Vietnamese English
Đâu rồi 'rừng vàng, biển bạc' ?

11/7/2009 11:28:00 AM

TPO - Những con số về hậu quả bão lũ miền Trung trong những tuần qua thật buốt lòng. Bão lũ, hạn hán luôn là năm sau nghiêm trọng hơn và gây thiệt hại nhiều hơn năm trước. Lỗi tại thiên nhiên hay do chính chúng ta gây nên ?

 

 

Nước lũ ngập đến mái nhà, người dân điêu đứng. Ảnh: Việt Hương

Chúng ta nghiệm ra rằng những đóng góp từ thiện lớn nhỏ xưa nay trong cơn hoạn nạn là vô cùng quý báu và cần thiết, song không thể nào trở thành giải pháp lâu dài cho các vấn đề thiên tai.

Vả lại, người dân miền Trung cũng không thể sống mãi bằng các khoản từ thiện nhỏ nhoi này. Hơn 20 triệu người dân miền Trung cần có một tổ ấm được thiên nhiên che chở để tồn tại và phát triển như xưa kia. Làm thế nào để có lại được tổ ấm đó? Đơn giản là tìm mọi cách khắc phục triệt để những nguyên nhân đã hủy hoại ra nó.

Bởi vậy, phải trồng lại rừng trên Tây Nguyên để ngăn cản lũ. Phải trồng lại các đai rừng phi lao phòng hộ ven biển để ngăn cản bão. Phải không cho phép phát triển thủy điện trên các sông ở sườn dốc Đông Trường Sơn; không cho phép khai thác vàng bừa bãi ở vùng đầu nguồn để hạn chế xói mòn và lũ bùn cát; phải cấm khai thác quặng eminit, ti-tan, cấm xuất khẩu cát ở các bãi bồi ven biển. Phải cấm biến các khu rừng phi lao phòng hộ ven biển thành các resorts v.v...

Ai có thể cấm những việc làm có bản chất tàn phá thiên nhiên môi trường nói trên? Chỉ có Nhà nước, chỉ có Chính phủ. Nếu Nhà nước và Chính phủ không thể tổ chức được cho dân trồng lại rừng trên cao nguyên và ven biển, không thi hành được các lệnh cấm nói trên thì việc hơn 20 triệu dân nghèo miền Trung phải bỏ quê ra Hà Nội hay vào Sài Gòn để tìm cách mưu sinh, hoặc phải trả hàng trăm triệu đồng để được đi lao động vất vả ở nước ngoài sẽ là chuyện nhãn tiền. Chẳng cần phải đợi lâu nữa đâu.

Tiếc thay, giấy phép vẫn được cấp vô tôi vạ để phá rừng phi lao ven biển lấy nơi khai thác cát, ti tan xuất khẩu và xây dựng resorts; hàng ngàn héc-ta rừng trên cao nguyên vẫn được cho phép "chuyển đổi" thành rừng cao su để lấy mủ giúp cho ngành công nghiệp ô-tô của nước láng giềng; các nhà máy thuỷ điện vẫn mọc lên trên sườn Đông Trường Sơn, đẩy người dân bản địa đến nơi định cư mới không có nguồn kiếm sống và rốt cục, họ lại phải phá rừng; rồi khai tác các loại tài nguyên vô tội vạ sẽ đóng góp không nhỏ vào thảm hoạ môi trường đã trở nên rất nghiêm trọng này.

Lòng tham và tầm nhìn hạn hẹp sẽ đưa chúng ta về đâu? Tương lai đích thực của hơn hai mươi triệu đồng bào khúc ruột miền Trung sẽ đi về đâu? Chúng ta sẽ để lại được những gì cho con cháu mai sau từ khối tài sản non sông gấm vóc, rừng vàng biển bạc mà cha ông ta đã gìn giữ được để truyền lại cho chúng ta?

(Tiền Phong, 6/11/2009)

Lượt xem : 2533