Đề xuất có Luật ứng phó biến đổi khí hậu để giảm phát thải CO2 tại Việt Nam.
12/17/2021 9:00:00 AM
Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu hiện nay không còn là nguy cơ mà thực sự đã trở thành thảm họa trên thực tế. Một hành lang pháp lý đầy đủ và rõ ràng là điều kiện tiên quyết để các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu đi theo một hệ thống, mang tính chủ động, liên ngành chặt chẽ…
Đó là những cảnh báo và khuyến nghị chung nhất của các chuyên gia, nhà khoa học môi trường, nhà nghiên cứu luật đưa ra tại hội thảo khoa học “Biến đổi khí hậu và những vấn đề pháp lý đặt ra”, do Đại học Luật TP.HCM tổ chức ngày 15.12.
Hội thảo đã mở rộng không gian trao đổi bằng kết nối trực tuyến từ TP.HCM với các diễn giả đang làm công tác thực tiễn và quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu ở Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Sở Tài nguyên và Môi trường của một số tỉnh, thành...
Hội thảo nhận được 31 tham luận từ các tác giả là những chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn và quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu... CTV
Tác động của biến đổi khí hậu bị thổi phồng
TS. Phạm Văn Võ (Phó Trưởng khoa Luật Thương mại, Đại học Luật TP.HCM) cho biết, hiện nay Việt Nam vẫn chưa có đạo luật riêng về biến đổi khí hậu. Các nội dung liên quan đến biến đổi khí hậu được quy định ở nhiều văn bản khác nhau, chưa có một luật quy định toàn diện, làm cơ sở pháp lý để việc ứng phó với biến đổi khí hậu có hiệu quả hơn.
“Nói về tác động của biến đổi khí hậu, ở Việt Nam hiện nay đã xuất hiện tình trạng cần lưu ý là một số cơ quan, nhà quản lý thổi phồng những tác động của biến đổi khí hậu, quy buộc cho nó những tác động một cách không có căn cứ khoa học và thực tiễn, nhằm biện minh cho những yếu kém trong hoạt động quản lý, như tình trạng bất kỳ hậu quả nào liên quan đến môi trường: ngập lụt, ô nhiễm môi trường… đều bao biện là do biến đổi khí hậu gây ra”, TS. Võ thẳng thắn nói.
Theo TS. Võ, các luật và văn bản dưới luật hiện chỉ thấp thoáng vấn đề biến đổi khí hậu và có rất ít công cụ pháp luật để thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Còn có những chỗ hổng về khung pháp lý, cơ chế chính sách về phối hợp, về các hoạt động ưu tiên trong ứng phó với biến đổi khí hậu...
Trong khi đó, các kết quả nghiên cứu gần đây đã đưa ra những số liệu chứng minh sự tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam là rất nghiêm trọng. Tác động của biến đổi khí hậu sẽ gây ảnh hưởng đến hầu hết các khía cạnh của phát triển kinh tế - xã hội như: ngành nông nghiệp (diện tích canh tác bị giảm sút do nước biển dâng, thay đổi tính thích hợp của nền sản xuất nông nghiệp với cơ cấu khí hậu, giảm năng suất, mất mùa do thiên tai…), năng lượng, giao thông vận tải, y tế, giáo dục…
Báo cáo kết quả nghiên cứu về tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu của tổ chức DARA International (năm 2012) chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu có thể làm Việt Nam thiệt hại khoảng 15 tỷ USD mỗi năm, tương đương khoảng 5% GDP. Nếu Việt Nam không có giải pháp ứng phó kịp thời, thiệt hại do biến đổi khí hậu ước tính có thể lên đến 11% GDP vào năm 2030.
“Biến đổi khí hậu là vấn đề rất quan trọng và phức tạp, nên rất cần thiết có một đạo luật chuyên về lĩnh vực này. Một đạo luật như vậy sẽ góp phần khắc phục tình trạng tản mạn, mâu thuẫn, chồng chéo của các quy định pháp luật do nhiều cấp, nhiều ngành ban hành vào nhiều thời điểm khác nhau và xuất phát từ nhiều góc độ lợi ích mâu thuẫn nhau, thậm chí khắc phục được cả tâm lý chờ đợi các văn bản dưới luật, bỏ qua việc thi hành luật…”, TS. Võ bày tỏ.
Theo dự báo của DARA International, nếu Việt Nam không có giải pháp ứng phó kịp thời, thiệt hại do biến đổi khí hậu ước tính có thể lên đến 11% GDP vào năm 2030. Trong ảnh: Hạn hán ở An Giang đã làm các mương chứa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cạn trơ đáy, đất nứt nẻ, nhiều cánh đồng lúa hết khô… Ảnh: TL
TS. Chu Thị Thanh Hương (Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Việt Nam đã cam kết làm việc với cộng đồng quốc tế để ứng phó với biến đổi khí hậu, được phản ánh trong phạm vi các chính sách quốc gia và các hành động cụ thể đã hoặc đang được thực hiện để chống lại sự thay đổi khí hậu.
Theo đó, Việt Nam cam kết đến năm 2030, bằng nguồn lực trong nước sẽ giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường và có thể giảm tiếp đến 25% nếu nhận được sự hỗ trợ quốc tế...
“Theo kết quả kiểm kê khí nhà kính năm 2014 và kịch bản phát triển thông thường đến năm 2030, phát thải khí nhà kính lĩnh vực chất thải có xu thế tăng dần trong các năm 2014, 2020, 2025, 2030, xếp thứ 2 trong 5 lĩnh vực: năng lượng, nông nghiệp, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp, chất thải và các quá trình công nghiệp. Xu thế này có thể dẫn đến phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực chất thải sẽ trở thành một trong những nguồn phát thải chính trong tương lai…”, TS. Hương nhận định.
PGS-TS. Nguyễn Văn Vân (nguyên Trưởng Khoa Luật Thương mại, Đại học Luật TP.HCM) và TS. Võ Trung Tín (Trưởng Bộ môn Luật Đất đai - Môi trường, Khoa Luật Thương Mại, Đại học Luật TP.HCM) điều hành thảo luận. Ảnh: CTV
Thị trường các-bon tại Việt Nam còn nhiều thách thức
Theo TS. Võ Trung Tín (Trưởng Bộ môn Luật Đất đai – Môi trường, Khoa Luật Thương mại, Đại học Luật TP.HCM) và Nguyễn Quốc Đạt (Công ty TNHH VinaUcare), trên thế giới, thị trường các-bon đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, hướng đến cuộc “cách mạng” bảo vệ môi trường trong tương lai.
Thực tiễn đã chứng minh vai trò rất tích cực của thị trường các-bon trong cơ chế ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian qua - một thị trường rất đặc biệt với hàng hóa được đem ra trao đổi là các hạn mức phát thải.
Ngoài giá trị nhân văn mà loại hình thị trường này mang lại, khi đã góp phần vào kết quả giảm nhẹ lượng khí thải nhà kính - là nguyên nhân chính gây nên hiện tượng nóng lên của trái đất trong những thế kỷ qua, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cho những thế hệ tương lai, thị trường các-bon cũng đã ngày càng mang lại những giá trị kinh tế và khoa học kỹ thuật tiềm năng cho các quốc gia áp dụng, vận hành thị trường này.
Có thể dễ dàng nhận thấy một số quốc gia, khu vực đã và đang vận hành tốt loại hình thị trường các-bon trong những năm qua như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan hay điển hình là Liên minh Châu Âu (EU) - với tuổi thọ của thị trường các-bon được xem là lâu đời nhất trên thế giới, đã thu về những mức lợi nhuận kinh tế đáng mơ ước, thông qua lượng phát thải trao đổi chiếm tỷ trọng đóng góp lớn vào tổng mức phát thải toàn cầu.
Theo kịch bản phát triển thông thường, dự kiến năm 2025 Việt Nam có tổng phát thải là 726,2 triệu tấn CO2 quy đổi, đến năm 2030 con số này gia tăng thành 927,9 triệu tấn CO2 quy đổi. Ảnh: TLTT
Tại Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã lần đầu tiên đưa chế định thị trường các-bon vào trong quy định và thể hiện dưới dạng một công cụ kinh tế cho bảo vệ môi trường, với các nội dung được xem là nền tảng quan trọng hướng đến tổ chức và phát triển thị trường này tại Việt Nam.
Tuy nhiên, những quy định hiện đang tồn tại trong Luật chưa thật sự có thể đưa thị trường các-bon vào vận hành để phục vụ đời sống, kinh tế, xã hội Việt Nam trong thời gian gần, bởi những quy định đó còn mang đến một số thách thức nhất định đặt ra cho hệ thống pháp luật nước nhà, trước khi mong muốn đạt được những giá trị tích cực mà thị trường các-bon mang lại.
Các thách thức đó là: Quy định về thị trường các-bon còn thiếu tính minh bạch và thống nhất; Chủ thể tham gia thị trường các-bon còn chưa thật sự đầy đủ; phạm vi áp dụng của thị trường các-bon còn chưa được đề cập một cách rõ ràng; các quy định về quy chuẩn, kỹ thuật, đo đạc lượng khí thải nhà kính chưa được quy định rõ ràng và có hệ thống; chế tài xử lý các hành vi vi phạm quy định trên thị trường các-bon chưa được đề cập…
“Nếu nhìn các quốc gia có thị trường các-bon phát triển và đang ngày càng hoàn thiện thì có thể thấy rằng những quy chế pháp lý liên quan đến loại hình thị trường này rất chặt chẽ, đồng thời phải trải qua nhiều giai đoạn thử nghiệm, vận hành thì mới thu về kết quả trọn vẹn”, hai tác giả cho biết.
Theo TS. Phan Thị Thành Dương (Trưởng Bộ môn Luật Tài chính – Ngân hàng, Khoa Luật Thương mại, Đại học Luật TP.HCM) và ThS. Nguyễn Thị Thu Hiền (Khoa Luật Thương mại, Đại học Luật TP.HCM), thách thức trong việc bảo vệ môi trường đã đặt ra yêu cầu điều chỉnh bằng các công cụ pháp luật tác động vào lợi ích vật chất của các chủ thể gây ra tác động tiêu cực về môi trường. Thuế carbon được xem là một công cụ như vậy.
Thuế carbon là loại thuế áp dụng đối với lượng khí CO2 phát thải của quá trình đốt cháy nhiên liệu hoá thạch. Cơ sở nền tảng áp dụng thuế carbon là đưa ra chi phí bổ sung cho mỗi tấn CO2 phát thải vào khí quyển nhằm mục đích nội hóa các chi phí ngoại tác do phát thải CO2 gây ra cho xã hội.
Thuế carbon sẽ được tính toán để bù đắp những phí tổn xã hội của việc phát thải CO2 như chi phí khắc phục sự cố môi trường. Nói cách khác, thuế carbon được thiết kế để giảm thiểu hoặc loại bỏ các ngoại ứng tiêu cực từ việc phát thải CO2.
"Ở Việt Nam, thuế carbon là vấn đề còn rất mới mẻ, chỉ mới được các chuyên gia, các nhà nghiên cứu đề cập tới trong vài năm gần đây. Vì vậy, việc nghiên cứu làm rõ vai trò cũng như khả năng áp dụng thuế carbon ở Việt Nam là cần thiết. Đây là “bước đi” quan trọng tiến tới hoàn thiện hệ thống các biện pháp tài chính nói chung, hoàn thiện pháp luật thuế nói riêng trong việc điều tiết vào hành vi phát thải khí nhà kính góp phần hạn chế biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững.
Đây cũng chính là hành động cụ thể của Việt Nam trong tiến trình thực hiện cam kết của nước ta về giảm phát thải CO2 theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu…”, hai tác giả khuyến nghị.
(Theo Người đô thị)
Lượt xem : 1129