Điểm tin môi trường: Đà Nẵng sẽ xây nhà máy 80 triệu USD để đốt rác thành điện
7/2/2019 10:02:00 PM
Theo trình bày của Công ty CP Môi trường Việt Nam, nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ đốt rác thành điện có số vốn 80 triệu USD, công suất xử lý rác đạt 650 tấn/ngày.
Nhiều năm qua, cứ đến mùa nắng là người dân sống gần bãi rác Khánh Sơn (quận Liên Chiểu) phải "sống chung" với mùi hôi thối. Những cơn gió từ biển thổi vào kéo theo mùi hôi thối ở bãi rác, xộc vào nhà dân. Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng thừa nhận tình trạng ô nhiễm tại bãi rác Khánh Sơn đã tồn tại hơn chục năm. Bãi Khánh Sơn đang chứa 3,2 triệu tấn rác các loại. Bình quân mỗi ngày toàn TP có 1.100 tấn rác, chưa tính rác thải y tế, công nghiệp. Thành phố cũng đã nhiều lần đối thoại với người dân để tìm cách tháo gỡ khó khăn, nhưng quỹ đất có hạn nên việc di dời dân là không khả thi. Mới đây, Công ty CP Môi trường Việt Nam đề xuất xây dựng nhà máy đốt rác thành điện năng ở khu vực Khánh Sơn.
Ông Huỳnh Tấn Quang, Chánh văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng, cho Zing.vn biết UBND TP đã cho phép Công ty CP Môi trường Việt Nam liên doanh với Tập đoàn EverBright International (Hong Kong) xây dựng nhà máy đốt rác phát điện tại bãi rác Khánh Sơn. Nhà máy sẽ được khởi công vào cuối năm 2019, đi vào hoạt động vào đầu năm 2021. Toàn bộ rác thải sinh hoạt sẽ được đưa vào hố rác để ủ khoảng 5-7 ngày để tách nước rỉ và giảm độ ẩm. Sau đó, rác được đưa vào bộ phận sấy khô rồi chuyển qua lò đốt ở nhiệt độ khoảng 1.000 độ C. Dựa vào sức nóng của lò đốt, nước bốc hơi làm quay tuabin, phát điện. Theo thiết kế, nếu đốt đủ 800 tấn rác thì mỗi ngày có khoảng 300.000 kWh điện. Trong đó, nhà máy sử dụng 20% điện năng, số còn lại sẽ bán cho công ty điện lực. Phần tro xỉ được lấy ra khỏi lò (với tỉ lệ khoảng 17% tổng khối lượng rác đem đốt) được trộn thêm cát, xi măng, phụ gia để sản xuất gạch không nung... Nước rỉ được xử lý đạt chuẩn, tái sử dụng làm mát lò đốt. Khí thải được xử lý bằng hệ thống khử axít, lọc bụi túi vải, than hoạt tính và được quan trắc liên tục các thông số về khói bụi đạt chuẩn châu Âu.
Quân đội Mỹ bị tố là "chuyên gia" gây ô nhiễm môi trường
Quân đội Mỹ làm bẩn môi trường xung quanh, hơn đến 140 quốc gia - báo Thụy Sĩ Tages-Anzeiger trích dẫn kết quả nghiên cứu cho biết. Quân đội Mỹ đã thải ra khối lượng khí CO2 khổng lồ. Năm 2017, quân đội Mỹ đã mua 269.000 thùng dầu và khi đốt cháy nhiên liệu, họ thải vào bầu khí quyển hơn 25 triệu tấn khí CO2. Điều này đã được công bố trong tạp chí khoa học Transactions of the Institute of British Geographers. Theo cuộc nghiên cứu trên, quân đội Mỹ là "một trong những đối tượng gây ô nhiễm môi trường xung quanh nhất thế giới". Trong một năm, quân đội Mỹ sử dụng nhiều nhiên liệu hơn và thải ra nhiều chất khí gây hiệu ứng nhà kính hơn đa số các quốc gia có độ lớn trung bình – theo Nguoilaodong.
Nếu như quân đội Mỹ được tính là một quốc gia, họ sẽ đứng hạng thứ 52 trong danh sách các nước làm bẩn môi trường xung quanh qua hành động sử dụng nhiên liệu lỏng và đứng trên 140 nước khác. Dữ liệu được phân tích, được Cơ quan Hậu cần của các lực lượng vũ trang Mỹ (DLA) cung cấp, cho thấy hơn một nửa lượng khí thảiCO2 là từ không lực Mỹ và 1/3 thuộc về lực lượng hải quân. Tờ Tages-Anzeiger cho biết quân đội Mỹ đã cố gắng tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo sử dụng tại các căn cứ quân sự. Ngoài ra, họ đã đầu tư vào việc phát triển các nguồn năng lượng thay thế - như nhiên liệu sinh học, để giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Thế nhưng, hiện công tác này của quân đội Mỹ chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong toàn bộ các khoản chi tiêu cho nhiên liệu.
Chính phủ New Zealand bắt đầu cấm túi nhựa dùng một lần
Theo thông tin trên TTXVN, các công ty vi phạm quy định mới được áp dụng từ ngày 1/7 này sẽ phải chịu mức phạt lên tới 100.000 đôla Australia (khoảng 67.000 USD). Các doanh nghiệp cũng sẽ bị phạt nặng nếu còn tiếp tục sản xuất mặt hàng này. Ô nhiễm nhựa đã trở thành một mối quan ngại đang ngày một gia tăng trên toàn cầu, trong đó mỗi năm có khoảng 1 triệu con chim và hơn 100.000 động vật có vú sống trên biển bị thương hoặc bị chết do bị mắc kẹt với các loại bao bì nhựa hoặc nuốt phải nhựa trong quá trình kiếm ăn.
Các công ty vi phạm quy định cấm mới này sẽ phải chịu mức phạt lên tới 100.000 đôla Australia (khoảng 67.000 USD). Bộ trưởng Môi trường New Zealand cho biết: "Người dân New Zealand tự hào về danh tiếng xanh - sạch của đất nước và muốn đảm bảo rằng chúng tôi sống với tiêu chuẩn ấy. Chấm dứt sử dụng các túi nhựa dùng một lần sẽ giúp chúng ta thực hiện được điều đó." Hiện đã có 80 nước trên thế giới đưa ra các lệnh cấm tương tự đối với các vật dụng nhựa sử dụng một lần, nhằm giảm lượng rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường, góp phần bảo vệ các đại dương trên thế giới theo Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP).
Pháp cấm toàn bộ ôtô chạy dầu diesel tại trung tâm thủ đô Paris
VietnamPlus đưa tin: Ngày 1/7, chính quyền thành phố Paris (Pháp) đã cấm toàn bộ việc ra vào khu vực trung tâm thành phố với các phương tiện vận tải chạy dầu diesel có 13 năm sử dụng trở lên. Cụ thể, ôtô, xe tải và xe máy chạy dầu diesel có 13 năm sử dụng trở nên bị cấm hoạt động tại khu vực trung tâm thành phố nhằm làm sạch bầu không khí trong thành phố thường bị bao trùm bởi khói bụi. Nếu vi phạm, tiền phạt quy định là 68 euro (khoảng 77 USD) đối với người lái xe máy, và tăng lên 135 euro đối với người lái xe tải và xe buýt.
Chính quyền thành phố Paris đã cấm lưu thông trong nội thành với các ôtô chạy dầu diesel có 18 năm sử dụng và ôtô chạy xăng 21 năm sử dụng, một biện pháp nhằm mở rộng vành đai "khí phát thải thấp" bao quanh thành phố. Tổ chức Hòa bình Xanh đã liệt Paris vào danh sách thủ đô có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất ở Tây Âu trong năm 2018 với mật độ tập trung bụi mịn trong không khí cao hơn so với các thủ đô khác. Hiện, chính quyền thành phố cũng "mạnh tay" đối với những phương tiện gây ô nhiễm tại các quận ở nằm quanh khu vực trung tâm thành phố, nơi có khoảng 5,5 triệu người dân sinh sống. Theo Bộ Y tế Pháp, ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra 48.000 trường hợp tử vong/năm tại nước này, trở thành "sát thủ" lớn thứ hai, sau thuốc lá.
Một phụ nữ Pháp thắng kiện chính phủ về việc tắc trách chống ô nhiễm không khí
The Guardian đưa tin, bà Farida, một phụ nữ Pháp 52 tuổi đã đứng ra kiện chính phủ nước Pháp vì để tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng tại khu vực dân cư gần những tuyến đường giao thông quan trọng ở thành phố Paris. Trả lời phỏng vấn giới truyền thông, bà Farida cho biết: “Trong nhiều năm liền, tôi bị nhiễm trùng đường hô hấp. Ban đầu chỉ là nhiễm trùng mũi họng và sau đó, bệnh trở nặng thành viêm phế quản. Các bác sĩ cho tôi dùng thuốc kháng sinh nhưng vẫn không khỏi bệnh. 3 năm trước, tôi đã đến gặp các bác sĩ chuyên hô hấp và họ nói rằng bệnh tình của tôi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Họ khuyên tôi nên chuyển nhà đi. Con gái tôi cũng bị viêm phế quản khi còn bé và sau đó, mắc bệnh hen suyễn khi lớn lên”.
Bà Farida nghe theo lời khuyên bác sĩ và chuyển nhà đến thành phố Orleans. Kỳ lạ thay, chỉ trong vòng 3 tháng, tình trạng sức khỏe của bà đã cải thiện hẳn, các di chứng bệnh hô hấp gần như biến mất hoàn toàn. Điều này là minh chứng cho thấy tình trạng ô nhiễm không khí ở Paris là thủ phạm hành hạ gia đình Farida suốt nhiều năm liền. Quá tức giận, bà quyết kiện chính phủ Pháp vì các hành vi tắc trách trong việc xử lý ô nhiễm không khí. Vụ kiện này được coi là có một không hai trong lịch sử nước Pháp. Lần đầu tiên, một cá nhân dám đứng ra đòi lại công bằng trước cả một bộ máy nhà nước vì các vấn đề sức khỏe do ô nhiễm không khí. Nhờ sự hậu thuẫn lớn, ngày 25/6, bà Farida đã thắng kiện. Tòa án tối cao ở Montreuil tuyên bố: “Chính phủ Pháp đã phạm phải sai lầm khi không thực hiện đủ các biện pháp đảm bảo chất lượng không khí và phải tiến hành ngay lập tức các kế hoạch bảo vệ không khí, chống lại ô nhiễm”. Tòa còn ra phán quyết chối bỏ khoản tiền bồi thường thiệt hại 160.000 euro của Farida vì không tìm thấy mối liên hệ trực tiếp giữa tình trạng sức khỏe của gia đình bà và sự tắc trách của chính quyền.
Mai Anh (moitruong.com.vn/TH)
Lượt xem : 1453