Vietnamese English
Điểm tin môi trường ngày 25/3

3/25/2015 11:34:00 AM

“Hệ thống giao thông thân thiện môi trường" đạt giải nhất; Quốc gia đầu tiên 75 ngày liền chỉ dùng năng lượng tái tạo; Quá ô nhiễm, Trung Quốc tích cực hỗ trợ xe xanh; …

VIỆT NAM

“Hệ thống giao thông thân thiện môi trường" đạt giải nhất


Giải nhất vòng chung kết quốc gia cuộc thi Go Green in the City - Giải pháp xanh cho thành phố năm 2015 đã thuộc về đề tài "Hệ thống giao thông thân thiện với môi trường” – Báo Tuổi Trẻ đưa tin. Đây là một hệ thống gồm hai thành phần: chiếu sáng thông minh và cho thuê xe đạp thông minh kết hợp nhằm mục đích sử dụng năng lượng hiệu quả để giảm hiệu ứng nhà kính và tiết kiệm năng lượng chiếu sáng trên đường phố.


Chủ đề tài là đội I4 gồm hai thành viên Trịnh Hoài Nam và Trần Anh Hằng Nga, thuộc Trường ĐH Bách Khoa - ĐH Đà Nẵng. Thí sinh Trần Anh Hằng Nga cho biết: “I4 đang lên kế hoạch để giới thiệu và hiện thực hóa mô hình này tại Đà Nẵng, đưa xe đạp trở thành phương tiện lưu thông thân thiện hơn với người dân địa phương, đặc biệt là đối tượng sinh viên và nội trợ. Sau đó, I4 sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này ra các thành phố khác tại Việt Nam”.

Xin “khất” kiểm soát khí thải 40 triệu xe máy vào năm 2017

Theo lộ trình Đề án kiểm soát khí thải xe môtô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố mà Bộ Giao thông Vận tải xây dựng, từ năm 2010-2013 sẽ kiểm soát khí thải đối với xe máy trên 10 năm tuổi ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị kéo giãn lộ trình này và bắt đầu thực hiện từ năm 2017. Thời gian áp dụng từ 1/7/2017 đối với Đà Nẵng. Tại 4 thành phố còn lại sẽ theo lộ trình, từ 1/7/2018 kiểm soát đối với xe trên 10 năm sử dụng; từ ngày 1/7/2019 kiểm soát đối với các xe còn lại. Xe máy sau khi kiểm định đạt tiêu chuẩn sẽ được dán tem kiểm định, khi đó xe mới đủ điều kiện tham gia giao thông.

TTXVN dẫn theo số liệu thống kê của Bộ Giao thông Vận tải cho biết hiện nay, nước ta có khoảng 2 triệu xe ôtô và khoảng 40 triệu xe máy, trong đó có đến 60% là tập trung ở các khu đô thị lớn. Chính phủ đã ban hành tiêu chuẩn về khí thải đối với các phương tiện cơ giới nhưng mới áp dụng với ô tô. Còn riêng đối với xe máy, tuy chưa chính thức kiểm soát khí thải nhưng theo kết quả khảo sát, có hơn 50% xe máy đang lưu hành hiện nay không đạt tiêu chuẩn.

THẾ GIỚI

Quốc gia đầu tiên 75 ngày liền chỉ dùng năng lượng tái tạo


Báo Tin Tức đưa tin Costa Rica đã đạt được cấp độ sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong 75 ngày liên tục trong năm nay. Đây được xem là bước tiến lớn tại quốc gia Trung Mỹ này, tạo động lực cho việc sử dụng rộng rãi hơn nữa năng lượng thay thế.

Hồi tuần trước, Viện Điện năng Costa Rica (ICE) tuyên bố, nước này hoàn toàn có khả năng chỉ sử dụng nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, năng lượng sinh khối (biomass) và địa nhiệt, không cần đến năng lượng hóa thạch. “Trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 (tổng số 75 ngày), hệ thống phát, truyền tải điện năng quốc gia đã không sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch”, thông báo của ICE nêu rõ.

Trung Quốc ưu ái thuế, phí cho xe sử dụng nhiên liệu sạch


Trước sức ép của ô nhiễm môi trường trầm trọng, Trung Quốc đang tích cực hỗ trợ xe điện, hybrid để cải thiện tình hình – theo thông tin trên Báo Điện tử Kiến Thức. Chính quyền của nước đông dân nhất thế giới đang tiến hành ưu đãi các loại thuế phí cho xe sử dụng nguyên liệu sạch và tiêu thụ ít nhiên liệu hơn như xe điện, hybrid… Đây được xem là động thái cải thiện tình trang ô nhiễm không khí đang diễn ra trầm trọng tại các thành phố lớn. Giải pháp thứ hai được áp dụng là tăng cường, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng.

Theo Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc, thời gian tới có thể sẽ đưa thêm 200.000 xe bus vào hoạt động và 100.000 xe Taxi chạy năng lượng sạch. Mục tiêu này sẽ được thực hiện đến năm 2020, vào năm ngoái cơ quan này đã đưa 15.000 chiếc vào hoạt động. Theo như thống kê của hiệp hội sản xuất xe hơi Trung Quốc, đã có 5.996 chiếc xe điện và 6.444 xe hybrid được chuyển tới tay khách hàng.

Để máy bay "xanh" hơn, NASA đưa ra thiết kế cánh gắn 18 động cơ đẩy chạy pin

Nhằm tìm kiếm một giải pháp năng lượng xanh hơn cho máy bay, NASA hiện đang phát triển một thiết kế cánh máy bay mới, sải cánh rộng 9 m bằng vật liệu carbon composite và bên dưới lắp đến 18 động cơ đẩy chạy bằng pin Lithium - sắt phốt phát.

NASA gọi dự án là "Công nghệ động cơ đẩy không đồng bộ lắp trên bờ tiến của cánh" (Leading Edge Asynchronous Propeller Technology - LEAPTech). Nếu LEAPTech là công nghệ cơ bản của chiếc máy bay X-57 đang được phát triển theo chương trình X-Plane thì nó có thể bay ở tốc độ 322 km/h với trần bay 3,65 km và tầm bay 724 km. Tuy nhiên, cũng giống như những máy bay khác thuộc chương trình, X-57 vẫn chỉ là một phương tiện trình diễn các công nghệ tiên tiến. Mục tiêu thực sự của NASA là giúp ngành công nghiệp hàng không chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang nguồn năng lượng xanh hơn như điện.

Nhật xây trường thành chống sóng thần

Kế hoạch xây trường thành chống sóng thần của chính quyền Nhật gây ra nhiều tranh cãi do dư luận lo ngại tác động tới môi trường sinh thái. Cách đây đúng 2 tuần, người Nhật đánh dấu 4 năm ngày xảy ra thảm họa động đất/sóng thần tàn phá vùng đông bắc nước này (11.3.2011), khiến khoảng 18.500 người chết hoặc mất tích và gây ra sự cố hạt nhân tại Nhà máy điện Fukushima số 1.

Nhằm ngăn chặn hiểm họa sóng thần trong tương lai, chính quyền Tokyo công bố kế hoạch xây 440 con đập khổng lồ ở 3 tỉnh bị tàn phá nhiều nhất, gồm Fukushima, Miyagi và Iwate, theo Đài RT. Tổng chiều dài của các con đập khoảng 400 km, trong đó có những đoạn cao gần bằng tòa nhà 5 tầng. Tuy nhiên, kế hoạch xây dựng tiêu tốn khoảng 6,8 tỉ USD này hiện gây nhiều tranh cãi ở xứ sở mặt trời mọc.

Theo Minh Cường (MOITRUONG.COM.VN/TH)

Lượt xem : 1946