Việt Nam được xem là một trong những nước thuộc Đông Nam Á giàu về đa dạng sinh học và được xếp thứ 16 trong số các quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới. Do sự khác biệt lớn về khí hậu, từ vùng gần xích đạo tới giáp vùng cận nhiệt đới, cùng với sự đa dạng về địa hình, đã tạo nên tính đa dạng sinh học cao ở Việt Nam.
Mặc dù có những tổn thất quan trọng về diện tích
rừng trong một thời kỳ kéo dài nhiều thế kỷ, hệ thực vật rừng Việt Nam vẫn còn phong phú về chủng loại. Cho đến nay, đã thống kê được 11.373 loài thực vật bậc cao có mạch và hàng nghìn loài thực vật bậc thấp như rêu, tảo, nấm…
Theo dự đoán của các nhà khoa học, số loài thực vật bậc cao có mạch ở Việt Nam ít nhất là 20.000 loài trong đó có khoảng trên 5.000 đã được nhân dân ta dùng làm nguồn
lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thức ăn cho gia súc, v.v…
Hệ thống động vật Việt Nam cũng hết sức phong phú. Hiện đã thống kê được 310 loài thú, 870 loài chim, 296 loài bò sát, 162 loài ếch nhái, trên 1.000 loài cá nước ngọt, hơn 2.000 loài cá biển và thêm vào đó là hàng chục loài động vật không xương sống ở cạn, ở biển và ở nước ngọt.
Hệ thống
động vật ở Việt Nam không những giàu về thành phần loài, nhiều loài có ý nghĩa kinh tế cao mà còn có nhiều nét độc đáo, đại diện cho vùng Đông Nam Á.
Ở nước ta, trong hơn chục năm gần đây đã phát hiện được nhiều loài
động vật cỡ lớn và trung bình mới cho khoa học trong đó có 5 loài thú, 3 loài chim và 2 loài cá. Chúng ta tin rằng ở Việt Nam chắc chắn còn nhiều loài động vật, thực vật chưa được các nhà khoa học biết đến.
Ngoài ra Việt Nam còn có phần nội thủy và lãnh hải rộng khoảng 226.000km2, trong đó có hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ và nhiều rạn san hô phong phú, là nơi sinh sống của
hàng nghìn loài động vật, thực vật có giá trị.
Nguồn tài nguyên này không không những là cơ sở vững chắc cho sự tồn tại của nhân dân Việt Nam thuộc nhiều thế hệ đã qua, mà còn là cơ sở cho sự phát triển của dân tộc trong những năm sắp tới. Tuy nhiên, thay vì phải bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý nguồn tài nguyên quý giá này, ở nhiều nơi, dưới danh nghĩa phát triển kinh tế, một số người, tổ chức, địa phương đã và đang khai thác quá mức và phí phạm.
Việc làm suy thoái các hệ sinh thái, như mất rừng, đất ngập nước đã làm mất nơi cư trú và nhiều loài động, thực vật quý cũng đang bị suy thoái theo, một số loài đang trên đường bị tiêu diệt.
Sách đỏ Việt Nam năm 1992 mới chỉ có 721 loài động thực vật bị đe dọa ở các mức khác nhau thì đến năm 2007 số loài này đã lên đến 882. Ngoài ra nhiều giống cây trồng vật nuôi bản địa quý giá như lúa, đậu tương, ngô, cây ăn quả, các loài cá, lợn, gà… cũng đã mất dần. Đây là một tổn thất rất lớn trên tất cả các phương diện: kinh tế, khoa học, môi trường, và nhân văn.
Để tồn tại và phát triển, chúng ta phải xây dựng một kiểu kinh tế - xã hội mới, lấy con người làm trung tâm và dựa trên cơ sở bảo tồn, có nghĩa là cải thiện chất lượng cuộc sống cho tất cả mọi người trên cơ sở duy trì tính đa dạng và năng suất của thiên nhiên.
Để đạt được mục tiêu đó, cần phải hành động trên nhiều lĩnh vực, nhưng việc thực hiện được những ý đồ mới đó thật không dễ dàng, trì phi chúng ta phải có những thay đổi trong mọi quyết định và tổ chức hành động cho từng người cũng như cả cộng đồng.
Cần phải xác định lại các vấn đề ưu tiên, lấy phát triển bền vững là mục đích chủ chốt trong mọi hoạt động ở tất cả các bình diện cá nhân, cộng đồng, quốc gia, và toàn thế giới như Chương trình Nghị sự Phát triển Bền vững Toàn cầu đã được bổ sung, đó là “Quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa ba mặt của sự phát triển, là phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống con người trong hiện tại nhưng không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau”.
(Trích tài liệu Hội thảo chuyên đề “Phục hồi hệ sinh thái và phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ” của GS.TS Võ Quý, Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên & Môi trường – Đại học Quốc gia Hà Nội.)