Vietnamese English
Đánh giá môi trường chiến lược - Công cụ đảm bảo phát triển bền vững

12/9/2009 11:30:00 AM

(Vfej.vn)-Kể từ năm 1993, khi bộ Luật Bảo vệ Môi trường đầu tiên của Việt Nam được ban hành, các vấn đề môi trường trong phát triển kinh tế, xã hội đã được quan tâm và xem xét.

 

Hoạt động được đưa ra để quản lý và giảm thiểu tác động của một dự án cụ thể tới môi trường là các dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được quy định rõ ràng trong Luật Bảo vệ Môi trường.

 

 

Sau 10 năm thực hiện Luật Bảo vệ Môi trường (1993), các nhà quản lý đã nhận ra ĐTM chỉ có thể quản lý môi trường ở cấp vi mô, không giải quyết được các vấn đề môi trường ở cấp độ vĩ mô.

 

 

Chính vì vậy, trên thực tế môi trường vẫn bị ô nhiễm, suy thoái nghiêm trọng. Năm 2005 khi Luật Bảo vệ Môi trường được sửa đổi người ta nghĩ tới việc ngăn chặn sự suy thoái môi trường ngay từ quá trình xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch các bước lập (CQK) phát triển kinh tế, xã hội trước khi chúng được cụ thể hoá thành các dự án cụ thể. Luật Bảo vệ Môi trường năm 2005, lần đầu tiên chúng ta đã có quy định về Đánh giá Môi trường Chiến lược (ĐMC) cho các CQK phát triển kinh tế xã hội.

 

 

Theo đó các loại hình chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển lãnh thổ, phát triển ngành, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên là đối tượng thực hiện đánh giá môi trường chiến lược và việc áp dụng thực hiện ĐMC bắt đầu từ ngày 1/7/2006.

 

 

Đánh giá môi trường chiến lược được hiểu là việc phân tích và dự báo các tác động tiềm tàng của dự án chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển trước khi phê duyệt nhằm đảm bảo phát triển bền vững. ĐMC nhằm mục đích lồng ghép các vấn đề môi trường vào quá trình xây dựng CQK.

 

 

Việc lồng ghép các vấn đề môi trường vào quá trình xây dựng CQK đưa lại những lợi ích cho định hướng phát triển đất nước.

 

 

Thứ nhất, loại bỏ được các dự án phát triển không khả thi do các nguyên nhân về môi trường. Giúp cho chính phủ tiết kiệm được các chi phí liên quan đến việc giải quyết các vấn đề về môi trường ngay khi còn nằm trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

 

 

Thứ hai, làm giảm các rủi ro xảy ra do xung đột giữa các bên liên quan về môi trường và giảm được sự chậm trễ trong việc thực hiện các CKQ.

 

 

Thứ ba, nâng cao được sự tin cậy của công chúng đối với quá trình xây dựng CQK và quá trình ra quyết định: Do nó tạo ra được những cơ hội để công chúng có thể đóng góp ý kiến cho quá trình xây dựng CQK.

 

 

Nếu được thực hiện tốt, ĐMC có thể giúp huy động được sự hỗ trợ của các bên liên quan trong việc thực hiện các CKQ.

 

Thứ tư, ĐMC nâng cao được chất lượng của việc ra quyết định của các CKQ: Do nó làm tăng cường được sự gắn kết giữa mục tiêu phát triển kinh tế trong quá trình xây dựng CQK và các vấn đề môi trường.

 

 

Vai trò và lợi ích ĐMC trong thực tiễn là rất lớn. Tuy nhiên, kể từ khi ĐMC được chính thức triển khai được coi là một công cụ pháp lý bắt buộc, thì đến nay kết quả thực hiện vẫn còn hạn chế.

 

 

Theo Luật Bảo vệ Môi trường, có tới sáu loại chiến lược, quy hoạch và kế hoạch cần lập báo cáo ĐMC, bao gồm các CQK: phát triển KTXH cấp quốc gia; phát triển ngành, lĩnh vực trên quy mô cả nước; phát triển KTXH cấp tỉnh, cấp vùng; quy hoạch sử dụng đất, bảo vệ và phát triển rừng, khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác trên phạm vi liên tỉnh, liên vùng; quy hoạch phát triển vùng kinh tế trọng điểm và quy hoạch tổng hợp lưu vực sông quy mô liên tỉnh.

 

 

Đánh giá của Tổng cục Môi trường cho thấy, hiện mới chỉ có 27 dự án CQK triển khai được báo cáo ĐMC trên cả nước và sẽ cần một nguồn vốn khổng lồ để triển khai ĐMC tất cả các loại CQK theo quy định.

 

 

Hiện nay, mới có bốn bộ, ngành là Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Cục Khai thác&Bảo vệ Nguồn lợi Thuỷ sản, Tổng cục Du lịch lập ĐMC cho các loại hình quy hoạch: Phát triển hệ thống trữ liệu dầu mỏ và các loại hình dầu mỏ của Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025; Quy hoạch địa điểm xây dựng dự án nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam; Quy hoạch hệ thống cảng cá, chợ cá, bến cá đến năm 2015 và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020.

 

 

Năm 2007, các tỉnh Đồng Nai, Nghệ An, Bắc Giang và Đắc Lắc là bốn địa phương đầu tiên trong số 23 tỉnh thành của cả nước lập ĐMC về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đến năm 2020. Cho dù trong số này mới chỉ có 18 hồ sơ được Hội đồng Thẩm định phê duyệt, trình Chính phủ.

 

Từ những tồn tại cũng như ý nghĩa, vai trò và lợi ích lâu dài mà ĐMC mang lại, để đưa ĐMC thực sự khả thi, hiệu quả trong đời sống, vừa qua Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Tài nguyên&Môi trường tiến hành nghiên cứu, rà soát, phân loại các đối tượng cần thực hiện ĐMC từ đó đề xuất lộ trình, giải pháp thực thi.

 

 

Trước mắt, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên&Môi trường chủ trì nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về hướng dẫn thực hiện ĐMC để thay thế Nghị định số 80/2006/NĐ-CP và Nghị định số 21/2008/NĐ-CP; phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng các thông tư hướng dẫn về cơ chế tài chính cho lập và thẩm định ĐMC và xây dựng Đề án tăng cường năng lực quốc gia về ĐMC trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.

 

 

Với một chí phí nhỏ, mang lại một lợi ích lớn, ĐMC đang dần dần chứng tỏ đây là một công cụ hữu dụng nếu được sự quan tâm thích đáng của những người làm chiến lược, quy hoạch và kế hoạch.

Nguyên Khôi

(VFEJ. 9/12/2009)

Lượt xem : 7226