Vietnamese English
Để doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng: Cần biện pháp chế tài mạnh

8/28/2009 11:32:00 AM

(SGGP).- Hơn 80% nguồn năng lượng sử dụng tại nước ta là nhiên liệu hóa thạch có nguồn gốc hữu cơ. Quá trình đốt cháy nhiên liệu khi sử dụng là nguyên nhân khiến cho môi trường ngày càng bị ô nhiễm. Trên thực tế, TPHCM và Hà Nội đã được xếp vào top 10 thành phố có nồng độ khí thải độc hại cao nhất thế giới.

 

Lãng phí năng lượng: Ngành nào cũng có

Sự ô nhiễm này, theo ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công thương, là do mức độ sử dụng năng lượng của nước ta cao hơn mức trung bình cần thiết, so với các nước trong khu vực và thế giới. Thực trạng sử dụng lãng phí năng lượng tồn tại hầu như trong tất cả các ngành như sản xuất công nghiệp, xây dựng dân dụng và giao thông.

Đơn cử như hiệu suất sử dụng nguồn năng lượng trong các nhà máy điện đốt than và dầu chỉ đạt 28% đến 32%, thấp hơn so với các nước phát triển là 10%; hiệu suất các lò hơi công nghiệp chỉ đạt 60%, thấp hơn mức trung bình trên thế giới là 20%. Ước tính, năng lượng tiêu hao trên một đơn vị sản phẩm các ngành công nghiệp chính cao hơn khoảng 1, 5 – 1,7 lần so với các nước trong khu vực và các nước phát triển.

Cụ thể, để sản xuất ra 1 tấn thép từ nguyên liệu quặng, các nhà máy thép của ta cần 11,32 đến 13 triệu Kcal, trong khi các nước phát triển trên thế giới chỉ ở mức 4 triệu Kcal. Còn luyện thép từ thép phế liệu thì các doanh nghiệp nước ta phải tiêu tốn 2,82 triệu Kcal, cao hơn so với các nước trên thế giới 2 triệu Kcal.

Khảo sát của Bộ Công thương cho thấy, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong các ngành kinh tế hiện rất lớn. Trong các ngành nghiệp sản xuất xi măng, thép, sành sứ, đông lạnh, sản xuất hàng tiêu dùng có thể tiết kiệm 20%; lĩnh vực xây dựng dân dụng, giao thông vận tải 30%; khu vực sinh hoạt và thương mại dịch vụ khoảng 20%...

Dây chuyền sản xuất hiện đại tại Xí nghiệp Hương Việt, quận 9 TPHCM đã tiết kiệm đáng kể nguồn năng lượng sử dụng. Ảnh: M.X.

Điều đáng nói, có đến hơn 80% nguồn năng lượng sử dụng tại nước ta là nhiên liệu hóa thạch. Nhiên liệu sinh học cũng đã có nhưng chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Đây chính là nguyên nhân khiến cho môi trường tại các thành phố lớn của Việt Nam đã và đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Thanh Nhã, Phó Chi cục Bảo vệ Môi trường Sở TN-MT TPHCM, cho biết, chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2009, nồng độ các chất ô nhiễm như benzen, chì, bụi tổng CO2, SO trong không khí tăng đáng kể, nhất là tại các nút giao thông có mật độ phương tiện lưu thông cao như vòng xoay Hàng Xanh, Điện Biên Phủ, An Sương, Cây Gõ… Tình trạng này đã tồn tại qua nhiều năm và cho đến nay vẫn chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả.

Khuyến khích hay chế tài

Theo ông Nguyễn Bá Vinh, Trưởng ban quản lý dự án Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, năng lượng sử dụng nhiều sẽ kéo theo hệ quả tất yếu là không khí bị ô nhiễm. Từ năm 2003 đến nay, Ban quản lý dự án đã tiến hành khảo sát để xác định nguyên nhân dẫn đến thực tế trên. Chủ yếu là do công nghệ sản xuất của Việt Nam còn quá lạc hậu.

Cả nước có khoảng 30.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng có đến 80% doanh nghiệp có công nghệ sản xuất lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng. Thậm chí, TPHCM được xác định là thành phố công nghiệp chủ lực của cả nước, nhưng cũng chỉ có 1% doanh nghiệp có công nghệ sản xuất hiện đại.

Cải tiến công nghệ là cách để sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, từng bước giảm thiểu khí thải gây ô nhiễm môi trường nhưng rất khó thực hiện. Các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này. Dự án hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tài trợ đang được triển khai.

Theo đó, doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới công nghệ, áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng sẽ được hỗ trợ về vốn và kiểm toán năng lượng. Thế nhưng, sau gần 6 năm dự án đi vào hoạt động, chỉ có gần 200/30.000 doanh nghiệp tham gia. Do vậy, cần thiết phải có biện pháp chế tài, buộc các doanh nghiệp phải thực hiện tiết kiệm năng lượng.

Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, cho biết thêm, phát triển nguồn nhiên liệu sạch cũng là giải pháp quan trọng nhằm giảm thiểu sử dụng năng lượng hóa thạch, giảm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng các chính sách khuyến khích các nhà đầu tư bỏ vốn vào lĩnh vực sản xuất nhiên liệu sạch chưa thực tế và cụ thể.

Đơn cử như bãi rác Gò Cát được đầu tư nhà máy sản xuất điện sạch từ rác, thế nhưng, giá mua điện của Tập đoàn Điện lực Việt nam là 4cent/kWh khiến nhà đầu tư không thể có lời. Kinh nghiệm phát triển nguồn năng lượng sinh học tại Hàn Quốc cho thấy, nhà nước thu mua giá điện sạch là 12cent/kWh và bán cho người sử dụng là 10cent/kWh…

Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc đặt chỉ tiêu đến 2015, tất cả các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải bán ít nhất 2% nhiên liệu sinh học/năm. Nếu doanh nghiệp nào không đảm bảo chỉ tiêu trên sẽ bị xử phạt thật nặng, ngược lại thì sẽ được miễn giảm thuế.

Ông Nguyễn Đình Hiệp, Chánh văn phòng Tiết kiệm năng lượng Bộ Công thương khẳng định, việc Quốc hội sớm thông qua dự thảo về Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ là cơ sở để giảm thiểu mức tiêu hao năng lượng, hạn chế rủi ro có thể xảy ra do mất an ninh năng lượng và nguy cơ trở thành nước phụ thuộc sâu về nhập khẩu năng lượng trong tương lai gần ª

HOÀNG KHUYÊN

(SGGP, 28/8/2009)

Lượt xem : 2247