Trước đây, nguồn kinh phí của các chương trình trồng rừng tại Việt Nam thường lấy từ ngân sách Nhà nước, tiền tài trợ của các tổ chức phi chính phủ quốc tế... Nhưng hiện nay, không ít dự án trồng rừng thực hiện được nhờ đóng góp của nhiều cá nhân. Ai cũng có thể ủng hộ một cây giống để góp phần làm Việt Nam xanh hơn.
Trồng rừng tại Sóc Trăng năm 2019 của chương trình Hạnh phúc xanh. Ảnh: H.P.X.
Tạo nguồn sống từ cây rừng
Bản Thín là bản trung tâm nhưng cũng là bản nghèo của xã Xuân Nha, người dân ở đây thuộc 4 dân tộc Thái, Mường, Dao, Kinh, trong đó người Thái chiếm hơn 90%. Khu vực 3ha đất
trồng rừng thuộc diện tích rừng cộng đồng của bản.
Theo anh Hà Công Liêm - cán bộ hiện trường của Trung tâm Con người và thiên nhiên (Pan Nature) - đơn vị tài trợ cho hoạt động phục hồi rừng, họ chỉ dẫn trực tiếp các kỹ thuật, rồi người dân tự trồng bổ sung rừng với cây đa mục đích nhằm giúp rừng phục hồi nhanh hơn.
Sáng sớm 24-6, tranh thủ lúc trời chưa hửng nắng, các phụ nữ trong làng tập trung gùi, chở cây lên rừng theo từng tốp. Đã quen việc trồng lúa, trồng sắn, họ mang theo cuốc, xẻng, thoăn thoát đào hố, trồng cây. Mỗi hố rộng 30-40cm với chiều sâu tương ứng với loại cây dược liệu hoặc cây gỗ sẽ trồng. Các loại cây trám, dổi, trẩu vối, xạ đen đã được tập kết từ chiều hôm trước.
Từ khi có ý định thực hiện dự án
trồng rừng này, Pan Nature đã họp lấy ý kiến bà con về các loại cây nên trồng bổ sung cho rừng cộng đồng. Người dân trong làng đã thống nhất chọn các loại cây rừng bản địa đa mục đích có thể thu hoạch lá, quả, để chi hội phụ nữ bản có thêm nguồn thu. Các phụ nữ là hội viên thu hái quả trên rừng để ươm cây giống. Chính tay họ đã ươm khoảng 1.000 cây giống đủ tuổi để trồng và trồng dặm về sau ở bản Thín.
Dự tính trong 7 năm đầu, xạ đen là cây cho thu nhập chính với tổng khối lượng cành, lá thu được trên 1ha là 500kg, giá thị trường khoảng 10.000 đồng/kg. Trong 7 năm đầu, vối cũng là cây cho thu cành lá, tuy nhiên lá vối chủ yếu để phục vụ nhu cầu dùng tại gia đình. Từ năm thứ 8 tới năm thứ 10, trám sẽ cho quả, khối lượng quả của 1ha/năm ước tính đạt 480kg, giá thị trường là 15.000 đồng/kg.
Năm thứ 10 cây dổi sẽ cho hạt. Khối lượng hạt của của 1ha/năm ước tính là 260kg, giá thị trường là 800.000 đồng/kg. Do các cây ở cả tầng cao và tầng thấp, nên từ năm thứ 10 trở đi chỉ còn trám và dổi cho nguồn thu vì là cây ở tầng cao.
Anh Bùi Văn Hiền - sống ở Hà Nội, là một người tài trợ cho dự án - giải thích về quyết định hỗ trợ dự án của mình: “Tôi xem trên các phương tiện thông tin đại chúng thấy nạn chặt phá rừng diễn ra rất đáng báo động. Nguyện vọng của tôi là muốn trồng lại rừng vì rừng góp phần làm chậm lại sự nóng lên của Trái đất, cải thiện sinh cảnh và môi trường chúng ta đang sống”.
Chị Hà Thị Hường (sinh năm 1974, người Thái, bản Thín) tham gia trồng rừng phục hồi cho bản ngày 24-6-2020. Ảnh: HỒNG VÂN
Nói lời yêu thương
với cây xanh
Hạnh phúc xanh là một chương trình thúc đẩy việc trồng cây kéo dài 70 năm, với mục tiêu tăng mật độ cây xanh ở Việt Nam mới khởi động cách đây 2 năm. Năm 2019, với sự hỗ trợ của UBND tỉnh và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng, chương trình đã triển khai trồng 10.000 cây bần chua tại vùng bãi bồi ven biển xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung trên diện tích 4ha.
Hạnh phúc xanh tính toán chỉ với 90.000 đồng, mỗi người trong cộng đồng có thể góp thêm một cây mắm, góp phần tạo nên vành đai xanh bảo vệ ĐBSCL. Diện tích rừng này sẽ được theo dõi và đánh giá trong 4 năm tiếp theo.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, chị Nguyễn Phượng Thảo Trang, phụ trách truyền thông của chương trình, cho biết trong năm 2020 khi thời tiết cho phép, dự án và địa phương sẽ tiếp tục trồng mắm ở 7ha rừng phòng hộ ven biển tại xã Lạc Hòa, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng để tạo hành lang chắn sóng bảo vệ đê, giảm sạt lở; góp phần ngăn chặn xâm nhập mặn và tạo điều kiện phát triển sinh kế dưới tán rừng cho người dân địa phương.
Báo cáo nhận tài trợ trong 6 tháng đầu năm 2020 cho thấy có nhiều tấm lòng vàng trên cả nước đã chuyển khoản những số tiền từ 90.000 đồng (tổng chi phí cho một cây giống) trở lên để phủ xanh Việt Nam. Một cây thành nhiều cây, một dự án sinh ra từ trái tim và tâm huyết của người Việt để bảo vệ chính quê hương mình đang được hiện thực hóa.
Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia, một tổ chức phi chính phủ của người Việt, cũng là cái tên nổi bật với nhiều năm kinh nghiệm trong hoạt động trồng cây trong thành phố,
trồng rừng từ Bắc vào Nam từ nguồn lực cộng đồng và các doanh nghiệp.
Trong hoạt động trồng cây mà phóng viên có dịp tham gia tại Trường THPT Dương Văn Thì, quận 9, TP.HCM, thay vì trồng xong cây rồi về, các thầy cô giáo, học sinh và nhân viên của Gaia đã thực hiện một "nghi lễ" đặc biệt: các học sinh nói với cây những lời yêu thương - điều được tin là để khuyến khích cây phát triển tốt. Thay đổi một chút trong cách làm, tinh tế trong cách tổ chức, năng động tìm đối tác, Gaia phổ biến khái niệm mới như “tắm rừng” để đưa cư dân thành phố về kết nối với thiên nhiên.
Tháng 9 và 10 tới, tổ chức này sẽ tạo hàng rào từ cọc chống và lưới để giữ lại hạt mắm trắng và mắm đen khi chúng rụng xuống. Như vậy, thay vì bị cuốn trôi ra biển, hàng trăm ngàn hạt mắm sẽ được giữ lại tại khu vực bãi bồi và mọc thành cây con.
Với phương pháp làm này, chỉ với 15.000 đồng, ai cũng có thể giúp trồng được một cây mắm trắng và mắm đen tại Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, để dải đất vùng đất cực Nam của Tổ quốc thêm mạnh mẽ trước đầu sóng ngọn gió. Mục tiêu của Gaia là từ hàng trăm ngàn quả mắm rụng từ cây mẹ, được giữ lại tại khu vực bãi bồi sẽ phát triển thành ít nhất 185.000 cây mắm con và trở thành rừng ngập mặn sau 6 năm.
Phụ nữ xã Xuân Nha gùi, chở cây lên rừng ngày 24-6-2020. Ảnh: HỒNG VÂN
Hoạt động
trồng rừng huy động sự tham gia của cộng đồng, các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam của Gaia còn diễn ra ở nhiều địa điểm trên cả nước. Từ ngày 18 đến 22-8, Gaia cùng học sinh và người dân tỉnh Thanh Hóa trồng gần 10.000 cây gỗ lớn bản địa - một hoạt động được Vườn quốc gia Bến En, Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên và nhiều nhãn hàng góp sức thực hiện.
Họ cùng nhau hi vọng rằng những nỗ lực
trồng rừng này sẽ giúp phục hồi gần 10ha rừng nghèo kiệt, cải thiện giá trị sinh thái của khu rừng, giảm thiệt hại thiên tai, đảm bảo năng suất mùa vụ và qua đó cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân địa phương. Các khu rừng mới trồng cũng góp phần bảo tồn các loài động vật hoang dã quý hiếm như bò tót, vượn đen má trắng, voọc xám, hồng hoàng…
Cà Mau được giúp tái sinh rừng tự nhiên
Cà Mau có chiều dài bờ biển 254km, lớn nhất so với các tỉnh ĐBSCL. Theo Sở NN&PTNT Cà Mau, trung bình hằng năm khu vực biển Tây sạt lở từ 20-25m, biển Đông sạt lở từ 45-50m/năm. Hằng năm Cà Mau mất khoảng 400-500ha rừng phòng hộ do sạt lở. Hiện đai rừng phòng hộ ven biển tại Cà Mau ngày càng mỏng dần, có nơi không còn rừng.
Vườn quốc gia (VQG) mũi Cà Mau (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) có diện tích hơn 41.800ha. Ông Lê Văn Dũng, giám đốc VQG mũi Cà Mau, cho biết mới nhất, đơn vị tiếp nhận kinh phí hỗ trợ do Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia (phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM) vận động nhằm tái sinh rừng tự nhiên tại khu vực bãi bồi VQG Cà Mau.
Bà Đỗ Thị Thanh Huyền, giám đốc Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia, cho biết việc gây quỹ ủng hộ từ cộng đồng và các doanh nghiệp thực hiện từ tháng 3-2020. Mục tiêu ban đầu là khoanh nuôi 50ha rừng trong 4 năm với 100.000 cây mắm, chi phí 15.000 đồng/cây. Gần một tháng vận động, đã có hơn 6.000 cá nhân, gia đình, tập thể ủng hộ.
“Chúng tôi dự kiến triển khai
trồng rừng vào đầu tháng 11 tới. Nhằm đảm bảo toàn bộ 50ha bãi bồi trở thành rừng ngập mặn, dự án sẽ kéo dài trong 6 năm thay vì 4 năm như ban đầu và hướng tới mục tiêu 185.000 cây mắm trắng và mắm đen, thay vì 100.000 cây như trước đây”, bà Huyền thông tin.
Trồng rừng khôi phục lá chắn xanh ven biển. Ảnh: N.Hùng
Ngoài Gaia, Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam vừa có công văn gửi UBND tỉnh Cà Mau đề nghị được thực hiện dự án tái sinh rừng tự nhiên ở VQG mũi Cà Mau, trên một khu vực diện tích khoảng 150ha. Ngoài ra, dự án sẽ triển khai các giải pháp nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng cho khoảng 3.000 hộ dân vùng lõi; cải thiện sinh kế cho những hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng trên địa bàn VQG mũi Cà Mau…
Theo ông Dũng, trong bối cảnh nguồn lực ngân sách hạn hẹp, những đóng góp của các tổ chức, cá nhân này hết sức quan trọng. ■
Một cây xanh chỉ bằng 1-2 ly cà phê, trà sữa
Hoạt động trồng rừng, hay đơn giản là trồng thêm một cây xanh, được nhiều người trẻ yêu môi trường ủng hộ và ở chiều ngược lại, công tác truyền thông, tương tác của các chương trình trồng rừng cộng đồng hiện nay cũng tập trung nhiều vào giới trẻ, gia đình trẻ với con nhỏ.
Hình ảnh các sự kiện thể hiện sự tươi vui với sự tham gia của các bạn học sinh, sinh viên và các nghệ sĩ họ yêu mến. Cách chuyển tiền đóng góp dễ dàng, có thể thực hiện qua ví điện tử là dịch vụ được nhiều bạn trẻ sử dụng.
Hơn nữa, khi đưa về khoản tiền để trồng một cây xanh thì con số đóng góp chỉ bằng 1-2 ly cà phê, trà sữa nên ai cũng có thể tham gia với số lượng tùy ý. Cuối cùng, các tổ chức đã công bố, xác nhận số tiền đóng góp rất minh bạch trên Facebook, website với thái độ trân trọng nên dù đóng góp ít hay nhiều đều cảm thấy họ đã trao gửi niềm tin đúng chỗ.
Bạn Huỳnh Nhựt Khánh, người tham gia trồng bần với chương tình Hạnh phúc xanh năm 2019, chia sẻ: “Tôi biết đến Hạnh phúc xanh qua fanpage trên Facebook. Tôi cũng có đam về trồng cây và thấy chương trình này rất ý nghĩa cho nên tôi qua tham gia với nhóm để thỏa lòng đam mê của tôi”.