Vietnamese English
Cứu dãy Trường Sơn (kỳ 1): Mạnh ai nấy… phá!

3/13/2010 9:28:00 PM

Giới khoa học báo động “Dãy Trường Sơn, nơi được xem là “xương sống” của Việt Nam đang bị tàn phá”. Báo Đất Việt khởi đăng loạt bài về những nguy cơ mà dãy Trường Sơn hùng vĩ đang gặp phải.


Được xếp vào diện đa dạng sinh học phong phú hàng đầu của VN nói riêng vào thế giới nói chung, song dãy Trường Sơn đến thời điểm này vẫn chưa được thực hiện kiểm kê về đa dạng sinh học cũng như chưa có nghiên cứu mang tính tổng thể. Chính vì thế, mọi hành xử với dãy Trường Sơn đang diễn ra theo kiểu “mạnh ai nấy làm”.

“Các nghiên cứu hiện nay chỉ đủ để biết dãy Trường Sơn đang cần được bảo vệ”, TS Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) cho biết.

Ranh giới không rõ ràng

Theo TS Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch VACNE, đến thời điểm này, ranh giới nào là của Trường Sơn, phía Bắc bắt đầu từ đâu, phía Nam kết thúc ở đâu, có bao gồm Tây Nguyên không… vẫn chưa được phân định rõ ràng. Đã nhiều lần, VACNE mời Viện Địa Lý Quốc gia để thảo luận vấn đề này, nhưng thực tế Viện cũng không có báo cáo nào chứng minh các ranh giới của dãy Trường Sơn.

“Là người Việt Nam, ai cũng biết dãy Trường Sơn, nhưng diện tích của nó và điểm bắt đầu, điểm kết thúc ở đâu thì chưa ai trả lời chắc chắn được”, TS Sinh nói.

TS Nguyễn Đình Hòe, thuộc VACNE, cho biết thêm: “Các nghiên cứu hiện nay về địa lý, địa chất, đa dạng sinh học mang tính manh mún, chưa đầy đủ. Khi chúng ta chưa biết dãy Trường Sơn có những gì, sao ta có thể nói cần bảo vệ thế nào, quy mô, phạm vi ra sao”. Trong tất cả tài liệu về đa dạng sinh học đều nói dãy Trường Sơn là một vùng hết sức đặc sắc, phong phú vào loại bậc nhất của Việt Nam và thế giới.

Theo TS Sinh: “Đáng lý ra đây phải là vùng được quan tâm nhất, tiến hành kiểm kê từ lâu để lên kế hoạch bảo tồn. Thế nhưng, đáng tiếc là không có cơ quan nào bắt tay vào công việc này”.

Rừng Trường Sơn đang bị tàn phá nghiêm trọng. Ảnh: Bích Ngọc

“Cha chung không ai khóc”

Chính sự thiếu quy hoạch tổng thể nên hiện Bộ NN-PTNT quản lý về rừng, Bộ Công thương quản lý phát triển thủy điện, Bộ Xây dựng phụ trách phát triển đô thị, Bộ GTVT “ôm” đường sá… Mỗi cơ quan đều có những chính sách, phương pháp khác nhau. Các địa phương nơi có dãy Trường Sơn đi qua cũng tương tự như vậy. “Nói dãy Trường Sơn đang bị “băm nát” cũng không phải quá lời”, TS Hòe nói.

Minh chứng cho điều này, TS Hòe nêu mâu thuẫn giữa các tỉnh cùng chia sẻ nguồn nước từ dãy Trường Sơn đang ngày càng gay gắt. Ví dụ: giữa Bình Định và Gia Lai mâu thuẫn trong việc khai thác thủy điện thượng nguồn sông Hà Thanh; giữa Bình Dương và Bình Phước, giữa Lâm Đồng và Bình Thuận, giữa đơn vị thực hiện thủy điện trên sông Srepok với Vườn quốc gia Yordon, đơn vị thực hiện thủy điện và phát triển vùng hạ lưu sông Thu Bồn và Vu Gia với Quảng Nam.

Ngoài ra, có sự mâu thuẫn giữa hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản thượng nguồn, giữa đắp hồ đập trên thượng nguồn với bảo vệ nguồn nước cho hạ lưu sông; mâu thuẫn giữa trồng cao su và rừng tự nhiên; mâu thuẫn giữa các khu bảo tồn thiên nhiên với hoạt động phát triển du lịch và khai thác lâm sản; sự tranh chấp chưa có hồi kết giữa Quảng Nam và Kontum trong bản quyền về loài sâm Ngọc Linh... 

Trong khi TP Đà Nẵng và Vườn quốc gia Bạch Mã cảnh báo về sự xâm lăng nguy hại của cây lang rừng vào các khu rừng cấm Sơn Trà và Bạch Mã thì một số doanh nghiệp bảo dưỡng đường Hồ Chí Minh ở Quảng Nam lại phổ biến kinh nghiệm trồng loài cây ngoại lai này để chống sạt lở đường…

Theo mô tả của các nhà nghiên cứu Pháp hồi đầu thế kỷ trước, dãy núi Trung Kỳ (Trường Sơn) khởi nguyên từ thượng nguồn sông Cả kéo về phía đông nam đến tận ranh giới với Nam Bộ, đường chia nước (phân thủy) giữa sông Mekong và các sông nhỏ đổ vào biển Đông đồng thời tạo ra xương sống của bán đảo Đông Dương.

Sau này, một số nhà nghiên cứu mở rộng ranh giới phía Bắc của dãy Trường Sơn khiến cho khái niệm về dãy núi này không thống nhất. Việc phân chia dãy Trường Sơn thành các vùng Bắc, Trung và Nam Trường Sơn cũng chưa thống nhất; tên Trường Sơn cũng chưa được xác định rõ được đặt từ năm nào.

Bích Ngọc

(Đất VIệt, 11/3/2010)

Lượt xem : 2636