Dấu chân voi thời Ngô dưới rặng duối 18
4/7/2013 5:56:00 PM
Hậu duệ đời thứ hơn 70 của dòng họ Dương (họ của bố vợ vua Ngô Quyền) kể “bao đời nay chúng tôi tôn kính rặng duối cổ ở Thôn Cam Lâm (Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội) như tôn kính một vị thần vì đó là nơi vua Ngô từng buộc voi chiến, ngựa chiến khi chuẩn bị ra trận.”
Thôn Cam Lâm (Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội), nơi 18 cây duối còn lại trước đây là cả trăm cây mọc dài hàng cây số. Đây cũng là nơi vua Ngô Quyền từng làm chỗ buộc voi chiến, ngựa chiến sau các cuộc tập trận để chuẩn bị tiến về vùng cửa sông Bạch Đằng đánh quân Nam Hán, chấm dứt 1.000 năm Bắc thuộc. Thôn Cam Lâm đã sinh ra Ngô Quyền, người con tuấn kiệt, dẹp tan quân xâm lược, lập ra vương triều Đại Việt.
Rặng duối ấy còn là biên giới ngăn cách đất của tướng Ngô Quyền (khi chưa lên ngôi vua) với các họ khác. Từ rặng duối quay vào khu vực trong đền hiện giờ là đất của tướng Ngô Quyền. Quy ước ấy thực hiện từ năm 944 (năm vua Ngô Quyền mất) đến tận bây giờ.
Rặng duối 18 cây là hình tượng huyền thoại kết hợp với hiện thực, làm tăng thêm giá trị của quần thể di tích. Rặng duối còn là một dải nơ xanh ôm chặt lấy làng cổ, đem lại sự bình an cho mọi người. Rặng duối là một quần thể sinh học, đồng thời là một vầng sáng tâm linh, toát lên chí khí của tiền nhân gắn kết hồn thiêng dân tộc, tổ tiên với con cháu mọi thế hệ.
Đường Lâm xưa kia là vùng đất gò đồi và rừng cây rậm rạp. Sáng ra thấy dấu chân voi, đêm nghe tiếng hổ gầm. Từ rặng duối đến đồi Gầm - nơi hổ từng về gầm gừ suốt ngày đêm - tướng Ngô Quyền đã cho phát quang làm bãi huấn luyện quân lính. Rừng rú hết dần, thú dữ cũng không bén mảng đến nữa.
"Từ bao đời nay người dân chúng tôi tôn kính rặng duối cổ này như tôn kính một vị thần. Không ai dám thất kính, chặt phá. Vì đó là nơi vua Ngô từng buộc voi chiến, ngựa chiến khi chuẩn bị ra trận. Tôn trọng vua, dân làng chúng tôi gìn giữ cả những gì thuộc về ngài, thuộc về lịch sử", ông Dương Hữu Số, hậu duệ đời thứ hơn 70 của dòng họ Dương (họ của bố vợ vua Ngô Quyền), nói.
Ông bảo lá duối có tác dụng chữa một số bệnh. Người mới ốm dậy muốn lấy lá duối xông giải cảm, giải tan độc cũng phải xin phép làng chứ không được tự ý cầm dao cầm liềm cắt lá chặt cành, dù là cành nhỏ. Và người xin cũng chỉ dám lấy liềm cắt một nắm lá nhỏ vừa đủ nấu.
Có lần người làng khác đến chặt cả cành về xông, người làng Cam Lâm bắt phạt tiền cảnh cáo. "Người trong làng không ai dám vi phạm - ông Số khẳng định - Chúng tôi được người lớn giáo dục từ nhỏ nên ai cũng rất có ý thức. Tuyệt không ai dám chặt cành lấy làm củi".
Trong tâm thức mỗi người dân Đường Lâm, rặng duối cổ đã trở thành hình ảnh thân thương, gắn bó như máu thịt của họ. Tự bao đời nay, người Đường Lâm vẫn giữ tục lệ cho người chết "chào vĩnh biệt" rặng duối cổ trước khi nằm dưới ba tấc đất.
Khi đưa người quá cố ra nghĩa địa, lúc đi qua rặng duối này, người ta đều dừng lại chừng một tiếng để làm thủ tục cho người mất vĩnh biệt thế giới này đến thế giới khác. Các cụ già sẽ "chèo đò" hát làm lễ tiễn biệt linh hồn tại khu đồng Hồ - từng là dòng sông Hồ chảy ra sông Hồng, sau này khi sông tiến ra xa, quá trình bồi đắp thành đồng. Đó là nghi thức để người quá cố một lần nữa tưởng nhớ công lao của vua Ngô Quyền trước khi về cõi vĩnh hằng.
Tương truyền, rặng duối rất linh thiêng, nó mang lại cho con người sự bình an trong cõi tâm linh nhưng nó cũng mang họa đến cho những ai xâm hại đến cây duối. Các cụ kể rằng những ai chặt cây, bẻ cành đều tự dưng gặp hoạ. Nhẹ thì tiêu tán tài sản, nặng thì điên dở hoặc chết. Từ bấy đến nay, người dân địa phương ra sức bảo vệ rặng duối.
Phó ban di tích làng cổ Đường Lâm cho biết: “Chúng tôi rất tự hào về mảnh đất địa linh nhân kiệt, đã sản sinh ra những người con hiền tài của đất nước. Rặng duối 18 cây là một quần thể di sản văn hóa của đất nước, là nơi tâm linh để tưởng nhớ đến những anh hùng một thời vang bóng. Là một rặng duối linh thiêng của tổ tiên để lại, chúng tôi phải có trách nhiệm bảo vệ và coi đó như là một nhân chứng về sự trường tồn mãi mãi.”
Khánh Hiền (tổng hợp)
(VFEJ)
Lượt xem : 2202