Để thảm họa chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam không tái diễn: Phải thường xuyên giáo dục và thức tỉnh lương tri con người.
8/11/2016 1:26:00 PM
(VACNE, 11/8) - Đây là tâm nguyện và cũng là mục tiêu hành động trong suốt nhiều năm qua của tập thể các nhà khoa học của Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam.
Khi cả nước đang có nhiều hoạt động kỷ niệm 55 năm thảm họa chất độc da cam/Dioxin ở Việt Nam (10/8/1961 – 10/8/2016) thì các chuyên gia của Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam vẫn âm thầm vào cuộc, với những hành động cụ thể, phù hợp với khả năng của mình.
Với kinh nghiệm nhiều năm ở cương vị Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (từ 1998-2003), ông Chủ tịch đã cùng với các chuyên gia của Hội BVTN&MT Việt Nam làm tốt nhiệm vụ tư vấn xây dựng cơ sở khoa học kỹ thuật cho Khu chứng tích Chiến tranh hóa học tại A Lưới (Thừa Thiên - Huế) và đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua vào cuối năm 2012.
.
Sáng kiến xây dựng Khu chứng tích Chiến tranh hóa học tại A Lưới, không chỉ nhằm góp phần giảm bớt nỗi đau cho hàng triệu nạn nhân chất độc Da cam /Dioxin, cứu vớt môi trường, đáp ứng nguyện vọng dân chúng trong nước, mà còn tạo dựng một trung tâm truyền thông, thức tinh lương tri loài người về chiến tranh. Khu chứng tích chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam còn là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, yêu hòa bình, thúc đẩy nghiên cứu khắc phục hậu quả của chất độc da cam/Dioxin. Đây cũng là bằng chứng phục vụ cho mục tiêu đấu tranh lâu dài, đòi các công ty hóa chất và chính phủ Mỹ phải bồi thường tổn hại về môi trường và sinh mạng con người do họ gây ra tại Việt Nam.
Các chuyên gia của VACNE và Hàn Quốc đang thu thập mẫu đất nhiễm Dioxin tại A Lưới (Ảnh: Danh Trường)
Ngoài ra, các nhà khoa học của Hội BVTN&MT Việt Nam còn có nhiều đóng góp cho các Chương trình khoa học công nghệ về xử lý tồn lưu Dioxin. Hiện nay, Hội còn phối hợp với một số đơn vị của Hàn Quốc nghiên cứu thử nghiệm Dioxin bằng công nghệ vi sinh, góp phần xóa đói giảm nghèo cho huyện A Lười và phát triển bền vững cho địa phương.
Được biết, trong chiến tranh tại Việt Nam, quân đội Mỹ đã phun rải 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó chứa hơn 360 kg Dioxin, làm nhiễm độc hàng triệu ha đất, rừng, làm cho gần 5 triệu người bị nhiễm và phơi nhiễm (đã xuất hiện những nạn nhân thế hệ thứ 4.). Trong đó, có rất nhiều nạn nhân đã chết hoặc đang mắc các bệnh hiểm nghèo./.
Văn phòng VACNE
Lượt xem : 2553