Vietnamese English
Di 400.000 dân khỏi nội thành: Không khả thi?

4/3/2010 8:08:00 AM

Theo kiến nghị của Hội Môi trường Xây dựng, mục tiêu di dời 400.000 dân ra khỏi nội thành là không khả thi.

 

Quy hoạch hiện tại còn chưa thực hiện  được

Trong bản kiến nghị đóng góp ý kiến về Đồ án Quy hoạch chung Hà Nội tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2050 gửi lên các cấp lãnh đạo ngày hôm qua, Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam cho rằng, mục tiêu tới năm 2030 di dời 400.000 dân ra khỏi nội thành Hà Nội là chưa thực tế.

Theo Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam Phạm Ngọc Đăng, mục tiêu giảm dân cư ở bốn quận nội thành cũ đến năm 2030 chỉ còn 80 vạn người đã được đề ra trong Quy hoạch Hà Nội năm 1998. Nhưng thực tế hiện nay, dân số ở bốn quận nội thành cũ đã tăng lên gần 1.200.000 người.

Nhiều gia đình ở khu phố cổ phải sinh sống trong điều kiện nhà cửa chật chội (Ảnh: T.Xuân)

GS Đăng phân tích, số dân nội thành hiện sống trong điều kiện nhà cửa chật hẹp, thiếu điều kiện vệ sinh là ít, chủ yếu gồm một số gia đình sống ở 36 phố cổ và ở “xóm liều, xóm bụi”.

Dẫn ra điều này để thấy trong số dân nội thành, số người tự nguyện chuyển ra ngoại thành để có điều kiện sống tốt hơn là rất nhỏ, nếu cưỡng chế di chuyển nơi cư trú đối với dân cư nội thành để đạt chỉ tiêu di chuyển 400.000 dân là không thể được, GS Đăng lập luận.

Trong khi đó, rất nhiều công trình cao tầng đồ sộ, các trung tâm dịch vụ, khách sạn, cửa hàng, trung tâm thương mại, chung cư cao tầng… đua nhau mọc lên ở bốn quận nội thành trong thời gian qua, đã đè nặng lên hạ tầng kỹ thuật còn lạc hậu của Hà Nội, là nguyên nhân làm tăng dân số và tăng đột biến số lượng khách vãng lai.

Chính vì vậy, Hội này kiến nghị, phải triệt để chấm dứt tình trạng quy hoạch xây dựng bất hợp lý như vậy ở nội thành và tích cực đầu tư cải tạo hạ tầng kỹ thuật đô thị đáp ứng nhu cầu sử dụng hạ tầng kỹ thuật đô thị cho số dân hiện có.

Trung tâm hành chính chuyển lên Ba Vì: Thiếu coi trọng giá  trị lịch sử

Các chuyên gia đóng góp vào bản ý kiến đều cho rằng việc chuyển trung tâm hành chính quốc gia lên Hòa Lạc - chân núi Ba Vì, là không phù hợp với nghìn năm lịch sử của Thủ đô Thăng Long - Hà Nội, thiếu coi trọng chiếu dời đô của Hoàng đế Lý Công Uẩn. Việc này “chẳng khác nào là sự dời đô lần thứ hai” – bản kiến nghị nhấn mạnh. Hơn nữa, chuyển lên Hòa Lạc là chuyển dịch trọng tâm Thủ đô về phía Tây, làm sai lệch Thủ đô Hà Nội là trung tâm của “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” quốc gia và quốc tế, quá xa với trục phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc “Hà Nội - Hải Dương - Hải Phòng - Quảng Ninh” và định hướng phát triển kinh tế của thời đại là “Hướng ra biển”.

Với sự dịch chuyển này, Hà Nội sẽ phải dành hàng trăm ha đẹp nhất, dự trữ cho xây dựng trung tâm hành chính quốc gia, phải xây dựng đường giao thông nối Hà Nội với Hòa Lạc - chân núi Ba Vì với quy mô lớn và hiện đại, dẫn đến sự lãng phí kinh tế lớn. Đồng thời gây ra sự xáo trộn hệ thống giao thông, thị trường bất động sản, chi phí vận hành…

Các nhà khoa học còn chỉ ra, khu vực chân núi Ba Vì chỉ thích hợp là khu vực bảo vệ thiên nhiên, du  lịch sinh thái và là vùng tâm linh quan trọng của Hà Nội mở rộng. Đây là vùng đệm của Vườn Quốc gia Ba Vì, là thảm sinh thái thiên nhiên và thảm sinh thái nông nghiệp, rừng đầu nguồn cần được bảo tồn.

Không ủng hộ phương án chuyển trung tâm hành chính quốc gia lên Hoà Lạc, thay vào đó, Hội Môi trường xây dựng cho rằng nên đặt tại khu đất phía Tây Nam Hồ Tây.

Về ý kiến này, theo TS. Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quy hoạch đô thị và nông thôn Lê Thị Bích Thuận, đơn vị cùng làm đồ án quy hoạch cho rằng, việc dịch chuyển này không phải là dời đô. Hà Nội giờ đã mở rộng, trung tâm chính trị vẫn là Hà Nội cũ và chỉ chuyển một số đơn vị lên đó nhằm giảm tải nội đô.

Sân bay quốc tế thứ hai ở phía Đông Nam Hà  Nội

Bản kiến nghị cho rằng, đồ án quy hoạch cần phải có giải pháp xoá bỏ tình trạng xe đỗ trên đường, trên vỉa hè và tạo thuận lợi cho hành khách gửi xe để có thể dễ dàng chuyển đổi sang sử dụng các loại phương tiện giao thông khác nhau và đi bộ.

Các chuyên gia cũng cho rằng, nên hạn chế xây dựng đường ô tô trên cao do ảnh hưởng xấu đến mỹ quan thành phố, ô nhiễm môi trường không khí, tiếng ồn, ảnh hưởng đến sức khoẻ của dân cư. Tuy nhiên, nếu phát triển tuyến đường sắt nhẹ trên cao thì sẽ giảm bớt tác động xấu này.

Về vị trí sân bay quốc tế thứ hai, bản kiến nghị bày tỏ mối lo ngại về nhu cầu phát triển giao thông hàng không. Nếu thấy cần phải mở sân bay quốc tế thứ hai thì nên theo hướng thuận tiện cho phát triển vùng kinh tế - xã hội trọng điểm Bắc Bộ, cho cả Hải Phòng. Do vậy, vị trí nên đặt sân bay thứ hai là ở phía Đông Nam Hà Nội, không nên đặt ở phía Nam Hà Nội, như đồ án xác định./.

Song Đào

 

(Tổ Quốc, 1/4/2010)

Lượt xem : 1516