VIỆT NAM
Hà Nội phát động tháng hành động hưởng ứng Giờ Trái đất
TTXVN cho biết ngày 16/3, tại trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội-Amsterdam, Tổng công ty Điện lực Hà Nội tổ chức phát động tháng hành động tiết kiệm hưởng ứng
Giờ Trái đất năm 2015 nhằm đẩy mạnh công tác truyền thông qua việc đồng loạt ra quân đạp xe diễu hành trên các tuyến phố của Thủ đô; treo băngrôn tại trụ sở Tổng công ty, tại các Công ty Điện lực và 216 phòng giao dịch khách hàng trên toàn thành phố Hà Nội; dán 29.000 poster, phát 300.000 tờ rơi tuyên truyền chiến dịch Giờ trái đất năm 2015 cho khách hàng sử dụng điện... nhằm kêu gọi các cơ quan đơn vị, mọi người dân Thủ đô sử dụng tiết kiệm điện.
Trong dịp này, Tổng công ty Điện lực Hà Nội đã khánh thành mô hình “Phòng học xanh” tại trường Trung học phổ thông chuyên Amsterdam. Đây là mô hình mới về vấn đề bảo vệ môi trường đang được áp dụng ở nhiều quốc gia và tại Việt Nam. Với phương châm: “Tiết kiệm điện chứ không tiết kiệm ánh sáng” Tổng công ty Điện lực Hà Nội đã thay thế toàn bộ đèn chiếu sáng của 19 lớp học bằng đèn Led Panel (thay thế cho đèn huỳnh quang T8 - 36W).
TP HCM: 322 phường, xã, thị trấn xây dựng mô hình bảo vệ môi trường
Ngày 17-3, Sở TN&MT TP.HCM cho biết, đến nay toàn bộ 322 phường, xã, thị trấn trong 24 quận, huyện của TP đã xây dựng được những
mô hình bảo vệ môi trường (MT) – Báo Đại Đoàn Kết đưa tin.
Trong đó, các mô hình hoạt động có hiệu quả đang được TP nhân rộng như: Câu lạc bộ (CLB) phụ nữ tham gia bảo vệ MT, CLB Nông dân tham gia bảo vệ MT, CLB Cựu chiến binh tham gia bảo vệ MT, mô hình vận động hạn chế sử dụng túi ni lông, khu nhà trọ xanh-sạch-đẹp… TP.HCM đã xây dựng được 323 tổ tự quản bảo vệ MT, 932 mô hình khu phố không rác.
Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng thả 8 động vật quý về tự nhiên
TTXVN đưa tin ngày 16/3, Ban quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng xác nhận, đơn vị vừa hoàn thành việc thả 8
động vật quý hiếm về môi trường tự nhiên. Số động vật này bao gồm bốn con cầy vòi hương (tên khoa học Paradoxurus hermaphroditus), một con khỉ mặt đỏ (tên khoa học Macaca arctoides), hai con rùa sa nhân (tên khoa học Pyxidea mouhotii) và một con khỉ mốc (tên khoa học Macaca asammensis).
Thông qua việc tuyên truyền vận động, người dân địa phương đã tiến hành giao nộp cho Ban quản lý Vườn quốc gia tám con vật quý hiếm mà họ đang bắt giữ và nuôi nhốt. Sau khi tiếp nhận, những động vật này đã được Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển Sinh vật thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng thực hiện cứu hộ, phục hồi sức khỏe, được kiểm dịch an toàn.
Thái Lan trao đổi kinh nghiệm về hệ thống nhãn xanh
Theo Nông nghiệp Việt Nam, chiều 16/3, tại Hà Nội, Hội đồng các nước Đông Nam Á chuyên sản xuất nhựa Vinyl phối hợp với Nhóm nghiên cứu thuộc Tổng cục Môi trường tổ chức trao đổi kinh nghiệm về hệ thống nhãn xanh giữa Việt Nam và Thái Lan. Hiện nay, Việt Nam có tới 14 tiêu chí và nhóm sản phẩm được gợi ý dán nhãn xanh. Tuy nhiên, hiện đang có 3 đơn vị hội tụ đủ điều kiện và được chứng nhận sản phẩm nhãn xanh là Cty cổ phần Bóng đèn Điện Quang, Cty Sơn Jotun Việt Nam, Cty Fuji Xerox Việt Nam…
Từ năm 1997 - 2014, Thái Lan đã gia tăng từ 14 tiêu chí lên 97 tiêu chí nhãn xanh. Năm 2015, dự kiến sẽ tăng lên 103 tiêu chí để xét chuẩn dán nhãn. Hiện có 27 nhóm ngành sản phẩm của 82 công ty tại Thái Lan đủ điều kiện và được chứng nhận sản phẩm nhãn xanh. Toàn bộ quá trình chuẩn bị hồ sơ, nộp phí đăng ký chứng nhận tại Thái Lan do doanh nghiệp tự đảm nhiệm....
THẾ GIỚI
Bão Mặt Trời tấn công làm tê liệt mạng lưới điện và thông tin liên lạc
Một trận bão Mặt trời, hay còn gọi là bão từ, đang tấn công Trái Đất và có nguy cơ làm tê liệt các mạng lưới điện và thông tin liên lạc trên mặt đất – theo TTXVN. Trận bão Mặt Trời có thể ảnh hưởng đến việc kiểm soát điện thế trên diện rộng hay hệ thống bảo vệ của mạng lưới điện.
Trong thông báo đưa ra ngày 17/3, Viện Khí tượng và hải dương quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết trận bão Mặt trời này được xếp ở cấp độ G4 trong thang cấp độ từ G1-G5 với G5 là cấp độ mạnh nhất. Đây là kết quả của hai vụ nổ lớn trên lớp bề mặt ngoài cùng của Mặt Trời, hay còn gọi là nhật hoa (corona) hoặc lửa Mặt Trời, xảy ra hôm 15/3 vừa qua.
Cuộc điều tra về khói mù của Chai Jing
Khi phóng viên Chai Jing công bố bộ phim tài liệu về
ô nhiễm không khí tại Trung Quốc, có lẽ cô không dám mơ rằng thông điệp của cô sẽ vang xa đến độ làm tăng vọt giá cổ phiếu của rất nhiều các công ty thân thiện với môi trường như vậy.
Theo Tạp Chí Tia Sáng, ngày 2 tháng 3 vừa qua, hơn một chục cổ phiếu trong lĩnh vực xử lý ô nhiễm, giám sát chất lượng không khí và công nghệ xanh đã nhận được lợi nhuận rất lớn, trong đó nhiều loại cổ phiếu tăng khoảng 10% và chạm đến giới hạn giao dịch hằng ngày. Lý do khiến cổ phiếu của các công ty này được mua ồ ạt như vậy là do bộ phim tài liệu dài 104 phút nhằm đưa ra lời giải thích chi tiết về lịch sử, nguyên nhân và tác động của khói mù ở Trung Quốc.
Kỳ lạ hai người khuyết tật trồng 10.000 cây xanh
Jia Haixa và Jia Wenqi có lẽ là hai nhà bảo vệ môi trường kỳ lạ nhất mà chúng ta từng gặp. Một người khiếm thị và một người mất cả hai tay nhưng họ đã vượt qua những khiếm khuyết về thể chất để kết hợp ăn ý với nhau và trồng được hơn 10.000 cây xanh trong suốt chục năm qua.
Được biết, Haixa và Wenqi đã bắt đầu cộng tác với nhau khi họ không thể tìm được việc vì những khiếm khuyết trên cơ thể. Và giờ họ đã trở thành tay, mắt của nhau và thực hiện nhiệm vụ phủ xanh 3 hecta đất trống ven sông ở làng Yeli, tỉnh Hà Bắc, phía bắc Trung Quốc.
Hàng nghìn ngỗng tuyết đang bay rơi xuống đất chết
Có ít nhất 2.000 con ngỗng tuyết đang trên đường bay di cư đến Alaska thì rơi từ bầu trời bang Idaho, Mỹ xuống đất chết – theo Báo điện tử Kiến Thức. Cơ quan quản lý động vật hoang dã ở bang Idaho, Mỹ cho biết rất có khả năng bệnh tả là nguyên nhân giết chết ít nhất 2.000 con ngỗng tuyết rơi khỏi bầu trời Idaho trong khi di cư đến bờ biển phía bắc của Alaska làm tổ.
Hàng chục nhân viên và tình nguyện viên vừa phải thiêu hủy xác chết của những con ngỗng tuyết chết bất thường này. Hiện các nhà sinh học đang đợi kết quả từ phòng thí nghiệm của bang để xác nhận những con chim có phải chết vì bệnh tả hay không. Đó là căn bệnh rất dễ lây lan, vi khuẩn bệnh có thể tồn tại trong đất và nước cho đến 4 tháng.