Đề xuất này đã được Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản (JEBO) trình bày với UBND TP Hà Nội trong cuộc họp đánh giá kết quả thí điểm làm sạch sông Tô Lịch từ cuối tháng 10 và được JEBO công khai ngày 3/12. Theo đề xuất này, JEBO sẽ xây các bể đặt ngầm dưới lòng đất, thu gom nước thải vào đó và sử dụng công nghệ máy Nano và tấm vật liệu Bioreator để
xử lý nước thải trước khi đổ ra sông Tô Lịch. "Nước thải đã qua xử lý tại bể ngầm sẽ là nguồn nước bổ cập tại chỗ cho sông. Hệ thống Nano-Bioreactor xử lý mùi, chất ô nhiễm, phân hủy bùn hữu cơ ở trong lòng sông để tạo dòng chảy", chuyên gia của JEBO giải thích. Tại phiên họp tổ của HĐND TP Hà Nội chiều 3/12, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết đã giao cho JEBO xử lý mùi, làm sạch một hồ nước đọng trên địa bàn thành phố. "Vì công nghệ của đơn vị này phù hợp với các khu vực nước đọng", ông Chung nói và cho biết thành phố cũng đề nghị JEBO mời hội đồng khoa học độc lập có năng lực, kinh nghiệm để thẩm định đánh giá khách quan.
Theo VnExpress,
Dự án thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor bắt đầu từ 16/5 trên một đoạn sông dài khoảng 300 m. Sau gần 6 tháng, thí điểm kết thúc với kết quả ban đầu mùi hôi đã giảm, nhưng nước vẫn có màu đen, không khác biệt so với những khu vực khác. Ngày 29/11, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết chính quyền thủ đô đã nghiên cứu các phương án làm sạch sông Tô Lịch. Ông Dục đánh giá phương án dùng công nghệ Nano-Bioreator "chưa thành công" và thành phố đang xây dựng hệ thống cống thu gom nước thải đặt dọc hai bên bờ sông để đưa về xử lý tại nhà máy Yên Xá. Dự kiến năm 2021 hệ thống này sẽ hoàn thành và giải quyết được vấn đề ô nhiễm sông Tô Lịch. Ngày 1/12, phản hồi ý kiến của Sở Xây dựng Hà Nội, ông Tadashi Yamamura, Chủ tịch JEBO cho rằng kết quả thí điểm "đã đạt được mục tiêu đặt ra và thành công như dự kiến. Phát biểu của Giám đốc Sở xây dựng Hà Nội là vô căn cứ, không hiểu mục tiêu".