Vietnamese English
Điểm tin môi trường ngày 12/3

3/12/2015 1:25:00 PM

Chương trình hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020; Tập huấn bảo vệ các loài động vật hoang dã; Xây dựng phương án ứng phó siêu bão; Ô nhiễm không khí ảnh hưởng trí nhớ của trẻ…

VIỆT NAM

Chương trình hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020


Ngày 11/3, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức họp Tổ công tác xây dựng Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) giai đoạn 2016-2020 với các đối tác phát triển, các nhà tài trợ và các Bộ, ngành liên quan – TTXVN cho biết.


Chương trình SP-RCC sau 2015 sẽ tập trung tăng cường và triển khai hành động chính sách giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu; tăng cường sự phân bổ và huy động nguồn lực, đồng thời nâng cao chất lượng của đối thoại chính sách và khuyến khích hợp tác.

Tập huấn bảo vệ các loài động vật hoang dã

Ngày 11/3, tại Lào Cai, Tổng cục Môi trường (TCMT), Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức Hội thảo tập huấn cho các cơ quan thực thi pháp luật tại một số tỉnh miền núi phía Bắc trong công tác bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. Hội thảo nhằm “Phổ biến Nghị định 160/2013/NĐ-CP của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và bộ công cụ truyền thông bảo vệ động vật hoang dã”.

Theo Tổng  cục Môi trường cho biết Hội thảo cũng tập trung vào nội dung tăng cường các biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng nhằm giảm thiểu tình trạng buôn bán và tiêu thụ bất hợp pháp các loài động, thực vật hoang dã, hỗ trợ việc thực hiện Hướng dẫn số 98-HD/ BTGTW về “Công tác tuyên truyền việc thực hiện không buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động vật, thực vật hoang dã” do Ban Tuyên giáo và Trung ương ban hành ngày 26/12/2013.

Xây dựng phương án ứng phó siêu bão

Báo Tài nguyên & Môi trường đưa tin ngày 11/3, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã có công văn đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển xây dựng phương án ứng phó với bão mạnh và siêu bão.

Nội dung các phương án ứng phó bao gồm: Phương án sơ tán dân; Phương án đảm bảo an toàn tàu thuyền; Phương án bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai và công trình trọng điểm; Phương án bảo đảm an ninh trật tự, giao thông, thông tin liên lạc; Phương án phối hợp chỉ đạo, chỉ huy phòng tránh, ứng phó và tìm kiếm cứu nạn; Phương án huy động nguồn nhân lực ứng phó; Phương án dự trữ vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm; Phương án khắc phục hậu quả.

THẾ GIỚI   

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng trí nhớ của trẻ

Nhập học ở những trường nằm gần tuyến đường đông đúc hoặc ở các khu vực có mức độ ô nhiễm không khí cao có thể cản trở quá trình phát triển trí tuệ của trẻ - Thanh Niên Online ngày 12/3 cho biết nghiên cứu được đăng trên chuyên san PLoS Medicine.

Đó là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Trung tâm nghiên cứu về dịch tễ học môi trường (CREAL) ở Tây Ban Nha liên quan tới 2.715 học sinh tiểu học ở 39 trường học tại thành phố Barcelona. “Trẻ học ở những trường có mức độ ô nhiễm không khí cao do xe cộ, thường ít có tiến triển hơn trong phát triển nhận thức”, chuyên gia Jordi Sunyer thuộc CREAL lý giải. Cụ thể, khả năng ghi nhớ trong 1 năm cải thiện 11,5% ở những em thuộc nhóm trường thuộc khu vực có mức độ ô nhiễm thấp, trong khi tỷ lệ này ở nhóm trường tiếp xúc với không khí ô nhiễm cao chỉ là 7,4%.

4 năm sau thảm họa Fukushima: 30 triệu tấn rác thải phóng xạ

4 năm sau thảm họa kép động đất, sóng thần, chính quyền địa phương vẫn còn đang tìm cách xử lý chất thải phóng xạ hạt nhân – Báo Tuổi Trẻ dẫn nguồn từ Japan Today ngày 11-3 cho biết. Theo báo Anh International Business Times, chính phủ Nhật đã chi 15 tỷ USD để dọn dẹp chất thải phóng xạ từ vụ rò rỉ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi thuộc tỉnh Fukushima. Đến nay, lượng rác thải ô nhiễm phóng xạ gom cất trong các bao nhựa lên đến 30 triệu tấn.

Số liệu chính thức của Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật tính đến ngày 1-3-2015 cho biết sau 4 năm thảm họa động đất và sóng thần, số người chết được xác định là 15.890 người, trong đó riêng địa hạt Fukushima là 1.611 người. Phóng sự ảnh do hãng tin Reuters ghi lại tháng 3-2015 cho thấy người dân vẫn còn phải “đối mặt” với rác thải ô nhiễm phóng xạ sau 4 năm thảm họa hạt nhân Fukushima diễn ra.

Phát hiện thêm hàng nghìn sinh vật biển mới trong năm 2014

Trong năm 2014, có tới 1.500 sinh vật mới được tìm thấy trong các đại dương trên thế giới. Đây là kết quả thống kê của một nhóm nhà khoa học quốc tế trong quá trình thực hiện dự án WoRMS (Danh sách các loài sinh vật biển thế giới), được công bố trong ngày 12/3.

Các chuyên gia đã công bố danh sách tổng cộng 228.450 loài sinh vật biển trên toàn thế giới, từ tảo biển đến loài cá voi xanh, và ước tính vẫn còn từ 500.000 đến hai triệu sinh vật biển có cấu trúc đa bào vẫn chưa được biết đến.  Trong năm 2014, dự án WoRMS đã xác định được 1.451 loài sinh vật biển mới (trung bình cứ 1 ngày tìm thấy 4 sinh vật mới), bao gồm loài cá heo lưng gù ở phía Bắc Australia, 139 loài bọt biển, một loài tôm có tên gọi là "thiên văn" (có mắt to hơn thân) ở Nam Phi và một loài sứa khổng lồ dài 50 cm, có nọc độc, được tìm thấy ngoài khơi Australia.

Theo Minh Cường (MOITRUONG.COM.VN/TH)

Lượt xem : 1957