Vietnamese English
Đắk Lắk: Giảm thiểu rác thải nhựa - Hướng tới du lịch xanh

10/8/2024 8:41:00 AM

Những năm gần đây, ngành du lịch Đắk Lắk ngày càng phát triển, thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Cùng với thúc đẩy phát triển du lịch, việc ứng phó với vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là từ tác nhân chất thải nhựa, túi nilon khó phân hủy được các cấp, các ngành, cơ sở kinh doanh du lịch quan tâm.

Chủ động đưa ra sáng kiến

Nhận thức được tầm quan trọng và cần thiết của bảo vệ môi trường, nhiều năm qua, một số đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh đã tìm những giải pháp, sáng kiến để “chống” rác thải nhựa.

Từ năm 2013, Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Ko Tam (TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đi vào hoạt động đã đặt ra 5 mục tiêu về phát triển du lịch, trong đó, mục tiêu tiên quyết là bảo vệ môi trường, tạo không gian xanh cho du khách. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Du lịch cộng đồng Ko Tam, ngay từ những ngày đầu thành lập đến nay, đơn vị đã sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế cho đồ dùng bằng nhựa. Cụ thể, khu du lịch trồng tre, trúc làm ống hút, sử dụng ly giấy để phục vụ khách hàng. Ngoài ra, trong khuôn viên khu du lịch bố trí thùng rác đóng bằng tre, chia làm hai ngăn đựng rác hữu cơ và vô cơ.

Các loại rác thải nhựa (vô cơ) sẽ được thu gom lại để bán cho các cơ sở tái chế. Còn với rác thải hữu cơ, ống hút bằng tre sẽ được gom lại phơi khô rồi đốt đi để lấy tro bón cho cây trồng. Bà Ngọc Anh cho hay: “Mặc dù, việc sử dụng ống hút bằng tre và ly giấy một lần chi phí sẽ đắt hơn 10 lần so với sử dụng sản phẩm nhựa nhưng mang lại hiệu quả tích cực trong bảo vệ môi trường và dành được thiện cảm, sự hài lòng của khách hàng. Ước tính, mỗi ngày cơ sở du lịch sử dụng khoảng 500 - 700 ống hút và 300 ly nước, đồng nghĩa với việc hạn chế được một số lượng lớn rác thải nhựa khó phân hủy thải ra môi trường. Ngoài phục vụ du khách, cơ sở còn bố trí máy lọc nước để nhân viên dùng ly thủy tinh, bình giữ nhiệt cá nhân uống nước để hạn chế dùng nước đóng chai bằng nhựa”. 

Tình nguyện viên thu gom rác thải ở hồ Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).

Xác định các biện pháp giảm thiểu rác thải nhựa, giữ không gian xanh tại điểm du lịch và nơi làm việc cần yếu tố con người nên Trung tâm Du lịch Cầu treo Buôn Đôn đã triển khai chương trình nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho cán bộ, nhân viên. Theo đó, từ năm 2023, cơ sở đã thực hiện Chương trình Simexco Eco-Friendly và 5s Kaizen với mục tiêu nâng cao vai trò, trách nhiệm của người quản lý, nhân viên về việc nhận thức, thực hành đối với môi trường; từng bước kiểm soát việc sử dụng công nghệ xanh, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm, có trách nhiệm trong xử lý chất thải ra môi trường.

Cụ thể, cán bộ quản lý và nhân viên tại các cơ sở đi đầu trong việc thực hiện kinh tế tuần hoàn không chất thải; không xả nước thải chưa qua xử lý, khói bụi ô nhiễm ra môi trường; thu gom, phân loại rác, nghiêm cấm xả rác thải nhựa, tàn thuốc lá bừa bãi; trồng cây, tăng cường không gian xanh nơi làm việc và khu du lịch...

Ông Nguyễn Đức, Phó Giám đốc Chi nhánh du lịch và khách sạn Biệt Điện, quản lý trực tiếp tại Trung tâm Du lịch Cầu treo Buôn Đôn cho biết, sau hơn một năm triển khai chương trình, đa số cán bộ, nhân viên tại cơ sở du lịch đều có ý thức sử dụng ly thủy tinh, thu gom và phân loại rác thải nhằm hạn chế rác thải nhựa ra môi trường.

Ngoài ra, thay vì sử dụng các loại cây trang trí hoặc hoa giả bằng nhựa tại các phòng nghỉ, mỗi phòng đã được nhân viên trồng và chăm sóc một cây xanh. Đồng thời, từ nguồn quỹ đóng góp, huy động được của nhân viên và các nhà tài trợ, cơ sở du lịch trồng thêm hơn 400 cây xanh tạo cảnh quan. Ngoài ra, cơ sở luôn nhắc nhở khách tham quan thực hiện tốt bảo vệ môi trường; bố trí khoa học, đầy đủ hệ thống thu gom, xử lý nước thải, rác thải; thực hiện treo băng rôn tuyên truyền, nội quy, các biển báo bảo vệ môi trường trong khu, điểm du lịch.

Đa dạng các giải pháp

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, để bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững, nhiều năm qua, đơn vị đã nỗ lực triển khai đến các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh thực hiện một số nội dung liên quan đến phòng, chống rác thải nhựa.

Cụ thể, thực hiện truyền thông nâng cao nhận thức cho nhân viên, người lao động trong đơn vị cũng như khách du lịch về phân loại, thu gom, giảm thiểu chất thải nhựa; phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan vận động du khách hạn chế hoặc không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.

Đưa tiêu chí giảm thiểu chất thải nhựa vào nội quy, quy chế hoạt động nội bộ của đơn vị; phát động phong trào thi đua và vận động người lao động thực hiện giảm thiểu, tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy; thực hiện nghiêm các chính sách giảm thiểu chất thải nhựa theo quy định. Đồng thời, ưu tiên sử dụng các sản phẩm có thể phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường thay thế túi nilon khó phân hủy, sử dụng một lần; thực hiện phân loại rác thải...

Thùng rác phân loại rác thải bằng tre của Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Ko Tam (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).

Sở đặt ra mục tiêu đến năm 2025, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch… sử dụng 100% túi nilon, bao bì thân thiện với môi trường; đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh. Để thực hiện mục tiêu này, hiện tại Sở đang tập trung vào tuyên truyền, phát động chiến dịch “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”, phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm rác thải nhựa, túi nilon đối với môi trường sống và sức khỏe cộng đồng; đa dạng hóa hình thức lồng ghép phổ biến tuyên truyền tại các cuộc họp giao ban định kỳ, tổ chức treo băng rôn, pano, áp phích, khẩu hiệu về công tác bảo vệ môi trường; phát động cán bộ, người lao động và vận động người thân tham gia hưởng ứng phong trào “Nói không với rác thải nhựa, nói có với tiêu dùng xanh”...

Khánh Huyền

Nguồn: Báo Đắk Lắk

Lượt xem : 345