Di dân lên dãy Trường Sơn khi nước biển dâng
11/20/2010 9:32:00 AM
Trong khi dãy Trường Sơn đang được phản ánh là bị "băm nát" vì nhiều mục tiêu thì theo dự báo kịch bản xấu nhất, biến đổi khí hậu cuối thế kỷ 21 có thể làm 22 triệu dân Việt Nam sống ven biển mất nơi cư trú. Lúc đó, dãy Trường Sơn sẽ là một cứu cánh cực kỳ hữu ích cho người dân vùng ven biển di cư đến.
Thông tin được đưa ra tại Hội nghị Đa dạng Sinh học, tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội trong khuôn khổ Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ 3, diễn ra trong 2 ngày 17 và 18/11.
Theo các chuyên gia thuộc Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam - VACNE, dãy Trường Sơn tạo thành toàn bộ địa hình cao trong khu vực, chiếm đại bộ phận diện tích và có ảnh hưởng quyết định đến các tỉnh Miền Trung nước ta và một phạm vi khá lớn của Nam Lào và Đông Bắc Campuchia.
Do vậy, dãy Trường Sơn có tác dụng đảm bảo an ninh nguồn nước; cung cấpnơi cư trú và văn hóa địa phương; kiểm soát thiên tai như lũ lụt, trượt lở đất, xói mòn và bồi tụ đất đai.
Dãy núi này cũng cung cấp các sản phẩm gỗ và phi gỗ; tạo ra chế độ khí hậu địa phương, qua đó tạo ra các nguồn gen quý, các tập đoàn giống cây trồng và vật nuôi bản địa, nguồn sinh vật thiên địch bảo vệ an toàn cho nông ngư nghiệp.
![Ảnh minh họa](http://a9.vietbao.vn/images/vn965/xa-hoi/65207578-vnm_2010_306519.JPG) |
Dãy Trường Sơn - cứu cánh của tương lai
|
Đấy là chưa kể đến chức năng không gì thay thế được của dãy Trường Sơn về an ninh quốc phòng. Các chuyên gia cho rằng, mọi biến động điều kiện tự nhiên trên dãy Trường Sơn đều kéo theo các biến động của các địa phương vùng chân núi. Dễ thấy những kế hoạch khai thác tài nguyên trên dãy Trường Sơn đều là những đánh đổi trong sinh kế của dân cư các địa phương trong vùng.
Các chuyên gia cũng phân tích, dãy Trường Sơn có vai trò không thể thay thế trước đe dọa của biến đổi khí hậu. Nó tạo ra “tính ì” của nền khí hậu địa phương, làm chậm các tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu tạo ra. Thảm rừng trên Trường Sơn làm chậm và giảm nhẹ quá trình lũ lụt, làm tan các cơn bão, làm chậm quá trình khô hạn hóa.
Cùng với đó, nguồn dược liệu, dự trữ gen và thiên địch có khả năng giảm nhẹ các bệnh dịch cho con người, vật nuôi và cây trồng bùng phát do biến đổi khí hậu. Hoạt động nâng liên tục của nền địa chất hiện đại trong phạm vi Trường Sơn (trừ các vùng cửa sông) góp phần giảm thiểu hay thậm chí triệt tiêu hiểm họa nước biển dâng cao ở nhiều địa phương ven biển Miền Trung.
Theo dự báo kịch bản xấu nhất, biến đổi khí hậu cuối thế kỷ 21 có thể làm 22 triệu dân Việt Nam sống ven biển mất nơi cư trú. Lúc đó, dãy Trường Sơn sẽ là một cứu cánh cực kỳ hữu ích cho người dân vùng ven biển di cứ đến.
Với những lý do trên, Bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn, đặc biệt là đảm bảo an ninh môi trường nơi đây sẽ là một chiến lược thích ứng lợi hại của Việt Nam và ít nhất là cả 2 nước anh em trên bán đảo Đông Dương trước thảm họa biến dổi khí hậu.
Theo PGS – TS Nguyễn Đình Hoè, chiến lược bảo vệ dãy Trường Sơn bao gồm tất cả các mặt hoạt động, nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, một mặt không thể có nhanh một chiến lược, mặt khác dẫu có chiến lược rồi thì khâu thực hiện cũng còn nhiều vấn đề. Vì vậy việc bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn cần được coi như một ưu tiên đi trước.
Cùng với đó, việc hợp tác chặt chẽ với Lào, Campuchia và các nước khác được đánh giá là hết sức quan trọng. Theo đó, dãy Trường Sơn là sống lưng của bán đảo Đông Dương nên rất cần một sự hợp tác chặt chẽ giữa 3 nước Việt - Lào - Campuchia trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt trong việc nghiên cứu, bảo vệ các khu bảo tồn thiên nhiên xuyên biên giới.
Theo các chuyên gia, tạm tính với diện tích 11 000 000 ha nếu chỉ 50% diện tích có rừng cây thân gỗ thì mỗi năm dãy Trường Sơn bẫy giữ được 22-25 triệu tấn CO2, góp phần đáng kể vào giảm hiệu ứng nóng lên toàn cầu mà không cần đầu tư gì ngoài bảo vệ rừng.
|
Tuệ Khanh
Lượt xem : 3584