây đã là một bước tiến so với năm 2013, Reuters dẫn lời Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc cho biết hôm 2/2.

Theo số liệu mới công bố trên trang web của Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc, chỉ 8/74 thành phố của nước này đạt được tiêu chuẩn về chất lượng không khí trong năm 2014. Công bố trên dựa vào hàm lượng các hạt rắn PM2.5 và khí CO có trong không khí.

Châu Á-TBD thiệt hại hàng chục tỷ USD do thiên tai năm 2014

Năm 2014, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã trải qua 226 đợt thiên tai với mức thiệt hại kinh tế gần 60 tỷ USD. Đây là số liệu thống kê của Ủy ban Kinh tế Xã hội Liên hợp quốc về châu Á-Thái Bình Dương (ESCAP) công bố ngày 25/2.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc về "Thiên tai tại châu Á-Thái Bình Dương: Đánh giá về năm 2014" của ESCAP cho biết các trận lũ lụt ở lưu vực sông gây thiệt hại nặng nề nhất, với tổng thiệt hại 16 tỷ USD, tiếp theo là cơn bão Hudhud tại Ấn Độ với thiệt hại 11 tỷ USD và động đất Ludian tại Trung Quốc gây thiệt hại 6 tỷ USD. Thiên tai tại khu vực trong năm qua đã tác động tới cuộc sống của khoảng 80 triệu người và khiến hơn 6.000 người thiệt mạng. Tuy nhiên, điều may mắn là số người thiệt mạng vì thiên tai trong năm 2014 thấp hơn nhiều so với con số 18.744 người thiệt mạng của năm trước đó.

Khí hậu mát ở Thái Bình Dương làm giảm độ nóng lên của Trái Đất

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ đăng tải trên tạp chí Khoa học ngày 26/2, thời tiết mát mẻ tự nhiên của Thái Bình Dương đã góp phần làm giảm tốc độ nóng lên của Trái Đất trong thập kỷ qua.

Việc tốc độ tăng nhiệt trên Trái Đất chậm lại, sau khi có sự tăng mạnh vào những năm 80 và 90 của thế kỷ 20, đã đặt câu hỏi lớn cho các nhà khoa học vì thực tế cho thấy lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ các nhà máy, các cơ sở năng lượng và các phương tiện giao thông đã lên mức cao kỷ lục trong thời gian qua. Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên hợp quốc cho biết mặc dù tốc độ gia tăng nhiệt đã giảm chậm, nhưng nền nhiệt độ năm ngoái vẫn đạt mức cao nhất kể từ khi bắt đầu ghi nhận vào thế kỷ 19. Cũng theo các nhà khoa học này, ít nhất 95% khả năng Trái Đất nóng lên kể từ năm 1950 là do tác động của con người.

Theo Mạnh Cường (MOITRUONG.COM.VN)

Lượt xem : 1954