Điểm tin môi trường tháng 11
12/4/2017 5:02:00 AM
Công bố đường dây nóng kiến nghị về ô nhiễm môi trường; EuroCham công bố sách xanh về Việt Nam; Phần Lan rót 33 triệu USD vào dự án năng lượng sạch tại Việt Nam; Lũ lụt gây thiệt hại tài sản lên đến 13,7 tỷ USD; Số vụ động đất trên thế giới có thể tăng gấp đôi vào năm tới; Đan Mạch là nước đầu tiên trên thế giới sử dụng năng lượng xanh hoàn toàn; ... là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý trong tháng 11.
Công bố đường dây nóng kiến nghị về ô nhiễm môi trường
Báo Tài nguyên & Môi trường đưa tin ngày 30/10, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) đã công bố đường dây nóng cấp trung ương để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường theo số điện thoại 086.900.0660. Theo đó, khi phát hiện những hành vi xả chất thải gây ô nhiễm môi trường; các vụ việc ô nhiễm, suy thoái môi trường, người dân có thể gọi ngay đến Đường dây nóng của Tổng cục môi trường theo số 086.900.0660.
Đường dây nóng 086.900.0660 sẽ tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường liên tục 24/24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần (bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ). Sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân, các thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường sẽ được Tổng cục Môi trường tiếp nhận và chuyển tới cơ quan chức năng của Tổng cục Môi trường, cơ quan quản lý nhà nước về môi trường của địa phương để xác minh, xử lý, phản hồi trong thời gian sớm nhất…
EuroCham công bố sách xanh về Việt Nam
Khoa học & Phát triển đưa tin ngày 9/11, tại TPHCM, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã công bố sách xanh (Greenbook). Đây là ấn phẩm đầu tiên cung cấp thông tin về ngành năng lượng tái tạo, xử lý nước và rác thải, thành phố thông minh và công trình xanh. Greenbook không chỉ giới thiệu các cơ hội kinh doanh mà còn cung cấp các vấn đề pháp lý về chính sách cũng như khuyến nghị nhằm cải thiện môi trường kinh doanh xanh tại Việt Nam.
Bên cạnh những câu chuyện thành công của các dự án do các doanh nghiệp thành viên EuroCham và các doanh nghiệp châu Âu khác thực hiện tại Việt Nam, danh mục chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh Xanh ở Việt Nam cũng được giới thiệu trong ấn phẩm. Có nhiều doanh nghiệp thành viên của EuroCham hiện cung cấp các dịch vụ và sản phẩm nâng cao chất lượng môi trường, đời sống, đồng thời cam kết kinh doanh có trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường. Khi cần thiết, Eurocham sẽ liên hệ các chuyên gia ở Châu Âu hỗ trợ tìm kiếm các giải pháp chưa có tại Việt Nam.
Ra mắt trang thông tin pháp luật về tài nguyên và môi trường
Vụ Pháp chế bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) vừa chính thức ra mắt trang điện tử pháp luật về tài nguyên và môi trường vào ngày 9/11. Đây là kênh thông tin chính thống về công tác xây dựng và phổ biến pháp luật trên các lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Trang web sẽ tập trung vào thông tin liên quan đến pháp chế, bao gồm văn bản chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, văn bản của Vụ Pháp chế và các cơ quan ngoài Bộ như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và bộ Tư pháp trong đôn đốc xây dựng, thi hành pháp luật, theo dõi thi hành…
Mỗi tháng, vụ Pháp chế sẽ tổng hợp danh mục các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ và bộ TN&MT ban hành trong tháng và đăng trên mục thông cáo báo chí. Ngoài ra, ở đây cũng giới thiệu pháp luật quốc tế, các điều ước, cam kết quốc tế liên quan đến lĩnh vực TN&MT; những nghiên cứu trao đổi liên quan đến pháp chế của các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý – theo MONRE.
Phần Lan rót 33 triệu USD vào dự án năng lượng sạch tại Việt Nam
Ông Kimmo Tuppurainen, Giám đốc kinh doanh khu vực Đông Nam Á của Công ty Watrec cho biết, Công ty vừa khởi động dự án năng lượng sạch có vốn đầu tư 30 triệu Euro (hơn 33 triệu USD) tại Hà Nội. Cụ thể, đó là Dự án Biến đổi năng lượng từ rác thải với công suất xử lý của nhà máy khoảng 600 tấn rác thải/ngày. Dự án là giải pháp tổng thể nhằm thu gom chất thải rắn đô thị, phân loại và chuyển hóa thành khí sinh học, cũng như các loại vật liệu đốt khác để sản xuất điện. Hiện nay, Watrec đang trong quá trình đàm phán với các đối tác để chốt vấn đề thu xếp nguồn vốn đầu tư cho Dự án.
Watrec là công ty công nghệ biogas hàng đầu tại Phần Lan, đang xử lý 315.000 tấn chất thải hữu cơ mỗi năm tại chuỗi nhà máy do công ty xây dựng. Dự án tại Hà Nội nhằm mục đích quản lý rác thải hỗn hợp chưa qua phân loại và xử lý chất thải rắn đô thị. FinPro tập trung vào việc chuyển đổi rác thải thành năng lượng và năng lượng sinh học tại Việt Nam khoảng 2 năm nay. Do đó, chúng tôi hiểu rõ về những thách thức, tiềm năng trong lĩnh vực chuyển đổi rác thải thành năng lượng tại Việt Nam.
Hà Nội chi 30 tỷ đồng nạo vét bùn đất làm sạch Hồ Gươm
TTXVN đưa tin ngày 21/11, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết, Ban cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã thống nhất chủ trương về nạo vét Hồ Gươm (Hoàn Kiếm) theo đề xuất của công ty, khi hồ này bị cạn nước và ô nhiễm môi trường. Thời gian nạo vét dự kiến cuối năm 2017. Nguồn kinh phí cho việc nạo vét dự kiến khoảng 30 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước Hà Nội thực hiện nạo vét bùn với khối lượng dự kiến khoảng 57.400m3.
Để thực hiện khối lượng công việc trên, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước Hà Nội đưa ra phương án thi công như giữ nguyên mực nước không bơm cạn hồ, nạo vét toàn bộ lòng hồ đến cao độ +5.60m để đảm bảo không bị sạt lở kè xung quanh hồ, kè Tháp Rùa, kè đền Ngọc Sơn. Phạm vi nạo vét đảm bảo cách mép chân kè các công trình trên là 7,0m. Cùng với đó, thanh thải phế thải trong phạm vi từ mép chân kè ra ngoài 7,0m, thanh thải toàn bộ rác, các loại phế thải.
Lũ lụt gây thiệt hại tài sản lên đến 13,7 tỷ USD
Tính trung bình mỗi năm, lũ lụt tác động đến 96,9 triệu người trên toàn thế giới và gây thiệt hại tài sản lên đến 13,7 tỷ USD - theo đánh giá từ Cơ quan Giảm thiểu Thiệt hại do Thiên tai của Liên Hiệp Quốc (UNISDR). Những trận lũ lớn trong năm 2017 càng làm con số này tăng thêm. Bức tranh toàn cảnh về thiên tai càng rõ hơn khi tham khảo dữ liệu chính xác hơn được cung cấp bởi các vệ tinh và thiết bị cảm biến đặt trên mặt đất kết hợp với mô hình siêu máy tính.
Mô hình siêu máy tính mô phỏng lũ lụt đang giúp chính quyền các quốc gia chuẩn bị ứng phó phòng vệ hiệu quả hơn và từ đó giảm thiểu tối đa thiệt hại về người cũng như tài sản. Sử dụng công nghệ laser LIDAR (hệ thống vẽ bản đồ địa hình từ trên không bằng tia laser) cũng như hệ thống dữ liệu khác, Ambiental lập mô hình kỹ thuật số gọi là Flowroute cho phép dự đoán mực nước dâng cao đến mức nào ở thành thị cũng như vùng nông thôn. Năm 2011, trận lụt khủng khiếp được mô tả là "Đại Hồng thủy" đã nhấn chìm thành phố Brisbane - thủ phủ Queensland của Australia - trong biển nước và giết chết hàng chục người đồng thời gây thiệt hại tài sản rất lớn. Mô hình số của Ambiental giúp dự đoán mức độ nghiêm trọng của trận lụt Brisbane đến 95%.
Trái Đất sẽ càng nóng hơn sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris
Theo VietnamPlus, việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu năm 2015 sẽ khiến nhiệt độ toàn cầu tăng thêm gần 0,5 độ C vào năm 2100. Đây là kết luận được tổ chức Theo dõi tác động khí hậu (CAT) đưa ra trong một bản báo cáo phân tích được công bố tại Hội nghị Liên hợp quốc lần thứ 23 về chống biến đổi khí hậu (COP 23) đang diễn ra ở thành phố Bonn của Đức. Trong bản báo cáo, CAT tính toán nếu tất cả các nước, bao gồm Mỹ, thực thi các cam kết cắt giảm khí thải cácbon theo Hiệp định Paris năm 2015, nhiệt độ Trái Đất sẽ tăng 2,8 độ C so với mức tiền công nghiệp, và kịch bản này sẽ khiến thế giới khó tránh khỏi những thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra.
Tuy nhiên, với việc Mỹ từ bỏ các mục tiêu cắt giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, được đưa ra dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, viễn cảnh tương lai sẽ tồi tệ hơn khi nhiệt độ của Trái Đất vào cuối thế kỷ này thậm chí sẽ "tăng vọt" 3,2 độ C. Theo kế hoạch, từ năm 2020, các nước tham gia thỏa thuận sẽ bắt đầu triển khai kế hoạch cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính để kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2 độ C, thậm chí 1,5 độ C, so với nhiệt độ của thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (vào khoảng thập niên 50 của thế kỷ 19).
Số vụ động đất trên thế giới có thể tăng gấp đôi vào năm tới
Nghiên cứu do ông Roger Bilham, giáo sư danh dự, nghiên cứu viên cao cấp thuộc trường Đại học Colorado và tiến sỹ Rebecca Bendick, thuộc Đại học Montana, công bố tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Địa chất Mỹ (GSA), cho biết các nhà khoa học đã phát hiện sự xoay của Trái Đất và hoạt động địa chấn có mối tương quan rất mạnh. Những thay đổi vận tốc xoay của Trái Đất có thể kích hoạt các hoạt động địa chấn, đặc biệt tại những vùng xích đạo nhiệt đới, nơi mật độ dân cư rất cao, dẫn đến gia tăng số vụ động đất lớn vào năm 2018 – theo TTXVN.
Theo giáo sư Bilham, mọi thay đổi vận tốc xoay của Trái Đất đều rất nhỏ, đôi khi ở mức một phần triệu giây mà chỉ có thể đo chính xác bằng đồng hồ nguyên tử. Dù sự thay đổi vận tốc xoay rất nhỏ khiến con người khó có thể nhận biết được sự thay đổi dài ngắn của ngày, nhưng những thay đổi nhỏ này có thể khởi động một sự rung chuyển địa chấn và giải phóng một năng lượng lớn dưới bề mặt Trái Đất gây ra động đất. Các nhà khoa học nhận thấy khi Trái Đất xoay chậm lại trong thế kỷ qua, sau đó sẽ là thời kỳ của những trận động đất lớn. Thời kỳ Trái Đất xoay chậm lại thường xảy ra trong những khoảng kéo dài 5 năm và thực tế là nhân loại đang ở vào cuối của một trong những chu kỳ 5 năm xoay chậm đó.
Trung Quốc chi gần 2,5 tỷ USD xử lý ô nhiễm khói bụi
Trung Quốc chi gần 2,5 tỷ USD cho xử lý ô nhiễm khói bụi ở 13 tỉnh thành của nước này trong năm 2017. Đây là con số được Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc đưa ra ngày 23/11. Theo bộ này, đây là khoản chi nằm trong gói ngân sách 7,5 tỷ USD trong năm 2017 dùng để phòng chống ô nhiễm không khí, nước và đất đai. Trọng tâm công việc này là nhằm nghiên cứu, xử lý khói bụi từ các lò than, khói bụi hữu cơ, khí thải xe ô tô phát tán ra môi trường – theo VTV.
Đặc biệt, Bộ bảo vệ Môi trường Trung Quốc cũng dành một khoản ngân sách lớn trong đó để nghiên cứu thí điểm các loại hình khí sưởi thân thiện với môi trường dùng trong mùa Đông ở khu vực miền Bắc Trung Quốc. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc cũng yêu cầu chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những khu công nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất gây tác hại tới môi trường.
Đan Mạch là nước đầu tiên trên thế giới sử dụng năng lượng xanh hoàn toàn
Đi đầu thế giới trong việc phát triển năng lượng tái tạo, hiện Đan Mạch đã có thể dùng điện gió để cung cấp cho toàn bộ nhu cầu sử dụng điện trong cả nước. Châu Âu là một trong những khu vực đi đầu thế giới về sử dụng năng lượng tái tạo, trong đó có Đan Mạch. Một thống kê về lĩnh vực năng lượng điện tái tạo cho thấy, tỷ lệ điện gió trên toàn hệ thống điện ở châu Âu đã đạt tới mức 1/4 tổng sản lượng điện.
Theo các chuyên gia, có tới 24,6% tổng lượng điện được tiêu thụ ở châu Âu hiện nay là từ điện gió. Một phần nguyên nhân của việc này là xuất hiện một cơn bão trong khu vực, đã làm gia tăng đáng kể công suất phát điện của các nhà máy điện gió. Tuy nhiên, tỷ lệ điện gió ở khu vực châu Âu không thật sự đồng đều. Theo kết quả thống kê, đứng đầu là Đan Mạch với việc điện gió hoàn toàn đủ cho nhu cầu sử dụng điện của người dân. Kế đến là Đức - với 61% nhu cầu; Bồ Đào Nha 44%, Ireland 34%, Áo 33%, Tây Ban Nha 31%, Anh 29%, Hà Lan 25%;..
Mai Anh (moitruong.com.vn)
Lượt xem : 1827