Vietnamese English
Đã đến thời của hạ tầng xanh trong quản lý đô thị

10/5/2021 9:09:00 AM

Đã đến thời của hạ tầng xaKhái niệm “hạ tầng xanh” còn tương đối mới trong quản lý đô thị, cả ở Việt Nam và quốc tế. Nó nói đến mạng lưới các thành tố ‘xanh’ được bảo tồn, tăng cường, hoặc thiết lập mới nhằm giải quyết các vấn đề của đô thị hóa dựa trên cách tiếp cận ‘xây dựng cùng thiên nhiên’…nh trong quản lý đô thị


 


Nhà Thiếu nhi TP HCM.

Ông Gery Egon, một chuyên gia
quy hoạch cảnh quan Pháp lão thành, đã có hàng chục năm kinh nghiệm làm việc trong các đồ án quy hoạch ở quốc tế và Việt Nam với vai trò tư vấn về cảnh quan, đã trao đổi cùng Người Đô Thị về vấn đề này. KTS. Nguyễn Xuân Anh thực hiện.

– Thưa, ông có thể giải thích về “hạ tầng xanh” – một khái niệm còn khá mới với không chỉ giới quy hoạch, kiến trúc… mà phần lớn các công dân đô thị?

– Gery Egon: Hạ tầng xanh là mạng lưới các
thành tố ‘xanh’ được bảo tồn, hoặc tăng cường, hoặc thiết lập nhằm giải quyết các tiêu cực của đô thị hóa dựa trên cách tiếp cận ‘xây dựng cùng thiên nhiên’, nghĩa là đảm bảo sự hài hòa không đối kháng giữa phát triển kinh tế – xã hội và bảo tồn – tăng cường các giá trị của tự nhiên. Một số thành tố thiên nhiên có thể được sử dụng để cung cấp các dịch vụ quan trọng cho con người như bảo vệ họ khỏi lũ lụt hoặc khí hậu khắc nghiệt, hoặc giúp nâng cao chất lượng không khí, đất và nước. Khi các thành tố thiên nhiên được khai thác bởi con người và được sử dụng một cách hệ thống, nó được gọi là ‘hạ tầng xanh’.

Hạ tầng xanh xuất hiện ở tất cả các quy mô. Có thể có nhiều lợi ích cho sức khoẻ và phúc lợi của cộng đồng dân cư đồng hành với lợi ích
môi sinh thông qua giải quyết tốt hạ tầng xanh trong bối cảnh đô thị hóa. Sông, suối, ao hồ, rừng đô thị, đất ngập nước, nông nghiệp đô thị, vườn đô thị… có thể tồn tại dưới dạng những đặc trưng tự nhiên trong thành phố, hoặc được thêm vào môi trường đô thị như một phiên bản nhân tạo. Các phát triển đô thị trên các bờ biển cũng có thể sử dụng các đặc điểm thiên nhiên vốn có như một phần của thiết kế không gian. Ngay cả cảng, bến bãi, và các phần mở rộng khác của môi trường đô thị cũng có thể được cấy yếu tố hạ tầng xanh để thu được lợi ích liên quan đến môi trường biển.


Các thành phần chính của cách tiếp cận này bao gồm quản lý nước mưa, thích ứng khí hậu, giảm nhiệt, đa dạng sinh học, sản xuất lương thực, sản xuất năng lượng,
chất lượng không khí, nước sạch, đất lành mạnh, cùng các chức năng hạ tầng xã hội như tăng chất lượng sống thông qua cung cấp không gian hoạt động giải trí, nghỉ ngơi, cung cấp bóng mát và tạo đặc trưng nơi chốn.

– Nếu khái niệm “hạ tầng xanh” rộng, bao trùm trên nhiều lĩnh vực như vậy, liệu rằng lượng kiến thức hành nghề hiện nay của những người làm kiến trúc hay quy hoạch ở Việt Nam là có thể đáp ứng được không? Ông có thể gợi ra giải pháp nào cho chúng tôi?

– Chúng ta đều biết, hiện môi trường sống ở mọi nơi, nhất là tại các thành phố lớn, đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đó là mối quan tâm lo lắng không chỉ ở Việt Nam mà của mọi quốc gia trên thế giới. Ô nhiễm môi trường đang làm giảm chất lượng sống của toàn bộ cộng đồng và làm biến đổi các đặc điểm thiên nhiên cơ bản, đe dọa tính sống còn của hệ sinh thái địa cầu.

Để có các giải pháp bảo vệ môi trường trên phạm vi lãnh thổ lớn, thì sự tham gia của các chuyên gia mang theo khối kiến thức về môi trường là vô cùng cần thiết. Họ là những nhà môi trường, những nhà quy hoạch cảnh quan, những chuyên gia về sinh học, địa lý tổng hợp, thủy văn… Điều quan trọng là phải có cơ chế để họ có thể cùng làm việc với nhau, nhằm tích hợp những khối kiến thức đa ngành vào các chủ đề giải pháp chính của quy hoạch. Muốn vậy, lĩnh vực các chuyên ngành của họ cần được tôn vinh đúng mức (thay vì chỉ dựa vào kiến trúc sư quy hoạch). Mà trước hết, cần xây dựng hành lang pháp lý để chính danh sự hiện diện của bộ môn quy hoạch hạ tầng xanh. Nhà nước các bạn nên đón đầu vấn đề có tính thời đại này.

Từ kinh nghiệm hành nghề ở Việt Nam, tôi thấy hiện nay sự tham gia của chuyên ngành quy hoạch cảnh quan (cũng có thể gọi rộng là quy hoạch hệ thống hạ tầng xanh), ở Việt Nam trong công tác lập quy hoạch còn rất hạn chế, bởi luật pháp về quy hoạch chưa định danh cho sự tham gia đó. Thậm chí có sự lẫn lộn giữa chuyên ngành thiết kế cảnh quan (landscape design) và chuyên ngành thiết kế đô thị (urban design). Khi Luật Quy hoạch đô thị (năm 2009) dùng cụm từ “kiến trúc – cảnh quan” để gọi chung hai chuyên ngành này như một đối tượng kép, nó chưa nhận diện đầy đủ về tầm quan trọng của hệ thống hạ tầng xanh đô thị. Bởi để có thể giải quyết tốt vấn đề hạ tầng xanh đô thị, phải mang một khối kiến thức lớn về sinh thái tự nhiên vào trong quy hoạch, điều mà các nhà thiết kế đô thị không có đủ.

Tức là, quy hoạch hạ tầng xanh phải được hiện diện như một hợp phần được tích hợp trong quy hoạch không gian.

– Nhưng thưa ông, các quy hoạch của chúng tôi hiện đều đã tích hợp việc đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), có phản biện song hành với quá trình lập quy hoạch, phân tích từ góc nhìn môi trường để xem xét quy hoạch… cũng đưa ra các khuyến cáo, các giải pháp giảm thiểu tác động môi trường để hoàn thiện quy hoạch. Như vậy là đã thể hiện đủ sự quan tâm với môi trường trong quy hoạch hay chưa? Còn chuyên ngành quy hoạch hạ tầng xanh, nếu có, sẽ đóng vai trò thế nào, và tương tác thế nào với ĐMC?

– ĐMC khi thực hiện ở các nước phương Tây, là một quy trình phản biện khách quan. Người đánh giá môi trường chiến lược không lệ thuộc vào người lập quy hoạch. Trong trường hợp có khiếu nại (từ các nhà môi trường hoặc từ bất kỳ ai liên quan), Tòa án môi trường mới là người quyết định cuối cùng để quy hoạch đó có được gia nhập vào hệ thống pháp lý hay không.


Nhưng ĐMC trong các quy hoạch ngành ở Việt Nam, theo những gì tôi đã gặp, được thực hiện bên trong mỗi nhóm tư vấn quy hoạch. Cơ chế đó đã phần nào vô hiệu hóa công cụ này. Bởi không ai muốn tự vạch trần ra chỗ chưa hoàn thiện của mình.

Ngay cả trong các trường hợp của phương Tây, ĐMC cũng chỉ là một công cụ mềm. Nó dùng các khuyến cáo để cố gắng lái các giải pháp về hướng bền vững hơn, cố gắng giảm thiểu tác động môi trường của chúng. ĐMC thường không chặn đứng các quyết định chưa tốt, không đảo ngược tình huống phát triển thiếu bền vững, không thâm nhập sâu vào các chi tiết, và thường không chắc chắn được là điều gì trong các khuyến cáo của mình thực sự tham gia vào quyết định cuối cùng.

Cái thiếu là, sẽ cần ai đó đem các tư tưởng mang tính chiến lược môi trường của ĐMC, biến thành các giải pháp cụ thể cho hệ thống hạ tầng xanh đô thị. Những giải pháp đó chắc chắn sẽ hiện diện trong bản đồ, báo cáo, thuyết trình, quy định… và có mặt trong quyết định cuối cùng. Đó là phương cách đảm bảo nhất để những quan tâm môi trường thực sự trở thành giải pháp lâu dài và bền vững.

Như vậy, trong khi ĐMC là một công cụ mang tính chiến lược, thì quy hoạch hạ tầng xanh là công cụ mang tính chiến thuật, đưa chiến lược đó thành bộ giải pháp cụ thể.
 
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị, nhất là với những người có nghề nghiệp tham gia vào công cuộc kiến tạo phát triển đô thị ở Việt Nam.

(Theo Nguoidothi)

Lượt xem : 2096