Dấu chân sinh thái trong quy hoạch quản lý tài nguyên và môi trường
11/18/2019 9:08:00 AM
Việc ứng dụng công cụ dấu chân sinh thái cho thấy khả năng ứng dụng hiệu quả dấu chân sinh thái là cơ sở để quy hoạch về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cũng như là một công cụ truyền thống, giáo dục và nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên và môi trường.
Trong khoảng 20 năm gần đây, thế giới bắt đầu biết đến khái niệm “dấu chân sinh thái” (Ecological footprint) và một số quốc gia đã áp dụng để xác định nhu cầu so với sức chịu tải sinh học, từ đó có các chính sách và giải pháp quản lý phù hợp.
Hiện nay, một số quốc gia đang nghiên cứu tiềm năng áp dụng dấu chân sinh tháitrong quy hoạch, chiến lược hoặc phục vụ cho công tác quản lý. Liên minh Châu Âu cũng đã bắt đầu nghiên cứu tiềm năng áp dụng công cụ dấu chân sinh thái trong việc theo dõi, giám sát ảnh hưởng môi trường từ quá trình sử dụng tài nguyên thiên nhiên, trong đó tập trung vào phân tích tiềm năng áp dụng công cụ này và các công cụ đánh giá khác có liên quan khi sử dụng đánh giá trong chiến lược về sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên.
Ở Việt Nam, khái niệm và nội dung về dấu chân sinh thái chưa được nghiên cứu, tìm hiểu nên việc áp dụng công cụ này trong quản lý tài nguyên và môi trường chưa được xem xét. Khái niệm này vẫn còn khá mới và chưa được nhìn nhận, nghiên cứu cũng như làm rõ khả năng áp dụng tại Việt Nam.
Vì vậy, việc nghiên cứu, tìm hiểu và làm rõ nội hàm, phương pháp luận tính toán của dấu chân sinh thái sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phân tích, đánh giá tiềm năng áp dụng trong điều kiện Việt Nam.
Tổng dấu chân sinh thái của nhân loại trên toàn thế giới năm 2006 là 17,1 tỷ ha toàn cầu (bình quân đầu người là 2,6 gha), trong khi đó sức chịu tải sinh học của thế giới cũng là 11,9 tỷ ha toàn cầu (tương đương với 1,8 gha đầu người). Hiện nay, con người đã sử dụng vượt quá sức chịu tải của Trái đất 1,4 lần (Trái đất cần khoảng một năm và bốn tháng để tái tạo, phục hồi các nguồn tài nguyên được sử dụng bởi con người).
Ở cấp độ toàn cầu, một nửa dấu chân sinh thái toàn cầu (năm 2006) là do sự đóng góp của 10 quốc gia hàng đầu, trong đó hai quốc gia đóng góp nhiều nhất là Mỹ và Trung Quốc, chiếm tỷ lệ sử dụng tương ứng là 21% và 24% sức chịu tải sinh học của Trái đất. Trong số 10 quốc gia hàng đầu có sức chịu tải sinh học nhiều nhất phải kể đến là Braxin, theo thứ tự giảm dần là Mỹ, Trung Quốc, Liên bang Nga, Canada, Ấn Độ, Ôxtrâylia, Inđônêxia, Achentina và Bolivia.
Ở cấp độ khu vực, khu vực Bắc Mỹ có mức thâm hụt sinh thái cao nhất (3,05 gha bình quân đầu người), tiếp theo là Châu Âu (1,48 gha bình quân đầu người) và châu Á (0,79 gha bình quân đầu người). Châu Đại Dương có dự trữ sinh thái cao hơn (7,02 gha bình quân đầu người).
Dấu chân sinh thái đã được ứng dụng cho nhiều mục đích khác nhau tại các quốc gia cũng như tổ chức quốc tế. Kết quả ứng dụng dấu chân sinh thái cho biết những mối quan hệ tương hỗ giữa sử dụng tài nguyên, tăng trưởng kinh tế, dân số.
Việc ứng dụng công cụ dấu chân sinh thái cho thấy khả năng ứng dụng hiệu quả dấu chân sinh thái là cơ sở để hoạch định chính sách, quy hoạch về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cũng như là một công cụ truyền thống, giáo dục và nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên và môi trường.
Khánh Ly (moitruong.com.vn)
Lượt xem : 2487