Vietnamese English
Điểm tin môi trường ngày 15/5

5/15/2015 1:54:00 PM

Hoàn tất thủ tục bình chọn Giải thưởng môi trường năm 2015; 10.000 người “Đi bộ đồng hành – MILO hành trình năng lượng xanh”; Việt Nam - Séc mở rộng hợp tác công nghệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; “Bom hẹn giờ độc hại” từ rác thải điện tử; Nhờ động vật dự báo thảm họa; …

>>> Xét giải thưởng Môi trường Việt Nam trong ngành giáo dục
>>> TP.HCM trao giải thưởng DN đạt hiệu quả bảo vệ môi trường

VIỆT NAM

Hoàn tất thủ tục bình chọn Giải thưởng môi trường năm 2015


Sáng 15/5, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Bùi Cách Tuyến đã chủ trì cuộc họp của Hội đồng xét chọn giải thưởng môi trường năm 2015. Tại cuộc họp, Hội đồng đã thảo luận, thống nhất danh sách các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích, đóng góp cho công tác bảo vệ môi trường, được bình chọn với số điểm cao để đề nghị Chủ tịch Hội đồng trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định trao tặng Giải thưởng môi trường năm 2015. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức Lễ trao giải thưởng môi trường vào ngày 04/6 tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc trong khuôn khổ tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Môi trường thế giới 05/6 năm nay.


Qua tiếp nhận, phân loại, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký tham gia giải thưởng môi trường Việt Nam năm 2015, tổng số hồ sơ tiếp nhận tính đến thời điểm ngày 12/5/2015 là 226 hồ sơ, bao gồm các lĩnh vực xét tặng như: Giáo dục, đào tạo, truyền thông môi trường; quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; giải pháp bảo vệ, sử dụng hợp lý và phát triển tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn đa dạng sinh học và an toàn sinh học; nghiên cứu và triển khai kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ vào bảo vệ môi trường; ứng phó, khắc phục sự cố, giảm thiểu ô nhiễm, phục hồi và cải tạo môi trường; quản lý, xử lý chất thải; ứng phó với biến đổi khí hậu.

10.000 người  “Đi bộ đồng hành – MILO hành trình năng lượng xanh”

Sau một năm, chương trình “Đi bộ đồng hành – Hành trình năng lượng xanh” trở lại với sự đầu tư và quy mô lớn hơn trước. Chương trình sẽ diễn ra sáng 17/5/2015 tại Hồ Bán Nguyệt, Q.7, TP.HCM. Chương trình “Đi bộ đồng hành – Hành trình năng lượng xanh” năm 2015 do Nestlé MILO phối hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM, Bộ Giáo dục & Đào tạo tổ chức đã nhận được đăng ký từ 10.000 trẻ em và phụ huynh tại khắp 10 quận thành TP.HCM. 

Trẻ em khắp 10 quận thành tại TP.HCM sẽ có ngày hội thể dục thể thao thực sự dành cho mình. Ngôi sao bóng rổ Triệu Hán Minh quyết tâm theo suốt chặng hành trình cùng các em nhỏ. Đại Nghĩa cũng rất sẵn lòng trên cương vị MC hoạt náo cho chương trình. Tháng 10/2014, chương trình “Đi bộ đồng hành – Hành trình năng lượng xanh” lần đầu được tổ chức thu hút hơn 7.000 trẻ em và phụ huynh tại TP.HCM tham gia. Sự kiện còn được hưởng ứng nhiệt tình từ những người nổi tiếng như: Kim Hiền và gia đình, MC Thanh Bạch, cầu thủ bóng đá Công Vinh, ngôi sao bóng rổ Triệu Hán Minh, gương mặt Giọng hát Việt nhí Quang Anh…

Việt Nam - Séc mở rộng hợp tác công nghệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu

Nhận lời mời của Ngài Milos Zeman, Tổng thống nước Cộng hòa Séc, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang đã tiến hành chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Séc từ ngày 10-13/5.

Hai bên đã ra Tuyên bố chung 10 điểm. Một trong những nội dung của Tuyên bố chung là: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao viện trợ phát triển song phương của Cộng hòa Séc dành cho Việt Nam và đề nghị mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực công nghệ môi trường, trồng rừng, quản lý chất thải, thích ứng với biến đổi khí hậu, cấp thoát nước. Cộng hòa Séc và Việt Nam nhất trí tăng cường trao đổi kinh nghiệm và hợp tác tại các diễn đàn quốc tế, bao gồm cả những diễn đàn về các vấn đề an ninh khu vực và quốc tế, chống khủng bố, biến đổi khí hậu; xem xét ủng hộ lẫn nhau ứng cử vào các tổ chức quốc tế.

THẾ GIỚI

“Bom hẹn giờ độc hại” từ rác thải điện tử


Một báo cáo mới của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) cho biết khoảng 40 triệu tấn rác thải điện tử (điện thoại thông minh, tivi, máy tính xách tay cũ…) từ khắp nơi trên thế giới đã đổ dồn đến châu Á và châu Phi bất hợp pháp mỗi năm.

Theo báo cáo, gần 90% rác thải điện tử trên thế giới - trị giá gần 19 tỉ USD - bị mua bán trái phép hoặc vứt bỏ mỗi năm. Liên minh châu Âu, Mỹ và Nhật Bản là nguồn gốc chủ yếu của rác thải điện tử; còn Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia và Pakistan là những “bãi rác” chính. Ở châu Phi, Ghana và Nigeria là những nước nhận rác thải điện tử lớn nhất. Trích dẫn nghiên cứu của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, báo cáo của UNEP cho biết việc xuất khẩu rác thải điện tử sang châu Á ít tốn kém hơn 10 lần so với việc xử lý chúng tại những nước phát triển.

G7 đạt thỏa thuận quan trọng về biến đổi khí hậu

Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức cho rằng “chưa khi nào các nước G7 lại thống nhất với nhau đến thế trong việc đưa ra các mục tiêu chung”. Hội nghị các Bộ trưởng Năng lượng G7 vừa kết thúc ở Hamburg, Đức được đánh giá là rất thành công khi thể hiện được sự đồng thuận chưa từng thấy trong cuộc chiến ngăn chặn đà nóng lên của trái đất. Cụ thể, tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 vào đầu tháng 6 tới tại Munich, Đức, các nguyên thủ G7 sẽ dành một thời lượng quan trọng để bàn về các chính sách chống biến đổi khí hậu.

Sau đó, các chính sách này sẽ được bàn thảo kỹ càng tại Hội nghị thượng đỉnh về Khí hậu diễn ra vào cuối năm nay tại Paris để hiện thực hóa một tham vọng rất lớn là đưa ra được một Thỏa thuận toàn cầu về ngăn không cho trái đất nóng lên thêm 2 độ C. Đây là các bước đi rất quan trọng và lạc quan cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu vào cuối năm nay tại Pháp. Đây là Hội nghị đặc biệt quan trọng về môi trường khi có tới trên 200 quốc gia sẽ tham dự, tại HN thượng đỉnh về khí hậu gọi tắt là COP 21 vào tháng 12 năm nay.

Nhờ động vật dự báo thảm họa

Website của Cục Địa chất Mỹ (USGS) có hẳn một phụ trang về “Động vật và dự đoán địa chấn”. Dữ liệu sớm nhất từng được ghi nhận về hành vi bất thường của động vật trong một trận động đất là vào năm 373 trước CN tại Hy Lạp. Chuột, chồn, rắn, rết thường rời tổ và chuyển đến nơi an toàn vài ngày trước khi xảy ra động đất kinh hoàng. Không thiếu những giai thoại về sự di tản ồ ạt và bất thường của động vật hữu nhũ, cá, chim chóc, bò sát và côn trùng diễn ra thậm chí từ vài tuần đến nhiều giây trước khi thiên tai giáng xuống. Lần thấy rõ ràng nhất là trước khi xảy ra động đất thảm khốc tại Tứ Xuyên, Trung Quốc, hồi năm 2008, khi ếch nhái lũ lượt đổ ra đường và lọt vào ống kính điện thoại di động của người dân.

Trong khi vẫn chưa rõ lắm về cơ chế cảm nhận động đất này, các nhà khoa học tại Nhật Bản và Trung Quốc đều quyết định "tin còn hơn không". Tuy nhiên, một trong những thách thức là khó nối kết những hiện tượng di tản của cộng đồng động vật với một trận động đất sắp diễn ra, và hầu như chỉ được phát hiện sau khi mọi sự đã rồi. Trong trường hợp “giác quan thứ sáu” của động vật, giới khoa học phải cố gắng phân tích hành vi của một hoặc nhiều bầy đàn động vật trong thời gian ngắn, trước khi có thể an tâm phát lệnh di tản đối với cộng đồng dân cư.

1,3 tỷ tấn lương thực bị lãng phí mỗi năm

Tại cuộc họp kéo dài 2 ngày tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, cách đây ít hôm, Bộ trưởng nông nghiệp các nước G20 thảo luận các giải pháp đảm bảo an ninh lương thực, dinh dưỡng, và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu – theo Reuters.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) ước tính, mỗi năm có khoảng 1,3 tỷ tấn lương thực, tương đương với khoảng 30% sản lượng toàn cầu, bị thiệt hại hoặc bị lãng phí. Số lương thực bị lãng phí này có thể giúp 800 triệu người thoát khỏi nạn đói hàng năm.

Theo Minh Cường (MOITRUONG.COM.VN/TH)

Lượt xem : 1924