Đất thiêng cây cổ thụ
6/29/2018 5:53:00 PM
(VACNE) - Như tin đã đưa, tại buổi giao lưu với cộng đồng về chủ đề "Môi trường với Cây Di sản" diễn ra vào ngày 28/6/2018 tại xã Gia Vân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, nhà thơ Nguyễn Thế Vinh, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Sông Châu đã có bài phát biểu về văn hóa lịch sử của tỉnh Ninh Bình với Cây Di sản.
Xin đăng tải toàn văn bài phát biểu của Nhà thơ Nguyễn Thế Vinh
ĐẤT THIÊNG CÂY CỔ THỤ
Nhà thơ Nguyễn Thế Vinh, Nguyên Phó tổng Biên tập Tạp chí Sông Châu -Hà Nam
Hành trình kết nối Cây di sản, nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (1988 - 2018), đã vượt nửa thời gian, nửa chặng đường. Dừng chân tại nơi có ba cây di sản cây lim, vông đồng, cây thị tại khu bảo tồn thiên nhiên Long Vân, xã Gia Vân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
Mỗi cây danh mộc dù sống ở vùng núi, trung du, đồng bằng, ven biển, hải đảo… là biểu hiện sức sống trường tồn- cùng con người trên dải đất thân yêu của Tổ quốc. Mỗi khi ta đến, “Đêm nằm năm ở”, đón nhận tình cảm của nhân dân với người yêu cây. Mỗi nơi một vẻ, những phong cảnh, núi sông, sản vật, tình người là văn hóa bản địa độc đáo cho ta thêm yêu quê hương, đất nước.
Mở lại các trang sử cũ, thường gặp các địa danh tên làng, xã trước cách mạng mùa Thu tháng 8, năm Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập (1945). Và trên bản đồ Tổ quốc, lại xuất hiện tên các cây danh mộc gắn với các di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng và danh lam cổ tự. Từ cây táu bạc có tuổi trên 2.000 năm đến cây trôi ở đất phù sa cổ Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), cây thị nơi đền thờ Đức thánh Tản Viên… đến cây vông đồng ở non nước Ninh Bình, đã tồn tại nhiều thiên kỷ, ngang tuổi quốc gia Đại Việt. Cây cho gỗ, cho bóng mát, cho hoa thơm, quả ngọt, chim tụ bầy… sách Đại Nam nhất thống chí triều Nguyễn chép: nguyên cây thị hội đủ thất điều (7 điều) tuyệt hảo. Sống thọ, không mối mọt, quả thơm ngon, trong cổ tích Việt Nam. Đặc biệt gỗ thị còn dùng làm mộc bản in kinh sách, tranh dân gian… góp phần tô điểm nền văn hiến nước nhà. Cây bảo vệ bờ cõi trước biến động của thiên nhiên. Bóng cây còn là hồn sông, vía núi cảm xúc cho bao sáng tạo của người nghệ sỹ.
Ninh Bình miền đất cổ, nằm ở cửa ngõ cực Nam miền Bắc, thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng, di sản văn hóa thiên nhiên của nhân loại. Cách đây 1050 năm, (Mậu Thìn 968 - Mậu Tuất 2018), Đinh Tiên Hoàng, tên húy là Đinh Bộ Lĩnh (924-979), mở nghiệp nhà Đinh trên đất Hoa Lư. Sử thần Ngô Sĩ Liên, Tiến sỹ khoa Nhâm Tuất (1442) viết Đại việt sử ký toàn thư, theo sử bút của Xuân Thu có lời bàn của tác giả: “Năm Mậu Thìn vua (Đinh Bộ Lĩnh) lên ngôi, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, về động Hoa Lư dựng đô mới, đắp thành, đào hào, xây cung điện, đặt triều nghi”…
Nhà thơ Nguyễn Thế Vinh phát biểu tại buổi giao lưu
Đến kinh đô Hoa Lư, ta rất đỗi tự hào thưởng thức đôi câu đối của danh nhân Vũ Phạm Khải:
Cồ Việt quốc đương Tống khai bảo
Hoa Lư đô thị Hán Trường An
Có ý so sánh nơi đây với kinh đô nhà Hán. Quân thành Hoa Lư với 10 đạo tướng sỹ là nơi tổ chức bộ máy Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền. Hai triều Đinh và Tiền Lê có công dẹp cát cứ, chống ngoại xâm, bắt đầu đặt nền móng phát triển kinh tế, văn hóa, mở nghề thủ công, hai lần đúc tiền… Nhà Tiền Lê đào sông, vua đích thân cày ruộng Tịch điền ở chân núi Đọi, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam năm 987, mở đầu nghi lễ khuyến nông cho các lịch đại sau này. Nhà vua coi trọng văn hóa nghệ thuật, phong cho bà Phạm Thị Trân quê Hồng Châu (Hưng Yên), đã dạy quân sỹ hát và tôn là Huyền Nữ - Ưu Bà (tổ sư hát chèo).
Nhà Tống phương Bắc đã coi Đại Cồ Việt là một nước. Khi Đinh Bộ Lĩnh bình định xứ quân, khôi phục mở mang bờ cõi, bấy giờ điển lễ, sách phong mới cho đứng riêng một nước. (Lịch triều hiến chương loại chí - Phan Huy Chú).
Hoa Lư tục gọi là Động Hoa Lư. Nơi đây là thung rộng, bốn mặt lớp lớp đá vôi, nằm trong sơn phận xã Uy Tế - Uy Viễn xưa, nay thuộc xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn (Ninh Bình). Đường vào hiểm trở, phải vượt qua dãy núi hình con rồng nằm án ngữ, trở thành phòng thủ kiên cố cho nơi đóng quân.
Hoa Lư lại gần con đường cổ nối miền Bắc với miền Trung, mục đầu của dãy Trường Sơn. Với diện tích trên 300 ha, các nhà quân sự đương thời, thuận theo hình thế tự nhiên, chỉ cần đắp nối các khoảng trống giữa các đồi núi, vừa đỡ tốn công của, độ bền cao, tạo công trình phòng thủ bất biến với thời gian. Đô thành lại cận kề sông Hoàng Long, sông lớn bắt nguồn từ vùng núi non Hòa Bình, qua đất Nho Quan hợp lưu với sông Đáy, đảm bảo giao thông và nguồn nước sinh hoạt cho kinh thành. Sông Đáy tên chữ là Thủy để (để là đáy). Thơ cổ có câu “Bán trầm thủy để, bán phù không”, tả cảnh trăng thu nửa soi đáy nước, nửa lồng chân mây. Nghệ thuật cờ tướng có nước Thủy để, là lộ trình cuộc thiên đô vĩ đại của nhà Lý (1010).
Đi thì nhớ cậu cùng cô
Khi về lại nhớ cá rô tổng Trường
Câu ca nói về loài quyết ngư (cá thơm) chỉ có ở đầm Sét (cá rô đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây) ở Thăng Long và Hoa Lư. Đế đô tồn tại 42 năm (968 - 1010), là nơi định đô 3 triều (Đinh, Tiền Lê, Lý sơ), 6 đời vua, khi có Thăng Long gọi nơi này là cố đô.
Kỷ niệm 1.000 năm cuộc dời đô lịch sử (1010 - 2010), Hội thảo về thái sư Đào Cam Mộc, đã tổ chức tại Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội, chúng tôi đã nêu phát hiện mới về thân thế, sự nghiệp của vị thái sư đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và phác thảo lộ trình dời đô được dư luận chú ý.
Trở lại mảnh đất nơi đoàn đạp xe kết nối cây di sản dừng chân, xã Gia Vân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Gia Viễn thời Nguyễn (1802 - 1945) có 12 tổng, 84 xã phường nơi phát tích câu ca: “Đại Hữu sinh vương, Điềm Giang sinh thánh”. Đại Hữu xã Gia Phương quê hương Đinh Bộ Lĩnh, Điềm Giang là bản quán Nguyễn Minh Không quốc sư triều Lý. Với diện tích gần 11km2, 7 thôn của xã Gia Vân hiện có trên 6.000 dân. Địa hình đa dạng, phía Bắc có khu đầm hồ, Vân Long trở thành khu bảo tồn thiên nhiên, nổi tiếng đa dạng sinh học, các tên gọi núi Mèo cào, Kẽm trăm… và đặc biệt là ba cây danh mộc vông đồng, cây thị, cây lim cổ thụ là chứng nhân của lịch sử, hấp dẫn cho du khách khi đến với di sản thế giới non nước Ninh Bình, không phải chỉ non sông kỳ thú, cây cao bóng cả mà ấm áp tình người…
Lượt xem : 2005