Vietnamese English
Để cứu nguồn nước sông Mê Công: Cần cách tiếp cận mới trước khi ván đã đóng thuyền

3/12/2010 5:18:00 AM

(Toquoc)-Các hiện tượng gây lo ngại cho nguồn nước trên sông Mê Công đòi hỏi một cách tiếp cận mới trong quan hệ giữa các quốc gia liên quan. Cần thảo luận, đấu tranh và tìm giải pháp thiết thực, thay vì những thỏa thuận chung chung như những năm qua trước khi ván đã đóng thuyền.

(Tổ Quốc, 11/3/2010)


Đến nay, nhiều người vẫn nhắc đến câu nói của Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat sau khi ký kết thỏa thuận hòa bình với Israel sau cuộc chiến tranh 1973: Từ giờ trở đi, Ai Cập có tiến thành chiến tranh thì chỉ vì nguồn nước sông Nil.

Ai Cập ở hạ nguồn dòng sông lớn nhất châu Phi này. Không có sông Nil thì làm sao có nền văn minh Ai Cập; không có sông Nil còn gì là Ai Cập. Không riêng gì Bắc Phi, gần đây, ngày càng nhiều cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng nước ở châu Á, cũng như nhiều khu vực khác trên thế giới; và về cuộc đấu tranh vì nguồn nước, thậm chí là chiến tranh vì nguồn nước, sẽ ngày càng quyết liệt không kém gì các loại chiến tranh cổ điển và thông thường.

Báo Thái Lan chỉ trích Trung Quốc

Báo Bangkok Post cuối tháng 2 vừa rồi bình luận rằng, kể từ khi Trung Quốc hoàn thành một số đập nước, mỗi mùa khô dòng sông Mê Công lại trở nên cạn kiệt. Tình hình năm nay tồi tệ hơn năm ngoái và tương lai sẽ còn tồi hơn thế nữa khi nhiều đập đang được xây dựng ở Trung Quốc. Tác giả nhận định sông Mê Công nay khô cạn tới nỗi khó có thể gọi là một dòng sông. Thuyền đi từ khu vực Chiang Khong của tỉnh Chiang Rai, miền Bắc Thái Lan, tới cố đô Luang Prabang của Lào nay đã ngừng chạy vì nước quá cạn. Tàu chở hàng từ Trung Quốc cũng mắc kẹt tại Chiang Saen thuộc Chiang Rai. Tờ báo trích lời ông Chirasak Inthayos, điều phối viên của Hệ thống Bảo vệ Nguồn lợi Thiên nhiên và Văn hóa sông Mê Công nói rằng tình hình là xấu nhất trong hơn chục năm nay. Tới tháng 4, đỉnh điểm của mùa khô, tình hình còn tồi tệ hơn nữa. Bangkok Post chỉ trích Trung Quốc đóng cửa đập để trữ nước tại Vân Nam, cho thấy Bắc Kinh “không quan tâm gì tới sự khó khăn của người dân các nước dưới hạ nguồn”. Trung Quốc chỉ quan tâm tới người dân của mình và các ngành công nghiệp, kinh doanh và nông nghiệp đang ngày được mở rộng của nước này.

Mê Công - một thời thơ mộng

Tình hình nguồn nước Mê Công tồi tệ đến mức, ngày 7/3, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva cho biết Thái Lan đã sẵn sàng đàm phán với chính phủ Trung Quốc về vấn đề mực nước trên sông Mê Công sụt giảm nghiêm trọng. Ông Abhisit nêu rõ Trung Quốc hiện bị cáo buộc đã ngăn nước để sản xuất điện, khiến sông Mê Công chảy qua Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam cạn kiệt. Tuy nhiên, ông cho rằng Trung Quốc không cố ý gây ra vấn đề này. Ông Abhisit khẳng định chính phủ Thái Lan sẽ nhanh chóng tiến hành một cuộc thảo luận sâu rộng với chính phủ Trung Quốc về hệ thống quản lý nước trên sông Mê Công để khẩn trương giải quyết tình trạng cạn kiệt nước trên sông Mê Công hiện nay.

 
Sông Mê Công:  "Thượng điền tích thủy...

Theo tin của phóng viên TTXVN tại Lào, tại đoạn sông Mê Công chảy qua tỉnh Bò Kẹo (Bắc Lào), mực nước sông Mê Công xuống quá thấp khiến 21 tàu chở hàng loại 200 tấn bị mắc cạn ngày 9/3, gây cản trở giao thông đường thuỷ ở khu vực này. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, du lịch và vận tải của cả khu vực. Hội dịch vụ tàu thuyền ở Bắc Lào đã ngừng mọi dịch vụ trên tuyến sông này. Nước sông Mê Công khô cạn cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt hàng ngày của người dân nhiều vùng ở Lào. Thủ tướng Lào Bouason Buphavanh, ngày 8/3, đã đi thị sát, kiểm tra và chỉ đạo công tác chống hạn cũng như triển khai các biện pháp khắc phục tại 3 công trình thuỷ lợi lớn của thành phố Viêng Chăn nhằm đảm bảo nước tưới tiêu cho các cánh đồng màu và hàng trăm hécta lúa cũng như đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân.


... Hạ điền khan" (sông Mê Công)

Ủy ban sông Mê Công bình chân như vại

Người ta chưa nghe nói gì về 6 đập thủy điện đã và đang có kế hoạch xây dựng tại khúc sông chảy qua Lào, 3 đập thủy điện xây dựng tại Thái Lan và 2 đập xây dựng tại Campuchia. Trong khi đó, các quan chức cấp cao của 4 nước thành viên Uỷ ban sông Mê Công (MRC) gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam vẫn tiếp tục “thổi điệu kèn” hợp tác phát triển bền vững mà chưa đề ra được biện pháp để “phát triển bền vững nguồn nước” và khắc phục tình hinh cực kỳ nghiêm trọng đang xẩy ra với dòng sông cốt tử đối với 4 quốc gia MRC.

Bằng chứng là MRC tiến hành họp tới “lần thứ 31” trong hai ngày 2-3/3 tại tỉnh Luông Phabang, các đại biểu thảo luận một số vấn đề như phát triển bền vững sông Mêcông, phát triển nguồn nước và các nguồn tài nguyên liên quan, “tăng cường hợp tác với các đối tác đối thoại và các bên tham gia”. Bà Monemany Gnoibouakong, đại diện của Lào đồng thời là Chủ tịch MRC nhiệm kỳ 2009-2010, nêu rõ hợp tác không chỉ giới hạn trong 4 nước thành viên MRC mà còn với các nước đối tác đối thoại Trung Quốc và Mianmar...

Cái kiểu kêu gọi hợp tác này chưa đi đến đâu và có thể đi đến đâu? Đó là câu hỏi không phải một lần được giới quan sát quốc tế và chính những người dân trung hạ nguồn thuộc 4 nước MRC đặt ra. Bời vì trong bao năm qua, những biện pháp hợp tác của MRC với hai nước kia toàn là những vấn đề hoa lá cành, chứ còn bảo đảm dòng chảy bình thường và nguồn nước bền vững thì toàn những lời khuyến nghị không bao giờ có hiệu lực.

Tin tức từ phía Trung Quốc

Trong một bản tin Tân Hoa Xã ra cuối tháng 2 vừa rồi tuy thừa nhận một trong các yếu tố gây biến đổi môi trường sông có thể là do các công trình xây dựng đập thủy điện trên thượng nguồn Mê Công, nhưng Trung Quốc nói không chỉ một mình nước này xây đập, mà các nước khác chung dòng sông Mê Công cũng đang xây cất các công trình lớn ở hạ nguồn.

Bản tin THX còn cho hay mức nước đầu nguồn trên sông Mê Công xuống thấp nhất trong 50 năm nay, nhiều thuyền bè của Trung Quốc đã mắc cạn và cho đây là ảnh hưởng của el Nino. Hãng thông tấn chính thức của nhà nước Trung Quốc nói lượng nước chảy chỉ bằng 1/2 các năm đã khiến hàng chục chiếc thuyền mắc cạn. Hàng năm vào thời gian này, lượng nước chảy từ bình nguyên Tây Tạng là vào khoảng 400-500 m3/giây, nhưng năm nay chỉ còn 250 m3/giây. Trung Quốc cũng nói tình trạng khô hạn bất thường đã gây ra nhiều vụ cháy rừng tại tỉnh Vân Nam, một tỉnh sông Mê Công chảy qua. Trung Quốc đã phải cho đóng cửa bốn đập nước tại Vân Nam để giữ nước.

Phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh cho hay, tác động của tình trạng Trái Đất nóng lên đang ảnh hưởng tới môi trường sinh thái của Khu tự trị Tây Tạng. Các dòng sông băng bị thu hẹp ngày càng nhanh, lượng tuyết rơi giảm mạnh trong khi quá trình sa mạc hóa đất đai tăng. Từ năm 1961 tới nay, mỗi thập kỷ, nhiệt độ trung bình ở khu vực Tây Tạng đã tăng 0,32 độ C, cao hơn so với mức tăng trung bình của các khu vực khác ở Trung Quốc cũng như toàn cầu.


Trong khi đó, đợt hạn hán nghiêm trọng hiện nay ở khu vực Tây Nam Trung Quốc được dự báo sẽ kéo dài tới khi bắt đầu mùa mưa vào tháng 5 tới. Tính đến ngày 5/3 vừa rồi, hạn hán đã ảnh hưởng tới hơn 4 triệu hécta đất trồng, trong đó hơn 2 triệu hécta bị khô cằn nghiêm trọng. Khu vực bị ảnh hưởng trải dài từ Khu tự trị Choang Quảng Tây tới các tỉnh Vân Nam. Gần 1 triệu người thiếu nước sạch…

Trong hoàn cảnh đó, Trung Quốc ắt hẳn sẽ tự cứu mình trước khi cứu thiên hạ. Như vậy, Trung Quốc chặn các con sông ở Tây Nam và nắn dòng chảy để đưa nước đến các vùng đất đai canh tác và đông dân.

 
Đồng bằng sông Cửu Long nước mặn xâm thực

Ở tận vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì nước mặn tiến vào đất liền sâu tới 70 km, hiện tượng chưa từng có. Vậy thì ai cứu ta? Bạn bè, đối tác mà không quan tâm đến các vấn đề sinh tử của nhau thì làm sao? Và hợp tác như thế nào và với ai để cứu các nước hạ nguồn và đối với Việt Nam là cứu Đồng bằng sông Cửu Long? Các hiện tượng  đầy lo ngại trên toàn bộ sông Mê Công đang đòi hỏi một cách tiếp cận mới không chỉ bằng những chương trình hợp tác nửa vời, những lời hô hào chung chung và giải quyết phần ngọn như xưa nay mà cần thương lượng nghiêm túc như thủ tướng Thái Lan đề xuất giữa các quốc gia liên quan, trong đó một trong các mục tiêu trọng yếu là thuyết phục các quốc gia, trước hết là MRC ngừng kế hoạch xây các đập thủy điện mới, thay thế bằng những giải pháp điện năng khác. Tình hình cấp bách cần một cách tiếp cận mới trước khi ván đã đóng thuyền!/.

 Nguyễn Nguyên

Lượt xem : 2117