Điểm tin: Máy lọc nước ứng dụng trí tuệ nhân tạo đầu tiên tại Hà Nội
6/30/2019 5:46:00 AM
Sau khi được lắp đặt tại Vườn hoa 19-8 (Hà Nội), máy lọc nước ứng dụng trí tuệ nhân tạo được người dân đánh giá cao về chất lượng nước và dễ sử dụng.
Hanoimoi cho biết: Máy lọc nước thông minh được lắp đặt tại Vườn hoa 19-8 (Hà Nội), nằm trong Dự án Xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn thành phố do Công ty Vinasing thực hiện, góp phần làm sạch và đẹp môi trường. Máy lọc nước thông minh cho ra 4 loại nước như: Nước sạch, có khoáng chất, cân bằng pH, bổ sung chất chống oxy hóa. Thông số về 4 loại nước được hiển thị trên màn hình LCD để người dân dễ lựa chọn. Mỗi loại nước tương ứng với một mục đích của người dùng. Trung bình, mỗi giờ máy lọc được khoảng 100 lít nước.
Bà Nguyễn Thị Tuyên (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Tôi thấy máy lọc nước này rất tiện lợi cho người dân, người lao động… quanh khu vực. Sau khi sử dụng, tôi thấy chất lượng nước tốt, nước thanh, mát…” “Thông số về các loại nước được hiển thị trên màn hình, giúp chúng tôi dễ lựa chọn”, bà Tuyên chia sẻ thêm. Người dân uống nước trực tiếp tại khu vực vòi được thiết kế dành riêng cho người không mang theo chai, cốc nhựa. Anh Tô Thế (quận Cầu Giấy) cho hay: “Tôi tình cờ đi ngang qua đây, nên thử sử dụng nước sạch. Tôi thấy nước ở máy lọc này tốt hơn so với một số máy khác được đặt trên địa bàn thành phố”. Theo ông Võ Anh Chiến, Phó Tổng giám đốc Công ty Vinasing, thời gian tới, đơn vị sẽ tiến hành lắp đặt máy lọc nước thông minh tại các điểm công cộng có nhiều người qua lại trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Hà Nội thải ra môi trường gần 60 tấn rác thải nhựa mỗi ngày
Báo Anninhthudo đưa tin: Ngày 28-6, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức hội nghị "Phát động chung tay hành động chống rác thải nhựa trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng". Mỗi ngày, khối lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố từ 5.500-6.000 tấn, trong đó rác thải nhựa chiếm 8-10%. Hà Nội hiện có khoảng 100 doanh nghiệp sản xuất nhựa, các sản phẩm từ nhựa, chủ yếu thuộc 3 ngành chính là: nhựa kỹ thuật (với các sản phẩm là phụ tùng, linh kiện…); Nhựa gia dụng (thau, cốc, tủ, giường, kệ…); Nhựa bao bì dùng trong sản xuất bao bì (túi nilon PE, chai nhựa PET…). Trong đó, chỉ tính riêng nhựa dùng trong sản xuất bao bì hiện đang phục vụ nhu cầu cho khoảng 1.000 cơ sở sản xuất thực phẩm trên địa bàn thành phố, chủ yếu dùng để bao gói thực phẩm.
Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Hà Nội sẽ giảm dần nguyên liệu nhựa trong sản xuất; 100% rác thải phát sinh từ nhà máy được thu gom, phân loại nguồn, phấn đấu đến năm 2025 không sản xuất các sản phẩm nhựa dùng 1 lần và túi nilon khó phân hủy. Đến ngày 31-12-2020, 100% các trung tâm thương mại, siêu thị không dùng túi nilon khó phân hủy, giảm 50% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ… Thay thế hoàn toàn túi nilon khó phân hủy, nhựa sử dụng 1 lần bằng các sản phẩm có nguyên liệu từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường.
Phát động cuộc thi sáng tác Giải cứu Trái đất
Sáng 28/6, tại Hà Nội, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) phối hợp với Tổng cục Phòng chống thiên tai và Hội đồng Đội Trung ương phát động cuộc thi “Giải cứu Trái đất - Trẻ em sáng tác nhân vật siêu anh hùng đẩy lùi thiên tai và biến đổi khí hậu”. Cuộc thi dành cho tất cả trẻ em từ 10-15 tuổi trên khắp Việt Nam được bắt đầu từ ngày 28-6 và kéo dài hết ngày 28-8-2019. Các bài dự thi sẽ được lựa chọn dựa trên khả năng sáng tạo và phát triển câu chuyện từ nhân vật. Người thắng cuộc sẽ có cơ hội được làm việc với một nhóm chuyên gia để phát triển nhân vật siêu anh hùng này thành truyện tranh hoặc phim hoạt hình. Lễ trao giải sẽ được tổ chức vào ngày 13-10, cũng là Ngày Quốc tế giảm nhẹ thiên tai.
Cuộc thi là cơ hội để trẻ em thấy được sự liên quan giữa các tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu đối với đời sống con người, xã hội; học hỏi các kiến thức về thiên tai, các hoạt động để giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra; những hoạt động của con người làm tăng rủi ro thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu; đồng thời học hỏi một số kỹ năng sống, sinh tồn khi thiên tai xảy ra.
104 cây cổ thụ đạt tiêu chuẩn trở thành Cây Di sản Việt Nam
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Anh Hùng Đa dạng sinh học ASEAN, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam, vừa chủ trì buổi họp xét công nhận 104 cây cổ thụ đủ tiêu chuẩn trở thành Cây Di sản Việt Nam. Căn cứ hồ sơ đăng ký xét công nhận và quá trình nghiên cứu, phân tích, Hội đồng Cây Di sản Việt Nam quyết định công nhận 104 cây cổ thụ tại các vùng miền trên cả nước, đặc biệt là những cây như: cây Đa 118 tuổi và cây Hoa đại 200 năm tuổi trong khuôn viên Thanh tra thành phố Hải Phòng; cây Đa 150 năm tuổi tại thôn Miễu 2, xã Khánh An, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình; cây Bồ đề 250 tuổi, chu vi 7,1 m tại thôn An Thịnh, xã Cương Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang và đặc biệt 5trong đợt này công nhận quần thể 100 cây chè Shan tuyết cổ thụ có tuổi đời từ 149 đến 391 năm tại hai thôn Giàng Pằng và Làng Mảnh thuộc xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam cho biết: việc phát hiện các danh mộc cổ thụ trong cộng đồng đang giảm dần, nhưng nhận thức của người dân về bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và bảo tồn cây cổ thụ nói riêng đã được nâng lên rõ rệt. Bằng chứng là, tất cả những cây đã được công nhận Cây Di sản Việt Nam đều dư luận báo chí quan tâm phản ánh kịp thời, được chính quyền và nhân dân địa phương quan tâm bảo vệ, chăm sóc tốt hơn. Nhiều đại danh mộc cổ thụ bị sâu bệnh đã được cứu chữa kịp thời và một số cây bị chết đã được trồng thay thế bằng những giống cây cùng loại. Điển hình là: cây Táu nghìn tuổi ở Việt Trì (Phú Thọ), những cây cổ thụ tại Vườn hoa Tượng đài Lê Chân (Hải Phòng); cây Đa ở Đền Vân xã Liên Phương (TP. Hưng Yên); cây Đa của thôn Thao Chính Phú Xuyên và cây Đa đình Phú Thượng ,quận Tây Hồ (Hà Nội); cây Đa trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng); cây Dầu đôi Nha Trang (Khánh Hòa) và cây Long não ở Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc)…
Châu Âu có nơi nóng 44 độ, sẽ còn khủng khiếp hơn nữa
Một đợt nóng đang làm đảo lộn cuộc sống của người dân ở phần lớn lục địa già. Một số khu vực tại Pháp và Tây Ban Nha ghi nhận mức nhiệt kỷ lục lên 44 độ C hôm 27-6, theo Reuters. Trước đó, trong ngày 26-6, Đức, Ba Lan và CH Czech ghi nhận mức nóng kỷ lục. Các chuyên gia khí tượng cho rằng đợt nắng nóng ở châu Âu bắt nguồn từ một luồng khí nóng từ Bắc Phi. Đi kèm với nóng là bụi siêu mịn PM 2.5 trong không khí. Bụi siêu mịn PM 2.5 có thể gây viêm nhiễm đường hô hấp và làm tăng nguy cơ tử vong ở những người mắc bệnh ung thư phổi và bệnh tim.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng tầm trung châu Âu, hiện tượng này từng xảy ra ở châu Âu năm 2015. Với đợt nắng nóng này, người châu Âu có thể chỉ cần chờ thêm vài ngày để biết có bao nhiêu kỷ lục bị phá vỡ. Tiến sĩ Dim Como, chuyên gia về biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan ở Đại học Amsterdam, nói: "Do biến đổi khí hậu toàn cầu, các dạng nắng nóng bất thường có thể xảy ra thường xuyên và khủng khiếp hơn". Theo Đài Euronews, gần 1.400 vụ cháy rừng đã xảy ra ở châu Âu trong năm 2019, cao gấp nhiều lần so với 174 của trung bình 10 năm qua. Nhiệt độ ở châu Âu tiếp tục được dự báo tăng cao trong vòng ba ngày tới.
Mai Anh (moitruong.com.vn/TH)
Lượt xem : 1596