Vietnamese English
Đà Nẵng, Hội An và Đông Hà lọt vào vòng chung kết cuộc thi Thành phố Xanh Quốc tế 2017-2018

5/10/2018 2:05:00 PM

Ba thành phố của Việt Nam – Đà Nẵng, Hội An và Đông Hà – đã vinh dự cùng 37 thành phố khác trên toàn thế giới lọt vào vòng chung kết cuộc thi Thành phố Xanh giai đoạn 2017-2018 do Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) tổ chức.

 

 

Được lựa chọn từ 132 thành phố từ 23 quốc gia, 40 thành phố này đã xuất sắc thuyết phục được Ban giám khảo bằng những cam kết và chương trình cụ thể nhằm giảm lượng phát thải các-bon trong quá trình phát triển, đặc biệt là trong giao thông – chủ đề chính của cuộc thi lần này.


Khi các thành phố trên thế giới xuất hiện ngày càng nhiều và dân số thành thị ngày càng gia tăng, các vấn đề đô thị vì thế cũng nảy sinh nhiều hơn. Đó không phải là một tin tốt lành đối với chất lượng cuộc sống và môi trường đô thị. Tuy nhiên, thành phố cũng là nơi tập trung và phát triển nhiều sáng kiến. Hiện nay, đã có rất nhiều sáng kiến có thể đáp ứng nhu cầu của cuộc sống đô thị mà không làm cạn kiệt tài nguyên của hành tinh.

WWF đã tạo ra Chương trình Thành phố Xanh (TPX) nhằm thúc đẩy các giải pháp này và trao giải cho những thành phố nỗ lực hết mình thực hiện các giải pháp đó. Đó là những thành phố nỗ lực để cung cấp nhà ở, giao thông và năng lượng bền vững cho các công dân của mình, thu hút được sự tham gia của họ và đồng thời truyền cảm hứng cho các thành phố khác trên thế giới.

Được tổ chức hai năm một lần kể từ năm 2011, chương trình TPX 2017-2018 chú trọng hơn đến vấn đề giao thông xanh và bền vững - một thách thức lớn về môi trường đối với các thành phố trên toàn cầu. Hiện nay, một phần tư lượng phát thải các-bon trên toàn cầu đến từ giao thông đô thị.

Bà Phạm Cẩm Nhung – Điều phố Chương trình Các-bon thấp và Năng lương của WWF-Việt Nam - phát biểu: “WWF xin chúc mừng ba thành phố Đà Nẵng, Hội An và Đông Hà. Đây là thực sự là một niềm tự hào khi cả ba thành phố, trong lần đầu tiên tham dự, đã vượt qua được nhiều thành phố khác trên thế giới để vào vòng chung kết. Bằng chính các kế hoạch và cam kết hành động, ba thành phố đã thuyết phục được ban giám khảo và cho thế giới thấy, Việt Nam chúng ta chủ động trong xây dựng và phát triển đô thị bền vững, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân, giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường.”

“Cung cấp các giải pháp thay thế thông minh hơn như giao thông bằng xe điện và hệ thống xe buýt, hoặc ban hành các quy định để khuyến khích các tòa nhà ít phát thải các-bon là chìa khóa để đảm bảo cộng đồng tiếp tục phát triển nhưng vẫn duy trì được tính bền vững. WWF-Việt Nam hy vọng sẽ có nhiều thành phố Việt Nam tham gia Chương trình trong những năm tới”, bà Phạm Cẩm Nhung chia sẻ thêm.

Đây là lần thứ hai Việt Nam tham gia Chương trình TPX. Năm 2016, thành phố Huế đã vinh dự nhận được giải Thành phố Xanh quốc gia ngay trong lần đầu tiên đăng ký tham dự.

Khi vào vòng chung kết, ba ứng viên của Việt Nam tiếp tục tham gia một hoạt động quan trọng khác của Chương trình TPX đó là chiến dịch “Tôi yêu Thành phố” diễn ra từ ngày 7/5 tới cuối tháng 6 năm 2018. Chiến dịch mở ra cơ hội để cộng đồng trên toàn thế giới có thể bình chọn thành phố họ yêu thích nhất, chia sẻ ảnh hoặc viết những điều họ yêu nhất về các thành phố này. Đây cũng là một diễn đàn để công chúng đưa ra những gợi ý và sáng kiến làm cho các thành phố xanh và bền vững hơn. Thành phố nào có số phiếu bình chọn nhiều nhất bởi cộng đồng sẽ đoạt giải: “Thành phố xanh được yêu thích nhất toàn cầu.”

Trong thời gian này, Ban giám khảo Chương trình TPX sẽ xem xét để chọn ra thành phố tiêu biểu cấp quốc gia với danh hiệu Thành phố Xanh Quốc gia; và cấp Quốc tế với danh hiệu Thành phố Xanh Toàn cầu. Lễ trao giải sẽ được tổ chức vào cuối năm nay. Thông tin chi tiết về cuộc thi có thể tìm thấy tại: www.panda.org/opcc và/hoặc http://www.welovecities.org/

Tiêu chí đánh giá thành phố xanh

Một ban giám khảo quốc tế gồm các chuyên gia về phát triển đô thị bền vững sẽ lựa chọn các thành phố có các kế hoạch hành động về khí hậu khả thi và tham vọng nhất. Những kế hoạch này phải đóng góp vào thực hiện các mục tiêu của Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu. Thành phố nào tham gia vào các liên minh hoặc liên kết toàn cầu về chống Biến đổi Khí hậu sẽ có ưu thế hơn trong việc đánh giá. Thành phố nào đặt ra tham vọng lớn, với tác động của hành động trên diện sâu rộng sẽ có ưu thế hơn. Do trọng tâm của OPCC 2017-2018 là chủ đề giao thông bền vững nên ban giám khảo sẽ đặc biệt chú ý đến các thành phố có kế hoạch và hành động tham vọng đối với lĩnh vực này.

Ban giám khảo sẽ xem xét sự khác biệt về nguồn lực và thực trạng của mỗi thành phố để đảm bảo một sân chơi bình đẳng trong quá trình đánh giá. Nhìn chung, ban giám khảo sẽ xem xét các thành phố:

• Chứng minh những nỗ lực của thành phố trong việc giảm phát thải khí nhà kính một cách minh bạch và có tính khoa học;

• Có kế hoạch hành động đầy tham vọng và chiến lược để đạt được các cam kết đưa ra;

• Lồng ghép các kế hoạch hành động về biến đổi khí hậu giữa các ngành, tạo sự thống nhất và bao quát;

• Có tinh thần tiên phong, có tính đến bối cảnh và điều kiện của địa phương; và

• Có những nỗ lực vượt bật về lĩnh vực giao thông bền vững.

Nguồn: WWF/Trung tâm Thông tin du lịch

Lượt xem : 1950