Vietnamese English
Điểm tin môi trường: Các tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường

6/28/2019 6:02:00 AM

Sáng 26/6, tại nhà thờ Giáo họ Sơn Đông, xã Sơn Đông (thị xã Sơn Tây), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã phát động và ra quân bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, hưởng ứng “Tháng hành động vì môi trường” năm 2019 trong các tổ chức tôn giáo trên địa bàn thành phố.

  

 

Hanoimoi cho biết: Chủ đề Ngày môi trường thế giới năm nay là “Ô nhiễm không khí”, vì vậy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố kêu gọi các tôn giáo trên địa bàn, các vị chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo tùy vào hoàn cảnh, điều kiện của mình tích cực tham gia bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học.


Các tôn giáo tham gia tích cực vào hoạt động xây dựng 
môi trường “xanh - sạch - đẹp”, ngày thứ bảy tình nguyện, ngày chủ nhật xanh, ra quân dọn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải; tuyên truyền vận động nhân dân không xả rác, “nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”, “giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lon”; tắt đèn và thiết bị điện tử không sử dụng… Nhân dịp này, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn thành phố đã tặng 20 suất quà cho các hộ nghèo ở xã Sơn Đông.

Các nhà khoa học phát hiện loại ô nhiễm nhựa mới trên biển

Các nhà khoa học tại Trung tâm Khoa học Hàng hải và Môi trường của Bồ Đào Nha cho biết đã phát hiện một loại
 ô nhiễm nhựa mới ở biển mà họ gọi là "vảy nhựa."  Truyền thông địa phương đưa tin các nhà khoa học làm việc tại Madeira, một đảo núi lửa của Bồ Đào Nha ở ngoài khơi phía Tây Bắc châu Phi, đã phát hiện những mảng nhỏ trông giống như nhựa nóng chảy bám vào các tảng đá dọc bờ biển – TTXVN đưa tin.

Các mảng bám này chủ yếu có màu xanh da trời và xám với nhiều kích cỡ khác nhau. Theo các nhà khoa học, họ phát hiện những mảng bám nói trên lần đầu tiên vào năm 2016. Kể từ đó đến nay, diện tích bị mảng bám bao phủ đã tăng lên đáng kể. Kết quả xét nghiệm cho thấy chất liệu mảng bám là polyetylen, loại nhựa hiện đang được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa xác định được xuất xứ hoặc mức độ ảnh hưởng của loại nhựa trên đối với các 
sinh vật biển.

Nhật Bản xử lý thực phẩm dư thừa như thế nào?

VTV cho biết: Hàng năm, Nhật Bản thải ra khoảng 6,5 triệu tấn thực phẩm dư thừa và đa phần sẽ được tái chế thành phân bón hữu cơ nhờ "Luật Tái chế thực phẩm" của Nhật Bản. Phân bón hữu cơ rẻ hơn và những nhà máy sản xuất phân hữu cơ có thêm thu nhập vì được coi là cơ sở 
tái chế rác thải cho những nơi chế biến thực phẩm, những nhà hàng kinh doanh ăn uống, doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm. Những chiếc xe tải của công ty phân bón hữu cơ Taihi Puranto, tỉnh Hiroshima hàng ngày vẫn đi thu gom thực phẩm dư thừa, rác thải hữu cơ từ các nhà hàng hay các cơ sở chế biến thực phẩm trong vùng. Có tổng cộng 24 cơ sở cung cấp thường xuyên thực phẩm dư thừa cho nhà máy phân bón này. Trên 60% thu nhập của công ty Taihi Puranto là do các cơ sở chế biến thực phẩm, các nhà hàng chi trả để xử lý rác thải hữu cơ, phần còn lại nhờ vào việc bán phân hữu cơ vi sinh thành phẩm.

Không mất chi phí thu mua nguyên liệu đầu vào là thực phẩm dư thừa, ngược lại còn được trả chi phí cho xử lý rác thải hữu cơ nên giá thành phân bón đến tay người nông dân là rất thấp, có khả năng cạnh tranh lớn đối với phân bón vô cơ - hóa học. Giá thành rẻ nên những người nông dân Nhật Bản có thể dùng thường xuyên với số lượng lớn. Rác thải hữu cơ sẽ được phân loại ngay tại các nhà hàng hay các cơ sở chế biến thực phẩm trước khi được trở đến nhà máy này. Trong 1 ngày, nhà máy có thể xử lý được từ 5 đến 10 tấn rác thải hữu cơ. Luật Tái chế thực phẩm sửa đổi năm 2015 của Nhật Bản yêu cầu trách nhiệm tái chế đến 95% đối với cơ sở chế biến thực phẩm, 70% với doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm, 55% với các cửa hàng bán lẻ thực phẩm và 50% đối với các quán ăn. Hành vi cố tình vứt bỏ thực phẩm số lượng lớn, gây ô nhiễm môi trường có thể bị áp dụng hình phạt tù theo các bộ luật liên quan.

Bill Gates góp sức giải quyết biến đổi khí hậu

Carbon Engineering (CE) đã nhận được các khoản đầu tư từ Bill Gates và nhóm Big Oil - các ông lớn trong lĩnh vực dầu khí gồm BHP, Occidental Petroleum và Chevron lên tới 68 triệu USD. Theo CNBC, các báo cáo đặc biệt của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đã làm mới lại sự quan tâm của các công ty lớn trong việc đầu tư vào các công ty năng lượng sạch, đặc biệt liên quan đến việc loại bỏ carbon dioxide (CO2). Thế giới sẽ phải giữ mức nhiệt độ 1,5 độ C để giảm thiểu tình trạng nóng lên toàn cầu nhưng nhiệt độ mục tiêu này sẽ trở nên bất khả thi nếu không có sự trợ giúp của việc loại bỏ carbon dioxide – theo Thanhnien.

CE là một công ty năng lượng sạch của Canada sử dụng công nghệ Direct Air Capture để loại bỏ khí carbon dioxide khỏi khí quyển. Khí CO2 do công ty thu được sau đó được xử lý và tái tạo thành nhiên liệu. Về lý thuyết với công nghệ này, trái đất sẽ có thêm cơ hội chống lại biến đổi khí hậu. CE ước tính rằng nhà máy của hãng sẽ thu được khoảng 500 kiloton CO2 trong khí quyển mỗi năm. Với khoản đầu tư khổng lồ của Bill Gates và nhóm Big Oil, CE có thể bắt đầu thương mại hóa công nghệ loại bỏ carbon dioxide để sản xuất nhiên liệu tổng hợp. Công ty ước tính ban đầu chi phí tiêu tốn khoảng 600 USD cho mỗi tấn CO2 thu được.Tuy nhiên, với mức huy động vốn 68 triệu USD mới đây, mức giá này đã giảm xuống chỉ còn ở mức tối thiểu 100 USD mỗi tấn.

Năng lượng tái tạo chiếm 44% tổng sản lượng điện tại Đức

TTXVN dẫn theo số liệu của Hiệp hội Năng lượng Đức (BDEW) cho biết trong nửa đầu năm 2019, tỷ lệ năng lượng tái tạo (hay còn gọi là điện xanh) trong tổng sản lượng điện tại Đức đạt mức cao kỷ lục 44%, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2018. Với mức 55,8 tỷ Kwh, sản lượng điện gió từ các nhà máy trên đất liền đã tăng 18% so với nửa đầu năm 2018; các nhà máy điện gió trên biển thậm chí còn cho sản lượng tăng cao hơn, ở mức 30%.

Các nhà máy điện Mặt Trời cũng cho sản lượng 24 tỷ Kwh, tăng 1 tỷ Kwh so với nửa đầu năm 2018. Các nguồn năng lượng xanh khác như năng lượng sinh học, thủy điện cũng đã cung cấp 36,7 tỷ Kwh điện cho nền kinh tế. Các chuyên gia về năng lượng lo ngại, tỉ lệ năng lượng xanh trong những năm tới có thể sẽ không tăng, thậm chí còn giảm so với hiện nay. Từ năm 2021, các tuabin gió được lắp đặt từ 20 năm trước sẽ hết hạn thời hạn hoạt động. Điều đó có thể ảnh hưởng đến các nhà máy điện gió có công suất từ 4000 Megawatt trở lên.

Mai Anh (moitruong.com.vn/TH)

Lượt xem : 1555