PL TP HCM dẫn thông tin từ Sở Tài chính cho biết theo lộ trình giá nước sạch giai đoạn 2016-2019, giá nước sạch bình quân sẽ tăng từng năm. Cụ thể, năm 2016 giá này là 939 đồng/m3 và lần lượt các năm sau là 1.014 đồng/m3 (năm 2017), 1.095 đồng/m3 (năm 2018), 1.183 đồng/m3 (năm 2009) và 1.277 đồng/m3 (năm 2020). Như vậy, phí
nước thải sinh hoạt cũng sẽ tăng tương ứng.
Theo Sở Tài chính, phương án thu phí nước thải trên đã được nhiều đơn vị liên quan thống nhất. Nếu thu theo mức đề xuất này, giai đoạn 2016-2020, TP sẽ thu phí nước thải được khoảng 2.510 tỉ đồng. Số tiền này sẽ chi cho việc duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước và vận hành các nhà máy xử lý nước thải trên địa bàn TP.
Gần 30 tỷ đồng đầu tư hệ thống xử lý chất thải ở bệnh viện
Mỗi ngày các bệnh viện tại Thanh Hóa phát sinh khoảng 7,372 tấn
chất thải y tế, trong đó có khoảng 1,452 tấn chất thải nguy hại. Hầu hết các bệnh viện đã được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế, trong đó các dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế đến năm 2015 trị giá 149,272 triệu đồng bằng nguồn vốn sự nghiệp bảo vệ môi trường của TƯ và tỉnh. Trong 5 năm (2011 - 2015) cùng với ngân sách Trung ương, Thanh Hóa đã đầu tư gần 30 tỷ đồng cho hệ thống xử lý chất thải rắn và lỏng tại 37 bệnh viện công lập. Việc chú trọng đầu tư mới, nâng cấp sữa chữa các hệ thống xử lý chất thải đã đáp ứng được các tiêu chuẩn đảm bảo môi trường.
Thực hiện Đề án “Tổng thể xử lý chất thải y tế” giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng tới 2020, Sở Y tế Thanh Hóa trực tiếp điều hành, kết hợp với các ban, ngành liên quan, đảm bảo thực hiện đúng theo kế hoạch. Theo đó, giao trách nhiệm cho những người đứng đầu các cơ sở y tế quản lý chất thải y tế đúng quy trình, vận hành, bảo dưỡng hệ thống xử lý chất thải, mua và cung cấp đủ các phương tiện chuyên dụng, đạt tiêu chuẩn cho việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan môi trường để xử lý, tiêu hủy chất thải y tế theo quy định – theo Báo Thanh Tra.
2015: Thời tiết dị thường báo hiệu một mùa khô hạn khốc liệt
Báo Dân Trí dẫn lời ông Trần Trung Thành - Phó Giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên - cho biết, mùa mưa ở một số tỉnh Tây Nguyên năm 2015 đã xảy ra một số điểm dị thường, báo động một mùa khô hạn khốc liệt tương đương với mùa
khô hạn kỷ lục năm 1997-1998. Theo ông Thành, mùa mưa năm 2015, tại một số tỉnh Tây Nguyên có những điểm dị thường đáng chú ý như: Mưa đến muộn hơn quy luật 10-15 ngày, mưa kết thúc tương đối sớm, lượng mưa thiếu hụt nhiều so với quy luật.
Cụ thể, tại khu vực Bắc Tây Nguyên (Gia Lai và Kon Tum) lượng mưa chỉ đạt 50-60% so với quy luật. Tại Trung tâm Tây Nguyên (Đăk Lăk và Đăk Nông) lượng mưa chỉ đạt 70-80% so với trung bình nhiều năm. Tại Lâm Đồng lượng mưa đạt 90-100% so với quy luật. Thủy văn vụ Đông xuân năm 2015-2016, tại Tây Nguyên không có lũ nên nguồn nước ở các sông suối hiện rất thấp. Đài khí tượng nhận định, vụ Đông xuân 2015-2016 có chịu tác động mạnh của hiện tượng El Nino do sản lượng mưa trái vụ sẽ thấp hơn quy luật. Với tình hình mùa mưa của năm 2015, khả năng mức độ khô hạn của vụ Đông xuân sắp tới trên địa bàn Tây Nguyên sẽ cực kỳ gay gắt, mức độ khốc liệt tương tự với mùa khô hạn kỷ lục năm 1997-1998 đã xảy ra.
Trái đất nóng lên 4 độ C, 600 triệu người mất nhà
Hậu quả của biến đổi khí hậu, kể cả khi con người đã hạn chế ở mức chỉ khiến
trái đất nóng lên 2oC thôi, thì từng phần của những thành phố trù phú, dân cư đông đúc nhất như Mumbai, Thượng Hải, Hongkong… đã bị nhấn chìm trong nước biển. Khoảng 100 triệu người sẽ bị đẩy vào cảnh nghèo đói. Theo báo cáo nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu khí hậu Mỹ (Climat Central) trình trước COP – Diễn đàn khí hậu thế giới (Paris, 11-2015), nếu trái đất nóng thêm 2oC, nước biển dâng lên, làm ngập diện tích cư trú của 280 triệu người; nếu là 4oC thì có 600 triệu người phải chịu cảnh nước biển xâm thực!
Trái đất ấm lên không chỉ làm tan các sông băng mà còn hạ độ cao của các chỏm băng Greenland, Nam cực. Nhiệt độ trái đất nóng thêm 4oC, mực nước đại đương sẽ dâng cao 8,9 mét! Có thể có sai số ở vùng này vùng khác, nhưng chỉ số đó hoàn toàn xác thực, được xây dựng từ các dữ liệu được thu thập bởi các vệ tinh. Châu Á chịu nhiều thiệt hại khi nước biển dâng cao. Nặng nhất là Trung Quốc, kế đó là Ấn Độ, Bangladesh, Nhật Bản, rồi Việt Nam, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Myanmar – theo Doanh Nhân Sài Gòn.
Nhật Bản tăng viện trợ gúp các nước chống biến đổi khí hậu
Theo hãng tin Kyodo, tại cuộc họp với các bộ trưởng của Nhật Bản ngày 26/11, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết nước này sẽ dành 1.300 tỷ yen (khoảng 10,6 tỷ USD) mỗi năm đến năm 2020 để hỗ trợ các nước đang phát triển chống tình trạng ấm lên toàn cầu. Con số trên tăng so với mức hiện tại trung bình 1.000 tỷ yen/năm, và Thủ tướng Abe sẽ công bố mức viện trợ trên tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về
biến đổi khí hậu tổ chức ở Paris (Pháp) ngày 30/11 tới – TTXVN đưa tin.
Viện trợ của Nhật Bản là một phần trong cam kết của các quốc gia công nghiệp hóa dành 100 tỷ USD mỗi năm đến năm 2020, từ các nguồn lực của chính phủ và tư nhân, để giúp các quốc gia đang phát triển hạn chế phát thải khí nhà kính và ứng phó với tình trạng lụt lội, các đợt nắng nóng và nước biển dâng cao. Bên cạnh đó, Nhật Bản quyết định ủng hộ 1,5 tỷ USD vào Quỹ Khí hậu Xanh của Liên hợp quốc để giúp các nước đang phát triển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Tòa án Nam Phi bất ngờ bãi bỏ lệnh cấm buôn bán sừng tê giác
Ngày 26/11, Tòa án tối cao Nam Phi đã quyết định bãi bỏ lệnh cấm buôn bán sừng tê giác tại nước này. Tuy nhiên, các nhà bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm tại đây lại phản đối quyết định trên và cho rằng việc dỡ bỏ này là một "động thái cực kỳ nguy hiểm" và có thể làm trầm trọng thêm tình trạng săn bắn trái phép loài động vật hoang dã quý hiếm tại quốc gia châu Phi này.
Quyết định trên được đưa ra trước thềm hội nghị Công ước về buôn bán quốc tế những loài động thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (CITES), dự kiến tổ chức tại thành phố Johannesburg vào năm 2016. Hiện tình trạng săn bắn trái phép tê giác để lấy sừng ở Nam Phi đang ở mức báo động với 1.215 con tê giác bị giết hại trong năm 2014 – theo TTXVN.
'Cha đẻ' Amazon thử nghiệm tên lửa tái sử dụng đầu tiên thế giới
Trong cuộc chạy đua chế tạo tên lửa tái sử dụng được đầu tiên trên thế giới, người sáng lập ra tập đoàn Amazon đã qua mặt nhiều đại gia đáng gờm khác và cả Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) để cán đích đầu tiên. Blue Origin, công ty hàng không vũ trụ tư nhân bí mật của Jeff Bezos - người sáng lập ra tập đoàn thương mại điện tử Amazon, vừa cho phóng và hạ cánh thành công tên lửa New Shepard của họ ở một bãi thử nghiệm tại Texas – Vietnamnet đưa tin.
Cho tới nay, đối thủ chính của họ - SpaceX, công ty chuyên về nghiên cứu du hành vũ trụ của Elon Musk, nhà đồng sáng lập Tesla Motor và Paypal, đã cố thử nhiều lần nhưng đều thất bại trong nỗ lực cho tên lửa Falcon của hãng hạ cánh an toàn xuống một bệ đỡ chuyên biệt. Theo báo cáo, tên lửa New Shepard được phóng đi từ bãi thử nghiệm tây Texas của Blue Origin vào lúc 1h21 giờ Việt Nam ngày hôm nay (25/11), đạt độ cao 100km (thấp hơn quỹ đạo Trái đất) và đáp trở lại bãi phóng 8 phút sau đó. Toàn bộ chuyến bay quan trọng này đã được ghi hình thành video để công bố.
Theo Mai Anh (MOITRUONG.COM.VN)