Vietnamese English
Đấu giá tài nguyên: Muộn còn hơn không!

3/20/2010 3:33:00 PM

Chủ trương đấu giá và áp dụng "thị trường hóa" giá đền bù trước khi chủ đầu tư thực hiện quyền sử dụng đất, nay thêm đấu giá quyền thăm dò khoáng sản, đấu giá mỏ; bán thông tin, dữ liệu để nộp cho ngân sách, là những quyết định "muộn còn hơn không".

Mới  đây, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho biết: sẽ đấu giá quyền thăm dò khoáng sản, đấu giá mỏ; thương mại hóa thông tin, dữ liệu để nộp cho ngân sách nhà nước nhiều hơn.

Chủ trương đấu giá và áp dụng "thị trường hóa" giá đền bù trước khi chủ đầu tư thực hiện quyền sử dụng đất, nay thêm đấu giá quyền thăm dò khoáng sản, đấu giá mỏ; bán thông tin, dữ liệu để nộp cho ngân sách, là những quyết định "muộn còn hơn không".

Câu chuyện của thập kỉ trước

Nhớ lại năm 1995, ngành địa chất Việt Nam lần đầu tiên công khai thực hiện cơ chế thị trường trong nghiên cứu, đánh giá trữ lượng và chất lượng quặng bằng việc Liên đòan địa chất Miền Nam khai trương Trung tâm dịch vụ phân tích mẫu quặng tại 200 Lý Chính Thắng (Thành phố Hồ Chí Minh). Đây là bước đột phá của người đứng đầu Liên đòan: Giám đốc Liên đòan, Anh hùng thời kỳ đổi mới Nguyễn Xuân Bao.

Khi đó, phòng thí nghiệm chỉ được bổ xung thêm máy phân tích và đội ngũ sẵn có của Liên đòan đã mang về cho đơn vị những doanh thu đầu tiên để bù đắp thêm cho đời sống của nhân sự trong biên chế "Ăn cơm dương gian, nói chuyện âm phủ" - những nhà khoa học địa chất.

Trước đó, cán bộ  các liên đòan thủy văn miền Bắc (Liên đòan 2), miền Trung (Liên đòan 7), miền Nam (Liên đòan 8) đã nhạy bén phối hợp với chưong trình nước sạch nông thôn do UNICEF cung cấp tài chính để thực hiện các hợp đồng khoan giếng nước sạch cho vùng nông thôn; vùng sâu, vùng xa. Các chủ đồn điền cà phê ở Tây Nguyên, chủ vựa nuôi tôm ở Khánh Hòa, Sóc Trăng, Cà Mau...khi cần nguồn nước ngọt để hòa với nước biển nuôi tôm nước lợ đều tìm đến các liên đòan địa chất thủy văn.

Tiếc rằng, sự "bung ra" chạy theo diện tích trồng mới cà phê, nuôi tôm và yếu tố kỹ thuật dần bị buông lỏng làm cho chất lượng nguồn nước ngầm bị biến chất, gây sụt lún nền địa chất ở một số khu vực...

Cuối những năm 1990, trong các công ty TNHH khai thác mỏ; khoan nước ngầm có bóng dáng một số kỹ sư đã từng biên chế tại các liên đòan địa chất I (Việt Bắc), 8 (Miền Nam). Những tri thức, nội dung từ các báo cáo địa chất mà họ đã tham gia đi thực địa, thu thập số liệu và viết báo cáo đánh giá... cũng đi theo.

Trong khi đó, các bản báo cáo theo đề tài Nhà nước giao hàng năm được xếp vào một góc tủ hồ sơ của Cục địa chất Việt Nam tại Hà Nội để chờ xem năm tới có kinh phí Nhà nước bổ xung làm tiếp hay không. Tài sản Nhà nước: tọa độ các điểm mỏ, trữ lượng dự báo, chất lượng quặng.. đã bị thất thóat bởi sự ra đi của những người địa chất này.



Khai thác khoáng sản ở Thái Nguyên. Ảnh: thainguyentv.vn

Trong khi tài sản được bảo quản trong kho lưu trữ, thì bên ngòai thị  trường, những thông tin về các điểm quặng bị  "nhiễu lọan". Một điểm quặng có vô số những kết luận đánh giá về trữ lượng, hàm lượng và khả năng khai thác; các tài liệu, bản đồ thật giả, ngụy tạo âm thầm nửa kín nửa hở được trao cho các chủ đầu tư; một đội ngũ các cò "địa chất", người dẫn đường ra đời...

Và trong cuộc chạy đua với các đối thủ hữu hình và vô hình chạy đua giành quyền thăm dò, khai thác, có những chủ đầu tư đã mất hàng chục tỷ đồng để rồi nhận ra những số liệu; bản đồ và kết luận về điểm mỏ mà họ nhận được là hàng giả, hàng "kém phẩm chất".

Những năm gần đây, được sự phân cấp cho phép các địa phương cấp phép khai thác tận thu các mỏ nhỏ; mỏ không có khả năng khai thác công nghiệp, các tỉnh đã ồ ạt cấp phép. Việc khai thác chế biến quặng bằng thiết bị lạc hậu, manh mún, bừa bãi làm thất thóat  tài nguyên và hủy họai môi trường xảy ra nghiêm trọng tại Quảng Nam; Nghệ An; Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hà Giang... Theo thống kê, chỉ trong 4 năm gần đây, các địa phương đã cấp trên 4.000 giấy phép khai thác khóang sản, trong cùng thòi gian trên; Bộ công thương chỉ cấp phép cho 100 dự án...

Cách làm của tỉnh Phú Yên

Giữa năm 2008, tỉnh Phú  Yên đã tổ chức đấu giá công khai quyền khai thác mỏ Đi-a-tô-mít ở huyện Tuy An có trữ lượng dự báo khoảng 90 triệu m3 nhằm chấm dứt tình trạng khai thác và sử dụng lãng phí nguồn tài nguyên khóang sản có trữ lượng lớn nhất cả nước ở đây. Diatomit là khoáng sản có giá trị cao, có thể sử dụng trong 300 lĩnh vực sản xuất công nghiệp: sản xuất rượu bia, bột lọc, vật liệu xây dựng cao cấp, phụ gia công nghiệp lọc hóa dầu và với công nghệ cao có thể sử dụng làm thành phần màng lọc máu trong y tế.

Từ trước đến nay, người dân ở đây vẫn đào quặng Đi-a-tô-mít bằng xẻng, phơi khô, nghiền nhỏ cho vào bao bán với giá hơn 300.000 đồng/tấn cho các chủ vựa mua về  làm sạch hồ nuôi tôm.  Trong khi đó, giá Đi-a-to-mit ở Mỹ, rẻ hơn ở châu Âu, dao động trong khoảng 370 - 420 USD/tấn.

Để tổ chức đấu thầu, tỉnh phú Yên kiên quyết thu hồi quyền khai thác mỏ đã cấp cho một doanh nghiệp địa phương liên doanh với đòan địa chất đóng trên địa bàn tỉnh. Cuộc đấu tranh giữa các cơ quan chính quyền tỉnh với các chủ mỏ cũ diễn ra quyết liệt, giằng co và bị tác động bởi nhiều ý kiến xin trì hõan hoặc ngăn chặn từ nhiều phía.

Cuối cùng, căn cứ vào hiệu quả khai thác, tình trạng thất thóat tài nguyên thô, những lộn xộn về trật tự an tòan xã hội trên khu vực mỏ và sự thừa nhận của các chủ mỏ về khả năng chế biến sâu như yêu cầu của tỉnh là không đạt...việc thu hồi đã hòan tất.

Trước khi tổ chức đấu thầu, tỉnh phú Yên nêu rõ  với các nhà thầu những yêu cầu về tư cách pháp nhân, lý lịch chuyên môn; công nghệ, khả  năng tài chính, cam kết mức độ chế biến bằng tên sản phẩm cụ thể và nhấn mạnh tiêu chí hàng đầu là không cho phép "xuất khẩu nguyên liệu thô chưa qua chế biến". Qua phương tiện thông tin đại chúng, trang tin điện tử của sở chuyên ngành và cả những buổi giới thiệu công khai về hồ sơ đánh giá địa chất của khu vực mỏ cho các nhà thầu, tỉnh Phú Yên đã chọn được công ty đáp ứng được những tiêu chí đề ra.

Bộ Tài nguyên Môi trường có thể khắc phục sự "muộn" triển khai chủ trương đấu giá khi trao quyền và cung cấp thông tin về các mỏ khóang sản từ kinh nghiệm cách làm của tỉnh Phú Yên. Trước hết, phải kiên quyết thu hồi những mỏ đã cấp phép nhưng thủ tục pháp lý chưa hòan chỉnh hoặc sai phạm, chủ đầu tư không có năng lực khai thác chế biến và vi phạm những tiêu chí về môi trường... Vạn sự khởi đầu nan. Vấn đề là chúng ta có quyết tâm làm hay không.

 

Nghệ An dừng cấp phép khai thác khoáng sản

Tỉnh cũng đình chỉ hoạt động của các doanh nghiệp có giấy phép khai thác đá xây dựng thông thường tại huyện Quỳ Hợp.

Từ ngày 20/3, tỉnh Nghệ An tạm đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản đối với các doanh nghiệp đã được cấp phép khai thác nhưng chưa ký hợp đồng thuê đất, ký quỹ phục hồi môi trường và vi phạm về môi trường, vi phạm các quy định về khai thác mỏ như khai thác không đúng thiết kế, không đúng quy trình, không đủ thủ tục pháp lý...

Trước đó, từ 1/3, tỉnh cũng tạm dừng việc cấp giấy phép mới khai thác tất cả các loại khoáng sản do Ủy ban Nhân dân tỉnh cấp phép để kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh, lập lại trật tự trong hoạt động khoáng sản.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, rà soát lại 12 giấy phép khai thác khoáng sản quá 12 tháng nhưng doanh nghiệp không tiến hành xây dựng cơ bản mỏ và chưa tiến hành khai thác để tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh thu hồi giấy phép.

Tỉnh cũng đình chỉ hoạt động của các doanh nghiệp có giấy phép khai thác đá xây dựng thông thường tại huyện Quỳ Hợp nhưng sản phẩm khai thác được là đá vôi trắng.

Các sở, ngành, địa phương được yêu cầu thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về lĩnh vực quản lý hoạt động khoáng sản; chủ động đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh thành lập các đoàn thanh, kiểm tra hoạt động khoáng sản; đảm bảo các tổ chức hoạt động khoáng sản phải được thanh, kiểm tra định kỳ về an toàn lao động, sử dụng lao động, đất đai, môi trường, vật liệu nổ công nghiệp và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An đang xây dựng khu vực tạm cấm hoạt động khoáng sản đối với lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và an ninh quốc phòng.

Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam phối hợp với các ngành, địa phương hoàn thành xây dựng quy hoạch khu công nghiệp chế biến khoáng sản tại khu vực sông Dinh.

Theo Nguyễn Văn Nhật (Vietnam+)

(Tuần Việt Nam, 20/3/2010)

Lượt xem : 1862