Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách vừa đề xuất tăng thu phí tiền thu gom rác sinh hoạt của các hộ gia đình tăng lên 2-3 lần so với mức thu hiện nay. Đề xuất được đưa ra sau khi đơn vị này thực hiện nghiên cứu “Đánh giá hoạt động Quản lý Chất thải rắn Đô thị tại Việt Nam” công bố hôm 10/11.
Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, mức phí thu gom chất thải rắn (gọi tắt là thu gom
rác) của các hộ gia đình tại các thành phố ở Việt Nam thấp hơn nhiều các thành phố trên thế giới. Tính toán chung, tiền phí thu gom chất thải rắn ở Việt Nam chiếm 0,12% thu nhập hộ gia đình, thấp hơn khoảng 8 lần so với mức trung bình của thế giới (0,98%).
Theo đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO), mức thu phí của Hà Nội là 6.000 đồng/người/tháng ở nội thành và 3.000 đồng/người/tháng ở ngoại thành. Mức thu này thấp và không đủ chi phí cho hoạt động
thu gom rác thải. Do vậy ngân sách thành phố vẫn phải hỗ trợ khá lớn.
Theo PGS.TS Vũ Sỹ Cương, trưởng nhóm nghiên cứu, mức phí thu gom rác thấp đang gây ra nhiều khó khăn trong việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn. Nhiều đơn vị thu gom phải lấy các hoạt động khác bù lỗ hoặc giảm chi phí nhân công.
Cũng theo ông Cương, nhiều quốc gia trên thế giới có xu hướng người dân phải trả chi phí quản lý chất thải rắn. Ví dụ ở Singapore - một trong những quốc gia sạch nhất thế giới, người dân chịu toàn bộ chi phí để quản lý chất thải rắn đô thị.
Ở Trung Quốc, mức thu phí chất thải rắn khá thấp. Tuy nhiên nước này đang có chiến lược tăng mức phí thu gom chất thải rắn để tăng trách nhiệm các đơn vị phát sinh chất thải.
Có thể thu mức 20 nghìn đồng/người/tháng
Từ kinh nghiệm các nước, nhóm nghiên cứu đề xuất các chính sách liên quan đến thu phí. Mức phí có thể điều chỉnh phù hợp bằng toàn bộ chi phí quản lý chất thải rắn do các đơn vị phát sinh, tiến tới người dân phải chịu trách nhiệm về lượng chất thải rắn phát sinh bao gồm chi phí quản lý từ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn.
Chính quyền địa phương chỉ chịu trách nhiệm chi trả chi phí quản lý chất thải rắn công cộng và hỗ trợ một phần kinh phí trợ cấp cho người nghèo. “Ban đầu có thể nâng mức phí từ 0,12% thu nhập bình quân một hộ lên 0,3 hoặc 0,5% sau đó tiến tới mức bình quân của thế giới.
Ở Hà Nội hiện nay là 6.000 đồng, trung bình một hộ khoảng 24.000 đồng. Có thể nâng lên khoảng 20 nghìn đồng một người, 80 nghìn đồng một hộ một tháng”, ông Cương đề xuất.