Vietnamese English
Đà Nẵng: Cây Di sản góp phần phát triển du lịch, bảo tồn đa dạng sinh học

6/13/2023 7:27:00 AM

Theo đánh giá của các chuyên gia tại Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường, Cây Di sản trên khắp các vùng miền của nước ta hiện nay đã, đang và tiếp tục hình thành ý thức của cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn gen thực vật, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường, đặc biệt các hoạt động chăm sóc bảo vệ Cây Di sản tại các địa phương đã giáo dục thế hệ trẻ tình yêu thiên nhiên, niềm tự hào dân tộc về truyền thống đấu tranh cách mạng của quê hương...

 Cây Di sản là loài cây gỗ hay cây thân gỗ, sống lâu năm, mọc tự nhiên hay được trồng có giá trị đặc biệt về cảnh quan môi trường, văn hóa-lịch sử, khoa học. Cây Di sản có giá trị tạo không gian xanh cho khu vực, tăng giá trị các công trình văn hóa, kiến trúc, là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, là địa điểm tâm linh, văn hóa của cộng đồng, là điểm tham quan, du lịch hấp dẫn, bảo tồn nguồn gen quý hiếm cho nhiều loài cây...

Như vậy, Cây Di sản Việt Nam không chỉ góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo sinh kế cộng đồng, gìn giữ truyền thống văn hóa-lịch sử vốn có của địa phương, cộng đồng. Cùng với các địa phương khác trên cả nước, việc các cây cổ thụ được công nhận là Cây Di sản Việt Nam góp phần bảo tồn đa dạng sinh học tại thành phố Đà Nẵng.

Cây đa Sơn Trà nằm trong quần thể Đa cổ thụ tại Khu bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà, nơi sinh sống của quần thể Voọc chà vá chân nâu, một loài linh trưởng đặc hữu Đông Dương tại Sơn Trà. Ảnh: HN. 

Diện tích rừng và đất rừng đặc dụng ở Đà Nẵng có tới 31.081ha, trong đó phải kể đến rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa với tổng diện tích 26.751,3ha, có độ cao 1487m, rừng đặc dụng trên bán đảo Sơn Trà với tổng diện tích 2.591ha có độ cao 696m và rừng phân bố rải rác ở khu danh thắng Ngũ Hành Sơn với độ cao trên 100m. Thảm thực vật thành phố Đà Nẵng có khoảng 1000 loài thực vật bậc cao có mạch với nhiều loài đặc hữu quý hiếm.

Tại thành phố Đà Nẵng, thời gian qua đã có 6 loài và 9 cây cổ thụ được Hội đồng Cây Di sản Việt Nam công nhận và vinh danh, trong đó có Cây đa Sơn Trà trên bán đảo Sơn Trà với hơn 800 năm tuổi. Riêng khu danh thắng Ngũ Hành Sơn được ví như hòn non bộ khổng lồ, nằm ở phía đông nam thành phố Đà Nẵng cách trung tâm thành phố 10km có 8 cây cổ thụ được vinh danh là Cây Di sản Việt Nam bao gồm: cây Đa sộp hơn 600 năm tuổi; cây Thị cổ thị trên 200 năm tuổi; cụm cây Bàng phía trước chùa Tam Thai trong đó có 1 cây với tuổi đời 240 năm tuổi, 1 cây trên 350 năm tuổi và cụm 3 cây Bồ kết cổ thụ; cây Sứ hoa trắng có tuổi đời trên 400 năm...

Các cây cổ thụ được vinh danh tại thành phố Đà Nẵng nằm trong thảm thực vật vùng núi và bán đảo, là mắt xích quan trọng trong chuỗi thức ăn của các loài sinh vật, góp phần làm phong phú nguồn tài nguyên đa dạng sinh học. Trong đó nằm ở phía đông nam bán đảo Sơn Trà, cây đa Sơn Trà có tên thường gọi là Đa núi cao, thuộc họ Dâu tằm với hơn 800 tuổi, cao 22 m, chu vi thân chính và cụm thân phụ lên đến 85m. Cành và thân chính, thân phụ liên kết, nối chặt tạo một thế đứng vững chãi cho cây qua hàng thế kỷ.

Cây khoảng 800 năm tuổi, là nguồn sống của quần thể Voọc chà vá chân nâu một loài linh trưởng đặc hữu Đông Dương tại bán đảo Sơn Trà được phát hiện đầu tiên vào năm 1771. Ngoài ra, cây còn là nơi sống và thức ăn của một số loài chim và thú nhỏ. Về giá trị sinh học, cây đa Sơn Trà nằm trong quần thể Đa cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm tại Khu BTTN trên bán đảo Sơn Trà, đây là Cây Di sản đầu tiên của thành phố có ý nghĩa trong việc nâng cao giá trị của khu rừng già Sơn Trà tạo nên một quần thể thiên nhiên sinh động cho việc bảo tồn và phát triển thảm thực vật nơi đây.

Hai cây bàng phía  trước chùa Tam Thai khu danh thắng Ngũ Hành Sơn được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Ảnh: KN.

Với những cây cổ thụ được vinh danh tại khu danh thắng Ngũ Hành Sơn bao gồm cây đa sộp phân bố ở sườn đông của ngọn Thủy Sơn, là cây đa lớn nhất trong khu quần thể danh thắng này, nằm sau lưng chùa Linh ứng sống trên núi đá vôi khô hạn, chịu tác động mạnh của gió biển. Cây đa Ngũ Hành Sơn với hơn 610 năm tuổi, sức sống tốt, tán tỏa rộng; cây Thị cổ thụ với trên 200 năm tuổi, nằm ở sau chùa Tam Thai phân bố ở sườn nam ngọn Thủy Sơn; cụm cây Bàng nằm ở sườn nam của ngọn Thủy Sơn trước chùa Tam Thai, cây có kích thước lớn, có giá trị về cảnh quan văn hóa du lịch, đây là cây bóng mát và là cây thuốc. Búp và lá non dùng để chữa cảm sốt, tê thấp... Nằm trong động Tàng Chơn sườn nam ngọn Thủy Sơn là cụm cây Bồ kết từ 160-200 năm tuổi đường kính lớn, nằm lọt trong cửa động. Trước tháp Xá Lợi trong khu danh thắng là cây Sứ hoa trắng 400 năm tuổi có sức sống tốt, cây vẫn ra hoa, kết quả hàng năm.

Đa dạng sinh học là vốn tự nhiên quan trọng góp phần phát triển nhiều ngành kinh tế, đặc biệt là ngành Du lịch Việt Nam. Nghị quyết số 33/NQ-TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã xác định: “Đầu tư phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố với thương hiệu Đà Nẵng được biết đến chính là nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú được thiên nhiên ban tặng. Theo Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, lượng khách đến tham quan du lịch tại bán đảo ngày càng tăng trong những năm gần đây, trong đó rất đông du khách ghé thăm Cây Di sản trên bán đảo.

Thành phố Đà Nẵng với nguồn lực tài nguyên thiên nhiên đa dạng, trong đó số lượng Cây Di sản Việt Nam được vinh danh là điểm đến của du khách trong và ngoài nước. Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị của Cây Di sản, các chuyên gia cho rằng cần thường xuyên chăm sóc, bảo vệ Cây Di sản bao gồm bón phân, tưới nước và vệ sinh, phòng trừ sâu hại, loại bỏ các loài cây bụi và cây bám xung quanh thân cây. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của du khách và cộng đồng, đồng thời thực hiện xã hội hóa đảm bảo lợi ích cộng đồng trong việc tham gia bảo vệ Cây Di sản Việt Nam bằng nhiều hình thức hoạt động thiết thực.

PV

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn

Lượt xem : 895