Vietnamese English
Địa di sản và phát triển kinh tế - xã hội

8/26/2009 10:31:00 PM

Địa di sản làm tăng giá trị các điểm du lịch có sẵn và tạo ra các điểm du lịch mới. Nói đến Địa di sản không chỉ nói đến bảo vệ Đa dạng Địa chất, mà chủ yếu nói về phát triển kinh tế xã hội những vùng có Địa di sản.

 
 
Nguyễn Đình Hòe, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam-VACNE
 
 Nói đến Địa di sản là nói đến con người.

Nói đến Địa di sản không chỉ nói đến bảo vệ Đa dạng Địa chất, mà chủ yếu nói về phát triển kinh tế xã hội những vùng có Địa di sản, đúng như Chris Woodley-Stewart, nhà quản lý một công viên địa chất (geopark) vùng North Pennines, nước Anh, đã khẳng định: “Nói đến geopark không chỉ là nói đến đất đá, mà chính là nói đến con người. Vấn đề cơ bản là con người phải được tham gia vào – chúng ta mong muốn càng nhiều người càng tốt tìm thấy niềm vui từ các di sản địa chất trong vùng. Mục tiêu của chúng ta là phát triển Du lịch Địa chất (...) nhằm mang lại lợi ích cho kinh tế địa phương và giúp con người hiểu được sự tiến hóa các cảnh quan trong địa phương của họ" ("Geoparks are not just about rocks-they are about people. It is crucial that they get involved-we want to see as many people as possible getting out and enjoying the geology of the area. Our aim is to maximise geotourism (...) for the benefit of the local economy and to help people to understand the evolution of their local landscape.") . Mục tiêu chính của UNESCO khi thành lập Mạng lưới Địa di sản Toàn cầu cũng nhấn mạnh đồng thời vào 3 vấn đề: (i) Bảo vệ Đa dạng Địa chất, (ii) Giáo dục và (iii) Phát triển bền vững. Cách thức chủ yếu để Địa di sản hỗ trợ kinh tế và phát triển bền vững địa phương là phát triển Du lịch Địa di sản mà nhiều người còn gọi là Du lịch Địa chất (Geotourism).Geoparks  tổ chức nhiều hoạt động khác nhau và giúp mang các hiểu biết về địa học và môi trường tới công chúng thông qua việc bảo tồn và tôn tạo các thực thể địa chất, xây dựng các bảo tàng tự nhiên học, lập các trung tâm thông tin, tổ chức các hội thảo khoa học,...Geopark hỗ trợ các nghiên cứu khoa học, liên kết với các trường học và viện nghiên cứu, tổ chức giao lưu giữa các nhà khoa học với người dân địa phương ....

Bất cứ một diện tích nào có đặc điểm địa chất  giá trị, dù giá trị ở cấp địa phương hay toàn cầu cũng chỉ mới đạt điều kiện cần để trở thành Địa di sản, ví dụ: rừng đá (thạch lâm), vùng đá vôi karst, các điểm hóa thạch cổ sinh vật hay khảo cổ, núi lửa, vùng mỏ cổ, vách đá ven biển có cảnh quan đẹp,... Để lập một điểm Địa di sản trên cơ sở các giá trị địa chất này còn cần điều kiện đủ là có sự tham gia của dân địa phương, vốn là những người biết rõ từng tấc đất trong vùng. Việc làm rõ chức năng và cấu trúc của bộ phận quản lý nhằm ghép nối tất cả các hoạt động của geopark phải là một hợp phần cơ bản của một geopark.Việc tham gia của tất cả các bên liên quan chủ chốt trong phạm vi lãnh thổ của geopark là chìa khóa của sự thành công. Cả geopark lẫn các đối tác của nó đều không được quyền thương mại hóa các sản phẩm địa chất như đá cảnh, đá quý , khoáng vật, hóa thạch,... dưới bất cứ hình thức nào. Lợi ích mà geopark tạo ra cho nền kinh tế địa phương không phải dựa trên việc khai thác và bán các sản phẩm địa chất đó, mà phải dựa trên các sản phẩm đó còn nguyên vị trí tự nhiên ban đầu để phát triển du lịch bền vững.
Một geopark phải tạo cơ hội việc làm cho người địa phương và đóng góp vào nguồn thu của địa phương . Trong khuôn khổ một geopark, di sản địa chất và hiểu biết về địa chất phải được diễn giải và chia sẻ rộng rãi trong cộng đồng, cũng như phải liên kết với các hợp phần khác của môi trường tự nhiên và văn hóa

Địa di sản làm tăng giá trị các điểm du lịch có sẵn và tạo ra các điểm du lịch mới
Có rất nhiều danh thắng có giá trị địa chất cao và độc đáo nhưng ít được khai thác theo góc độ địa di sản. Chỉ cần khai thác khía cạnh này đã làm tăng tính hấp dẫn du lịch và tăng thời gian lưu khách, điều này cũng có nghĩa là tăng nguồn thu của cộng đồng và địa phương. Trong ngành Du lịch ai cũng biết lợi thế của một điểm du lịch thiên nhiên được gói gọn vào 3 thứ quý vẫn được gọi là “Tam Bảo”: núi đá, rừng cây và mặt nước (biển hay hồ). Nơi nào sở hữu thiên nhiên Tam Bảo, nơi đó có nhiều thế mạnh để phát triển du lịch. Hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên Tam Bảo, du khách có những ấn tượng kỳ lạ, an bình và tĩnh tâm mà không thể cắt nghĩa được. Liệu có phải cội nguồn  động vật trong sâu thẳm mỗi con người đã dẫn dụ chúng ta đến với thiên nhiênTam Bảo chăng? Tuy nhiên nếu không có kiến thức về Địa di sản thì du khách chẳng thể hiểu được rằng những trang sử đá cũng hấp dẫn không kém vẻ đẹp của rừng cây hay mặt biển.
Một ví dụ  là những khối núi đá hoa ở Ngũ Hành Sơn - một điểm du lịch nổi tiếng ở Đà Nẵng. Các tầng đá hoa tuối Cổ sinh hạ (khoảng 550 đến 400 triệu năm trước) ở đây không giống bất cứ loại đá hoa nào đã biết ở nước ta. Theo tài liệu địa chất, các khối đá hoa này (một phần còn chìm dưới đồng bằng) là phần sót lại của một mảng thạch quyển  cổ có tên là cổ lục địa Cathaysia, nguồn gốc trôi dạt từ lục địa Châu Úc, đã bị hút chìm không hết  xuống bên dưới mảng lục địa Trường Sơn. Bị tắc lại tại miệng đới hút chìm, các khối đá hoa Đà Nẵng nằm lẫn lộn với các khối đá khác tạo ra một đới Hỗn độn (Melange), vốn là một cấu trúc đặc thù ở miệng các đới hút chìm.Cổ lục địa Cathaysia sau đó đã bị vỡ ra do sự hình thành Biển Đông nên chỉ còn lại những mảnh nhỏ như vùng Tây Nguyên- Quảng Nam, ven biển Quảng Bình, Đồ Sơn (Hải Phòng), móng của quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng), móng đảo Hải Nam và ven biển Phúc Khiến (Trung Quốc) (xem ảnh 1)
 
Ảnh 1.Ngũ Hành Sơn-Đà Nẵng- phần sót lại của lục địa cổ Cathaysia nguồn gốc Châu Úc.      
Một ví dụ khác là bán đảo Hòn Khói thuộc huyện Ninh Hòa tỉnh Khánh Hòa
Những quả đồi nhỏ trên bán đảo Hòn Khói (Ninh Hòa) là những trang sử đá mà theo thời gian những phát hiện địa chất ngày càng cung cấp thêm những thông tin quý giá.Tài liệu địa chất cho thấy Khánh Hòa là một bộ phận của một cung đảo núi lửa Nam Trung Bộ (kiểu cung đảo Nhật Bản hay Philippines) đã từng tồn tại hàng trăm triệu năm trong phần lớn Nguyên đại Trung Sinh (từ đầu kỷ Jura đến cuối kỷ Creta – cùng thời với Niên đại Bò sát khổng lồ).Tầng đá móng của cung đảo chủ yếu là các đá phiến sét và sét ngấm silic tạo ra các quả đồi nhỏ trên bán đảo Hòn Khói mà Mũi Dù là nơi có những vết lộ rất đẹp trên các vách biển (ảnh 2). Năm 1978, Phòng Địa Chất Viện Hải Dương Học đã phát hiện trong lớp đá phiến ở Mũi Dù một hóa thạch Cúc đá-Ammonoidea tuổi Jura, Năm 2002 ba nghệ nhân Nguyễn Văn Lâm, Ngô Công Quý và Hồ Khiêm đã phát hiện ra cây cổ thụ hóa thạch vẫn bảo tồn khá nguyên vẹn xen kẹp trong đá ở vùng Hòn Khói. Cây hóa thạch có những vân đá hình mắt cây, vỏ cây, thớ gỗ... khá rõ. Toàn thân màu xanh đen pha lẫn vàng nhạt, dài 6,7 mét, đường kính ngọn chừng 40-50 cm, phần gốc khoảng 60-70 cm. Sau hơn hai tháng bốc dỡ, di chuyển, cây hóa thạch này đã được đưa về Nha Trang và hiện lưu giữ tại nhà ông Nguyễn Văn Lâm. Phó giáo sư Trịnh Dánh - Bảo tàng Địa chất Việt Nam cho biết đây là gỗ hóa thạch của một loài cây lá kim, có niên đại cách đây khoảng 250-300 triệu năm Hòn Khói là đại diện cho những vùng có thể nghiên cứu để thiết lập một điểm Địa di sản địa phương nhằm phát triển du lịch./.


 
Ảnh 2. Vách biển Mũi Dù-Hòn Khói-Khánh Hòa

Lượt xem : 2444