Vietnamese English
Đất ngập nước chống biến đổi khí hậu: Tấm lá chắn bảo vệ bờ biển

8/15/2020 8:09:00 AM

Việt Nam có 9 khu Ramsar (đất ngập nước) và nhiều khu bảo tồn, vùng đất ngập nước có vai trò và giá trị quan trọng về kinh tế, xã hội, môi trường và văn hóa.

 

Khu đất ngập nước Côn Đảo. (Nguồn: TTXVN)

Trong điều kiện tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, tần suất các thảm họa trên toàn thế giới đã tăng hơn gấp đôi chỉ sau 35 năm. Điều đáng lưu ý là 90% các thảm họa này có liên quan đến nước.

Các vùng đất ngập nước đang đóng một vai trò quan trọng trong việc ổn định khí nhà kính và giảm bớt các tác động của biến đổi khí hậu.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, đất ngập nước có thể làm giảm những tác động từ sự biến đổi khí hậu, mặc dù chúng chỉ chiếm 6-8% diện tích bề mặt Trái Đất. Do chu trình trao đổi chất và nước trong các hệ sinh thái, nhờ lớp phủ thực vật của đất ngập nước, sự cân bằng của khí ô xi và các bon nic trong khí quyển làm cho khí hậu địa phương được ổn định, đặc biệt là về nhiệt độ và lượng mưa.

Việt Nam có 9 khu Ramsar (đất ngập nước) và nhiều khu bảo tồn, vùng đất ngập nước có vai trò và giá trị quan trọng về kinh tế, xã hội, môi trường và văn hóa.

Đặc biệt, các ramsar có khả năng chắn sóng làm giảm xói lở bờ biển, giảm thiệt hại do bão, lũ và sóng thần ở vùng ven biển trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

“Cái nôi” quan trọng của đa dạng sinh học

Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO), Việt Nam là một trong những quốc gia có hệ sinh thái đa dạng sinh học và quan trọng nhất trên thế giới, cả về hệ sinh thái biển và trên cạn, đặc biệt là hệ sinh thái rừng và rừng ngập mặn.

Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới, được xếp thứ 16 trong số các quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới. Với 12 triệu hécta đất ngập nước, được phân bố ở mọi vùng sinh thái với sự đa dạng về các kiểu loại và chứa đựng sự phong phú về đa dạng sinh học.

Các vùng đất ngập nước nội địa lớn như Đồng Tháp Mười, U Minh và các hệ thống sông, suối là nơi chứa nhiều loại động, thực vật đặc hữu. Các hệ sinh thái đất ngập nước ven biển như rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển…là nơi cư trú của nhiều loài cá, chim di cư, cỏ biển, rong tảo…

Đất ngập nước vùng cửa sông là nơi có sự đa dạng về các loài chim định cư, di cư… Các đầm phá miền Trung là nơi cư trú của nhiều loài cá và chim di cư.

Theo Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường), ước tính Việt Nam có khoảng 1.028 loài cá, 848 loài chim, 800 loài động vật không xương sống ở hệ sinh thái nước ngọt và trên 11.000 loài sống ở hệ sinh thái đất ngập nước biển, ven biển với 6.300 loài sinh vật đáy, 2.500 loài cá, 653 loài rong biển, trên 300 loài san hô, 94 loài cây ngập mặn, 15 loài rắn biển và 25 loài động vật biển có vú.

Giải pháp tự nhiên

Đất ngập nước là giải pháp tự nhiên nhằm ổn định khí nhà kính, bờ biển, điều hòa khí hậu, chống xói mòn, chắn gió bão, nạp và ổn định nước ngầm, hạn chế lũ lụt.

Đất ngập nước giữ và điều hòa lượng nước mưa như “bồn chứa” tự nhiên, giải phóng nước lũ từ từ, từ đó có thể giảm hoặc hạn chế lũ lụt ở vùng hạ lưu. Nước được thấm từ các vùng đất ngập nước xuống các tầng ngập nước trong lòng đất, nước được giữ ở đó và điều tiết thành dòng chảy bề mặt ở vùng đất ngập nước khác để con người sử dụng.

Các vùng đất ngập nước cung cấp sinh kế cho con người. Sự đa dạng sinh học vùng đất ngập nước góp phần làm sạch nguồn nước, chất ô nhiễm; bảo vệ, giảm thiểu tác động của bão, đặc biệt là các hệ sinh thái rừng ngập mặn, rạn san hô là tấm chắn bảo vệ vùng ven biển.

Theo Cục Bảo vệ thiên nhiên và đa dạng sinh học, rừng ngập mặn có chức năng chống lại sự tàn phá của sóng thần nhờ hai phương thức khác nhau.

Khi năng lượng sóng thần ở mức trung bình, rặng cây ở vùng nước ngập mặn vẫn có thể đứng vững, bảo vệ hệ sinh thái và bảo vệ cộng đồng dân cư sinh sống phía sau vì chúng mặn mọc đan xen, rễ cây phát triển cả trên và dưới mặt đất cộng với thân và tán lá cây cùng kết hợp để phân tán sức mạnh của sóng thần.

Khi năng lượng sóng thần đủ lớn để có thể cuốn trôi những cánh rừng ngập mặn thì chúng vẫn có thể hấp thụ nguồn năng lượng khổng lồ của sóng thần bằng cách hy sinh chính mình để bảo vệ cuộc sống con người.

Rễ cây ngập mặn có khả năng phát triển mạnh mẽ cả về mức độ rậm rạp và sự dàn trải. Khi cây ngập mặn bị đổ xuống thì rễ cây dưới mặt đất tạo ra một hệ thống dày đặc ngăn cản dòng nước.

Tổ chức “Friend of the Earth” cho rằng bảo vệ những cánh rừng ngập mặn là cách giải quyết duy nhất để bảo vệ dân cư vùng ven biển chống lại sóng và các đe doạ khác trong tương lai.

Khảo sát của Liên minh Quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên, tại những vùng bị tác động của sóng thần cho thấy những vùng ven biển có rừng ngập mặn rậm, có các vành đai cây phòng hộ như phi lao, dừa, cọ thì thiệt hại về người và tài sản ít hơn rất nhiều so với những nơi mà các hệ sinh thái ven biển bị suy thoái, hoặc chuyển đổi đất sang mục đích sử dụng khác như nuôi tôm hay xây dựng khu du lịch.

Trước đây, biển phía Bắc đã được trồng một số loài cây ngập mặn như trang và bần chua để chắn sóng bảo vệ đê biển và vùng cửa sông. Mặc dù thời kỳ đó đê chưa được bê tông hoá và kè đá như hiện nay nhưng nhờ có rừng ngập mặn, nhiều đoạn đê không bị vỡ khi có bão từ cấp 6-8.

Một số địa phương thực hiện nghiêm túc Chương trình trồng rừng 327 của Chính phủ thì đê điều, đồng ruộng được bảo vệ tốt.

Năm 2000, cơn bão số 4 (Wukong) với sức gió cấp 10 đổ bộ vào huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Nhờ các dải rừng ngập mặn trồng ở 9 xã vùng nước lợ nên hệ thống đê sông Nghèn không bị hư hỏng.

Năm 2005, vùng ven biển huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) tuy không nằm trong tâm bão số 7 (Damrey) nhưng sóng cao ở sông Trà Lý làm sạt lở hơn 650m đê ở thôn Tân Bồi (xã Thái Đô) là nơi không có rừng ngập mặn. Trong khi đó, phần lớn tuyến đê có rừng ngập mặn ở xã này không bị sạt lở vì thảm cây dày đặc đã làm giảm đáng kể cường độ sóng.

Huyện Thái Thụy có 10,5km đê biển được rừng ngập mặn bảo vệ nên hầu như không phải sửa chữa, tu bổ hàng năm kể từ khi rừng ngập mặn trưởng thành, khép tán.

Một số địa phương có rừng ngập mặn phòng hộ nguyên vẹn như các xã ở Đồ Sơn (Hải Phòng), Giao Thuỷ (Nam Định), Hậu Lộc (Thanh Hoá) thì đê biển hầu như không bị sạt lở trong các cơn bão số 2, 6, 7 năm 2005.

Rễ cây ngập mặn chằng chịt, đặc biệt là ở những quần thể thực vật tiên phong, có tác dụng làm giảm vận tốc dòng chảy, tạo điều kiện cho trầm tích bồi tụ nhanh hơn ở các vùng cửa sông ven biển. Chúng vừa ngăn chặn có hiệu quả hoạt động công phá bờ biển của sóng, đồng thời là vật cản làm cho trầm tích lắng đọng.

Ở các vùng cửa sông lớn như hệ thống sông Hồng, sông Cửu Long, phù sa thường ngưng đọng trên lòng sông và ngoài cửa sông tạo nên những hòn đảo nổi. Nếu gặp điều kiện thuận lợi, chỉ sau một thời gian, các loài cây ngập mặn tiên phong sẽ mọc lên, tạo môi trường cho những loài cây đến sau và đất bồi được nâng dần lên.

Ví dụ như Cồn Ngạn, Cồn Lu ở huyện Giao Thủy, Nam Định, Cồn Vành ở Thái Bình, Cồn Ngoài và Cồn Trong ở Tây Nam mũi Cà Mau. Tại những nơi rừng ngập mặn được trồng và bảo vệ tốt thì bờ biển và đê không bị xói lở, thiệt hại do thiên tai ở mức rất thấp.

Ngoài ra, rừng ngập mặn còn có tác dụng hạn chế xâm nhập mặn. Nhờ có rừng ngập mặn mà quá trình xâm nhập mặn diễn ra chậm và chỉ trên phạm vi hẹp, bởi vì khi triều cao, nước lan toả vào trong những khu rừng ngập mặn rộng lớn; hệ thống rễ dày đặc cùng với thân cây đã làm giảm tốc độ dòng triều, tán cây hạn chế tốc độ gió./.

TTXVN

Nguồn: TTXVN

Lượt xem : 1731