Điểm tin môi trường cuối tuần
6/22/2019 6:57:00 AM
Thành lập liên minh tái chế bao bì Việt Nam vì môi trường xanh, Phú Quốc lấy thứ bảy đầu tháng làm ngày vì môi trường, Thu tiền học phí bằng rác thải nhựa, Hạ tầng bị phá hủy do bão làm các nước nghèo tổn thất hàng trăm tỷ USD, U thất bại trong việc xác định mục tiêu giảm khí thải vào 2050, ...
Lễ ký kết thành lập liên minh tái chế bao bì Việt Nam (gọi tắt Pro Vietnam) đã diễn ra sáng 21/6 tại TP Hồ Chí Minh với mục là vào năm 2030, tất cả bao bì do các thành viên đưa ra tiêu thụ tại thị trường Việt Nam sẽ được thu gom và tái chế triệt để.
Báo Tin Tức đưa tin: Việt Nam hiện là một trong 5 nước dẫn đầu trên toàn cầu về lượng rác thải nhựa thải ra đại dương, tương đương với 280.000 tấn/năm, trong khi việc xử lý và thu gom rác thải nhựa, bao bì tại Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn. Lễ ký kết thành lập liên minh tái chế bao bì Việt Nam (gọi tắt Pro Vietnam) đã diễn ra sáng 21/6, tại TP Hồ Chí Minh, với sự tham gia của 9 tập đoàn, công ty đa quốc gia về ngành đồ uống, thực phẩm đang hoạt động tại Việt Nam. Việc liên minh các tập đoàn, công ty này nhằm mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn thông qua chung tay hỗ trợ giải quyết việc thu gom, tái chế và giảm thiểu rác thải nhựa, bao bì theo cách dễ tiếp cận và bền vững hơn.
Mục tiêu của Pro Vietnam là vào năm 2030, tất cả bao bì do các thành viên đưa ra tiêu thụ tại thị trường Việt Nam sẽ được thu gom và tái chế triệt để. Pro Vietnam sẽ hợp tác với ngành công nghiệp tái chế chính thức thông qua việc tăng lượng thu gom, hỗ trợ những lực lượng thu gom tự phát, cùng với việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi người tiêu dùng về tái chế và phân loại rác. Bên cạnh đó, Pro Vietnam sẽ hỗ trợ các chương trình tái chế của nhà máy xử lý và các nhà máy sản xuất nguyên liệu tái chế tại các địa phương, bao gồm các ứng dụng tái chế tạo ra các sản phẩm thứ cấp và đưa ra các điều kiện, kỹ thuật phù hợp với quy định, cũng như phát triển các ứng dụng sử dụng bao bì tái chế dùng cho thực phẩm tại địa phương, từ đó hướng tới một vòng tái chế khép kín.
Phú Quốc lấy thứ bảy đầu tháng làm ngày vì môi trường
Người Lao Đông đưa tin: Sáng 21/6, ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc (Kiên Giang), chủ trì cuộc họp lấy ý kiến thông qua và triển khai kế hoạch "Ngày vì môi trường Phú Quốc". Theo đó, ngày thứ 7 đầu mỗi tháng được chọn làm "Ngày vì môi trường Phú Quốc", với phương châm "Mỗi tổ chức, cá nhân một hành động vì môi trường Phú Quốc thêm xanh, sạch, đẹp và an toàn".
Các công việc được thực hiện trong ngày vì môi trường như: tổng dọn vệ sinh môi trường; thực hiện các mô hình, giải pháp hạn chế và hướng tới không sử dụng các sản phẩm làm từ nhựa, sản phẩm sử dụng một lần. Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn, trường học, lực lượng vũ trang, công ty, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân trên địa bàn huyện tham gia hưởng ứng.
Thu tiền học phí bằng rác thải nhựa
Trường Akshar, một ngôi trường nhỏ thuộc tiểu bang Assam, Ấn Độ được gây dựng bởi hai giáo viên trẻ là Parmita Sarma và Mazin Mukhtar vào tháng 6.2016. Mới đây, ngôi trường nhỏ nằm giữa ranh giới phía nam dãy Himalaya này đã áp dụng một biện pháp vô cùng độc đáo để bảo vệ môi trường đó chính là thu tiền học phí bằng vỏ chai và rác thải nhựa. Mỗi tuần, một trong số 110 học sinh tại trường Akshar có nhiệm vụ thu gom và đóng góp 20 vật dụng bằng nhựa để đóng “học phí”. Sáng kiến về việc đóng học phí bằng chai nhựa, được đưa ra sau khi yêu cầu từ phía nhà trường đối với phụ huynh về chương trình tái chế bảo vệ môi trường không thành công.
Một trong những lý do lớn nhất dẫn đến ý tưởng về hoạt động tái chế này, là sự ảnh hưởng từ khói độc đến trong hoạt động đốt rác thải nhựa để giữ ấm trong mùa đông từ các hộ dân cư lân cận đối với các lớp học tại trường. Việc các gia đình thu gom rác thải, bao gồm rác thải nhựa để sưởi ấm mà không ý thức được tác hại nghiêm trọng của chúng đối với sức khỏe con người vốn là điều vô cùng phổ biến tại khu vực tây bắc Ấn Độ. Chính vì vậy, hai giáo viên trẻ là Parmita Sarma và Mazin Mukhtar đã đưa ra một sáng kiến giúp tạo ra sự thay đổi trong giáo dục trẻ nhỏ ý thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường.
Hạ tầng bị phá hủy do bão làm các nước nghèo tổn thất hàng trăm tỷ USD
TTXVN cho biết: Mỗi năm, các nước nghèo trên thế giới gánh chịu khoản tổn thất hàng trăm tỷ USD do hệ thống cở sở hạ tầng bị hủy hoại trong những thảm họa thiên tai phát sinh do biến đổi khí hậu. Đây là một phần nội dung trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 19/6. Báo cáo của WB đề cập đến tình trạng hệ thống điện, nước, các tuyến đường giao thông bị hủy hoại do tình hình thời tiết cực đoan, cùng với công tác quản lý và bão dưỡng yếu kém đã khiến các nước có mức thu nhập thấp và trung bình tổn thất 390 tỷ USD/năm. Theo WB, tình trạng mất điện và mạng lưới giao thông bị tàn phá do thiên tai nói riêng đã tiêu tốn khoảng 18 tỷ USD/năm của các nước đang phát triển. Hầu hết các nước chịu thiệt hại đều tập trung tại khu vực châu Phi và Đông Nam Á, nơi mật độ dân số tại các thành phố đông đúc và các điều kiện khí hậu ẩm ướt tạo ra nhiều thách thức về phát triển cở sở hạ tầng tại đây.
Chỉ tính riêng tại Trung Quốc, khoảng 64 triệu người sống phụ thuộc vào các nhà máy xử lý nước thải đang phải đối mặt với nguy cơ từ các thảm họa động đất và lở đất, 200 triệu người sống phụ thuộc vào các nhà máy này có nguy cơ hứng chịu lũ lụt do biến đổi khí hậu. Các hoạt động kinh doanh tại Tanzania thiệt hại 668 triệu USD/năm, tương đương 1,8% GDP do bị cắt điện, nước và giao thông cô lập. Tại Kampala, thủ đô của Uganda, các trận lụt có mức độ vừa phải cũng có thể khiến hơn 1/3 dân số thành phố 1,5 triệu dân này không thể tới bệnh viện trong tình huống khẩn cấp. Theo WB, hoạt động đầu tư nhằm tăng cường hệ thống cơ sở hạ tầng sẽ khiến các nước đang phát triển tiêu tốn 4.200 tỷ USD về dài hạn.
EU thất bại trong việc xác định mục tiêu giảm khí thải vào 2050
Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra tại Brussels (Bỉ) ngày 20/6 đã thất bại trong việc xác định mục tiêu giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính về mức 0% vào năm 2050, do vấp phải sự phản đối của Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Séc - những quốc gia vốn phụ thuộc nhiều vào than đá. Theo phóng viên tại Brussels, đa số lãnh đạo các nước EU tán thành mục tiêu đưa lượng khí phát thải về mức 0% vào năm 2050, dưới áp lực của người dân và nhiều phong trào chính trị vì cuộc chiến chống biến đổi khí hậu – theo VietnamPlus.
Việc các nhà lãnh đạo EU không đạt được đồng thuận đã khiến nhiều tổ chức môi trường như Greenpeace và nhóm đảng Xanh trong Nghị viện châu Âu (EP) vô cùng bất bình. Tuy nhiên, một thành viên của phái đoàn Pháp đánh giá, việc đa số quốc gia EU nhất trí (24 nước) đã là một tin tốt lành và điều quan trọng là EU đã không nhượng bộ mục tiêu năm 2050. Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng EU khó có thể đi đến một thỏa thuận trong tuần này và nhiều khả năng sẽ chỉ đạt được tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 12. Nhiệm vụ thực hiện mục tiêu năm 2050 sẽ thuộc về cả các quốc gia thành viên và Ủy ban châu Âu (EC). Về mặt chiến lược, đây là nội dung quan trọng bậc nhất của nhiệm kỳ EC trong 5 năm tới.
Mai Anh (moitruong.com.vn/TH
Lượt xem : 1311