Vietnamese English
Điểm tin môi trường tháng 1

2/2/2015 9:21:00 AM

Luật Bảo vệ Môi trường 2014 chính thức có hiệu lực; 11.400 tỷ đồng bảo vệ môi trường năm 2015; 2014 là năm nóng nhất trong lịch sử; … là trong số những sự kiện môi trường đáng chú ý diễn ra trong tháng 1/2015.

VIỆT NAM

Luật Bảo vệ Môi trường 2014 chính thức có hiệu lực


Từ ngày 1/1/2015, Luật Bảo vệ Môi trường 2014 chính thức có hiệu lực trong đó có những nội dung đã cụ thể hóa với nhiều điểm mới so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2005.


Luật Bảo vệ Môi trường 2014 gồm 20 chương và 170 điều – tăng 5 chương và 34 điều so với Luật Bảo vệ Môi trường 2005. Về cơ bản, Luật Bảo vệ Môi trường 2014 kế thừa các nội dung của Luật Bảo vệ Môi trường 2005; khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Bảo vệ Môi trường 2005; đồng thời luật hóa chủ trương của Đảng, bổ sung một số nội dung mới về bảo vệ môi trường nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường trong giai đoạn mới.

Ban hành quy định xác định thiệt hại đối với môi trường

Ngày 06/01/2015, Chính phủ ban hành Nghị định quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường. Việc xác định thiệt hại và bồi thường thiệt hại đối với sức khỏe, tính mạng của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của môi trường bị ô nhiễm, suy thoái được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự.

Nghị định này quy định về trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại và xác định thiệt hại đối với môi trường bao gồm: Thu thập dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường, tính toán thiệt hại đối với môi trường và xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trong 3 trường hợp.

Quy định điều kiện của tổ chức hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường

Theo Nghị định quy định được ban hành ngày 31/12/2014, điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường trong 2 lĩnh vực: quan trắc tại hiện trường và phân tích môi trường.

Nghị định này quy định về điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường; hồ sơ và thủ tục cấp, gia hạn, điều chỉnh nội dung, cấp lại, tạm thời đình chỉ hiệu lực, thu hồi và hủy bỏ Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường.

11.400 tỷ đồng bảo vệ môi trường năm 2015

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về tổng hợp kết quả thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Ngân sách nhà nước chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường năm 2015 là 11.400 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP, hàng năm ngân sách nhà nước bố trí cho sự nghiệp bảo vệ môi trường đảm bảo không dưới 1% tổng chi ngân sách nhà nước và tăng dần theo tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Việt Nam cập nhật báo cáo cho Công ước khung về biến đổi khí hậu

Ngày 23/1, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường giới thiệu Báo cáo cập nhật của Việt Nam cho Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (BUR1).

Báo cáo cập nhật hai năm một lần lần thứ nhất của Việt Nam cho Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (BUR1) có 4 chương, gồm: Bối cảnh quốc gia; Kiểm kê quốc gia khí nhà kính; Các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; Nhu cầu tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực và trợ giúp nhận được cho các hoạt động biến đổi khí hậu.

THẾ GIỚI

2014 là năm nóng nhất trong lịch sử


Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và Viện Khí tượng và Hải dương Quốc gia Mỹ (NOAA) ngày 16/1 đã công bố các báo cáo nghiên cứu kết luận rằng 2014 là năm nóng nhất trong lịch sử, vượt qua mức nóng kỷ lục từ trước tới nay được ghi nhận vào năm 1880.

Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn báo cáo của NASA cho biết nhiệt độ trung bình của Trái đất trong năm 2014 đã tăng 0,69 độ C, lên mức 14,58 độ C, cao hơn 1,24 độ C so với nhiệt độ trung bình của Trái đất trong thế kỷ 20. Theo kết quả nghiên cứu trên, ngoại trừ năm 1998, thì 10 năm nóng nhất trong lịch sử đều xảy ra từ năm 2000 trở lại đây.

Trung Quốc gia hạn trợ cấp cho phương tiện “xanh” đến năm 2020

Theo dự thảo luật công bố hôm 30/12, Trung Quốc sẽ gia hạn trợ cấp cho các loại phương tiện “xanh” đến năm 2020 thay vì hết hạn vào cuối năm 2015.

Chính sách trên cho thấy những nỗ lực mới nhất của Trung Quốc trong cuộc chiến chống ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và là một ưu đãi đối với các hãng sản xuất ôtô “sạch” như BYD Co Ltd, nhà sản xuất ôtô điện lớn nhất Trung Quốc.

Khuyến khích kiện những công ty gây ô nhiễm

Trung Quốc cho các tổ chức xã hội thêm quyền để kiện những công ty hay những cá nhân vi phạm luật về môi trường, vào lúc mà chính quyền Bắc Kinh gia tăng nỗ lực chống nạn ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn, theo tin từ RFI.

Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc vừa thông báo quy định mới, có hiệu lực kể từ hôm 07/01/2015, theo đó, các tổ chức bảo vệ môi trường dùng phương tiện pháp lý để chống các công ty và các cá nhân gây ô nhiễm kể từ nay sẽ có một quy chế đặc biệt và sẽ được giảm các chi phí về pháp lý.

Singapore: Ra mắt khu bảo tồn chim lớn nhất khu vực châu Á

Khách thăm quan vườn chim Jurong nổi tiếng của Singapore từ ngày 21/1/2015 sẽ được chiêm ngưỡng và khám phá nhiều loại chim quý tại khu bảo tồn chim vào loại lớn và đa dạng nhất châu Á với tên gọi “Wings of Asia.”

Khu bảo tồn này có diện tích trên 2.600 m2, bao gồm hơn 500 chú chim đại diện cho hơn 135 loài có nguồn gốc từ các quốc gia trong khu vực châu Á, trong đó có 24 loài nằm trong danh sách đang bị đe dọa như chim sáo Bali, chim bồ câu ngực đỏ Luzon, chim sáo đá cánh đen… Những loài chim này đã được ấp nở thành công trong một chương trình nhân giống để bảo tồn các loài chim quý của công viên. Đặc biệt, 11 trong số 24 loài chim quý đang bị đe dọa có năm loài lần đầu tiên xuất hiện tại khu bảo tồn, như: Chim sẻ xanh lá cây Java, khướu trán nâu đỏ, vẹt đuôi dài…

Indonesia tham gia Hiệp định khói mù xuyên biên giới ASEAN

Phóng viên TTXVN tại Jakarta dẫn thông cáo báo chí ngày 22/1 của Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cho biết vừa qua, Bộ Ngoại giao Indonesia đã trao văn kiện phê chuẩn Hiệp định khói mù xuyên biên giới ASEAN (AATHP) cho Ban Thư ký ASEAN.

Việc trao văn kiện phê chuẩn là giai đoạn cuối cùng của Indonesia để trở thành thành viên AATHP. Như vậy, hiệp định đến nay đã được tất cả các nước thành viên ASEAN thông qua, giúp khu vực tăng cường hợp tác phòng, chống ô nhiễm khói mù xuyên biên giới. Việc Chính phủ Indonesia phê chuẩn hiệp định, đồng thời chúc mừng Indonesia trở thành thành viên thứ 10 thông qua AATHP, góp phần cùng các nước ASEAN nỗ lực và cam kết giải quyết vấn đề ô nhiễm khói mù xuyên biên giới theo khuôn khổ của Hiệp định ASEAN về ô nhiễm xuyên biên giới Haze.

Theo Mạnh Cường (MOITRUONG.COM.VN)

Lượt xem : 2143