Tổng kết dự án Xử lý ô nhiễm môi trường tại các vùng ô nhiễm nặng dioxin ở Việt Nam; Nghiệm thu quy trình xử lý rác thải sinh hoạt bằng chế phẩm vi sinh sản xuất tại chỗ; Dân sống ở ‘hỏa diệm sơn’ đang chết dần; Paris ô nhiễm nghiêm trọng, không nhìn thấy rõ tháp Eiffel; …
VIỆT NAM
Tổng kết dự án “Xử lý ô nhiễm môi trường tại các vùng ô nhiễm nặng dioxin ở Việt Nam”
Báo Công Lý đưa tin sáng 19/3, Hội thảo tổng kết thực hiện dự án “
Xử lý ô nhiễm môi trường tại các vùng ô nhiễm nặng dioxin ở Việt Nam” đã được tổ chức tại Hà Nội. Đây là dự án do Ban chỉ đạo 33 và Chương trình phát triển liên hợp quốc (UNDP) thực hiện, được Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua UNDP.
Dự án “Xử lý ô nhiễm môi trường tại các vùng ô nhiễm nặng dioxin ở Việt Nam” được thực hiện từ năm 2010 với tổng kinh phí là hơn 5 triệu USD, bao gồm gần 5 triệu từ GEF và 76 nghìn từ Cộng hòa Séc, với mục tiêu nhằm giảm thiểu tác hại của Dioxin đối với hệ sinh thái và sức khỏe của con người tại các điểm nóng như sân bay Biên Hòa, Đà Nẵng và sân bay Phù Cát. Những kết quả chính của Dự án được chia sẻ tại Hội nghị là đã chôn lấp, cô lập hơn 7.500 m3 đất ô nhiễm dioxin, bằng kỹ thuật bảo đảm an toàn, theo tiêu chuẩn quốc tế tại sân bay Phù Cát tại Bình Định, đưa sân bay Phù Cát ra khỏi danh sách các điểm nóng dioxin cần xử lý ngay tại Việt Nam.
Nghiệm thu quy trình xử lý rác thải sinh hoạt bằng chế phẩm vi sinh sản xuất tại chỗ
Bộ Khoa học & Công nghệ vừa nghiệm thu một đề tài độc lập cấp nhà nước đã xây dựng thành công quy trình sản xuất chế phẩm vi sinh tại chỗ để
xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành thứ mùn mà từ đó có thể tiếp tục chế biến thành phân hữu cơ – Tạp chí Tia Sáng cho biết. Một trong những thành công của dự án là xây dựng được quy trình chế phẩm vi sinh vật ưa nhiệt Sagi bio tại chỗ cho các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, làm giảm chi phí sản xuất và vận chuyển chế phẩm. Dự án cũng đồng thời xây dựng quy trình chế biến mùn hữu cơ thu được từ xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành phân hữu cơ vi sinh đạt yêu cầu theo quy định của Bộ NN&PTNT.
Trong phiên họp nghiệm thu đề tài độc lập cấp nhà nước “Hoàn thiện công nghệ sản xuất và triển khai ứng dụng chế phẩm vi sinh vật ưa nhiệt để xử lý rác thải sinh hoạt và sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh tại các nhà máy xử lý rác thải” chiều 18/3, chủ nhiệm đề tài PGS.TS Tăng Thị Chính cho biết, từ tháng 9/2012 đến tháng 9/2014, Viện Công nghệ môi trường đã cùng với Công ty TNHH một thành viên Quản lý Công trình đô thị Hà Tĩnh bắt tay thực hiện dự án theo các công đoạn: xây dựng nhà xưởng, hoàn thiện quy trình tuyển chọn, nhân giống các chủng vi sinh hữu ích, hoàn thiện quy trình sản xuất chế phẩm vi sinh vật ưa nhiệt (Sagi Bio) phân hủy chất thải hữu cơ, quy trình sản xuất chế phẩm vi sinh hữu ích để sản xuất phân hữu cơ vi sinh…
Tăng cường sử dụng vật liệu xây dựng không nung
Ngày 18-3, tại cuộc họp về tình hình thực hiện chương trình
phát triển vật liệu xây dựng không nung, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc các địa phương sản xuất, sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN), thay thế loại vật liệu truyền thống gây mất đất, ô nhiễm môi trường – theo Báo Nhân Dân Điện Tử.
Hiện nay, tỷ lệ sử dụng VLXKN mới đạt gần 30% so với vật liệu xây dựng truyền thống, trong khi các nước trong khu vực đạt 70% đến 80%. Mặt khác, tình hình tiêu thụ của loại vật liệu này cũng rất khó khăn. Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung thông tin, tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức về lợi ích của việc sử dụng VLXKN; giao Bộ Xây dựng tổ chức các đoàn kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ việc sử dụng VLXKN. Ðồng thời, đôn đốc các địa phương xây dựng lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, cải tiến lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch; rà soát chính sách hỗ trợ nghiên cứu, sản xuất VLXKN...
Long An yêu cầu TPHCM xử lý ô nhiễm môi trường
Báo Tiền Phong cho biết ngày 18/3, ông Đỗ Hữu Lâm- Chủ tịch UBND tỉnh Long An có công văn gửi UBND TPHCM đề nghị xử lý
ô nhiễm môi trường tại bãi rác Tam Tân thuộc huyện Củ Chi, TPHCM sau kiến nghị của hàng nghìn hộ dân tỉnh Long An, sống giáp ranh với bãi rác này.
Theo UBND tỉnh Long An, sau đợt khảo sát ô nhiễm trong bãi rác Tam Tân giữa các cơ quan của Long An và TPHCM, đã xác định 4 điểm phát sinh mùi hôi, thối rất nặng từ 4-9 giờ sáng và 16-18 giờ mỗi ngày. Để đảm bảo sức khỏe cho người dân, cũng như thu hút các nhà đầu tư ở huyện Đức Hòa, UBND tỉnh Long An kiến nghị TPHCM chỉ đạo thanh, kiểm tra thường xuyên và xử lý nghiêm các hoạt động ở bãi rác Tam Tân làm phát sinh mùi hôi, thối ra môi trường.
THẾ GIỚI
Dân sống ở ‘hỏa diệm sơn’ đang chết dần
Một thị trấn đã biến thành “hỏa diệm sơn”. Suốt 99 năm qua, những ngọn lửa âm ỉ trong lòng đất đã thải khói độc vào không khí khiến người dân chết dần chết mòn. Theo Daily Mail ngày 17/3, người dân sống tại thị trấn Jharia, bang Jharkhand, miền đông bắc Ấn Độ đang chết dần chết mòn vì bệnh tật. Tình trạng này ngày càng báo động khi lượng khói độc do các đám cháy âm ỉ trong lòng đất trong suốt một thế kỷ qua thải ra ngày càng nhiều.
Khói độc mang theo các khí như oxit lưu huỳnh, lưu huỳnh, nitơ và carbon… gây nên rối loạn hô hấp và các bệnh ngoài da. Ước tính trên 60% người dân sống ở thị trấn này đang mắc các căn bệnh hiểm nghèo. Theo Tạp chí Trái đất, với lượng than còn trong lòng đất, thị trấn này sẽ còn chịu cảnh bốc cháy trong vòng 3.800 năm nữa.
Paris ô nhiễm nghiêm trọng, không nhìn thấy rõ tháp Eiffel
TTXVN đưa tin ngày 18/3, cảnh sát thủ đô Paris của Pháp đã phải hạ mức giới hạn tốc độ cho phép đối với các phương tiện giao thông cũng như tạm thời cấm đốt lá cây như một biện pháp khẩn cấp đối phó với tình trạng không khí ô nhiễm. Theo thông báo từ Sở cảnh sát, tốc độ tối đa cho phép trên các tuyến đường của Paris chỉ còn 20 km/giờ.
Quyết định trên được đưa ra sau khi Cơ quan giám sát quốc gia về tình trạng không khí AirParif thông báo mức độ ô nhiễm tại Paris đã lên đến mức "cao" theo thang bậc của châu Âu.
Đây không phải lần đầu tiên "Kinh đô Ánh sáng" phải áp dụng biện pháp khẩn cấp chống ô nhiễm không khí. Hồi tháng 3/2014, Paris cũng đã từng phải hạn chế số lượng xe ô tô vào thành phố để giảm bớt tình trạng khói bụi.