Nếu không có quy hoạch tổng thể, dãy Trường Sơn chắc chắn bị “băm nát”, thiệt hại về tài nguyên, sinh thái và kinh tế - xã hội sẽ rất nghiêm trọng.
|
Dãy Trường Sơn đang kêu cứu. |
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam: Không thể phá rừng khộp
Cần phải xem xét lại một số chủ trương phát triển kinh tế ảnh hưởng tới môi trường của dãy Trường Sơn:
Đầu tiên là xem xét lại việc phát triển hàng loạt dự án để xây dựng hệ thống thủy điện dọc dãy Trường Sơn trên nhiều con sông lớn đổ xuống miền Trung.
Tiếp đến là cân nhắc việc phát triển về quy hoạch phá rừng khộp để trồng cao su, cây công nghiệp. Rừng khộp chỉ có ở Tây Nguyên và một vài nước ở Đông Nam Á.
Rừng này tuy nghèo gỗ nhưng lại có chức năng rất quan trọng, vì cấu trúc rừng đơn giản có hệ sinh thái rất đặc biệt. Rừng này có nhiều loại thức ăn phù hợp với các loài thú lớn như voi, cọp, hổ…
Các loài thú lớn đều nằm ở trong rừng khộp. Phá rừng khộp, các loài thú quý này cũng biến mất. Chính phủ, Bộ NN-PTNT cần xem xét lại khi quyết định phá các cánh rừng khộp để trồng rừng kinh tế.
PGS.TS Phạm Bình Quyền: Ngăn ngừa thực vật ngoại lai xâm lấn
Cây trinh nữ đầm lầy hay còn gọi là cây mai dương hiện xuất hiện rất nhiều dọc dãy Trường Sơn. Điều nguy hiểm là khi loài này xâm lấn trên đất nông nghiệp sẽ gây khó khăn cho sản xuất, làm giảm năng suất cây trồng; khi bị xâm lấn nặng không thể canh tác, biến đất nông nghiệp thành vùng đất hoang hóa.
Khi cây trinh nữ đầm lầy xâm lấn kênh mương gây khó khăn, cản trở giao thông thủy, ảnh hưởng đến du lịch sinh thái; cản trở dòng chảy của kênh mương, ảnh hưởng đến dòng chảy môi trường, làm giảm sản lượng cá và các loài thủy sản khác của vùng đất ngập nước. Chính vì vậy, loài cây này được xếp là một trong số 100 loài thực vật ngoại lai xâm lấn nguy hiểm nhất của thế giới.
Sự xâm lấn của trinh nữ đầm lầy đang lan nhanh trên dãy Trường Sơn trở thành mối đe dọa nguy hiểm đối với các hệ sinh thái, môi trường, đa dạng sinh học, gây thiệt hại lớn về kinh tế vì nó sẽ làm thay đổi cấu trúc thành phần loài của thảm thực vật bản địa, giảm sút tính đa dạng sinh học.
Vì vậy, cần có kế hoạch cụ thể để ngăn ngừa sự phát triển của loài cây này bằng những dự án cụ thể thông qua biện pháp thủ công kết hợp với sử dụng thuốc hoá học, biện pháp sinh học, thủ công cơ giới.