Chất lượng nguồn nước mặt lưu vực sông Đồng Nai ngày càng xấu đi, đang và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước sinh hoạt đối với TPHCM. Cảnh báo này được Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) đưa ra tại buổi làm việc với đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM chiều 9-4. Hoạt động mờ nhạt của Ủy ban Bảo vệ môi trường (BVMT) sông Đồng Nai sau 2 năm thành lập cũng là vấn đề đặt ra trong tình hình cấp bách hiện nay.
Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM giám sát hệ thống xử lý nước thải Công ty TNHH Sae Hwa Vina nằm trong cụm công nghiệp Tân Quy - nơi đầu nguồn lấy nước thô đưa về Nhà máy Nước Tân Hiệp. Ảnh: võ lê
Khó cầm cự
Từ số liệu quan trắc, xét nghiệm chất lượng nước thường xuyên trong 5 năm qua, ông Võ Quang Châu, Phó Tổng Giám đốc SAWACO, kết luận: Chất lượng nước sông trên lưu vực sông Đồng Nai diễn biến theo chiều hướng ngày càng xấu. Các chỉ tiêu như vi sinh, amonia, chất hữu cơ đều tăng nhanh và vượt chuẩn cho phép hàng chục lần. Đặc biệt, điều này đã gây không ít khó khăn và tốn kém cho hoạt động sản xuất của các nhà máy xử lý nước.
Hệ thống sông Đồng Nai nằm trên địa bàn 12 tỉnh, TP có lưu vực rộng 37.400 km2 hiện đang cung cấp nước sinh hoạt cho 15 triệu người
|
Chỉ riêng việc xử lý đẩy mặn, SAWACO đã tốn 4,5 tỉ đồng/năm. Dù tình hình xấu nhưng theo ông Châu, đến thời điểm này chất lượng nước sinh hoạt vẫn bảo đảm theo quy định vì SAWACO đã sử dụng nhiều biện pháp kết hợp. “Nhưng về lâu dài có thể sẽ khó “cầm cự” bởi tình hình ô nhiễm không có chiều hướng giảm. Vì vậy, TP phải kịp thời kiểm soát chất lượng nước sông” - ông Châu đề xuất. Ông Châu cũng đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp kiểm tra, xử lý các KCN gây ô nhiễm nguồn nước, yêu cầu các KCN phải xử lý nước thải đạt chuẩn trước khi xả ra môi trường. Đặc biệt, Sở Tài nguyên-Môi trường nghiên cứu thành lập thêm các điểm quan trắc chất lượng nước trên sông Đồng Nai và hệ thống quan trắc chất lượng nước theo giờ. Theo đánh giá của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên-Môi trường), nguồn nước khu vực hạ lưu sông Đồng Nai đang bị ô nhiễm nặng. Đặc biệt là hệ thống kênh rạch nội thành, nội thị. Các tác nhân gây ô nhiễm chủ yếu là chất hữu cơ, dầu mỡ, vi khuẩn.
Ông Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, gay gắt: “Không biết quy hoạch kiểu gì nhưng cơ sở nhuộm lại nằm chung với cơ sở làm gỗ trong khi tính chất hai ngành hoàn toàn khác nhau. Vô lý hơn, cơ sở dệt nhuộm lại đặt ngay đầu nguồn nước thì hạ nguồn tha hồ hứng trọn”. Ngoài ra theo ông Lịch, hiện các cụm công nghiệp mọc lên rất nhiều nhưng không có cơ chế quản lý và kiểm soát hệ thống xử lý nước thải cũng là vấn đề đáng lo ngại.
Phải là đề án quốc gia
Liên quan đến 12 tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, lưu vực hệ thống sông Đồng Nai là nguồn nước cần được các địa phương quan tâm bảo vệ chứ không của riêng ai. Ông Trần Du Lịch nhận định: TPHCM cố làm sạch kênh Ba Bò trong khi phía Bình Dương, doanh nghiệp cứ xả nước thải xuống thì cũng vô ích. Ủy ban BVMT sông Đồng Nai phải chế tài bằng cách đưa ra thời điểm yêu cầu doanh nghiệp xả nước thải đạt chuẩn ra sông. Nếu đạt rồi, TPHCM mới khởi động dự án. Ông Bùi Cách Tuyến, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, thừa nhận: “Dù thành lập được gần 2 năm nhưng hoạt động Ủy ban BVMT vẫn còn lúng túng vì thiếu cơ chế, quy định chế tài và kinh phí hoạt động. Chưa kể, các thành viên của Ủy ban BVMT sông Đồng Nai chủ yếu là kiêm nhiệm nên khó bố trí thời gian thực hiện nhiệm vụ. Thêm nữa, các địa phương trong Ủy ban BVMT sông Đồng Nai sử dụng nguồn ngân sách cho sự nghiệp môi trường chưa đúng. Hầu hết đều sử dụng kinh phí (1% ngân sách) để đầu tư cho xây dựng cơ bản, cải tạo hệ thống thoát nước, xử lý chất thải rắn mà không có khoản riêng cho công tác BVMT.
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Phạm Phương Thảo đề nghị Tổng cục Môi trường sớm đề nghị Chính phủ dành kinh phí thỏa đáng cho Ủy ban BVMT sông Đồng Nai hoạt động. Đặc biệt, phải xem đề án sông Đồng Nai là đề án quốc gia thì mới hy vọng giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước đang trong tình trạng báo động.
Nước đen, hôi vẫn đạt chuẩn!
Cùng ngày, đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM do bà Phạm Phương Thảo dẫn đầu đã đi giám sát tình hình ô nhiễm tại cụm công nghiệp Tân Quy (huyện Củ Chi-TPHCM), nơi đầu nguồn lấy nước thô tại trạm bơm Hòa Phú đưa về Nhà máy Nước Tân Hiệp.
Đoàn đã kiểm tra hệ thống xử lý nước thải của Công ty TNHH Sae Hwa Vina, chuyên về dệt nhuộm. Theo nhận định của ông Huỳnh Công Hùng, Phó Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP, nhìn bằng mắt thường thì nguồn nước thải qua xử lý có màu đen và hôi, không thể chấp nhận được.
Trong khi đó cán bộ Sở Tài nguyên-Môi trường cho rằng trước đó thanh tra sở đã đi kiểm tra đơn vị này và kết quả là nước thải đạt tiêu chuẩn. Ông Hùng đặt vấn đề: Nếu sở không duy trì kiểm tra, doanh nghiệp không vận hành nhà máy xử lý nước thải thì liệu cán bộ sở có biết tình hình diễn ra như thế nào?
|
(Theo NLĐ)
(Tổ Quốc, 10/4/2010)