Vietnamese English
Đà Nẵng Du ký: Phần 2. Những dấu ấn lịch sử của Đà Nẵng

7/2/2017 5:44:00 AM

(VACNE) - Có lịch sử không hề “phi chiến địa”, dù tên Đà Nẵng có nghĩa là vùng cửa sông thanh bình

Sặc sỡ Sơn Trà mùa thay lá

1. Đà Nẵng có nghĩa là gì? Và khi nào có tên là Tourane?

Nguồn gốc từ "Đà Nẵng" là biến dạng của tiếng Chăm cổ daknan, nghĩa là vùng nước rộng lớn hay "sông lớn", "cửa sông cái" bình yên. Địa danh Đaknan hàm ý chỉ vùng sông nước rộng mênh mông ở cửa sông Hàn. Trong ngôn ngữ Chăm, Gia Rai, Ê đê, Raglai ngày nay Daknan đêu mang nghĩa là vùng nước bình yên, thanh bình

Bản đồ châu Á do Sanson d'Abbeville vẽ năm 1652 ghi Đà Nẵng là Turaon. Giáo sĩ Christoforo Borri - đến Đà Nẵng năm 1618 - khi viết hồi ký về xứ Đàng Trong của chúa Nguyễn thì đã gọi Đà Nẵng là Touron. Giáo sĩ Alexandre de Rhodes là người từng lui tới Đà Nẵng nhiều lần và đã gọi nơi này là Turon Sau khi hoàn thành xâm lược Việt Nam vào năm 1889, người Pháp tách Đà Nẵng khỏi Quảng Nam và đổi tên thành Tourane. Tourane chỉ địa danh của một nơi vốn có một cái tháp (tour) trên cửa Hàn.

Đất Đà Nẵng đã sản sinh ra 2 vị tướng quân tài ba nhưng lại là đối thủ của nhau là Thoại Ngọc Hầu: danh tướng nhà Nguyễn Gia Long trong lịch sử Việt Nam. Trần Quang Diệu: danh tướng nhà Tây Sơn, bạn thuở bé với Thoại Ngọc Hầu.

2. Đồng bằng Đà Nẵng còn là cánh đồng cát đủ màu

Đồng bằng Đà Nẵng hầu như mọi nơi đều được cát bao phủ, có nơi dày đến 50m. Cát Đà Nẵng gồm 3 tầng chính: lót đáy đồng bằng Đà Nẵng là tầng cát màu vàng nghệ hình thành vào đầu kỷ Đệ Tứ (khoảng 1 triệu năm trước), trong điều kiện khí hậu khô nóng. Người dân rất ưa dùng loại cát màu vàng nghệ để cho vào bát hương trên bàn thờ. Tiếp trên là tầng cát trắng Nam Ô, y hệt cát trắng Cam Ranh, một thứ nguyên liệu cao cấp cho sản xuất pha lê và thạch anh áp điện. Trên cùng nhưng chỉ gặp ven sông, ven biển là các lớp cát màu xám.

Tầng cát phủ đồng bằng Đà Nẵng là tầng chứa nước tuyêt vời, nhưng cũng rất dễ bị ô nhiễm khiến cho nước ngầm không phải chỗ nào cũng ăn được, Dân số, du lịch và sản xuất công nghiệp tăng nhanh, và từ đầu năm 2013, do các công trình thủy điện đầu nguồn sông Tranh (Quảng Nam) chuyển nước về sông Thu Bồn, khiến cho TP Đà Nẵng đối mặt với nguy cơ thiếu nước sạch. Đà Nằng là thành phố đầu tiên của nước ta phải đối phó với vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước ngày càng gay gắt. Việc giữ cho được 20 dòng suối ở Sơn Trà và chống ô nhiễm nước ngầm trở thành nhiệm vụ bức xúc, thậm chí nhiệm vụ sống còn của Đà Nẵng.

Bãi biển cát Mỹ Khê

3. Nam Ô

Nam Ô (P. Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) xưa thuộc vương quốc Champa, về sau, vào khoảng đầu thế kỷ XIV, khi Chế Mân dâng châu Ô, châu Lý cho Đại Việt vào năm 1306 để cưới công chúa Huyền Trân, vùng đất này trở thành cửa ô phía Nam của Đại Việt nên có tên gọi Nam Ô, và từ đó, người Việt bắt đầu di cư đến sinh sống ở vùng này. Năm 1471, trong cuộc Nam tiến của vua Lê Thánh Tông, lại có thêm rất nhiều cư dân người Việt ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình,... vào vùng đất "ô châu ác địa" này để sinh sống..

Nghề làm loại nước mắm nổi tiếng Nam Ô cũng có từ rất sớm. Thời kỳ còn là một trong những địa phương của xứ Đàng Trong, ngư dân nơi đây đã biết cách làm nước mắm từ cá cơm đen. Năm 1621, nhà truyền giáo dòng Tên người Ý, tên là C. Borri, khi đến nơi đây đã miêu tả về nghề đánh bắt cá và làm nước mắm có tên gọi là balaciam.  Đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, thương hiệu "Nước mắm ở Nam Ô" nổi tiếng ở nhiều vùng, đến năm 2009, nhãn hiệu này được cấp giấy bảo hộ thương hiệu. Hiện nay, tại Nam Ô có trên 100 hộ dân sống bằng nghề làm nước mắm thủ công rất lâu đời. Muối ướp cá phải là muối lấy từ Nha Trang (Khánh Hòa), Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) hay Cà Ná (Nình Thuận). Hạt muối phải trắng tinh, to, già, được nắng, không bị nước mưa, mang về đổ trên nền xi măng khô ráo bảy ngày cho chảy hết chất nước đắng, sau đó cho vào vại cất vài năm rồi mới đem ra làm nước mắm. Cứ 2 kg cá chỉ cho 1lít nước mắm loại nhĩ.

4. Lịch sử vị thế của Đà Nẵng :chức năng an ninh  Quốc gia và quốc phòng là số một

Trong nửa sau của thế kỷ thứ 10, vương triều Indrapura Chăm Pa đã xung đột với Đại Việt. Vào năm 1306, thông qua cuộc hôn nhân của Vua Jayasimhavarman III (Chế Mân) với Công chúa Huyền Trân hai châu Ô, Lý được nhượng cho nhà Trần. Tháng Giêng năm Đinh Mùi (1307), Vua Trần Anh Tông đổi tên châu Ô và châu Lý thành châu Thuận và châu Hoá. Trong thời Trịnh-Nguyễn phân tranh và thời Tây Sơn Đà Nẵng trở thành vùng tranh chấp dữ dội. Năm 1797, quân Nguyễn Ánh đem đại binh tiến đánh Đà Nẵng.

Với vị trí chiến lược quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến sự an nguy của kinh đô Phú Xuân, Đà Nẵng là một quân cảng và một thương cảng quan trọng bậc nhất của triều Nguyễn. Năm 1813, triều đình lập pháo đài Điện Hải và đồn An Hải nằm hai bên tả hữu sông Hàn để phòng thủ Đà Nẵng Ngày 28 tháng 9 năm đó Pháp cho tàu Catinat nã súng vào các pháo đài bảo vệ Đà Nẵng và cho quân đổ bộ vào Đà Nẵng. Cuộc xâm lược của Pháp tại Việt Nam khởi đầu bằng cuộc tấn công vào Đà Nẵng Ngày 3 tháng 10 năm 1888, Vua Đồng Khánh buộc phải ký một đạo dụ gồm 3 khoản quy định rõ "Đà Nẵng được chính phủ Đại Nam kiến lập thành nhượng địa Pháp và nhượng trọn quyền cho chính phủ Pháp, và chính phủ Đại Nam từ bỏ mọi quyền hành trên lãnh thổ đó". Năm 1950, Pháp trao trả Đà Nẵng cho chính phủ Quốc gia Việt Nam dưới thời Quốc trưởng Bảo Đại.

Tháng 3 năm 1965 các đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ chọn Đà Nẵng đổ bộ và thiết lập ở đây một căn cứ quân sự hỗn hợp lớn. Sân bay Đà Nẵng được coi là một trong những sân bay "tấp nập" nhất trong chiến tranh.

Đà Nẵng trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, kể cả ngày nay có vị trí chiến lược quốc phòng và an ninh quốc gia đặc biệt quan trọng!

Nguyễn Đình Hoè VACNE

Lượt xem : 2697