Vietnamese English
Để doanh nghiệp nhập phế thải, loạt quan chức Bến Tre trả giá đắt

6/10/2020 3:29:00 PM

(Vietnamnet) Tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập hàng chục tấn phế thải, lãnh đạo Sở TN-MT Bến Tre phải trả giả đắt.

Sau một ngày xét xử, tối muộn ngày 8/6, TAND TP.HCM đã tuyên án đối với các lãnh đạo của tỉnh Bến Tre.

Xét thấy, hành vi của các bị cáo đã xâm hại đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, làm thoái hoái biến chất một bộ phận cán bộ nhà nước, làm mất lòng tin của nhân dân về công chức, cán bộ nên cần phải có bản án nghiêm khắc để răn đe, phòng ngừa chung.

Để doanh nghiệp nhập phế thải, loạt quan chức Bến Tre trả giá đắt

Các bị cáo tại toà

Sau khi xem xét, HĐXX đã quyết định tuyên phạt bị cáo Đoàn Văn Phúc (nguyên Phó giám đốc Sở TN-MT) 5 năm tù; Trương Văn Em (nguyên Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh Bến Tre) 2 năm tù, Trần Thị Thùy Trang (cựu Trưởng phòng kiểm soát ô nhiễm) và Trần Thanh Phong (chuyên viên phòng kiểm soát ô nhiễm - Chi cục BVMT tỉnh) mỗi bị cáo 1 năm tù cùng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Các bị cáo nguyên là nhân viên công ty Hồng Việt là Dương Tuấn Anh (39 tuổi) 10 năm; Hà Chí Đào (37 tuổi) 4 năm và Trần Thị Hợp (27 tuổi) 7 năm tù cùng về tội “Buôn lậu”.

Buộc bị cáo Tuấn Anh nộp lại 300 triệu đồng, công ty Hồng Việt nộp lại 58 tỷ đồng tiền thu lợi bất chính.

Loạt lãnh đạo của tỉnh Bến Tre cũng phải nộp lại toàn bộ số tiền nhận từ công ty Hồng Việt.

Theo cáo trạng truy tố, năm 2014, công ty Hồng Việt do ông Lê Hữu Thêm làm giám đốc được Sở KH-ĐT TP.HCM cấp đăng ký kinh doanh với ngành nghề kinh doanh là nhập khẩu, tái chế phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và một số ngành nghề đăng ký khác. Cơ sở của công ty được đặt tại xã Nhơn Trạch, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre.

Được ông Thêm giao cho điều hành công ty, dù, công ty Hồng Việt không có máy móc thiết bị, công nghệ tái chế phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất nhưng Tuấn Anh vẫn làm hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu.

Khi tiếp nhận hồ sơ, Phong không hề kiểm tra thực tế cơ sở sản xuất mà vẫn soạn thảo Giấy chứng nhận để bị cáo Trương Văn Em duyệt sau đó trình lên cho Phúc ký, ban hành Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu.

Về phía lãnh đạo, Sở TN-MT tỉnh Bến Tre, dù lập biên bản ghi rõ công ty Hồng Việt không có thiết bị, công nghệ tái chế phế liệu nhập khẩu sử dụng làm nguyên liệu cho sản xuất, nhưng Phúc vẫn ký ban hành thông báo về lô hàng phế liệu nhập khẩu để kiểm tra, thông quan.

Sau khi có giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu, Tuấn Anh chỉ đạo nhân viên làm giả tài liệu bộ hồ sơ hải quan để thông quan lô hàng phế liệu gồm gần 46 tấn nhựa và 11 tấn sắt phế liệu.

Ngoài ra, Tuấn Anh còn sử dụng hơn 134 tỉ đồng để mua ngoại tệ của ngân hàng thanh toán cho 79 công ty mở tại 22 quốc gia để công ty Hồng Việt hưởng số tiền chênh lệch gần gần 59 tỉ đồng, Tuấn Anh hưởng lợi 600 triệu đồng.

Tại cơ quan điều tra, bị cáo Phúc khai nhận 550 triệu đồng từ công ty Hồng Việt, bị cáo Em nhận 6 triệu, Trang nhận 5 triệu và Phong nhận 3 triệu, để cho qua sai phạm của công ty này.

Theo Đoàn Nga (vietnamnet.vn)

Lượt xem : 1374