Cựu chiến binh Công ty B58 - tỉnh Bình Phước bảo vệ Cây Di sản Việt Nam làm cơ sở giáo dục truyền thông cho thanh thiếu nhi
4/13/2015 12:04:00 PM
(VACNE) - Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết 5 năm Sự kiên Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam tại Việt Trì, Phú Thọ ngày 19/4/2015
CỰU CHIẾN BINH CÔNG TY B58 - TỈNH BÌNH PHƯỚC BẢO VỆ CÂY DI SẢN VIỆT NAM LÀM CƠ SỞ GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG CHO THANH THIẾU NHI
Nguyễn Thị Hồng Tươi
Ủy viên BCH Hội bảo vệ TN&MT Việt Nam
Xuất phát từ tình yêu với rừng nên khi được biết thông tin tại Huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Lễ công nhận 2 cây đa sộp trên 300 tuổi là cây di sản Việt Nam tôi đã quyết tâm đi dự để được tận mắt thấy cây di sản quý trên huyện Đảo thiêng liêng, xa xôi của Tổ quốc. Thật may mắn khi trên chuyến tàu ra huyện đảo, tôi được gặp TS. Trần Văn Miều – Trưởng ban Truyền thông, Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam. Qua câu chuyên, tôi được biết Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam là người khởi xướng và thực hiện ý tưởng tổ chức sự kiện tôn vinh cây Di sản Việt Nam.
Được tận mắt nhìn thấy cây Di sản Việt Nam, tôi nghĩ đến những cây cổ thụ, có những cây cả chục người ôm không xuể tại Khu rừng thuộc Tiểu khu 379 Mã Đà do Công ty TNHH Sản xuất Thương mại dịch vụ B58 (Công ty B58), tỉnh Bình Phước quản lý, khoanh nuôi, bảo vệ. Tôi biết rằng, những cây cổ thụ trong khu rừng do Công ty B58 quản lý có đủ điều kiện là cây Di sản Việt Nam.
Công ty B58, tỉnh Bình Phước là đơn vị có 5 thành viên đều là cựu chiến binh, hơn 20 cán bộ, công nhân viên đều là cựu chiến binh, cựu quân nhân và con em gia đình có công với cách mạng. Công ty chúng tôi đang thực hiện công tác quản lý, khoanh nuôi bảo vệ 512 ha rừng tự nhiên tại tiểu khu 379 Mã Đà.
Tập thể cán bộ, nhân viên Công ty đều là cựu chiến binh đã không quản gian lao, vất vả, chung sức đứng ra bảo vệ khu rừng không bị lâm tặc chặt phá, lấn chiếm. Khu rừng này, vào năm 1996, được UBND tỉnh Sông Bé giao cho Ban liên lạc khối tình báo B58, thuộc Hội Cựu chiến binh thành phố Hồ Chí Minh quản lý, bảo vệ. Ngày ấy, khu rừng này xơ xác, vì bị khai thác đến cạn kiệt. Trong những năm còn dưới chế độ Ngụy quyền, Lệ Xuân đã cho người vào khu rừng này khai thác tất cả những cây gỗ quý để phục vụ cho chiến tranh. Khi khối tình báo B58 nhận bàn giao, khu rừng này thuộc diện nghèo kiệt, trong rừng chỉ còn một số cây Kơnia, cây Tung, cây Bằng lăng…là cây cổ thụ. Đến năm 2007 do rừng Bình Phước bị chuyển đổi trồng cao su hàng loạt nên Ban liên lạc khối tình báo chúng tôi đã xin thành lập công ty B58 để có đủ tư cách pháp nhân lập dự án khu du lịch sinh thái bảo vệ rừng bền vững và tôn tạo di tích lịch sử. Từ giai đoạn này, lãnh đạo Công ty B58 cũng là lãnh đạo của khối tình báo trước đây là đơn vị trực tiếp quản lý, bảo vệ khu rừng. Công ty đã lập 5 chốt bảo vệ rừng, các chốt trưởng đều là cựu chiến binh và là đảng viên. Công ty B58 tự bỏ kinh phí để thuê 20 người (tất cả là cựu chiến binh) trông coi bảo vệ 24/24 giờ, ngoài ra Công ty còn tổ chức một đội cơ động gồm 15 người để khi có tình huống đột xuất thì xử lý kịp thời. Nhiều lần, anh em bảo vệ ở đây đã phải đấu tranh ngăn chặn những kẻ xấu vào phá rừng để trồng cao su. Có những lần, anh em bị chúng đánh đến trọng thương. Tuy chịu vất vả, hy sinh, nhưng lãnh đạo Công ty B58 và anh em bảo vệ khu rừng luôn nhận được sự động viên, hỗ trợ của lãnh đạo Hội và lực lượng cựu chiến tỉnh Bình Phước.
Trong suốt 20 năm qua, chúng tôi bảo vệ rừng hoàn toàn bằng nguồn vốn của Công ty. Từ năm 2009 đến nay tỉnh Bình Phước đã tổ chức 8 lần kiểm tra, trong đó 4 lần của Sở Nông nghiệp, 2 lần của Thanh tra tỉnh, 1 lần của Chủ tịch và Phó Chủ tịch tỉnh Bình Phước cùng các lãnh đạo, giám đốc các sở ngành, 1 lần của Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sau 8 lần kiểm tra đều thống nhất kết luận: “Công ty B58 bảo vệ rừng tốt, rừng phát triển ổn định không bị tác động”.
Lãnh đạo Hội Cựu chiến binh tỉnh Bình Phước nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ khu rừng có các di tích lịch sử Chiến khu D. Tôi còn nhớ, một lần anh Huỳnh Thiện Hùng – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Bình Phước giao nhiệm vụ cho Công ty B58, "Các đồng chí không chỉ làm nhiệm vụ khoanh nuôi bảo vệ khu rừng này, mà còn làm nhiệm vụ chuẩn bị dự án xây dựng khu di tích lịch sử Chiến khu D. Ở trong khu rừng này còn có những căn hầm bí mật của các đồng chí cán bộ lãnh đạo trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Anh em cựu chiến binh ở Bình Phước hy vọng sẽ xây dựng nơi đây thành khu du lịch sinh thái kết hợp với giáo dục truyền thông cách mạng cho thế hệ trẻ mai sau".
Công ty chúng tôi không phụ lòng tin của lãnh đạo Hội cựu chiến binh tỉnh Bình Phước. Trong 20 năm qua, chúng tôi đã bảo vệ được rừng, không bị xâm hại, đã khoanh nuôi phát triển từ khu rừng nghèo kiệt trở thành khu rựng tự nhiên, có nhiều cây thân to cao thẳng tắp. Hệ thực vật ở đây rất phong phú, trữ lượng gỗ được nâng cao (ước đạt gần 300 M3/Ha). Để biến từ một khu rừng nghèo kiệt thành khu rừng giàu trữ lượng, anh em cựu chiến binh ở đây đã không những chỉ bỏ công, bỏ sức, mà cả bỏ tiền ra khoanh nuôi bảo vệ rừng. Chúng tôi đã lập ra 5 chốt canh để bảo vệ rừng, đã đào rãnh xung quanh để làm đường ranh cản lửa phòng chống cháy rừng, đã chia lô, chia khoảnh để theo dõi sự phát triển của rừng và đặc biệt cựu chiến binh đã biết tên từng loài cây và loại cây ấy thuộc nhóm gỗ nào, biết giá trị của từng loài, biết ở đâu có thú rừng sinh sống...
Sau Lễ công nhận cây Di sản trên huyện đảo Lý Sơn, tôi đã mời Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Phúc Thanh - Nguyên Phó chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và TS. Trần Văn Miều lên thăm khu rừng do Công ty B58 được giao khoán khoanh nuôi, bảo vệ.
Khu rừng chỉ cách thị xã Đồng Xoài gần 30 cây số nhưng anh em bảo vệ ở đây phải chịu cảnh "bốn không" - không nhà, không điện, không nước và không tivi. Anh em bảo vệ phải hứng nước mưa chứa vào bồn để nấu ăn. Còn chiếc bể làm bằng ni lông, chứa nước mưa để tắm giặt. Giường của các anh em bảo vệ là những cành cây được ghép thành chỗ nằm ngủ quanh năm suốt tháng. Được tận mắt chứng kiến cảnh thiếu thốn đủ thứ của các anh cựu chiến binh, Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh đã trăn trở và xúc động: “các đồng chí cựu chiến binh đã phát huy truyền thống “Bộ đội cụ Hồ”, không quản ngại khó khăn, vất vả và kể cả nguy hiểm để bảo vệ "lá phổi xanh" trên mảnh đất Chiến khu D lịch sử thật đáng quý”.
Tôi đưa mọi người vào xem một cây Kơnia nằm ngày ở bìa rừng. Cây Kơnia này có đường kính trên 3 mét, chiều cao hơn 40 mét. Mọi người đi quanh gốc cây Kơnia. Bảy người chúng tôi tự nắm tay nhau, ôm vào gốc cây mà không hết. Theo ước tính của mọi người thì cây Kơnia này ít nhất cũng phải trên 200 tuổi.
Một ngày, đi khảo sát rừng, anh em cựu chiến binh đã chụp ảnh, lập bản phân loại trên một trăm cây cổ thụ trên 200 tuổi trong khu rừng thuộc Tiểu khu 379 để lập hồ sơ xin công nhận là cây Di sản Việt Nam.
Ngay ngày hôm sau, chúng tôi đã làm xong hồ sơ, thông qua TS. Trần Văn Miều gửi cho Hội đồng cây Di sản Việt Nam xét công nhận.
Ngày 18 tháng 9 năm 2014, theo đề nghị của Hội đồng cây di sản, Chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã ký quyết định số 398 QĐ – HMTg công nhận 54 cây cổ thụ, trong đó có 35 cây Kơnia (chiếm 65,0% số cây được công nhận) thuộc Tiểu khu 379 Mã Đà, xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước là cây Di sản Việt Nam.
Nhận được tin này, lãnh đạo Hội và anh em cựu chiến chinh tỉnh Bình Phước và hội cựu chiến binh TP. Hồ Chí Minh rất vui và tự hào. Chúng tôi coi đây là niềm vinh dự mà Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trao gửi. Đây là cơ hội tốt, là cơ sở khoa học và pháp lý để Công ty B58 cùng anh em cựu chiến binh Bình Phước quyết tâm bảo vệ khu rừng thuộc tiểu khu 379 Mã Đà làm nơi bảo tồn đa dạng sinh học miền Đông Nam Bộ, làm nơi giáo dục ý thức bảo vệ môi trường và truyền thống cách mạng cho tuổi trẻ Việt Nam.
Ngày 05/04/2015 vừa qua, công ty chúng tôi được vinh dự đón tiếp Thiếu tướng Võ Văn Cổ - Phó tham mưu Trưởng - Bộ tham mưu Quân khu 7, thiếu tướng Trần Đình Hạng – Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh TP.HCM, nguyên Chính ủy Binh đoàn 16 và hiệp hội doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam cùng nhiều cựu chiến binh vào thăm khu rừng chiến trường xưa. Các vị tướng lĩnh và các đồng chí cựu chiến binh đều phấn khởi trước thành quả khu rừng do Công ty bảo vệ có tới 54 cây được công nhận là cây di sản Việt Nam và xem đây là trách nhiệm chung của tập thể những người cựu chiến binh không những tỉnh Bình Phước mà cả Quân khu 7 và cựu chiến binh TP Hồ Chí Minh. Điều này vừa tăng tính tuyên truyền, tăng tính liên kết để chung tay bảo vệ phát triển rừng và cây di sản Việt Nam.
Thay mặt Công ty B58, tôi xin cam kết bảo vệ tốt khu rừng thuộc tiểu khu 379 Mã Đà, trong đó có 54 cây là cây Di sản Việt Nam để xây dựng “bảo tàng” thiên nhiên phục vụ cho công tác giáo dục ý thức bảo vệ môi trường và truyền thống cách mạng. Nguyện vọng của Công ty chúng tôi sẽ thực hiện nơi đây là khu du lịch sinh thái, bảo vệ rừng bền vững và xây dựng tôn tạo khu du tích lịch sử chiến khu D miền Đông Nam bộ có tầm cỡ để cho cán bộ, nhân dân tỉnh Bình Phước cùng cả nước đến tham quan khu rừng này và thắp nén nhang để tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh tại chiến trường này, vì nơi đây còn rất nhiều mộ của những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh và những di tích hầm hào địa đạo của 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
Tại Hội nghi này, tôi xin gửi lời cảm ơn của Hội Cựu chiến binh và anh em cựu chiến binh tỉnh Bình Phước đến các nhà khoa học, cán bộ của Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam vì sự giúp đỡ chúng tôi trong thời gian qua. Rất mong có dịp nào đó, xin được kính mời quý vị vào thăm khu rừng do Công ty chúng tôi quản lý. Rất mong, các quý vị được đứng dưới gốc cây Kơnia thần tích.
Xin chúc Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam và Hội đồng cây Di sản phát triển bền vững. Chúc cho nước ta ngày càng có nhiều cây Di sản được công nhận.
Bình Phước, ngày 06 tháng 4 năm 2015.
Các cựu chiến binh dưới gốc cây Konia cao 45m, chu vi 11m
Lượt xem : 2408