Những áp lực lên ĐDSH ở Việt Nam
ĐDSH ở Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều đe dọa. Việc gia tăng dân số và mức tiêu dùng là áp lực dẫn tới sự khai thác quá mức tài nguyên sinh vật, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng đã làm thay đổi cảnh quan thiên nhiên.
Việc thay đổi phương thức sử dụng đất, xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng đã làm giảm đáng kể diện tích sinh cảnh tự nhiên, tăng sự chia cắt các HST, làm suy giảm môi trường sống của nhiều loài động vật, thực vật hoang dã. Các loại tài nguyên thiên nhiên đang bị khai thác quá mức, đặc biệt là tài nguyên sinh vật thủy, hải sản, lâm sản gỗ và lâm sản phi gỗ. Hiện tượng chặt phá rừng và buôn bán trái phép động vật hoang dã vẫn diễn ra, đồng thời, sự du nhập của các loài ngoại lai xâm hại, ô nhiễm môi trường và những tác động của biến đổi khí hậu đang tác động trực tiếp lên ĐDSH của Việt Nam.
Ngoài ra, hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước về ĐDSH còn phân tán và chưa đủ mạnh; thiếu cơ chế phối hợp liên ngành hiệu quả mà đặc biệt là sự chồng chéo về chức năng giữa các Bộ, ngành liên quan. Các quy định pháp luật bảo vệ ĐDSH chưa có hệ thống và thiếu đồng bô, sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ ĐDSH chưa được huy động đúng mức dẫn tới việc thực thi luật pháp nhìn chung còn yếu. Trong khi đo, đầu tư cho ĐDSH còn nhiều hạn chế, chưa đúng mục tiêu, bởi vậy trong công tác này vẫn thiếu nguồn lực bao gồm cả tài chính, nhân lực và kỹ thuật.
Để bảo vệ ĐDSH, Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch hành động về ĐDSH, Kế hoạch hành động quốc gia về ĐDSH đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, thực hiện Công ước Đa dạng sinh học và Nghị định thư Cartagena về An toàn sinh học...
Rạn san hô ở Phú Quốc
Nội dung bảo vệ môi trường nói chung, bảo tồn ĐDSH nói riêng đã được Chính phủ Việt Nam lồng ghép trong các kế hoạch, chương trình và các chính sách quốc gia thông qua các chính sách ngành, liên ngành như Chiến lược xoá đói, giảm nghèo; Chiến lược phát triển bền vững quốc gia; Kế hoạch phát triển vùng lãnh thổ... Thời gian gần đây, các ngành kinh tế như nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, du lịch bắt đầu coi việc bảo tồn ĐDSH như một trong các mục tiêu chiến lược phát triển của ngành. Việc lồng ghép nội dung bảo tồn ĐDSH vào các chính sách, chiến lược, kế hoạch và chương trình của các Bộ, ngành đã được thể hiện tương đối rõ.
Hoàn thiện chính sách
Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia về ĐDSH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 1250/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2013, nhằm bảo tồn ĐDSH quốc gia, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
So với Kế hoạch hành động Quốc gia về ĐDSH năm 2007, Chiến lược Quốc gia về ĐDSH ban hành năm 2013 có nhiều điểm thay đổi nhằm phù hợp hơn với bối cảnh hiện nay, cụ thể như: Chú trọng trong việc mở rộng và nâng cao chất lượng cho các KBT trên cạn và KBT biển; phối hợp với các quốc gia láng giềng trong công tác bảo tồn ĐDSH; ưu tiên bảo tồn các hệ sinh thái quan trọng của quốc gia và quốc tế; bảo tồn các loài bản địa, các chủng loài quý hiếm; sử dụng bền vững, thực hiện cơ chế chia sẻ hợp lý lợi ích từ dịch vụ hệ sinh thái ĐDSH; kiểm soát các tác động xấu đến ĐDSH (Bao gồm các hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mặt nước, phương thức canh tác kém bền vững, các hoạt động gây ô nhiễm, các hoạt động săn bắn, buôn bán, tiêu thụ các loài động vật hoang dã, kiểm soát sinh vật ngoại lai); bảo tồn ĐDSH trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Sau một quá trình thực hiện các mục tiêu chiến lược của Công ước thông qua thực hiện các mục tiêu quốc gia, công tác bảo tồn ĐDSH ở Việt Nam đã có những thành công đáng kể.
Voọc chà và chân nâu
Công tác bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH, chia sẻ công bằng các lợi ích từ tài nguyên ĐDSH được xem là những vấn đề bức xúc đang được đặc biệt chú trọng trong những bước hành động tiếp theo. Độ che phủ rừng tăng lên hàng năm, hệ thống các khu BTTN trên cạn được củng cố; hệ thống bảo tồn vùng nước nội địa được quy hoạch và phê duyệt; hệ thống các KBT biển cũng đang được quy hoạch đã thể hiện hiệu quả của công tác bảo tồn trong thời gian qua.
Công tác bảo tồn dựa vào cộng đồng đã có những bước tiến bộ đáng kể. Nhiều mô hình bảo tồn có cộng đồng tham gia đã được triển khai với kết quả khả quan, thể hiện hiệu quả của chính sách này trong bảo tồn ĐDSH.
Các nội dung về bảo tồn ĐDSH, bảo vệ các HST rừng; HST đất ngập nước cũng như việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và ĐDSH và việc nâng cao năng lực quản lý, kiến thức cộng đồng được đề cập trong hầu hết các hoạt động xã hội cũng như các chương trình trọng điểm của Nhà nước như Chương trình xoá đói giảm nghèo, Chương trình phát triển bền vững, Chương trình phát triển Lâm nghiệp..
Trong giai đoạn vừa qua việc ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ và của các Bộ/ngành liên quan tới bảo tồn ĐDSH đã giúp gia tăng sản lượng lúa gạo, gia cầm, phát triển nuôi trồng thuỷ sản với sản lượng ngày càng tăng có ý nghĩa quan trọng là giảm áp lực khai thác tự nhiên, bảo tồn ĐDSH.
Bảo tồn ĐDSH cũng chính là góp phần bảo vệ môi trường sống và hướng tới phát triển bền vững. Những kết quả trong công tác bảo tồn ĐDSH mà Việt Nam đạt được cũng gián tiếp thực hiện những Mục tiêu Thiên niên kỷ như: Giảm tỷ lệ nghèo cùng cực và thiếu ăn; đảm bảo sự bền vững của môi trường và tăng cường hợp tác toàn cầu cho phát triển.