Trải qua bao biến thiên dâu bể, cây thị nghìn năm tuổi ở làng Tiến Ân vẫn đứng sừng sững tỏa bóng mát giữa làng và được người dân coi trọng như một "chứng nhân sống" chứng kiến lịch sử dựng làng và giữ làng.
Gốc tích bí ẩn
Ai đã từng đến thăm hoặc đi ngang qua làng Tiến Ân (xã Thủy Xuân Tiên, Chương Mỹ, Hà Nội) đều không khỏi ngỡ ngàng ấn tượng trước cây thị đại thụ ngàn năm tuổi. "Đại lão mộc" ngàn năm tuổi nằm ngay ở vị trí trung tâm của làng, thoạt nhìn thân cây mốc xanh, sứt sẹo, lồi lõm nhiều hố, hốc lớn với đủ hình thù kỳ quái và đường kính gốc cây tuy đã mục ruỗng nhiều nhưng vẫn phải hơn chục người ôm mới xuể.
Theo một số người dân trong làng kể lại, trước đây những hố, hốc trên cây thị này là nơi trú ngụ của một cặp rắn mào rất lớn. Vào những hôm nắng nóng, người dân trong làng ra gốc cây hóng mát, nhìn lên thường thấy cặp rắn này nằm cuộn tròn trên những chạc cây nhưng lại cực hiền lành, không tấn công hay đe dọa người bao giờ. Mãi tới những năm 80 của thế kỷ trước, sau một trận lụt lớn cặp rắn mào này mới xuôi theo dòng sông Bùi mà bơi đi mất.
Về gốc tích của cây thị, theo cụ Nguyễn Quốc Sinh (82 tuổi) và nhiều cao niên trong làng cho biết "đại lão mộc" đã có tuổi thọ lên đến hàng nghìn năm và gắn liền với lịch sử khai canh lập ấp của tiền nhân vùng đất này. Vào thời vua Đinh Tiên Hoàng dựng cờ khởi nghĩa, vùng đất này khi đó là đất phong thưởng của hai anh em ruột là tướng có công rất lớn trong việc dẹp loạn 12 sứ quân khi đó.
Trong thần phả còn lưu lại tại đình Tiến Ân, vào thời Đinh Tiên Hoàng có hai anh em họ Đặng quê gốc tại động Hoa Lư (Ninh Bình) tài trí hơn người, một người tên là Đống Thính, người kia tên là Chiêu Pháp. Sau khi bố mẹ mất, cả hai tìm đến trang Đăng Ân (sau này đổi thành Tiến Ân, huyện Ninh Sơn, phủ Quốc Oai, đạo Sơn Tây) cư trú, ngày đêm luyện tập võ nghệ, văn chương rồi mở lớp dạy học và có rất đông học trò đến xin theo học.
Sau khi theo Đinh Tiên Hoàng dẹp xong loạn 12 sứ quân, vua triệu hai ông đem quân về kinh đô, phong thưởng rất hậu và ban cho hai ông thực ấp ở trang Đăng Ân. Khi cả hai người mất, nhà vua sai người trở về làm tế lễ rất long trọng và ban cho mọi người trong trang Đăng Ân dựng đền để phụng thờ làm Thành hoàng của làng.
Dân làng khi đó chủ yếu quần tụ dọc theo hai bên bờ sông Bùi nên thường xuyên chịu cảnh lụt lội rất khổ cực. Có năm, nước lũ dâng lên ngập hết cả nhà cửa, ruộng vườn nhưng duy chỉ có khu vực gò đất nơi có cây thị cổ thụ lớn nhất làng là không bị ảnh hưởng. Các bậc tôn trưởng trong làng khi đó sau khi xem xét, nhận thấy khu vực gò Cây Thị rất đắc địa, thế đất cao ráo, thoáng đãng, cây cối lúc nào cũng xanh tốt nên đã họp bàn rồi quyết định di dời cả làng về đấy và đổi tên làng từ Đăng Ân thành Tiến Ân như ngày nay.
Thân cây mốc xanh, sứt sẹo, lồi lõm nhiều hố, hốc lớn với đủ hình thù kỳ quái.
"Báu vật sống" của làng
Đối với mỗi người dân Tiến Ân, khi nhắc đến cây thị cổ thì đều gọi bằng "cụ" thị một cách tự hào và tôn kính. Trong tâm thức mỗi người dân nơi đây, cây thị đã trở thành hình ảnh thân thương, gắn bó như máu thịt của họ. Tất cả đều tin rằng hàng nghìn năm đã trôi qua với biết bao biến thiên dâu bể, nhưng gốc thị nghìn tuổi nằm giữa làng Tiến Ân vẫn sừng sững vươn cao, như một biểu tượng tâm linh gìn giữ hồn quê và tỏa bóng mát, che chở cho dân làng được an lành, no đủ.
Ông Lê Quý Doanh - Trưởng thôn Tiến Ân cho biết, trong quá khứ, "cụ thị" đã từng… chết hụt nhiều lần. Lần đầu là vào những năm 1960, trẻ con trong làng khi đốt lửa để sưởi ấm đã vô tình để lửa bén vào phần lõi gỗ của cây làm lửa cháy âm ỉ, khói bốc mù mịt trong thân khiến cả làng hốt hoảng hò nhau mang xô, chậu múc nước cứu "cụ". Hậu quả của vụ cháy đó đã khiến một phần thân của "cụ" bị hỏng và gãy nên từ đó chỉ còn lại như hiện nay.
Lần khác, trong một trận bão lớn, "cụ" bị sét đánh và có dấu hiệu cằn cỗi, trút hết lá, người dân trong làng và những người cao tuổi đi vận động các doanh nghiệp và cửa hàng bán phân đạm tại địa phương được một lượng phân đạm khá lớn đã đem về đổ xung quanh gốc, xây bồn rồi đổ đất vào nên từ đó "cụ" mới xanh tốt trở lại.
Cụ Nguyễn Văn Hàm (78 tuổi) - nhà ở cách gốc thị không xa cho biết dù cây thị đã già nhưng vẫn rất sai quả. Đặc biệt là cây thường cho ra hai loại quả ở hai phía đối lập nhau với một bên quả rất to, màu vàng, ăn rất thơm còn một bên quả rất nhỏ, màu hơi đỏ nhưng ăn lại rất ngọt. Đến mùa thị, cả vùng xung quanh lúc nào cũng thơm phức mùi thị và người dân nơi đây thường chọn hái những quả thị thơm ngon nhất đem dâng cúng Thành hoàng làng trước rồi mới xin hái thị xuống chia nhau ăn lấy lộc.
Theo các cụ cao niên ở làng Tiến Ân, cây thị cổ thụ gắn liền với lịch sử khai canh lập ấp của tiền nhân vùng đất này.
Theo ông Lê Quý Ngọc, cán bộ văn hóa xã Thủy Xuân Tiên cho biết, cây thị nghìn năm tuổi có vị trí rất quan trọng đối với đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nơi đây. Chính quyền địa phương cũng đã làm hồ sơ đề nghị công nhận cây thị của làng Tiến Ân là Cây di sản. Và đến ngày 5/4/2014, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam sau nhiều lần khảo sát, đánh giá cụ thể đã chính thức trao bằng công nhận và gắn bia Cây Di sản Việt Nam cho cây thị tại đình làng Tiến Ân vào đúng dịp lễ hội truyền thống của địa phương.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh - Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên Môi trường Việt Nam cho biết, hoạt động tôn vinh Cây Di sản Việt Nam là một hoạt động mang tính cộng đồng, là thông điệp kêu gọi mọi người cùng chung tay góp sức bảo vệ thiên nhiên, môi trường bằng những hành động thiết thực như: trồng cây gây rừng, giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp...
Việc cây thị làng Tiến Ân (xã Thủy Xuân Tiên, Chương Mỹ, Hà Nội) được Hội Bảo vệ Thiên nhiên Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản của Việt Nam không chỉ nhằm trực tiếp bảo tồn nguồn gen tiêu biểu của loài cây quý Việt Nam, giới thiệu sự phong phú, đa dạng của hệ thực vật Việt Nam với các nhà khoa học, với bạn bè trong nước và quốc tế mà còn nâng cao nhận thức về ý thức tôn trọng lịch sử, tôn trọng tự nhiên và nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường của người dân.